✴️ Phì đại tiền liệt tuyến

Nội dung

Ai dễ mắc phì đại tiền liệt tuyến?

Tỷ lệ mắc bệnh và mức độ trầm trọng của bệnh thường gia tăng theo độ tuổi. Theo các nhà chuyên môn có tới 45-70% số nam giới trong độ tuổi từ 45-75 mắc căn bệnh này, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng lớn. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy có trên 50% nam giới từ 60-70 tuổi bị u xơ TTL, tỷ lệ này lên đến 88% ở những người 80 tuổi. 

Ngoài ra bệnh thường gặp ở người trước đó có cuộc sống căng thẳng, có thói quen uống không đủ nước, môi trường ô nhiễm, lạm dụng bia rượu, cà phê, thuốc lá…, có bệnh trên đường tiết niệu (đặc biệt là viêm bàng quang không điều trị đúng), bị rối loạn nội tiết như bệnh đái tháo đường, bệnh tuyến giáp…

Đàn ông là đối tượng có nguy cơ cao mắc phì đại tiền liệt tuyến

 

Cách phát hiện phì đại tiền liệt tuyến

Bệnh thường được chia làm 3 giai đoạn:

– Giai đoạn 1: Chưa có tổn thương thực thể nên tiểu tiện khó, có cảm giác buồn tiểu nhưng mãi mới đi tiểu được, dòng nước tiểu yếu, nhỏ, có lúc đái rắt. Tiểu nhiều lần về đêm.

– Giai đoạn 2: Giai đoạn này đã có tổn thương, tiểu khó tiểu nhiều lần, tiểu không thể kiềm chế khi ngủ. Thậm chí ban ngày cũng bị tiểu són. Nước tiểu tồn dư trên 100ml. Có biểu hiện của nhiễm trùng đường tiết niệu do sự ứ đọng nước tiểu.

– Giai đoạn 3: Giai đoạn này đã ảnh hưởng chức năng thận và sự thích ứng của cơ thể giảm sút nhiều, lượng nước tiểu tồn dư tăng, tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu nặng nề hơn. Tiểu khó tăng lên, cũng có lúc tiểu nhiều lần, lúc nào cũng có cảm giác buồn đi tiểu. Bên cạnh đó xuất hiện các triệu chứng của suy thận như buồn nôn, ăn chậm tiêu, mệt mỏi.

Tuy nhiên, sự tiến triển của 3 giai đoạn này không phải lúc nào cũng theo trình tự xuất hiện, nó phụ thuộc vào các yếu tố: Sự tăng trưởng của tuyến, sự thích ứng của cơ thể và cách sinh hoạt của từng người. Tuy nhiên bất cứ giai đoạn nào của bệnh, bí tiểu cấp tính cũng có thể xảy ra và bệnh nhân phải cấp cứu.

Phì đại tiền liệt tuyến

 

Phì đại tiền liệt tuyến có liên quan đến ung thư?

Bình thường kích thước tuyến tiền liệt duy trì ổn định 20g. Khi nó phình to (phì đại tiền liệt tuyến) trên 20g có thể chưa cần đến sự can thiệp bằng phẫu thuật. Kích thước 70g trở lên có thể cần đến can thiệp của phẫu thuật.

Phì đại tuyến tiền liệt không quá nguy hiểm, hiện có nhiều loại thuốc giúp cải thiện đáng kể tình trạng rối loạn đi tiểu của người bệnh, cũng như có nhiều phương pháp can thiệp nhưng cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh những biến chứng như: Sỏi bàng quang, nhiễm trùng niệu tái đi tái lại, bí tiểu mạn tính, suy giảm chức năng thận…và có thể suy thận.

Phì đại tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt không liên quan đến nhau, nhưng hai bệnh này có thể cùng xuất hiện ở người cao tuổi. Khi thấy những dấu hiệu của bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa được khám và điều trị kịp thời.

 

Có nên tự điều trị phì đại tiền liệt tuyến?

Có rất nhiều phương pháp điều trị, sau khi bệnh nhân được khám, làm xét nghiệm và chẩn đoán thì bác sĩ sẽ cho biết là nên điều trị nội khoa hay phải phẫu thuật (dùng thuốc hay mổ).

Điều trị nội khoa như: dùng các bài thuốc dân gian cỏ tranh, bông mã đề…; phương pháp vật lý như nong niệu đạo tuyến tiền liệt….

Nói chung là tùy theo thể trạng người bệnh, kích thước u và u có gây biến chứng gì lên đường tiết niệu hay chưa… mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp. Tuyệt đối không nên tự mua thuốc và tự điều trị ở nhà thì bệnh càng nặng hơn, thậm chí còn nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top