✴️ Khô miệng và những bệnh liên quan

1. Giới thiệu về khô miệng

Theo giới tính: khô miệng thường xảy ra ở phụ nữ hơn ở nam giới. Lý do của điều này chưa rõ ràng nhưng được cho là do sự khác nhau của hormon và tuổi tác, nhưng, ngoại trừ việc khô miệng thường xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh, còn thì bằng chứng rất sơ sài. Khô miệng cũng là đặc điểm nổi bật của nhiều bệnh tự miễn.

Theo tuổi tác: Nhiều nghiên cứu về dân số học đã cho thấy rằng khô miệng thường xảy ra ở người già hơn người trẻ hay người trung niên. Có thể người già mắc nhiều chứng bệnh mãn tính, sử dụng thuốc kéo dài. Chứng khô miệng tăng lên có liên quan với việc tăng số lượng thuốc sử dụng và việc giảm tình trạng sức khoẻ toàn diện.

2. Các triệu chứng kết hợp với khô miệng

Khô miệng hiếm khi là một triệu chứng đơn độc. Các triệu chứng vùng miệng luôn kết hợp theo sau hiện tượng khô miệng mãn tính, kéo dài; các triệu chứng toàn thân thường có liên quan với khô miệng và là biểu hiện của nhiều biểu hiện rối loạn toàn thân.

Khô miệng thường xuất hiện cùng với giảm nước bọt. Những thuộc tính có điều kiện này gây ra sự suy yếu về chức năng của khoang miệng theo thời gian. Việc giảm lưu lượng nước bọt thường gây ra sự khó khăn trong nói, nếm và nhai. Bệnh nhân có thể có khó khăn trong việc nhai và nuốt những thức ăn khô bởi vì khó làm ẩm thức ăn. Họ thường thấy khát, phải nhấp nước để dễ dàng nuốt, và có thể để nước bên cạnh giường ngủ vào ban đêm. Họ thấy khó khăn khi mang hàm giả. Thông thường có sự loãng hoặc mất đi lớp mucin bảo vệ niêm mạc miệng, và bệnh nhân có thể thấy nhạy cảm đặc biệt với thức ăn mặn hay cay. Ngoài ra, có thể cócảm giác châm chích hay nóng bỏng niêm mạc miệng, đặc biệt ở lưỡi. Và, theo mô tả của Psalms, có triệu chứng “lưỡi dính chặt vào vòm miệng”. Nặng hơn nữa, họng và thực quản có thể khô và sưng các tuyến nước bọt.

Khô miệng có thể là biểu hiện kết hợp với một loạt các bệnh toàn thân và thường liên quan tới các cơ quan khác, hay gặp nhất là mũi, mắt, da, âm đạo. Vùng mắt và âm đạo có cảm giác bị kim châm, rát bỏng và có thể có gia tăng sự nhiễm trùng. Khô miệng và nhiều triệu chứng kết hợp của nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Các triệu chứng này ảnh hưởng đến các giác quan cơ bản như vị giác, xúc giác, và thị giác.

3. Triệu chứng lâm sàng

Bốn triệu chứng lâm sàng tiên lượng cao có hay không thiểu năng nước bọt:

+ Khô môi.

+ Khô niêm mạc má.

+ Không có khả năng tiết nước bọt ra từ các tuyến nước bọt chính.

+ Chỉ số răng sâu, mất, trám tăng.

Thăm khám ngoài miệng

Thăm khám có thể thấy những dấu hiệu sưng vùng mặt và cổ. Ngoài ra, nên ấn để đánh giá vùng mặt, tuyến nước bọt, hạch bạch huyết, những bất thường tuyến giáp và để đo lường cường độ của đau.

Một hay nhiều tuyến nước bọt bị phì đại chính là những dấu hiệu cung cấp rất nhiều thông tin:

- Mất toàn bộ chức năng nước bọt khi không kích thích đáp ứng với kích thích nhai, hoặc nuốt là đặc trưng của giảm thiểu nước bọt do thuốc.

- Sưng tuyến dưới hàm hay tuyến mang tai, liên quan với ăn, cho thấy sự nghẽn tắt của tuyến chế tiết chính, ví dụ sỏi nước bọt hay protein nước bọt bị vón cục dẻo. Những khối sưng này thường không kéo dài và mềm. Nếu có sỏi, nó thường được phát hiện dễ dàng bởi cách ấn hai tay trên đường dẫn tuyến nước bọt chính.

- Một khối sưng không kéo dài, tự động biến mất, nhưng hay tái phát, một bên, không đau có thể là sự hiện diện bệnh lý về mạch hoặc cao huyết áp.

- Một khối sưng đau tương đối không kéo dài của tuyến nước bọt gợi ý tình trạng viêm tuyến nước bọt. Điều này có thể do hoặc nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm virut hoặc do sự bùng lên cấp tính của viêm tuyến nước bọt mãn tính. Sự nhiễm khuẩn thường kèm theo sự tiết mủ của tuyến bị ảnh hưởng và thường rất đau khi ấn. Nhiễm virút cũng thường kèm theo tuyến nước bọt sưng, đau nhưng không có hay hiếm khi quan sát thấy bất kỳ sự chế tiết nước bọt nào.

Hình 1: Bệnh nhân nam, thường xuyên bị sưng tuyến dưới hàm bên phải khi ăn. Khám vùng sàn miệng thấy khối sưng khối sưng vùng tuyến dưới lưỡi (A). Ấn hai tay vùng này nghi ngờ có sỏi tuyến nước bọt. Chẩn đoán xác định bằng phim X quang cho thấy sỏi (B, C)

Sự phì đại mãn tính của các tuyến nước bọt chính thường quan sát thấy ở nhiều loại rối loạn. Những rối loạn này gồm có viêm, do chuyển hoá, ví dụ, bệnh viêm tuyến nước bọt, rối loạn tự miễn (như hội chứng Sjogren’s); và khối u tân sinh của tuyến nước bọt (khối u, ung thư hạch bạch huyết, ung thư hạch bạch huyết non- Hodgkin). Bệnh viêm tuyến nước bọt thường kết hợp với chứng nghiện rượu (alcoholism), rối loạn tuyến giáp, đái tháo đường không kiểm soát, suy dinh dưỡng như kwashiorkor, rối loạn ăn uống (bulimia), chứng biếng ăn tâm lý (anorexia nervosa). Nếu có kết hợp khô mắt, khô miệng, mệt mỏi kéo dài thì gợi ý nhiều đến hội chứng Sjogren’s.

Thăm khám trong miệng

Hình 2: Viêm tuyến mang tai Phải do vi khuẩn. Tuyến mang tai sưng (A); dái tai bị ép sang bên do sưng (B). Mủ chảy ra từ lỗ đổ của ống dẫn tuyến mang tai khi ấn bằng tay(C).

Những dấu hiệu lâm sàng kết hợp với khô miệng quan sát thấy trên mô  mềm và mô cứng của miệng và tuyến nước bọt. Niêm mạc miệng có thể khô, teo, tái mầu hoặc xung huyết, và có thể có nhiều dấu hiệu sâu răng. Môi có thể bị nứt nẻ và có thể bị tróc vảy, nứt khóe miệng (chốc mép- angular cheilosis). Bề mặt lưỡi có thể khô và có rãnh nứt, hay xuất hiện những vùng đỏ, xung huyết do kết quả của sự nhiễm nấm.

Niêm mạc má mầu sắc tái và khô, lưỡi thường rút vào má có thể dính vào niêm mạc. Bề mặt lưỡi, có thể xuất hiện màu đỏ do nhiễm nấm men (candida). Tuyến nước bọt có thể sưng, đau .Khi khám không thể nặn nước bọt từ tuyến mang tai và tuyến dưới hàm. Ngoài ra, có thể không có dấu hiệu vũng nước bọt hiện diện bình thường ở sàn miệng. Những thay đổi này trên niêm mạc miệng nói chung, đặc trưng cho chứng khô miệng.

Bệnh nhân có hiện tượng thức giấc lúc ban đêm vì độ khô miệng nhiều. Phải chịu đựng chứng tiểu nhiều và khát nhiều suốt ngày. Các chức năng của miệng như nói, nhai, và nuốt bị cản trở vì độ ẩm và sự bôi trơn bề mặt niêm mạc không đủ.

Hình 3: Môi có thể nứt nẻ (A), nứt và có rãnh (B), chia thuỳ và có rãnh nứt (C).

Ngoài ra, nước bọt là chất bôi trơn hiệu quả tại giao diện hàm giả - niêm mạc. Khi lượng nước bọt càng ít, sự lưu giữ  của hàm giả kém đi và sự ma sát tạo ra khi nhai càng nhiều hơn. Hơn nữa, độ quánh gia tăng và lưu lượng nước bọt giảm làm cho bệnh nhân khó giữ hàm giả.

Hình 4:  Vẻ khô bóng niêm mạc lưỡi

Hình 5: Teo gai lưỡi và dấu hiệu chốc mép trên bệnh nhân Sjogren

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top