✴️ Điều trị nội tiết thay thế cho phụ nữ mãn kinh

Thời kỳ mãn kinh xảy ra như thế nào?

Thời kỳ mãn kinh xảy ra sau khi phụ nữ bị bặt kinh liên tiếp 12 tháng, riêng đối với phụ nữ đang điều trị bằng progesterone do rối loạn kinh nguyệt, nếu sau khi ngưng thuốc mà không gây được xuất huyết trong lòng tử cung để tạo ra kinh nguyệt cũng có thể được xem là mãn kinh thật sự.

Ở thời kỳ này số lượng noãn bào ở buồng trứng giảm đáng kể, buồng trứng hoàn toàn không đáp ứng hay đáp ứng rất kém với những kích thích từ trục hạ đồi tuyến yên, dẫn đến hệ quả các nội tiết tố hướng sinh dục tăng cao, như FSH tăng gấp 10 lần, LH tăng gấp 3 lần, các nội tiết tố estrogen sản xuất từ buồng trứng giảm, còn estrogen được sản xuất từ mô tuyến thượng thận và chuyển hóa từ mô mỡ tăng.

Do vậy, estrogen chủ yếu trong thời kỳ mãn kinh, được sản xuất từ mô đệm buồng trứng, tuyến thượng thận, mô mỡ, mô cơ và mô gan. Không phải tất cả các phụ nữ khi mãn kinh đều thiếu estrogen. Thụ thể estrogen có ở nhiều mô trong cơ thể, mỗi nơi có một độ nhạy khác nhau khi tiếp xúc estrogen.

Estrogen giảm sau mãn kinh không đủ làm nội mạc tử cung phát triển dày lên, rồi bong ra để tạo ra kinh nguyệt hàng tháng, nhưng vẫn có thể đầy đủ ở các mô khác, do đó không phải phụ nữ nào cũng có một biểu lộ sự thiếu estrogen như nhau.

Các triệu chứng lâm sàng của thời kỳ mãn kinh

Dấu hiệu tắc kinh là dấu hiệu chính xảy ra sự mãn kinh, biểu hiện một cách êm đềm hay kèm theo những xáo trộn rõ. Điều đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố như có sự giáo dục, trình độ văn hóa xã hội, khả năng nhạy cảm đáp ứng và mức độ chuyển hóa androgen thành estrogen, trong thành phần của estrogen của từng phụ nữ.

Các dấu hiệu xáo trộn đó là: bốc hỏa, chóng mặt, nhức đầu, rối loạn tâm lý, mệt mỏi, tê các đầu ngón chân ngón tay và tăng cân. Cuối cùng là sự thiếu hụt estrogen ở tất cả mọi phụ nữ, dù có xáo trộn hay diễn tiến êm đềm.

  • Hậu quả trên hình thái của cơ thể người phụ nữ ở tuổi mãn kinh: Vóc dáng cơ thể nhỏ dần, lưng còng, ứ đọng mỡ ở nhiều nơi, thay đổi hệ thống lông, da mặt nhăn và mất tính đàn hồi, vú nhỏ lại, cơ quan sinh dục teo nhỏ, âm đạo khô khiến giao hợp đau, rối loạn đường tiểu với dạng viêm bàng quang không nhiễm trùng, gây tiểu gắt, tiểu nhiều lần hoặc đôi khi tiểu không tự chủ làm són tiểu.
  • Hậu quả trên hệ biến dưỡng: Lượng cholesterol và triglyceride trong máu đều tăng kéo theo tăng LDL_C (Low density lipoprotein Cholesterol) là loại cholesterol xấu, trong khi đó nồng độ HDL_C (High density lipoprotein Cholesterol) là loại cholesterol tốt cũng tăng nhưng không đáng kể. Tỷ lệ HDL/LDL giảm làm gia tăng nguy cơ tai biến mạch máu não như xuất huyết não, nhũn não và tai biến mạch vành như nhồi máu cơ tim hay bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Đồng thời dễ bị bệnh đái tháo đường khi cơ địa có tăng huyết áp, mập phì.
  • Hậu quả trên hệ tim mạch: Trong giai đoạn hoạt động sinh dục, estrogen có tác dụng bảo vệ người phụ nữ đối với các bệnh mạch vành và mạch não, do đó ở độ tuổi này phụ nữ ít bị các bệnh lý về tim mạch hơn so với nam giới. Tuy nhiên, sau tuổi mãn kinh do suy giảm estrogen nên tỷ lệ bị bệnh mạch vành và mạch não ngang bằng với nam giới.

Các triệu chứng lâm sàng của thời kỳ mãn kinh

Ngoài ra, sau tuổi mãn kinh, còn có nguy cơ thuyên tắc mạch máu tăng, nhất là khi có kèm yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp, mập phì. Trên hệ xương dễ bị loãng xương, dễ gãy xương do giảm estrogen làm cho sự tiêu xương tăng.

Nhận định về sử dụng nội tiết tố thay thế

Việc sử dụng nội tiết tố thay thế đã cho thấy hiệu quả đáng kể trong cải thiện các dấu hiệu cấp thời như bốc hỏa, mệt mỏi và giao hợp đau, cũng như các dấu hiệu lâu dài như giảm nguy cơ loãng xương và giảm nguy cơ bệnh lý mạch vành… Một số nghiên cứu gần đây đã nhận định, không tìm thấy sự liên quan giữa ung thư tuyến vú với việc sử dụng nội tiết tố thay thế.

Sử dụng estrogen ngoại sinh như là một liệu pháp rất hữu ích trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh. Theo tác giả Palacios cùng các cộng sự, sử dụng 70mg Tsoflavone (là một loại estrogen thay thế chiết xuất từ đậu nành) mỗi ngày, không chỉ mang lại sự dễ chịu cho phụ nữ mà còn khá an toàn vì không gây ảnh hưởng xấu nào trên nội mạc tử cung và tuyến vú của người bệnh trong 3 năm liên tục theo dõi.

Điều trị nội tiết tố thay thế như thế nào?

Nội tiết tố thay thế là loại estrogen tự nhiên có thể duy trì hoặc cải thiện được chức năng của cơ quan trong cơ thể, làm sao cho gần giống sinh lý ban đầu, đặc biệt cần chú ý sự nhạy cảm với estrogen và hậu quả bất lợi ở tuổi mãn kinh là vú và nội mạc tử cung.

Bên cạnh đó dùng nội tiết tố thay thế cũng có tác dụng ngoài ý muốn như tăng cân, giữ nước, đau vú, buồn nôn, xuất huyết âm đạo bất thường.

Nội tiết tố thay thế tuyệt đối không dùng cho những người có các bệnh lý suy gan nặng, thuyên tắc mạch, ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, tăng huyết áp, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung và đái tháo đường.

Các quý cô, quý bà được sử dụng nội tiết tố khi mà có những dấu hiệu “bất ứng” làm ảnh hưởng chức năng sống cần được hướng dẫn của bác sĩ phụ khoa về liều sử dụng và cách theo dõi các thay đổi trên cơ thể, cũng như định kỳ mỗi 3 – 6 tháng kiểm tra chức năng gan, chức năng thận, hệ tim mạch và điều cần thiết quan trọng là siêu âm tử cung và kiểm tra tuyến vú.

Sinh học của mãn kinh là do thiếu estrogen gây nên biểu hiện của tuổi già. Sự thiếu hụt estrogen trong giai đoạn mãn kinh có thể bù đắp bằng điều trị nội tiết thay thế với mục đích giúp phụ nữ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, sức khỏe tốt, để có thể tiếp tục các hoạt động xã hội cho đến những năm cuối cùng của cuộc đời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top