✴️ Hạ đường huyết khi tập thể dục

Glucose là nguồn năng lượng chính cho cơ thể. Trong khi tập luyện, cơ thể cần nhiều năng lượng hơn, vì vậy tiêu thụ nhiều glucose hơn. Điều này làm tăng nhu cầu glucose, có thể dẫn đến hạ đường huyết. Các yếu tố khác cũng có thể đóng một vai trò nào đó.

Hạ đường huyết khi tập thể dục (Exercise-induced hypoglycemia - EIH) là tình trạng hạ đường huyết trong hoặc sau khi tập thể dục. Tình trạng này có thể gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm: suy nhược, run rẩy và mệt mỏi quá mức.

 

1. Định nghĩa

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu không đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Thông thường, khi lượng đường máu thấp hơn 70 mg/dl được xem là hạ đường huyết. Tuy nhiên, hầu hết người bị hạ đường huyết không có biểu hiện triệu chứng cho đến khi lượng đường máu thấp hơn 55 mg/dl.

Cơ thể chuyển hóa carbohydrate thành đường glucose. Sau đó, đường đi vào dòng máu và tuyến tụy sẽ phản hồi bằng cách tạo ra insulin. Insulin giúp glucose vào các tế bào cơ thể để sử dụng nó làm nhiên liệu.

Tập luyện làm tăng nhu cầu glucose vì khi các cơ hoạt động cần một lượng lớn nhiên liệu cung cấp. Tập luyện cũng có thể khiến chúng ta nhạy cảm hơn với insulin, điều này nghĩa là insulin sẽ hoạt động hiệu quả hơn và làm giảm lượng đường trong máu nhanh hơn. Do đó, các yếu tố này đồng thời xảy ra có thể dẫn đến hạ đường huyết khi tập thể dục.

Một người có thể bị hạ đường huyết khi tập thể dục nếu họ:

  • Tập luyện cường độ cao dẫn đến cần nhiều năng lượng hơn
  • Có đường huyết thấp, chẳng hạn như đang đói hoặc sử dụng thuốc trị tiểu đường
  • Nhạy cảm với insulin hoặc sử dụng insulin

 

2. Triệu chứng

Glucose là nguồn cung cấp nhiên liệu cho hầu hết các chức năng chính của cơ thể. Do đó, các triệu chứng của hạ đường huyết khi tập thể dục có thể khác nhau. Một số dấu hiệu và triệu chứng có thể xảy ra như:

  • Yếu người
  • Run giật
  • Chóng mặt
  • Lú lẫn
  • Lo âu
  • Ngất

Hạ đường huyết kéo dài hoặc nghiêm trọng có thể gây đe dọa tính mạng. Nó có thể dẫn đến co giật, hôn mê, tử vong.

 

3. Nguyên nhân

Tập luyện khiến cơ thể cần nhiều năng lượng hơn vì vậy cơ thể cần phải tiêu thụ lượng glucose nhiều hơn. Hạ đường huyết có thể xảy ra ở những người có tình trạng đường huyết thấp sẵn, hoặc những người có cơ địa chuyển hóa glucose nhanh chóng.

Một số yếu tố có thể dẫn đến hạ đường huyết khi tập thể dục như:

  • Sử dụng insulin hoặc các thuốc điều trị tiểu đường
  • Ăn không đủ hoặc nhịn ăn
  • Không sử dụng đủ lượng carbohydrate
  • Tập luyện ngay sau bữa ăn
  • Bị bệnh
  • Uống quá nhiều đồ có cồn nhưng không ăn

Đối với một số người, tập thể dục kích hoạt lượng insulin tăng đáng kể, giúp loại bỏ glucose khỏi máu. Sự tăng đột biến này có thể gây hạ đường huyết đột ngột, ngay cả khi họ có chế độ dinh dưỡng tốt và không dùng thuốc để hạ đường huyết.

Nếu một người bị hạ đường huyết khi tập thể dục mãn tính, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc để đảo ngược tình trạng này. Tuy nhiên, thay đổi lối sống phù hợp có thể giải quyết tình trạng này cho hầu hết mọi người.

 

4. Hạ đường huyết khi tập thể dục có phải là dấu hiệu của bệnh tiểu đường?

Hạ đường huyết khi tập thể dục không nhất thiết là dấu hiệu của tiểu đường. Việc tập luyện đơn thuần có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường có những yếu tố nguy cơ khác dẫn đến hạ đường huyết.

Tiểu đường không được điều trị dẫn đến tăng đường huyết. Người bệnh sử dụng thuốc điều trị để kiểm soát bệnh tiểu đường có thể bị hạ đường huyết nếu sử dụng quá liều lượng. Việc ăn uống không đúng cách kết hợp cường độ hoạt động cũng có thể là một nguyên nhân khác.

Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường có thể bị hạ đường huyết nếu họ dùng thuốc điều trị mà nhịn ăn hoặc ăn kiêng nghiêm ngặt.

Hạ đường huyết khi tập thể dục có phải là dấu hiệu của bệnh tiểu đường

 

5. Điều trị

Đối với người bị hạ đường huyết khi tập thể dục mức độ nhẹ thường không cần phải điều trị. Trong một số tình trường hợp, tình trạng này xảy ra khi một người ăn không đủ liều lượng trước khi tập luyện. Do đó, chúng ta nên ăn bữa ăn giàu carbohydrate trong khoảng 1 – 2 giờ trước khi tập luyện.

hạ đường huyết khi tập thể dục mãn tính đôi khi có thể là dấu hiệu một rối loạn tiềm ẩn của quá trình sản xuất insulin. Nếu một người bị hạ đường huyết khi tập thể dục mãn tính, bác sĩ có thể kê diazoxide để điều trị tình trạng đường huyết thấp.

Ở một số ca hiếm, bác sĩ có thể đề nghị loại bỏ một phần tuyến tụy nhằm làm chậm quá trình sản xuất insulin.

 

6. Phòng ngừa hạ đường huyết khi tập thể dục

Đối với bệnh nhân tiểu đường:

Theo Hiệp hội Đái tháo đường của Mỹ (ADA) khuyến cáo bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị tiểu đường để kiểm soát đường huyết nên kiểm tra đường huyết trước khi tập luyện. Nếu chỉ số đường dưới 100 mg/dl, họ nên tiêu thụ 15 – 20g carbohydrate nhằm tăng lượng đường trong máu có thể bằng một trong các cách như:

  • 4 viên glucose
  • 1 ống glucose dạng gel
  • 1 thìa mật ong hoặc đường
  • 120ml soda hoặc nước trái cây

Theo ADA, người bệnh nên kiểm tra lại đường huyết sau 15 phút. Nếu kết quả vẫn dưới 100 mg/dl, họ nên sử dụng thêm 15g carbohydrate khác và nên lặp đi lặp lại các bước này sau mỗi 15 phút cho đến khi mức đường huyết tối thiểu là 100 mg/dl.

Một đánh giá năm 2019 về tập luyện kị khí, chẳng hạn như tập thể dụng cường độ cao ngắt quãng có thể làm giảm nguy cơ hạ đường huyết ở những người tiểu đường. Phương pháp này bao gồm những đợt hoạt động cường cao ngắn xen kẽ giữa các khoảng nghỉ ngơi.

Đối với người không bị tiểu đường:

Những người không có bị tiểu đường có thể phòng ngừa hạ đường huyết khi tập thể dục bằng cách:

  • Xây dựng dần dần các chu trình tập luyện mới để cơ thể có thời gian thích nghi
  • Chế độ dinh dưỡng đảm bảo trong ngày
  • Tránh sử dụng đồ uống có cồn trước khi tập luyện

Những người cảm thấy run hoặc chóng mặt trong khi tập luyện nên dừng lại và nghỉ ngơi. Họ nên thử uống 4 oz (113 g) nước trái cây hoặc ăn một miếng bánh mì nướng, sau đó mới tiếp tục tập luyện.

 

7. Khi nào cần đi khám?

Hạ đường huyết có thể đe dọa tính mạng nếu nồng độ đường trong máu quá thấp. Những người có một hoặc nhiều hơn các triệu chứng sau đây cần được cấp cứu ngay lập tức như:

  • Lú lẫn
  • Co giật
  • Mất nhận thức
  • Các triệu chứng vẫn tồn tại mặc dù đã nghỉ ngơi hoặc bổ sung thức ăn.

Chúng ta nên đi khám nếu thường bị hạ đường huyết khi tập luyện hoặc hạ đường huyết nhiều lần. Đối với những người bệnh tiểu đường, đây có thể là dấu hiệu của việc sử dụng thuốc không đúng liều lượng hoặc đúng cách.

 

8. Tổng kết

Hạ đường huyết là khi lượng đường trong máu quá thấp không đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho cơ thể. hạ đường huyết khi tập thể dục là tình trạng hạ đường huyết trong hoặc sau khi tập luyện. Tình trạng này có thể xảy ra ở những người có hoặc không có bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ bị hạ đường huyết khi tập thể dục, đặc biệt nếu họ sử dụng insulin hoặc thuốc điều trị nhằm kiểm soát đường huyết. Trong một số tình huống, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng thuốc.

Ở những người không bị tiểu đường, hạ đường huyết khi tập thể dục thường xảy ra do ăn không đủ trước khi tập luyện, họ cơ thể không có đủ thời gian phù hợp để thích nghi với chế độ tập luyện mới. Nếu một người thường bị hạ đường huyết khi tập thể dục mặc dù đã có những biện pháp phòng ngừa thích hợp, họ nên đi khám bác sĩ để xác định xem nguyên nhân tiềm ẩn nào dẫn đến tình trạng này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top