✴️ Nguyên nhân gây đau ở miệng và biện pháp phòng ngừa

Nội dung

Đau ở vùng miệng khiến cho nhiều người gặp nhiều khó khăn hơn trong các hoạt động hàng ngày, như đánh răng hay ăn đồ nóng và có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Trong hầu hết các trường hợp, phản ứng kích ứng nhẹ gây đau miệng. Việc tránh các tác nhân gây kích ứng có thể giúp bạn ngăn ngừa đau miệng về sau.

Ngoài ra, đau miệng có thể do các tình trạng bệnh lý nền. Vì một số tình trạng đau miệng có thể lây nhiễm và cần phải điều trị nên nếu bạn lo lắng về tình trạng đau miệng mạn tính hoặc kéo dài, hãy đến khám bác sĩ.

Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểm về các nguyên nhân có thể gặp của tình trạng đau miệng cũng như các phương pháp điều trị.

Nguyên nhân

Phần lớn nguyên nhân gây đau miệng là do sự kích ứng. Nhiều thứ có thể gây kích ứng vùng miệng và gây đau, như:

  • Hàm giả không khít sát;
  • Răng có gờ sắc hay vỡ lớn;
  • Mắc cài hoặc các khí cụ khác, như hàm duy trì;
  • Bỏng miệng do ăn đồ ăn hoặc thức uống nóng;
  • Các tổn thương do sử dụng thuốc lá.

Ở các trường hợp khác, đau miệng còn có thể do:

  • Một số loại thuốc, như thuốc ức chế beta dùng trong điều trị bệnh lý tim mạch;
  • Thức ăn có độ acid cao;
  • Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ;
  • Căng thẳng;
  • Thiếu vitamin và folate.

Các tình trạng và bệnh lý y khoa gây đau miệng gồm:

  • Nhiễm nấm Candida, hay loét miệng, một dạng nhiễm nấm gây ra các mảng trắng và đỏ trong miệng;
  • Herpes simplex gây ra các vết loét lạnh trong miệng và cũng có thể gây loét bộ phận sinh dục;
  • Lichen phẳng, một tình trạng mạn tính gây ra các phát ban viêm, ngứa trong miệng hoặc ngoài da;
  • Nhiệt miệng mạn tính là các mảng trắng hoặc xám có gờ đỏ, phẳng;
  • Viêm nướu miệng, một tình trạng nhiễm trùng đặc biệt phổ biến ở trẻ em. Vết loét tương tự như nhiệt miệng nhưng xuất hiện cùng với các triệu chứng của bệnh cảm lạnh hoặc cúm;
  • Bệnh tay chân miệng gây ra các mảng nhỏ, màu đỏ, đau ở nhiều bộ phận trên cơ thể. Bệnh thường gặp ở trẻ em;
  • Bệnh bạch sản niêm, gây ra các mảng trắng xám gần như bất cứ đâu trong miệng;
  • Bệnh tự miễn có thể gây đau miệng;
  • Hồng ban, một mảng màu đỏ xuất hiện ở sàn miệng và có thể chuyển sang ung thư hoặc tiền ung thư;
  • Ung thư miệng gây ra đau và các sang thương trong miệng.

 

Chẩn đoán

Trong hầu hết các trường hợp, có thể tự xác định nguyên nhân đau miệng của mình. Ví dụ, nếu bạn đã từng bị nhiệt miệng trước đây, bạn sẽ nhận ra nhiệt miệng nếu nó xuất hiện lần nữa.

Một người cắn trúng má sẽ biết được đau miệng là do sự cố này. Người đã được chẩn đoán tình trạng bệnh, như herpes ở miệng, có thể nhận ra các triệu chứng và có biện pháp để kiểm soát sự bùng phát.

Nếu một người bị đau miệng tái phát hoặc không rõ nguyên nhân, bác sĩ có thể khám lâm sàng để tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ cũng có thể thực hiện một số xét nghiệm, như phết sang thương hay xét nghiệm máu.

Nếu nghi ngờ đau miêng là do một bệnh lý nghiêm trọng, bác sĩ có thể sẽ tiến hành sinh thiết để kiểm tra sự hiện diện của tế bào ung thư hay của mô khỏe mạnh khác.

Chẩn đoán

Điều trị

Trong nhiều trường hợp, đau miệng sẽ tự hết mà không cần điều trị. Đau miệng với tổn thương nhỏ sẽ thường biến mất trong vòng 1-2 tuần.

Các mẹo sau đây giúp giảm triệu chứng đau miệng:

  • Súc miệng bằng nước muối;
  • Tránh ăn đồ ăn nóng hay cay;
  • Tránh sử dụng các sản phẩm thuốc lá;
  • Không uống rượu bia;
  • Tránh ăn các trái cây chua hay đồ ăn mặn, vì chúng có thể khiến vết loét thêm đau nhức;
  • Sử dụng nước súc miệng;
  • Uống thuốc giảm đau;
  • Thoa hỗn hợp baking soda và nước vào chỗ đau.

Nếu các biện pháp tại nhà không hiệu quả hoặc tình trạng đau miệng không thuyên giảm, bạn có thể đến khám bác sĩ để được điều trị.

Bác sĩ có thể cho thuốc kháng viêm mạnh hơn hoặc thuốc giảm đau và thuốc bôi. Nếu có một bệnh lý nền gây đau miệng, bác sĩ cũng sẽ lên kế hoạch điều trị cho bạn.

 

Phòng ngừa

Một số cách giúp bạn phòng ngừa đau miệng gồm:

  • Tránh ăn đồ ăn và thức uống nóng;
  • Nhai kĩ và chậm;
  • Tập vệ sinh răng miệng đúng cách;
  • Giảm căng thẳng;
  • Tránh hút thuốc và sử dụng các loại thuốc lá khác;
  • Hạn chế hoặc không uống rượu bia;
  • Uống nhiều nước;
  • Báo cho nha sĩ nếu khí cụ nha khoa đang gây kích ứng;
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục;
  • Dùng son môi có độ SPF để tránh tác hại từ ánh nắng mặt trời.

​​​​​​​

Khi nào nên đến khám bác sĩ?

Bạn nên khám bác sĩ nếu:

  • Đau miệng trở nên nặng hơn hoặc không thuyên giảm theo thời gian;
  • Có dấu hiệu của nhiễm trùng;
  • Các mảng trắng xuất hiện ở nơi bị đau;
  • Đau xuất hiện sau khi dùng thuốc hoặc điều trị ung thư.

​​​​​​​​​​​​​​

Tổng kết

Đau miệng có thể khiến bạn khó chịu và đau đớn. Có nhiều nguyên nhân gây đau miệng, thường gặp nhất là do kích ứng.

Trong nhiều trường hợp, đau miệng sẽ tự khỏi mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, ở những trường hợp khác, bạn có thể cần phải uống thuốc để điều trị nguyên nhân gây đau miệng.

Nếu bạn bị đau miệng thường xuyên và kéo dài hoặc cơn đau ngày càng trầm trọng, tốt nhất hãy đi khám bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top