Quan hệ tình dục qua đường miệng là khái niệm dùng để mô tả hành động một người sử dụng miệng, lưỡi hoặc môi tác động lên bộ phận sinh dục hoặc hậu môn của bạn tình.
Những người quan hệ tình dục qua đường miệng với các bạn tình mắc bệnh truyền nhiễm đều có nguy cơ mắc phải những căn bệnh đó.
Bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục (STD) mà có thể truyền nhiễm qua quan hệ đường miệng có thể gây ảnh hưởng lên nhiều bộ phận trên cơ thể, bao gồm:
- Miệng
- Họng
- Bộ phận sinh dục
- Trực tràng
Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin về những bệnh tình dục có thể lây lan qua quan hệ đường miệng cùng với các dấu hiệu và triệu chứng của chúng kèm theo đó là các thông tin về cách lây nhiễm và các biện pháp điều trị.
Lậu
Lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra.
Triệu chứng
Lậu không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Nếu như có, thì có thể là các triệu chứng sau:
- Tiểu gắt buốt
- Đau họng
- Tiết dịch bất thường ở âm đạo, dương vật hay trực tràng
- Đau hoặc sưng tinh hoàn
- Đau tại trực tràng
Phương thức lây truyền
Lậu có thể bị mắc phải sau khi thực hiện quan hệ tình dục bằng đường miệng với những người đang mắc lậu tại họng, âm đạo, dương vật, niệu đạo, hoặc trực tràng.
Chẩn đoán và điều trị
Có thể xét nghiệm lậu bằng nước tiểu hoặc các chất dịch lấy từ:
- Họng
- Trực tràng
- Niệu đạo nam
- Cổ tử cung
Lậu có thể được điều trị bằng kháng sinh, mặc dù vậy có vài dòng vi khuẩn hiện nay đã có khả năng kháng thuốc.
Nếu như vẫn còn gặp các triệu chứng sau khi điều trị thì nên đi khám ngay.
Tiên lượng
Nếu bệnh nhân không điều trị lậu thì có thể gây ra các biến chứng sức khỏe nặng nề, bao gồm:
- Tăng nguy cơ mắc HIV
- Vô sinh ở nữ
- Viêm mào tinh ở nam
Chlamydia
Chlamydia là bệnh gây ra bởi một vi khuẩn thường gặp là Chlamydia trachomatis.
Triệu chứng
Chlamydia thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu như bệnh nhân bị nhiễm chlamydia tại họng thì có thể bị đau họng.
Nếu như bệnh nhân bị nhiễm trùng tại trực tràng, bộ phận sinh dục, hoặc niệu đạo thì các triệu chứng có thể bao gồm:
- Tiết dịch bất thường, ví dụ như máu, từ âm đạo, dương vật hay trực tràng
- Tiểu rát buốt
- Đau trực tràng
- Đau hoặc sưng tinh hoàn
Phương thức lây truyền
Chlamydia có thể bị mắc phải sau khi thực hiện quan hệ tình dục bằng đường miệng với những người đang mắc chlamydia tại họng, âm đạo, dương vật, niệu đạo, hoặc trực tràng. Những người nhiễm chlamydia tại họng, âm đạo, dương vật hay trực tràng có thể gây lây nhiễm cho người khác.
Chẩn đoán và điều trị
Chlamydia có thể được chẩn đoán qua xét nghiệm nước tiểu hay dịch âm đạo.
Bệnh được điều trị bằng kháng sinh và trong thời gian điều trị thì bệnh nhân nên tránh quan hệ tình dục.
Tiên lượng
Chlamydia có thể được điều trị bằng kháng sinh. Việc điều trị rất quan trọng do bệnh có thể lây nhiễm cho các bạn tình nếu như không được điều trị.
Bệnh cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm:
- Vô sinh ở nữ
- Viêm mào tinh hoàn ở nam
- Tăng nguy cơ nhiễm HIV
- Lây nhiễm cho thai nhi (đối với người đang mang thai)
Giang mai
Giang mai là bệnh gây ra bởi vi trùng Treponema pallidum
Triệu chứng
Các triệu chứng của giang mai lúc ban đầu thường nhẹ và rất dễ bị bỏ qua. Giang mai có bốn giai đoạn, và mỗi giai đoạn có triệu chứng khác nhau:
Giai đoạn 1
- Da vùng nhiễm trùng cộm cứng, tròn (săng giang mai) và có thể không gây đau
Các săng giang mai này có thể tồn tại từ 3-6 tuần và tự biến mất. Tuy các săng biến mất nhưng tình trạng nhiễm trùng vẫn còn. Do đó, bệnh nhân nên tiếp tục điều trị.
Giai đoạn 2
- Các đốm phát ban đỏ và cứng ở trên da
- Tuyến lympho bị sưng phù
- Sốt
- Các vết loét ở trong miệng, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn
- Các đốm nâu đỏ trên lòng bàn tay hay bàn chân
- Đau họng
- Rụng tóc
- Đau đầu
- Sụt cân
- Đau nhức cơ
- Mệt mỏi
Kể cả khi các triệu chứng này biến mất mà không cần điều trị, việc thực hiện điều trị cũng rất quan trọng để có thể loại bỏ được nhiễm trùng và ngăn chặn nó tiến triển đến các giai đoạn xa hơn.
Giai đoạn tiềm ẩn
Giai đoạn tiềm ẩn của giang mai thì không có triệu chứng. Nếu không được điều trị thì bệnh nhân có thể nhiễm giang mai thêm nhiều năm sau nữa không hề hay biết.
Giai đoạn cuối
Thường thì hiếm khi nào bệnh diễn tiến đến giai đoạn cuối, nhưng nó cũng có thể xảy ra 10 - 30 năm sau khi bị nhiễm mà không điều trị.
Bệnh nhân sẽ có các triệu chứng nặng nề khi ở giai đoạn cuối, bao gồm:
- Tổn thương các cơ quan nội tạng
- Các thay đổi về thị lực
Giang mai thần kinh xảy ra khi giang mai lan đến não hoặc hệ thần kinh. Các triệu chứng của giang mai thần kinh có thể có:
- Đau đầu
- Khó khăn trong việc cử động một vài vị trí trên cơ thể
- Cảm giác tê bì
- Sa sút trí nhớ
Giang mai giai đoạn cuối có thể gây tử vong nếu như bệnh nhân không được điều trị.
Phương thức lây truyền
Giang mai có thể lây truyền qua quan hệ tình dục bằng đường miệng, đặc biệt là khi tiếp xúc trực tiếp với sẩn giang mai
Chẩn đoán và điều trị
Bác sĩ sẽ cho thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra xem bệnh nhân có phải là đang mắc giang mai không. Nếu như bệnh nhân có các vết sẩn trên da thì bác sĩ sẽ lấy dịch từ sẩn để xét nghiệm.
Bệnh trị càng sớm càng dễ chữa khỏi. Thông thường các bác sĩ sẽ dùng penicilin dạng tiêm để trị loại nhiễm trùng này.
Tiên lượng
Giang mai có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề và thậm chí có thể gây tử vong nếu như không được điều trị. Nếu như không điều trị, giang mai có thể gây ra:
- Thai lưu
- Tăng nguy cơ bị HIV
- Tổn thương các cơ quan trong cơ thể
- Mù
Nếu như mắc phải giang mai trong khi đang mang thai thì có nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.
Nhiễm hpv
HPV (Human papillomavirus) là bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục thường gặp nhất.
Truyền nhiễm
Bệnh nhân nhiễm HPV có thể không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, HPV có thể gây ra:
- Mụn nhỏ ở trên hoặc xung quanh bộ phận sinh dục hay hậu môn
- Mụn nhỏ ở trong họng
Nếu như bệnh nhân nổi mụn ở trong vùng họng thì có thể gây ra khó thở hoặc việc nói gặp khó khăn.
Phương thức lây truyền
HPV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục bằng miệng, khi tiếp xúc với các vùng bộ phận sinh dục, hậu môn hay trực tràng của người đang mắc HPV.
Các bệnh nhân bị nhiễm HPV ở vùng họng có thể truyền bệnh cho người khác khi quan hệ tình dục bằng miệng.
Chẩn đoán và điều trị
Không có xét nghiệm cụ thể nào có thể dùng để phát hiện HPV, đặc biệt là ở vùng miệng và họng. Một số người có thể tình cờ phát hiện ra HPV khi tầm soát phết cổ tử cung (Pap) cho kết quả bất thường.
Một vài bệnh nhân cũng có thể phát hiện khi bị nổi các mụn nhỏ ở vùng sinh dục hoặc mắc phải một số biến chứng khác.
Các mụn do HPV gây ra có thể điều trị được nhưng virus HPV thì không điều trị được. Mụn có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Đôi khi mụn có thể tự biến mất.
Tiên lượng
HPV thường tự khỏi mà không cần điều trị.
Kể cả đã khi điều trị các mụn do HPV gây ra thì người mang HPV vẫn có thể truyền cho người khác qua đường tình dục.
Một số loại HPV có thể gây ra ung thư, bao gồm ung thư cổ tử cung. Nhiều phụ nữ mắc HPV có thể ngăn được tình trạng tiến triển đến ung thư cổ tử cung nếu như được điều trị một cách đúng và đầy đủ.
Mọi người có thể tiêm ngừa HPV để phòng chống các bệnh do HPV gây ra.
Xem thêm: Những bệnh tình dục có thể lây qua quan hệ đường miệng (P2)
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh