BỆNH HỌC
Định nghĩa
Theo GINA (Global Initiative for Asthma) 2002 thì hen phế quản là một bệnh lý viêm mạn tính của phế quản trong đó có sự tham gia của nhiều tế bào và nhiều thành phần tế bào. Viêm mạn tính gây nên một sự gia tăng phối hợp đáp ứng phế quản dẫn đến những đợt tái diễn với biểu hiện: khó thở, ran rít và ho đặc biệt xảy ra ban đêm hay vào sáng sớm. Những đợt này thường phối hợp với tắc nghẽn phế quản lan rộng, sự tắc nghẽn này thường có tính chất hồi phục tự nhiên hay do điều trị.
Dịch tễ học
Hen phế quản là một bệnh thường gặp, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, trẻ em chiếm đa số so với người lớn, tỉ lệ 2/1. Những nghiên cứu dịch tễ học trong những năm gần đây cho thấy tần suất trung bình khoảng 5%, trẻ em dưới 5 tuổi 10%. Rất nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy tần suất này gia tăng gấp 3-4 lần trong những thập niên qua.
Độ lưu hành hen phế quản tại Pháp trong lứa tuổi 18-65 tuổi là 3,9% (Charpin và CS 1987, Maladies respiratoires 1993, tr 335), tại ý trong lứa tuổi 5-64 tuổi là 5% (Paolette và CS 1989, Maladies respiratoires 1993, tr.335). Tại Việt Nam, ở Hà Nội, trong năm 1991 là 3,3%, năm 1995 tăng lên 4,3% (Vương Thị Tâm và CS trong báo cáo của hội nghị tổng kết 5 năm 1991-1995 của Viện chống lao và bệnh phổi); ở thành phố Hồ Chí Minh, độ lưu hành hen phế quản là 3,2±1,39% (Phạm Duy Linh và CS báo cáo trong Hội thảo Y dược học lần thứ 5 tại thành phố Hồ Chí Minh, 1996), ở thành phố Huế, độ lưu hành hen phế quản năm 2000 là 4,58±1,12% (Lê Văn Bàng).
Nguyên nhân
Hen phế quản dị ứng
Hen phế quản dị ứng không nhiễm khuẩn
Dị ứng nguyên hô hấp: là bụi nhà, các loại bọ nhà như Dermatophagoides ptéronyssimus, bụi chăn đệm, lông móng các loài gia súc như chó, mèo, chuột, thỏ..., phấn hoa, cây cỏ, hay nghề nghiệp trong các xưởng dệt.
Dị ứng nguyên thực phẩm: thường gặp là tôm, cua, sò, hến, cà chua, trứng...
Dị ứng nguyên là thuốc: aspirin, kháng viêm không steroid, penicillin; một số phẩm nhuộm màu và chất giữ thực phẩm.
Hen phế quản dị ứng nhiễm khuẩn
Vi khuẩn thường gặp là Streptococcus pyogenes, Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus...
Virus: thường gặp là virus hợp bào hô hấp, para influenza, cúm.
Nấm: nấm Cladosporium hay Alternaria, các nấm mốc.
Hen phế quản không do dị ứng
Di truyền: tiền sử gia đình, liên quan đến kháng nguyên hoà hợp tổ chức HLA.
Gắng sức.
Không khí lạnh.
Rối loạn nội tiết: trong thời kỳ trưởng thành, thời kỳ trước kinh nguyệt, lúc mang thai, thời kỳ mãn kinh.
Yếu tố tâm lý: tâm trạng lo âu, mâu thuẫn cảm xúc, chấn thương tình cảm.
Cơ chế bệnh sinh
Viêm phế quản
Là quá trình cơ bản trong cơ chế hen phế quản, bắt đầu từ khi dị ứng nguyên lọt vào cơ thể tạo ra phản ứng dị ứng thông qua vai trò của kháng thể IgE. Những tế bào gây viêm phế quản bao gồm tế bào mast, bạch cầu đa nhân (ái toan, ái kiềm, trung tính), đại thực bào phế nang, bạch cầu đơn nhân, lympho bào và tiểu cầu phóng thích các chất trung gian hoá học gây viêm như histamin, serotonin, bradykinin, thromboxan, prostaglandin, leucotrien, PAF và một số interleukin.
Co thắt phế quản
Do tác động của các chất trung gian hoá học gây viêm và vai trò của hệ thần kinh tự động: hệ cholinergic, hệ adrenergic và hệ không cholinergic - không adrenergic.
Tăng phản ứng phế quản
Xảy ra sau khi dị ứng nguyên vào cơ thể, qua tác động của các tế bào gây viêm. Đây là một trạng thái bệnh lý không đặc hiệu cho hen phế quản.
Triệu chứng lâm sàng cơn hen phế quản điển hình
Giai đoạn khởi phát
Cơn hen phế quản thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm, nhất là nửa đêm về sáng, thời gian xuất hiện tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như tiếp xúc dị ứng nguyên hô hấp, thức ăn, gắng sức, không khí lạnh, nhiễm virus đường hô hấp trên... Các tiền triệu như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, ho từng cơn, bồn chồn... nhưng không phải lúc nào cũng có.
Giai đoạn lên cơn
Sau đó, cơn khó thở xảy ra, khó thở chậm, khó thở kỳ thở ra xuất hiện nhanh, trong cơn hen lồng ngực bệnh nhân căng ra, các cơ hô hấp phụ nổi rõ, có thể có tím ở đầu tay chân sau đó lan ra mặt và toàn thân. Nhịp thở chậm, tiếng thở rít kéo dài. ứng xa có thể nghe tiếng rít hay sò sè của bệnh nhân. Nghe phổi có nhiều ran rít và ran ngáy. Cơn khó thở dài hay ngắn tuỳ theo từng bệnh nhân.
Giai đoạn lui cơn
Sau vài phút hay vài giờ, cơn hen giảm dần, bệnh nhân ho khạc đờm rất khó khăn, đờm đặc quánh, có nhiều hạt nhỏ như hạt trai. Lúc này nghe phổi phát hiện được nhiều ran ẩm, một ít ran ngáy. Khạc đờm nhiều báo hiệu cơn hen đã hết.
Giai đoạn giữa các cơn
Giữa các cơn, các triệu chứng trên không còn. Lúc này khám lâm sàng bình thường. Tuy nhiên nếu làm một số trắc nghiệm như gắng sức, dùng acetycholin, thì vẫn phát hiện được tình trạng tăng phản ứng phế quản.
Triệu chứng cận lâm sàng
Thăm dò chức năng hô hấp
Rối loạn thông khí
Đo FEV1 (thể tích thở ra tối đa trong giây đầu) và FEV1/FVC (tỉ số Tiffeneau): trong cơn giảm dưới 80% so với lý thuyết.
Đo PEF (lưu lượng thở ra đỉnh): trong cơn giảm dưới 80%.
Khí máu: đo PaO2, PaCO2, SaO2, và pH máu, đây là xét nghiệm bổ sung để đánh giá mức độ suy hô hấp.
Các xét nghiệm về dị ứng
Test da: dùng phương pháp lẩy da, da đỏ là dương tính.
Test tìm kháng thể: như kháng thể ngưng kết, kháng thể kết tủa, thường là IgG, IgM.
Định lượng IgE toàn phần và IgE đặc hiệu.
Phim lồng ngực
Trong cơn hen, lồng ngực căng phồng, các khoảng gian sườn giãn rộng, cơ hoành hạ thấp, phổi tăng sáng, rốn phổi đậm.
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định dựa vào
Tiền sử cá nhân về dị ứng: như chàm, mày đay, có tiếp xúc với dị ứng nguyên trước đó, tiền sử gia đình về hen, dị ứng hoặc các yếu tố khác như gắng sức, lạnh...
Hội chứng hẹp tiểu phế quản do co thắt: khó thở chậm, chủ yếu kỳ thở ra, phổi nghe nhiều ran rít, ran ngáy, phim phổi cho thấy hình ảnh khí phế thũng.
Cơn khó thở có tính chất hồi qui, đáp ứng tốt với thuốc giãn phế quản, test phục hồi phế quản với đồng vận beta 2 dương tính tức sau khi dùng đồng vận beta 2 thì FEV1 > 200 ml và FEV1/FVC > 15%.
Chẩn đoán phân biệt
Hen tim: bệnh nhân có tiền sử các bệnh van tim như hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ, cao huyết áp, khó thở nhanh, cả 2 kỳ, phổi nghe nhiều ran ứ dịch, rất ít ran ngáy, phim phổi cho thấy hình ảnh ứ dịch, làm điện tim để xác minh thêm nguyên nhân.
Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thường do thuốc lá, có hội chứng nhiễm trùng, khó thở nhanh, không có tiền sử cá nhân và gia đình về dị ứng hay hen, phổi nghe ran ẩm to hạt kèm ran rít và ran ngáy.
Biến chứng
Biến chứng cấp
Hen phế quản cấp nặng
Có thể xuất phát từ hội chứng đe doạ hen phế quản cấp nặng, hội chứng này có thể tương ứng với tình trạng cơn hen cấp không đáp ứng với điều trị thông thường và nặng dần; hoặc xảy ra rất cấp đôi khi trong vòng vài phút. Đó là tình trạng nguy cấp có tiên lượng sinh tử trong thời gian ngắn. Chẩn đoán phải được thực hiện sớm.
Những dấu chứng hô hấp:
Tím, vã mồ hôi, khó thở nhanh nông, tần số thở trên 30 lần /phút kèm dấu co kéo các cơ hô hấp.
Rối loạn tri giác: lo âu, vật vã hay ngược lại lơ mơ có thể đi dần vào hôn mê.
Có thể thở chậm chứng tỏ suy kiệt cơ hô hấp và báo trước sự ngừng hô hấp.
Nghe phổi: im lặng cả hai bên phổi.
Lưu lượng thở ra đỉnh dưới 150 lít /phút.
PaO2 < 60 mmHg, PaCO2 > 45 mmHg.
pH máu < 7,38.
Những dấu chứng tim mạch:
Mạch nhanh thường trên 120 lần /phút, mạch chậm là dấu chứng rất nặng báo hiệu ngừng tuần hoàn.
Mạch nghịch lý làm mạch giảm biên độ trong kỳ thở vào, có thể xác định bằng cách đo hiệu áp tâm thu giữa kỳ thở ra và kỳ thở vào, thường trên 20 mmHg.
Tâm phế cấp với dấu chứng suy tim phải.
Huyết áp có thể tăng liên quan đến sự tăng PaCO2, huyết áp hạ trong những trường hợp quá nặng.
Tràn khí màng phổi
Do vỡ bóng khí phế thủng.
Nhiễm khuẩn phế quản - phổi
Thường do Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenza, Staphylococcus aureus, Mycoplasma pneumonniae, Legionella pneumophila.
Biến chứng mạn tính
Khí phế thũng đa tiểu thuỳ:
Thường có khó thở khi gắng sức, khi làm việc nặng, tím môi và đầu chi, lồng ngực biến dạng hình ức gà hay hình thùng, gõ vang, âm phế bào giảm.
Thể tích cặn và dung tích cặn chức năng tăng, có rối loạn thông khí phối hợp, PaO2 chỉ giảm ở giai đoạn sau và PaCO2 chỉ tăng ở giai đoạn sau.
Suy hô hấp mạn:
Tím và khó thở: thở nhanh nông, thở ra môi khép chặt, dấu hiệu HOOVER.
Suy hô hấp mạn nghẽn có giảm rõ các thể tích cặn, các lưu lượng trung bình và lưu lượng đỉnh.
Tâm phế mạn
Khó thở ngày càng tăng dần từ khó thở khi gắng sức, đến khó thở khi leo lên dốc hay lên cầu thang, đến khó thở khi đi nhanh trên đường phẳng, đến khó thở khi đi chậm trên đường phẳng, cuối cùng khó thở khi làm việc nhẹ như vệ sinh cá nhân, cởi áo quần, về sau khó thở khi nghỉ ngơi. Tím môi, đầu chi, mặt, nếu nặng tím toàn thân.
Triệu chứng suy tim phải: trên lâm sàng và trên cận lâm sàng.
PaO2 giảm đến 70 mmHg, PaO2 tăng dến 50-80 mmHg, SaO2 < 75 %, pH máu có thể giảm < 7,2.
Điều trị
Điều trị cơn hen phế quản cấp
Điều trị bằng thuốc
Điều trị tại tuyến y tế cơ sở:
Cơn hen phế quản nhẹ và trung bình: dùng theophyllin 10-15mg/kg/ngày, có thể phối hợp với salbutamol 0,15-0,25mg/kg/ngày và prednison 5mg x 4 viên /ngày chia 2 lần (sáng 3 viên, chiều 1 viên).
Cơn hen phế quản nặng: tiêm tĩnh mạch chậm 1 ống diaphyllin 4,8%, có thể sau đó thêm 1 ống diaphyllin bỏ vào 500 ml glucose 5 %, truyền tĩnh mạch khoảng 20 giọt/phút, phối hợp với depersolon 30 mg tiêm tĩnh mạch chậm.
Điều trị tại tuyến trung ương:
Hen phế quản nhẹ: khí dung kích thích beta 2 tác dụng ngắn khi cần thiết như salbutamol (Ventolin), chai 20 mg chứa 200 liều, liều lượng trung bình khoảng 100-200àg, có thể lập lại 1-2 lần sau vài phút.
Hen phế quản trung bình: khí dung kích thích beta 2 tác dụng ngắn khi cần phối hợp với khí dung corticosteroid như budenosid (Pulmicort, Inflammide) chai 20 mg chứa 200 liều, liều lượng trung bình khoảng 400-800àg/ngày chia 2-4 lần, hay beclometason dipropionat (Becotide) chai 5 mg chứa 100 liều và chai 20 mg chứa 80 liều, liều lượng trung bình 500-1000àg/ngày chia 2-4 lần, hay fluticason propionat (Flixotide), liều lượng trung bình 100-200àg /ngày chia 2-4 lần.
Hen phế quản nặng: khí dung kích thích beta 2 tác dụng ngắn 4 lần /ngày và khi cần phối hợp với khí dung corticosteroid tăng liều lên; có thể có hay không phối hợp với prednison, liều lượng trung bình 0,5-1 mg/kg/ngày chia 2 lần, buổi sáng nhiều hơn buổi chiều; có hay không phối hợp với khí dung ipratropium bromid (Atrovent) chai 4 mg chứa 200 liều, liều lượng trung bình 20-40àg, 3-4 lần /ngày.
Hen phế quản xảy ra ban đêm: khí dung kích thích beta 2 tác dụng ngắn, khi cần phối hợp với khí dung kích thích beta 2 tác dụng kéo dài như salmeterol (Serevent) 50-100àg phối hợp với khí dung corticosteroid; hiện nay GINA khuyến cáo nên dùng Seretide (phối hợp salmeterol + fluticason propionat). Những thuốc trên có hay không phối hợp với theophyllin tác dụng chậm.
Điều trị hỗ trợ
Liệu pháp oxy: khi cần thở oxy khoảng 2l/phút.
Kháng sinh: chỉ dùng khi có bội nhiễm phế quản -phổi. Ofloxacin 200mg x 2 viên /ngày x 5 ngày.
Điều trị cơn hen phế quản cấp nặng
Liệu pháp oxy: phải thực hiện liền không cần chờ kết quả khí máu, cung lượng cao 6l/phút nếu không có suy hô hấp mạn, nếu có suy hô hấp mạn cung lượng thấp 2l/phút.
Thuốc giãn phế quản:
Thuốc kích thích beta 2: tiêm dưới da terbutalin (Bricanyl) 1 ống 0,5 mg là biện pháp cấp cứu ban đầu ngay tại nhà bệnh nhân. Khi nhập viện thì dùng khí dung salbutamol, 1 ml chứa 5 mg hòa 4 ml dung dịch sinh lý qua máy khí dung cho hít trong 10-15 phút, có thể lập lại tùy diễn tiến lâm sàng, 30 phút một lần. Có thể dùng salbutamol tiêm tĩnh mạch liên tục bằng ống tiêm tự động, liều lượng ban đầu thường là 0,10,2àg/kg/phút, tăng liều từng 1 mg /giờ theo diễn tiến lâm sàng.
Adrenalin: chỉ định khi các thuốc kích thích beta 2 bị thất bại; liều lượng khởi đầu thường là 0,5-1 mg/giờ tiêm tĩnh mạch bằng ống tiêm tự động.
Aminophyllin: có thể kết hợp, dùng bằng đường truyền tĩnh mạch với dung dịch glucose 5% liên tục với liều lượng 0,5-0,6 mg/kg/giờ.
Corticosteroid: methylprednisolon (Solumédrol) 60-80 mg mỗi 6 giờ.
Thở máy: được chỉ định trong thể ngạt cấp hay trong thể mà điều trị bằng thuốc bị thất bại gây suy kiệt cơ hô hấp.
Phòng ngừa cơn hen phế quản tái phát
Sự xuất hiện các cơn hen phế quản cấp cho thấy việc quản lý bệnh hen hiện nay chưa tốt. Cần quan tâm đến sự dự phòng bằng cách sử dụng hợp lý và đúng đắn các thuốc kháng viêm và giãn phế quản. Những nghiên cứu gần đây cho thấy đến nay vẫn chưa đưa ra một mô hình dự phòng hiệu quả nhất vì chưa biết rõ độ lưu hành của sự tái phát, nên khoảng thời gian và sự cần thiết của sự điều trị kéo dài có tính phỏng đoán.
Nhiều tác giả đề nghị điều trị khởi đầu cơn hen với liều thường dùng khí dung corticosteroid nếu bệnh nhân chưa dùng thuốc này; nếu bệnh nhân đã dùng, thì tăng liều gấp đôi. Nếu cơn hen xảy ra là do sự kiểm soát không tốt thể hiện bằng các cơn hen về đêm hay ban ngày thì dùng prednisolon 0,2-0,6 mg/kg/ngày để ổn định chức năng phổi. Một liệu trình prednison trong 2 tuần có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ tái phát trong 2 ngày đầu sau khi được điều trị cấp cứu.
Hiện nay theo GINA khuyến cáo nên dùng Seretide trong điều trị duy trì kiểm soát cơn hen phế quản và người ta nhận thấy những bệnh nhân hen phế quản được điều trị bằng Seretide rất ít bị xảy ra cơn hen phế quản nặng.
Phòng tránh các yếu tố bất lợi của môi trường
Tránh các hoạt động thể lực không cần thiết.
Tránh tiếp xúc bụi, khói nhất là khói thuốc lá và các chất kích thích khác.
Tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng hô hấp.
Giữ môi trường trong nhà trong lành.
CHĂM SÓC BỆNH NHÂN HEN PHẾ QUẢN
Nhận định tình trạng bệnh nhân
Hỏi bệnh nhân
Hỏi bệnh nhân tiền sử về chàm, dị ứng thức ăn.
Tiền sử gia đình về dị ứng.
Tiền sử về những đợt ho, sò sè hay khó thở.
Tiền sử gần đây về nhiễm khuẩn.
Điều kiện hoàn cảnh sinh sống và làm việc.
Hỏi bệnh nhân về tình trạng bệnh hiện tại:
Bệnh nhân có sốt không?
Bệnh nhân có khó thở không? Khó thở có thành cơn không? Cơn khó thở thường xuất hiện vào khi nào? Kéo dài bao lâu? Có thường xuyên không?
Khi khó thở có âm sắc gì bất thường không?
Khó thở khi nằm hay ngồi.
Bệnh nhân có ho không và ho khan hay ho có đờm.
Thuốc đã sử dụng và hiệu quả của thuốc.
Quan sát
Tình trạng toàn thân, tình trạng tinh thần (mệt mỏi, lo lắng, bồn chồn...).
Quan sát xem bệnh nhân vật vã, hốt hoảng hay lơ mơ.
Tình trạng hô hấp: xem bệnh nhân có khó thở không, sự co kéo các cơ hô hấp, cánh mũi.
Tư thế bệnh nhân khi thở.
Đàm và tính chất của đờm
Tình trạng da và niêm mạc.
Các dấu hiệu khác (mồ hôi, lượng nước tiểu... sự đáp ứng với điều trị bằng thuốc hiện tại...).
Xem xét kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng.
Thăm khám
Đo nhiệt độ xem bệnh nhân có sốt không?
Bắt mạch tần số, tính chất của mạch.
Nghe phổi phát hiện các tiếng bất thường: tiếng rít, ngáy...
Chẩn đoán điều dưỡng
Một số chẩn đoán điều dưỡng có thể có ở bệnh nhân hen phế quản:
Khó thở do co thắt tiểu phế quản.
Kích thích, vật vã do thiếu khí.
Nguy cơ tái phát do tiếp xúc lại với dị nguyên.
Nguy cơ suy hô hấp mạn do tiến triển của bệnh.
Lập kế hoạch chăm sóc
Để bệnh nhân nghỉ ngơi, hạn chế thăm khám.
Trấn an cho bệnh nhân.
Cho bệnh nhân nằm tư thế đầu cao (Fowler).
Chế độ ăn uống loãng, nhiều sinh tố.
Thực hiện y lệnh: dùng thuốc và xét nghiệm.
Giáo dục bệnh nhân về các nguyên nhân gây hen.
Giáo dục bệnh nhân về tiến triển và biến chứng của bệnh.
Thực hiện kế hoạch chăm sóc
Chăm sóc cơ bản
Đặt bệnh nhân nằm buồng riêng, yên tĩnh, hạn chế tiếng động, sự gây ồn và những kích thích về cảm giác do khách thăm, nhân viên chăm sóc và các nhân viên y tế khác. Thiết lập mối quan hệ tin tưởng với người bệnh.
Đặt bệnh nhân ở tư thế thoải mái, dễ thở.
Động viên an ủi bệnh nhân, luôn có mặt trong cơn hen.
Giải thích cho bệnh nhân hiểu về bệnh tật.
áp dụng những động tác làm bệnh nhân dễ ngủ: xoa bóp, trấn an.
Hạn chế hay loại trừ những yếu tố gây căng thẳng (stress) cho người bệnh.
Khuyến khích bệnh nhân uống nhiều nước.
Chườm ướt và các biện pháp hạ thân nhiệt khác khi sốt cao.
Thực hiện các hành động chăm sóc:
Vỗ rung phổi.
Dẫn lưu theo tư thế.
Tập thở.
Hút đờm dãi và các chăm sóc khác khi bệnh nhân thở oxy.
Đặt bệnh nhân ở tư thế thích hợp để tạo thuận lợi cho sự hô hấp và loại bỏ dịch xuất tiết.
Tăng cường lượng dịch vào cơ thể để làm loãng dịch xuất tiết.
Thực hiện y lệnh điều trị
Dùng thuốc giãn phế quản, thuốc co mạch, thuốc corticosteroid, cho thở oxy.
Hô hấp hỗ trợ.
Thực hiện y lệnh: truyền dịch và điện giải theo chỉ định.
Dùng thuốc hạ thân nhiệt theo chỉ định.
Đo nồng độ các khí và độ pH trong máu động mạch.
Theo dõi bệnh nhân
Lập bảng cân bằng dịch hàng ngày, ghi chép chính xác.
Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn.
Theo dõi: tình trạng hô hấp.
Tình trạng mất nước, da, niêm mạc, dấu hiệu khát nước, mất nước, thái độ của bệnh nhân, tỷ trọng nước tiểu, số lượng nước tiểu. Các chỉ số thể tích tuần hoàn: mạch, huyết áp động mạch, huyết áp tĩnh mạch trung ương. Các kết quả xét nghiệm: điện giải đồ, hematocrit.
Theo dõi: sự tăng thân nhiệt, sự thay đổi màu sắc của đờm, các kết quả xét nghiệm. Số lượng bạch cầu, công thức bạch cầu, cấy đờm và máu, chụp phim phổi.
Giáo dục sức khoẻ
Kiểm soát chặt chẽ môi trường để giảm càng nhiều yếu tố gây dị ứng càng tốt. Đặc biệt trong phòng ngủ và trong nhà: không dùng đồ len dạ, lông, hạn chế bụi khói. Không nuôi những con vật ưa thích như; mèo, chim, chó cảnh, không trồng cây có phấn hoa, nấm mốc...
Hạn chế yếu tố gây stress làm bệnh nhân căng thẳng, lo lắng, cáu giận.
Tăng cường rèn luyện nâng cao sức khoẻ, duy trì dinh dưỡng, uống đủ nước, chế độ ngủ nghỉ ngơi, vận động hợp lý.
Tránh ra khỏi nhà khi độ ẩm ngoài trời quá cao hoặc khi môi trường ở bên ngoài quá ô nhiễm.
Tích cực thực hành tập thở, tập làm giãn nở phổi, tập ho...
Không hút thuốc.
Không dùng quá liều, không lạm dụng thuốc giãn phế quản và thuốc co mạch.
Không dùng các loại thuốc hay gây dị ứng như penicillin, vitamin B...
Đi khám bệnh ngay nếu có bất thường về hô hấp hoặc các nhiễm khuẩn khác.
Đánh giá chăm sóc
Chức năng hoạt động hô hấp trong giới hạn bình thường.
Thăng bằng kiềm - toan được duy trì (độ pH trong máu ở giới hạn bình thường).
Dịch và điện giải được duy trì thăng bằng trong cơ thể.
Không bị nhiễm khuẩn, không bị các biến chứng.
Bệnh nhân nghỉ và ngủ đủ.
Giảm mức độ lo lắng, sợ hãi biểu hiện qua thái độ của người bệnh.
Hiểu và thực hiện được những hành động hồi phục sức khoẻ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh