Cơ thể của chúng ta được thiết kế để tự điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể. Khi bên ngoài trời lạnh, cơ thể bạn phải đảm bảo giữ cho máu lưu thông đến các cơ quan trọng yếu để giữ ấm cho chúng. Điều này có thể làm thay đổi lượng máu đến bàn tay và bàn chân, khiến bạn cảm thấy lạnh vùng này. Việc này là bình thường. Các mạch máu ở bàn tay và bàn chân co lại khi trời lạnh để ngăn sự mất nhiệt bên trong cơ thể.
Tiếp theo, hãy xem xét kĩ hơn về các bệnh lý cụ thể có thể dẫn đến tình trạng bàn tay chân bị lạnh liên tục, bao gồm hội chứng Raynaud và các tình trạng khác có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.
Nhiều yếu tố có thể làm cho bàn tay và chân bị lạnh. Cơ thể của bạn có một ngưỡng cơ sở và phản ứng tự nhiên đối với nhiệt độ thấp.
Các tình trạng sức khỏe phổ biến nhất có thể khiến các chi bị lạnh có liên quan đến lưu thông máu kém hoặc tổn thương dây thần kinh ở bàn tay và bàn chân của bạn.
Dưới đây là một số khả năng:
Thiếu máu là tình trạng cơ thể có ít tế bào hồng cầu khỏe mạnh và hoạt động bình thường. Thiếu máu thường do thiếu sắt gây ra.
Khi bạn bị thiếu sắt, các tế bào hồng cầu của bạn có thể không có đủ hemoglobin (protein giàu sắt) để vận chuyển oxy từ phổi đến phần còn lại của cơ thể. Từ đó có thể làm ngón tay chân bị lạnh.
Bạn có thể làm gì?
Xét nghiệm máu có thể xác định xem máu của bạn có nồng độ sắt thấp hay không. Ăn nhiều thực phẩm giàu sắt (như rau xanh) và bổ sung sắt có thể giúp làm dịu tình trạng lạnh bàn tay và chân của bạn.
Khi động mạch của bạn bị thu hẹp hoặc rối loạn chức năng, lưu lượng máu đến chân và bàn chân giảm. Có một số loại bệnh động mạch.
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) ảnh hưởng đến khoảng 1/3 người trên 50 tuổi mắc bệnh đái tháo đường. PAD thường gây tổn thương thành động mạch ở chi dưới khi có sự tích tụ mảng bám trên thành mạch máu khiến chúng bị thu hẹp.
Tăng huyết áp động mạch phổi nguyên phát gây tổn thương các động mạch phổi, thường liên quan đến bệnh Raynaud.
Các triệu chứng PAD ngoài lạnh chân gồm:
Đau chân khi đang tập thể dục;
Tê hoặc cảm giác châm chích ở chân hoặc bàn chân;
Vết loét trên chân và bàn chân lâu lành.
Các triệu chứng của tăng áp động mạch phổi nguyên phát bao gồm:
Khó thở;
Mệt mỏi;
Chóng mặt.
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, đi kèm với tình trạng bàn tay chân lạnh, hãy đến khám bác sĩ. Điều trị bệnh động mạch sớm có thể cho kết quả tốt hơn.
Tuần hoàn máu kém. Tuần hoàn máu kém là một triệu chứng của bệnh đái tháo đường, đặc biệt là ở tứ chi, có thể làm bàn tay và bàn chân bị lạnh.
Bệnh tim. Bệnh đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và thu hẹp động mạch (do xơ vữa động mạch), cả hai đều có thể góp phần làm lạnh tay chân.
Tổn thương thần kinh. Tổn thương dây thần kinh (bệnh thần kinh ngoại biên), đặc biệt là ở bàn chân, là một biến chứng của bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu cao trong một thời gian dài. Một trong những triệu chứng ban đầu là cảm giác châm chích ở bàn chân hoặc bàn tay.
Bạn có thể làm gì?
Quan trọng là phải giữ cho lượng đường huyết của bạn ổn định và càng gần mức bình thường càng tốt. Ngoài ra, nếu bạn bị tổn thương dây thần kinh, hãy kiểm tra bàn chân cẩn thận để tìm những vết thương mà bạn có thể không cảm thấy nhưng có thể bị nhiễm trùng.
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém và không sản xuất đủ hormone tuyến giáp để giữ cho các chức năng trao đổi chất của cơ thể hoạt động bình thường. Bệnh ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới và phổ biến trên 60 tuổi.
Cảm thấy lạnh là một trong những triệu chứng của bệnh suy giáp. Các triệu chứng khác bao gồm mệt mỏi, đau khớp và cứng khớp, da khô, tóc mỏng và trầm cảm.
Bạn có thể làm gì?
Bác sĩ có thể xác định xem bạn có bị suy giáp hay không bằng xét nghiệm máu. Phương pháp điều trị chính là bổ sung hormone tổng hợp, uống hàng ngày.
Hội chứng Raynaud, còn được gọi là hiện tượng Raynaud hoặc bệnh Raynaud, là tình trạng các ngón tay hoặc đôi khi các bộ phận khác của cơ thể cảm thấy lạnh hoặc tê bì. Đây là kết quả của việc thu hẹp các động mạch ở bàn tay hoặc bàn chân, khiến máu không thể lưu thông bình thường.
Bệnh Raynaud có thể khiến ngón tay của bạn thay đổi màu sắc, chuyển sang màu trắng, xanh lam hoặc đỏ. Khi lưu thông máu trở nên bình thường, bàn tay của bạn có thể ngứa ran, đau nhói hoặc sưng tấy.
Bệnh Raynaud được kích hoạt bởi nhiệt độ thấp hoặc căng thẳng. Nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được hiểu rõ. Bệnh Raynaud được chia thành hai loại chính. Hầu hết mọi người đều mắc chứng Raynaud nguyên phát, được gọi là bệnh Raynaud.
Khi một bệnh lý khác gây ra bệnh Raynaud, nó được gọi là bệnh Raynaud thứ phát, còn được gọi là hiện tượng Raynaud.
Bạn có thể làm gì?
Các phương pháp điều trị bệnh Raynaud bao gồm các loại thuốc giúp cản thiện tuần hoàn và mở rộng mạch máu. Nhưng nhiều người lại không cần điều trị gì.
Đối với một số người mắc bệnh Raynaud nghiêm trọng, việc trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc như thuốc điều trị rối loạn cương dương và kem bôi nitroglycerin có thể có ích.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh Raynaud thứ phát:
Xơ cứng bì, một bệnh tự miễn gây cứng da, thường đi kèm với bệnh Raynaud.
Lupus (Lupus ban đỏ hệ thống) là một bệnh tự miễn khác có thể gây bệnh Raynaud.
Hội chứng ống cổ tay, gây tê bì và suy yếu tay do tình trạng bẫy dây thần kinh giữa, thường đi kèm với bệnh Raynaud.
Sự thiếu hụt vitamin B12 có thể gây ra các triệu chứng thần kinh bao gồm cảm giác tay và chân lạnh, tê hoặc ngứa ran.
Vitamin B12 được tìm thấy trong thịt và các sản phẩm từ sữa, rất quan trọng để duy trì các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Cơ thể của bạn không tự tạo ra vitamin B12, vì vậy bạn cần tiêu thụ từ thực phẩm ăn vào.
Các triệu chứng khác của tình trạng thiếu hụt vitamin B12 gồm:
Mệt mỏi;
Vấn đề về di chuyển và thăng bằng;
Thiếu máu;
Da nhợt nhạt;
Khó thở;
Loét miệng;
Khó khăn trong nhận thức.
Bạn có thể làm gì?
Xét nghiệm máu có thể cho thấy sự thiếu hụt vitamin B12. Các phương pháp điều trị có thể gồm uống thuốc bổ sung, tiêm vitamin B12 và thay đổi chế độ ăn uống.
Hút thuốc lá gây chấn thương cho các mạch máu khắp cơ thể, sau đó các mạch máu này bị thu hẹp và có thể dẫn đến tình trạng lạnh các ngón tay và chân.
Theo thời gian, hút thuốc có thể gây tổn thương các mạch máu trong tim, khiến tim khó bơm máu đi khắp cơ thể. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến chân và bàn chân của bạn.
Bạn có thể làm gì?
Hãy bỏ hút thuốc lá. Có các chuyên gia được đào tạo, các liệu pháp và thậm chí cả các ứng dụng có thể giúp bạn theo dõi quá trình bỏ hút thuốc.
Những yếu tố khác có thể khiến bàn tay và chân bị lạnh bao gồm tuổi tác, tiền sử gia đình và một số loại thuốc. Bên cạnh đó:
Nếu bạn bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc vi rút và bị sốt, bạn cũng có thể bị ớn lạnh.
Đôi khi sự lo lắng có thể khiến bạn lạnh tay và chân.
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa chứng khó tiêu mãn tính và bàn tay và chân bị lạnh.
Một nghiên cứu năm 2018 xem xét mối quan hệ giữa các bệnh lý mãn tính và tình trạng tay chân lạnh, bao gồm huyết áp cao hay thấp và các giai đoạn đau đớn (thống kinh). Nghiên cứu này cũng xem xét những ảnh hưởng văn hóa đến cách mọi người nghĩ về tình trạng lạnh tay chân.
Trẻ em và người lớn tuổi có các yếu tố nguy cơ khác đối với tình trạng lạnh tay chân.
Trẻ em mất nhiệt cơ thể nhanh hơn khi trời lạnh vì chúng có diện tích bề mặt cơ thể lớn hơn so với trọng lượng. Trẻ em có thể không có nhiều chất béo dưới da như một lớp cách nhiệt. Ngoài ra, cơ chế điều hòa thân nhiệt tự nhiên của trẻ em chưa phát triển đầy đủ.
Người lớn tuổi mất khả năng điều hòa thân nhiệt. Các mạch máu ở các chi không dễ co lại để giữ ấm cho cơ thể.
Quá trình trao đổi chất có xu hướng chậm lại theo tuổi tác và điều này cũng có thể là nguyên nhân góp phần. Người lớn tuổi có thể tăng nguy cơ bị lạnh các chi do các bệnh mãn tính và do thuốc.
Nếu bạn luôn bị lạnh bàn tay và chân, bất kể thời tiết bên ngoài hay nhiệt độ xung quanh như thế nào, hãy đến khám bác sĩ. Có thể có một bệnh lý hoặc tình trạng tiềm ẩn cần được điều trị.
Nếu bạn có các triệu chứng khác, như ngón tay hoặc ngón chân đổi màu, khó thở hoặc đau bàn tay hoặc chân, hãy đi khám.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh