✴️ Phòng tránh những tổn thương cơ thể do lạnh

Yếu tố làm tăng nguy cơ tổn thương cơ thể do lạnh?

Tổn thương do lạnh có thể gia tăng nếu kèm các yếu tố như độ thấp của nhiệt (nhiệt độ càng thấp, tổn thương càng lớn), khí hậu ẩm ướt, trẻ em, người già, người suy dinh dưỡng, suy kiệt, có các bệnh mạn tính kèm theo như: Hạ đường huyết, đái tháo đường, suy tuyến giáp, người nằm bất động lâu ngày (như tai biến mạch máu não, chấn thương cột sống), người bị nhiều các vết thương, chấn thương, người tiếp xúc lâu với nhiệt độ thấp, người có các bệnh mạch máu ngoại biên, người có suy giảm chức năng não bộ: nghiện rượu, người có các bệnh nhiễm khuẩn… 

Cóng

Là tổn thương nhẹ nhất do lạnh. Triệu chứng bao gồm đau buốt, tím vùng tiếp xúc với nhiệt độ thấp. Tổn thương loại này thường hồi phục hoàn toàn sau khi được làm ấm và không có tổn thương mô. Nếu tổn thương kiểu này tái diễn nhiều lần có thể dẫn tới teo hoặc mất lớp mỡ dưới da.

Lạnh cứng

Vùng mô bị đông lạnh với sự tắc nghẽn vi mạch dẫn tới thiếu ôxy mô. Một số các tổn thương mô có thể là hậu quả sau tái tưới máu khi làm ấm nạn nhân theo các mức độ như: 

Độ 1: Có nề đỏ nhưng không có hoại tử.

Độ 2: Có nổi nốt phỏng nước như bỏng trên nền sung huyết kèm hoại tử một phần bề mặt nông của da. 

Độ 3: Biểu hiện bằng hoại tử da toàn bộ và lan xuống phần dưới da và thường kèm với các nốt xuất huyết. 

Độ 4: Có hoại tử sâu xuống cả phần cơ xương khớp.

Tổn thương không đông lạnh

Tổn thương bàn tay, bàn chân (bàn chân chiến hào – trench foot)

Thường do tiếp xúc lâu với môi trường ẩm ướt, bẩn, dưới điều kiện nhiệt độ thấp (chưa đến mức đóng băng). Toàn bộ bàn chân, bàn tay có thể tím đen nhưng chưa có biểu hiện của tổn thương mô sâu.

Phù nề xung huyết tiến triển nhanh chóng trong vòng 48 giờ và gây cảm giác bỏng rát sau đó tê cứng mất hẳn cảm giác đau. Mô bị tổn thương gây nề đỏ, rộp nước, tím đen và loét. Thương tổn loại này thường có biến chứng bao gồm: nhiễm khuẩn, viêm mô tế bào, viêm hệ bạch huyết hoặc hoại thư.

Tổn thương chân do lạnh 

Cước

Là những thương tổn phù nề khu trú ở đầu chi do tiếp xúc với nhiệt độ thấp gây nên. 

Cước được phân loại:

– Cấp tính khi thương tổn xuất hiện trong vòng 12 – 24 giờ sau khi bị lạnh và kéo dài khoảng 1 – 2 tuần.

– Cước mạn tính xảy ra khi tiếp xúc nhiều lần với nhiệt độ thấp, thương tổn thường tồn tại dai dẳng để lại sẹo hoặc teo mô vùng bị tổn thương.

Cước thường hay bị ở mặt, mặt trước xương chày, mu tay, mu chân là những vùng ít được giữ ấm khi trời lạnh. Các tổn thương thường có màu đỏ tía, ngứa và sưng nề. 

Nếu tiếp tục tiếp xúc với lạnh sẽ dẫn tới loét, chảy máu sau đó tạo sẹo, xơ vùng tổn thương. Cảm giác ngứa ban đầu mất đi và thay bằng cương tụ và đau nhiều. 

Cước tay khi nhiệt độ thấp

Biểu hiện tổn thương cơ thể do lạnh 

Khi cơ thể tiếp xúc với môi trường lạnh, phản ứng của cơ thể là co các lỗ chân lông và các mạch máu dưới da để tránh mất nhiệt. Sau đó cơ thể tăng sinh nhiệt bằng tăng hoạt động các cơ (biểu hiện bằng run). 

Nếu ở giai đoạn này, cơ thể được làm ấm trở lại, sẽ không có hậu quả gì đặc biệt. Nếu cơ thể tiếp tục tiếp xúc với lạnh, hệ men chuyển hóa cũng như các hormon của toàn cơ thể (vốn chỉ hoạt động tốt ở nhiệt độ 36 – 37­­­­0C) sẽ giảm hoặc ngừng hoạt động. 

Hậu quả là chức năng của các cơ quan sẽ bị rối loạn như loạn nhịp tim, tụt huyết áp, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, co giật, hôn mê và bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng. 

Xử trí các tổn thương cơ thể do lạnh

Khi phát hiện bệnh nhân có các thương tổn do lạnh, nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi khu vực nhiệt độ thấp. Ủ ấm hoặc làm ấm bệnh nhân bằng phòng có sưởi ấm. Ngâm nước ấm (400C khoảng 20 – 30 phút cho tới khi chi hồng ấm. Không nên làm ấm bằng nhiệt nóng, khô và xoa bóp. Có thể cho bệnh nhân đắp chăn ấm, uống nước ấm. 

Phát hiện ngay các nguy cơ gây tử vong như tụt huyết áp, loạn nhịp tim… để xử trí cấp cứu kịp thời.Tại cơ sở y tế, nếu đau nhiều, có thể dùng thuốc giảm đau, truyền dịch (đã làm ấm) nếu cần. 

Theo dõi sát tình trạng bệnh nhân, tránh các thuốc co mạch. Uống kháng sinh khi có nhiễm trùng, cắt lọc, vá da vùng hoại tử, vật lý trị liệu. Sử dụng các thuốc kháng adrenergic, chẹn kênh canxi thường có hiệu quả làm dãn mạch, phục hồi tổn thương.

Cần ủ ấm cơ thể ngay khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh để phòng tránh tổn thương

Phòng tránh tổn thương cơ thể do lạnh 

Giữ ấm khi phải tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường lạnh. Đặc biệt chú ý những phần cơ thể phải tiếp xúc nhiều với nhiệt độ thấp như bàn tay, bàn chân, những khu vực tưới máu kém như mặt trước xương chày. Ăn uống đầy đủ đảm bảo lượng calo và lượng nước cần thiết cho cơ thể hoạt động trong môi trường lạnh. Không làm việc quá lâu dưới nhiệt độ thấp. 

Khi phải làm việc trong môi trường nhiệt độ thấp, phải mang đủ các trang thiết bị bảo hộ cần thiết. Khi có biểu hiện nhiễm lạnh, phải ngừng làm việc ngay để chẩn đoán và điều trị sớm các tổn thương. Khám phát hiện và điều trị các bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy thận mạn…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top