✴️ Những điều cần biết về viêm niêm mạc miệng

Nội dung

Viêm niêm mạc có thể xuất hiện ở bất cứ đâu dọc theo đường tiêu hóa trong đó có khoang miệng. Tình trạng này có thể gây cảm giác đau đớn, khó chịu.

Người đang điều trị ung thư, đặc biệt là điều trị ung thư vùng đầu mặt cổ hoặc hóa trị, có nguy cơ cao xuất hiện tình trạng này.

Các triệu chứng của viêm niêm mạc miệng

Viêm niêm mạc miệng có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau trong đó có một số triệu chứng phổ biến như:

  • Khô miệng;
  • Nước bọt đặc hơn;
  • Tăng lượng dịch nhờn;
  • Nướu bóng, sưng hoặc đỏ;
  • Xuất hiện các mảng trắng mềm hoặc có mủ trên lưỡi;
  • Vết loét trong miệng;
  • Chảy máu miệng;
  • Đau hoặc cảm giác nóng nhẹ khi ăn;
  • Đau khi nuốt hoặc đau khi nói chuyện.

Nguyên nhân nào gây viêm niêm mạc miệng?

Điều trị ung thư là nguyên nhân phổ biến gây viêm niêm mạc. Các phương pháp điều trị sau đây thường gây ra tình trạng này:

  • Hóa trị liệu;
  • Xạ trị vùng đầu, ngực hoặc cổ;
  • Cấy ghép tủy xương;
  • Cấy ghép tế bào gốc.

Các tế bào trong màng nhầy của cơ thể có tốc độ phân chia nhanh chóng, tương tự như tế bào ung thư. Hóa trị và xạ trị tấn công các tế bào ung thư và bất kỳ tế bào phân chia nhanh nào khác, bao gồm luôn cả những tế bào của màng nhầy này.

Khoảng 40% những người được hóa trị có thể bị viêm niêm mạc ở một mức độ nào đó. Nguy cơ này có thể cao hơn đối với những người cũng được xạ trị ở vùng đầu, cổ hoặc ngực. Một số yếu tố cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm niêm mạc bao gồm:

  • Nữ giới;
  • Đã được điều trị ung thư;
  • Bị khô miệng trước và trong khi điều trị ung thư;
  • Mất nước;
  • Mắc bệnh mãn tính như bệnh thận hoặc tiểu đường;
  • Có chỉ số khối cơ thể thấp bất thường;
  • Có sức khỏe răng miệng kém;
  • Hút thuốc lá;
  • Uống rượu.

Các biến chứng có thể xảy ra

Có một số biến chứng của viêm niêm mạc có thể xảy ra như mất cảm giác thèm ăn uống. Ngoài ra, viêm niêm mạc có thể làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus hoặc nấm. Một nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng là nhiễm trùng huyết. Trong khi đó, tiếp nhận điều trị viêm niêm mạc có thể trì hoãn việc điều trị ung thư hoặc gây thêm các tác dụng phụ khác.

Nhiều phương pháp điều trị ung thư ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Do đó, các phương pháp điều trị ung thư có thể làm chậm quá trình hồi phục sau viêm niêm mạc.

Nếu các triệu chứng viêm niêm mạc gây khó khăn cho việc ăn uống, có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng. Khi bệnh nhân đang điều trị ung thư có thể đã gặp khó khăn trong việc ăn uống, vì vậy bất kỳ thách thức cộng thêm nào cũng cần được đặc biệt quan tâm.

viêm niêm mạc miệng

 

Chẩn đoán viêm niêm mạc miệng như thế nào?

 

Các triệu chứng của viêm niêm mạc thường rõ ràng trong giai đoạn đầu của quá trình điều trị ung thư. Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm niêm mạc sớm nhất là 1-2 tuần sau khi xạ trị hoặc trong vòng 3 ngày sau khi hóa trị.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng và tiền sử bệnh của bệnh nhân. Sau đó, sẽ hỏi thêm các thông tin về quá trình điều trị ung thư trước đó hoặc hiện tại và tiến hành thăm khám lâm sàng.

Điều trị viêm niêm mạc miệng

Điều trị thường bao gồm tránh tình trạng nhiễm trùng đồng thời kiểm soát các triệu chứng. Để giảm các triệu chứng và giảm sự khó chịu cho bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định áp dụng các phương pháp như:

  • Đá bào, kem que và các thực phẩm lạnh khác
  • Thuốc giảm đau tại chỗ
  • Thuốc dị ứng
  • Kẹo ngậm
  • Thuốc corticosteroid
  • Thuốc xịt để ngăn ngừa khô miệng

Để điều trị nhiễm trùng, bác sĩ có thể khuyến khích bệnh nhân thực hiện các biện pháp như:

  • Đánh răng thường xuyên hơn mỗi ngày;
  • Đánh răng bằng bàn chải mềm;
  • Sử dụng nước súc miệng sát trùng.

Phòng ngừa viêm niêm mạc miệng

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được viêm niêm mạc miệng. Tuy nhiên, có thể thực hiện một số bước để giảm nguy cơ mắc phải.

Vệ sinh răng miệng là một yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa viêm niêm mạc miệng. Thói quen vệ sinh răng miệng được các chuyên gia khuyến nghị bao gồm:

  • Đánh răng thường xuyên;
  • Sử dụng kem đánh răng có chứa florua;
  • Đi khám sức khỏe răng miệng thường xuyên;
  • Sử dụng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ răng để làm sạch các kẽ răng;
  • Thường xuyên sử dụng nước súc miệng hoặc súc miệng bằng dung dịch nước muối.

Các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm:

  • Không hút thuốc lá;
  • Uống đủ nước;
  • Giữ ẩm cho môi và miệng;
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng;
  • Tránh thức ăn nóng, cay hoặc mặn;
  • Hạn chế uống đồ uống nóng, có ga hoặc có cồn;
  • Tránh thức ăn cứng hoặc giòn;
  • Giảm lượng đường ăn vào mỗi ngày.

Tổng kết

Viêm niêm mạc có thể gây cảm giác khó chịu, gây đau, mất cảm giác thèm ăn. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm trùng - phổ biến ở những người đang điều trị ung thư, chẳng hạn như hóa trị hoặc xạ trị.

Bất kì ai có tình trạng viêm niêm mạc nên đến gặp bác sĩ, để được cho lời khuyên về phương pháp điều trị và giảm đau phù hợp.

Để giảm nguy cơ viêm niêm mạc, hãy giữ vệ sinh răng miệng tốt và tránh một số loại thức ăn và đồ uống theo chỉ dẫn của chuyên gia.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top