✴️ Thắt ống dẫn tinh

Nội dung

Để có thể có thai thì trước hết phải có sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng. Chính vì vậy mà thắt ống dẫn tinh được thực hiện với mục tiêu không cho sự xuất hiện của tinh trùng ở đường sinh dục người phụ nữ hay cụ thể là vòi trứng (vị trí thụ tinh). Sau khi thực hiện thủ thuật, bạn hoàn toàn có thể xuất tinh bình thường tuy nhiên thì trong tinh dịch (dịch xuất tinh) không có tinh trùng.

Thắt ống dẫn tinh là biện pháp tránh thai vĩnh viễn, có hiệu quả trên 99%. Mặc dù tỉ lệ ngừa thai rất cao tuy nhiên vẫn có những trường hợp rất hiếm mang thai sau đó được ghi nhận. Phương pháp này có thể được thực hiện ở mọi lứa tuổi.

Thắt ống dẫn tinh là gì?

Thắt ống dẫn tinh là một thủ thuật có thể tiến hành ngoại trú (ngoài bệnh viện) cũng như trong bệnh viện và thường được gây tê tại chỗ. Bác sĩ có thể sử dụng dao mổ hoặc không trong quá trình tiến hành thủ thuật.

Thắt ống dẫn tinh thông thường

Nếu thắt ống dẫn tinh bằng dao mổ, bác sĩ sẽ tạo hai đường cắt nhỏ ở hai bên bìu.

Điều này cho phép bác sĩ tạo đường vào và loại bỏ một phần các ống dẫn tinh.

Sau đó các ống này được bít kín, thắt lại, hoặc đốt điện và sau đó các vết cắt được khâu lại.

Thắt ống dẫn tinh không dùng dao

Trong phương pháp thắt ống dẫn tinh không dùng dao, một chiếc kẹp nhỏ sẽ giữ cố định ống dẫn tinh, và bác sĩ tạo một lỗ nhỏ trên phần da bìu. Lỗ này cho phép bác sĩ cắt một đoạn của ống dẫn tinh trước khi thắt lại. Ở phương pháp này không cần khâu da.

Thủ thuật này đang trở nên phổ biến vì ít có nguy cơ biến chứng hơn so với kỹ thuật thông thường. Bạn nên tư vấn với bác sĩ để xác định loại thắt ống dẫn tinh nào là tốt nhất.

Tác dụng phụ

Ngay sau phẫu thuật, có thể có một số tác dụng phụ như:

  • Sưng;
  • Khó chịu nhẹ hoặc đau;
  • Tinh dịch có máu;
  • Bầm tím ở bìu;
  • Chảy máu và huyết khối bên trong bìu.

Hồi phục

Thủ thuật này xâm lấn tối thiểu, vì vậy phần lớn nam giới không bị đau đáng kể. Tuy nhiên, một số triệu chứng sưng và khó chịu nhẹ có thể xuất hiện vài ngày sau đó. Chườm lạnh có thể giúp giảm đau và sưng.

Có thể có máu trong tinh dịch trong lần xuất tinh đầu tiên sau phẫu thuật và các chuyên gia khuyến nghị nên chờ ít nhất một tuần trước khi xuất tinh cho việc lành thương.

Sau phẫu thuật, bạn nên mặc quần lót ôm sát để nâng đỡ bìu. Bạn cũng phải giữ cho bộ phận sinh dục sạch sẽ. Bác sĩ sẽ tư vấn khi nào có thể tắm sau phẫu thuật.

Hầu hết nam giới có thể trở lại làm việc sau 1 đến 2 ngày, nhưng vẫn nên nghỉ ngơi nhiều và tránh làm việc nặng trong một tuần hoặc lâu hơn.

Thắt ống dẫn tinh ảnh hưởng đến tình dục như thế nào?

Khoảng một tuần sau thủ thuật, bạn có thể bắt đầu quan hệ tình dục trở lại.

Tuy nhiên, lúc đầu số lượng tinh trùng vẫn hiện diện trong tinh dịch. Mất khoảng 15 đến 20 lần xuất tinh hay 3 tháng để số lượng tinh trùng trở về không, vì vậy cần có biện pháp tránh thai bổ sung trong thời gian này.

Bạn nên làm xét nghiệm đếm số lượng tinh trùng khoảng từ 8-16 tuần sau phẫu thuật, trước khi quan hệ tình dục không dùng biện pháp tránh thai.

Sau hai lần xét nghiệm tinh dịch không có tinh trùng, nói chung là an toàn để giao hợp mà không cần phải sử dụng thêm biện pháp tránh thai.

Về lâu dài, việc thắt ống dẫn tinh không ảnh hưởng đến nội tiết tố cũng như ham muốn tình dục hay hoạt động tình dục, và không có rủi ro về vấn đề sức khỏe.

Hiệu quả

Bất cứ ai đang cân nhắc việc thắt ống dẫn tinh nên suy nghĩ kĩ về kết qủa. Sau thủ thuật, bạn gần như không thể làm cha được nữa. Đôi khi thắt ống dẫn tinh không phải lúc nào cũng có thể hoàn nguyên được.

Thắt ống dẫn tinh không hiệu quả ít hơn 1%.

Ngay cả khi bạn chắc chắn rằng mình không muốn có con, bạn vẫn nên giữ lại tinh trùng trong ngân hàng tinh trùng phòng trường hợp bạn muốn thay đổi. Tuy nhiên tinh trùng đông lạnh không phải lúc nào cũng có thể sống và phát triển được.

Thắt ống dẫn tinh có tốt không?

Những lý do nên thắt ống dẫn tinh:

  • Nếu gia đình của bạn đã đủ số con và bạn chắc chắn 100% bạn không muốn có thêm con nữa;
  • Nếu bạn và bạn đời không muốn truyền bệnh di truyền cho đời sau;
  • Nếu mang thai khiến sức khỏe bạn đời của bạn gặp nguy hiểm.

Những lý do không nên thắt ống dẫn tinh:

  • Mối quan hệ gặp trục trặc;
  • Áp lực từ những người xung quanh.

Quan trọng là phải cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích để quyết định thắt ống dẫn tinh có phải lựa chọn phù hợp với bạn và bạn đời hay không.

Nguy cơ và biến chứng

Trước khi đưa ra quyết định thực hiện thắt ống dẫn tinh, nên cân nhắc các nguy cơ.

Thắt ống dẫn tinh là biện pháp tránh thai vĩnh viễn. Đôi khi có thể hoàn nguyên nhưng tỷ lệ thành công chỉ khoảng 75% nếu thực hiện trong vòng 3 năm, 55% nếu thực hiện trong vòng 3 đến 8 năm và 35% trong 9 đến 19 năm.

Các biến chứng gồm:

  • Tụ máu: Đôi khi tụ máu hoặc huyết khối hình thành trong bìu, gây sưng và đau và có thể phải phẫu thuật để loại bỏ.
  • U hạt tinh trùng: Hiện tượng này xảy ra khi tinh trùng bắt đầu rò rỉ ra ngoài ống dẫn tinh và tích tụ ở các mô xung quanh, phát triển thành khối u. Những khối u này tương đối nhỏ nhưng có thể gây ra kích ứng nghiêm trọng và cần phải phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng: Có nguy cơ nhiễm trùng sau khi thắt ống dẫn tinh do vi khuẩn xâm nhập vào các vết rạch trên bìu. Nếu bìu đỏ hoặc mềm, kèm dấu hiệu sốt, bạn nên đi khám.
  • Đau tinh hoàn: Tình trạng này xảy ra ngay sau phẫu thuật, hoặc có thể là vài tuần sau đó và kéo dài một thời gian. Cơn đau dai dẳng có thể do dây thần kinh bị chèn ép và cần phải phẫu thuật.
  • Cảm thấy tinh hoàn đầy: Một số người có thể cảm thấy tinh hòan đầy vì chúng chứa tinh trùng dự trữ. Điều này sẽ biến mất trong vài tuần khi cơ thể tạo ra ít tinh trùng hơn.
  • Khả năng sinh sản: Rất hiếm khi ống dẫn tinh kết nối lại, và tinh trùng lại đi vào tinh dịch. Điều này thường xảy ra trong vài tuần đầu tiên.
  • Nhiễm trùng: Vị trí phẫu thuật có thể bị nhiễm trùng.

Cần nhớ rằng thắt ống dẫn tinh không bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs), vì vậy nam giới được khuyến khích sử dụng bao cao su với bạn tình mới để tránh lây nhiễm STI.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top