✴️ Hạ đường huyết phản ứng là gì?

Một vài triệu chứng hạ đường huyết phản ứng như là lú lẫn, run tay và lo lắng. Một người có thể giảm nguy cơ hạ đường huyết phản ứng nhờ việc điều chỉnh chế độ ăn uống như là ăn nhiều bữa nhỏ, đều đặn và hạn chế lượng đường trong thực phẩm.

Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết là thuật ngữ chỉ tình trạng glucose trong máu hay đường huyết xuống thấp hơn bình thường. Một vài yếu tố ảnh hưởng tới nồng độ máu bao gồm:

  • Vận động;
  • Lượng đường hay các loại carbohidrate khác trong thức ăn;
  • Lượng insulin được tiết ra trong máu.

Khi một người tiêu thụ carbohydrate từ tinh bột, hoa quả, sữa, bánh kẹo… cơ thể sẽ chuyển hoá chúng để tạo thành glucose. Đáp lại sự tăng glucose trong máu, tuyến tụy tiết ra hóc môn insulin, giúp glucose đi từ máu vào các tế bào trong cơ, gan và não. Để cơ thể hoạt động bình thường, những tế bào trong cơ thể cần glucose để làm nguồn cung cấp năng lượng.

Có nhiều loại hạ đường huyết khác nhau. Thường gặp nhất là hạ đường huyết ở người bệnh bị đái tháo đường do tiêm insulin quá liều hoặc uống thuốc trị đái tháo đường quá liều.

Hạ đường huyết phản ứng là một tình trạng hiếm gặp, được các bác sĩ phân loại là hạ đường huyết không do bệnh tiểu đường. Nó xảy ra khi lượng đường trong máu dưới 70 miligam / decilit. Tình trạng này thường xảy ra khoảng 2-4 giờ sau bữa ăn. Các triệu chứng hạ đường sẽ cải thiện nhanh sau khi ăn uống thực phẩm có chứa nhiều carbohidrate.

Nguyên nhân

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định đầy đủ các nguyên nhân cụ thể của hạ đường huyết phản ứng. Tuy nhiên, tình trạng này bắt nguồn từ việc có quá nhiều insulin được tiết vào máu không đúng thời điểm.

Một số nguyên nhân có thể:

  • Rối loạn dung nạp đường, có thể khiến tuyến tụy khó sản xuất đủ lượng insulin
  • Thiếu hụt enzym hiếm gặp, có thể khiến dạ dày và ruột khó phân hủy thức ăn
  • Phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, điều này có thể khiến thức ăn đi qua dạ dày vào ruột quá nhanh.

Triệu chứng

Người bị hạ đường huyết phản ứng có thể có một vài triệu chứng sau đây:

  • Cảm giác đói;
  • Run tay;
  • Mệt mỏi;
  • Vã mồ hôi;
  • Cảm giác yếu;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Cảm giác lo lắng;
  • Tim đập nhanh;
  • Nặng đầu;
  • Lú lẫn, lơ mơ.

Triệu chứng hạ đường huyết

Điều trị

Hầu hết hạ đường huyết phản ứng không cần thiết điều trị đặc hiệu. Thay vào đó, người bệnh sẽ được hướng dẫn thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát các triệu chứng.

Còn khi bạn có các triệu chứng hạ đường huyết, bạn cần bổ sung ngay thực phẩm có chứa đường như nước trái cây, trà đường…

Một nghiên cứu cho rằng một số người bị hạ đường huyết phản ứng cũng có thể có lợi khi uống thuốc trị đái tháo đường, chẳng hạn như metformin. Những người này thường là những người mà bác sĩ nghi ngờ có thể bị rối loạn dung nạp đường. Metformin có thể giúp giảm các triệu chứng vì rối loạn dung nạp đường là một nguyên nhân có thể gây ra loại hạ đường huyết này.

Chế độ ăn và các phương pháp khắc phục

Áp dụng các lời khuyên về chế độ ăn dưới đây có thể giúp cải thiện hạ đường huyết phản ứng:

  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày: Ăn một lượng nhỏ thức ăn sau mỗi vài giờ có thể giữ cho lượng đường trong máu không tăng cao đột ngột như sau khi ăn một bữa lớn.
  • Hạn chế ăn nhiều thức ăn hoặc đồ uống có lượng đường cao, chẳng hạn như các món tráng miệng, trà đường và nước hoa quả: Những thực phẩm này có thể kích hoạt sự gia tăng quá mức insulin, dẫn đến giảm nhanh lượng đường trong máu.
  • Dùng protein nạc (lean protein) và chất béo lành mạnh trong chế độ ăn uống: Ví dụ về protein nạc bao gồm cá và thịt gia cầm bỏ da, còn các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như quả bơ và dầu ô liu…
  • Ăn các thức ăn giàu chất xơ: như là trái cây, rau xanh, đậu hay các loại ngũ cốc.
  • Hạn chế thức uống có cồn: rượu bia cũng có thể gây hạ đường huyết. Sẽ tốt hơn nếu uống bia rượu vừa phải cùng với thức ăn.
  • Hạn chế thức uống chứa caffeine: như cà phê, trà hay một số loại nước giải khát có caffein. Các chất kích thích này cũng sẽ gây ra các triệu chứng giống hạ đường huyết.

Theo một nghiên cứu, một số người bị hạ đường huyết phản ứng có thể được hưởng lợi từ việc áp dụng thực hành lối sống phòng ngừa bệnh đái tháo đường. Những người này có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, chẳng hạn như thừa cân và tiền sử gia đình mắc bệnh...

Ngoài việc giúp ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh đái tháo đường, những khuyến cáo này có thể làm giảm các triệu chứng của hạ đường huyết. Ngoài việc ăn uống lành mạnh, các chuyên gia cũng khuyến khích:

  • Tăng cường hoạt động thể lực điều đặn;
  • Hạn chế stress;
  • Chia sẻ những khó khăn trong chế độ ăn và vận động với người thân.

Khi nào nên gặp bác sĩ

Nếu một người có những biểu hiện của hạ đường huyết, bạn nên đi khám. Qua thăm khám và các xét nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá bạn có rối loạn dung nạp đường hay mặc bệnh đái tháo đường hay không. Nếu cần thiết, bạn sẽ cần lời khuyên từ các bác sĩ chuyên khoa nội tiết hay chuyên gia dinh dưỡng.

Tổng kết

Hạ đường huyết phản ứng là tình trạng lượng đường trong máu giảm thấp xảy ra sau ăn vài giờ và được phân loại là hạ đường huyết không có bệnh đái tháo đường.

Khi một người có biểu hiện hạ đường huyết phản ứng, cách điều trị nhanh nhất đó là nhanh chóng ăn hoặc uống thực phẩm nhiều đường dễ dung nạp như là nước trái cây, trà đường.

Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn chặn lượng đường tăng đột biến trong máu dẫn đến hạ đường huyết phản ứng sau đó.

Xem thêm: Hạ glucose máu trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top