Đau ngang thắt lưng không phải là một bệnh mà nó là một biểu hiện có thể do bạn đang mắc phải một hoặc một số bệnh lý nào đó.
Bệnh lý gây triệu chứng đau ngang thắt lưng phổ biến nhất là thoái hóa xương khớp, sự lão hóa vì tuổi tác hoặc chấn thương (do tập luyện, chơi thể thao, tai nạn,…) có thể khiến các khớp bị thoái hóa, đặc biệt là các khớp cột sống thắt lưng lâu ngày sẽ gây ra tình trạng đau ngang thắt lưng.
Bên cạnh thoái hóa khớp thì bệnh lý cơ xương khớp thứ hai gây chứng đau ngang thắt lưng là bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vùng sợi chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống.
Tỉ lệ nam giới bị thoát vị đĩa đệm cao hơn tỉ lệ nữ giới (nam khoảng trên 80%) và đặc biệt ở những đối tượng lao động chân tay, mang vác nặng, ngồi, đứng lâu.
Bên cạnh đó, còn có các bệnh lý về thận (viêm thận, u thận, lao thận, ứ nước bể thận,…) và các bệnh lý về sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo) cũng có thể gây đau ngang vùng thắt lưng.
Người bị đau ngang thắt lưng có thể đau dữ dội tại một thời điểm (đau cấp tính) hoặc đau ê ẩm kéo dài (đau mạn tính). Đau ngang thắt lưng thường xảy ra ở vị trí 1/3 dưới lưng nằm giữa hai gai mào chậu.
Vị trí đau có thể ở chính giữa cột sống thắt lưng hay hai bên cột sống thắt lưng. Tùy theo mức độ của bệnh mà có sự lan tỏa khác nhau.
Nguyên tắc là điều trị giảm đau và điều trị nguyên nhân. Một số thuốc giảm đau có thể được sử dụng để hỗ trợ, tuy nhiên sử dụng loại thuốc nào với hàm lượng bao nhiêu cần được sự tư vấn từ bác sĩ.
Đối với các bệnh lý về cơ xương khớp, cần được thăm khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khóa cơ xương khớp. Một số bệnh lý có thể sử dụng điều trị nội khoa nhưng cũng có trường hợp phải thực hiện phẫu thuật thay khớp nhân tạo. Vì vậy, bạn cần thăm khám và điều trị đúng chuyên khoa.
Các bệnh lý về thận, tiết niệu cần thăm khám chuyên khoa Thận – tiết niệu, để lựa chọn phương pháp điều trị như tán sỏi thận, sỏi tiết niệu bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da hay tán sỏi nội soi ngược dòng bằng Laser. Bên cạnh đó các bệnh lý như ứ nước bể thận, u thận có thể phải can thiệp bằng phẫu thuật ngoại khoa. Do đó cách tốt nhất là bạn nên đi thăm khám sớm khi có các dấu hiệu nghi ngờ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh