✴️ Vai trò của dịch nhầy đối với cơ thể

Mọi người thường nghĩ rằng cơ thể chỉ tạo ra dịch nhầy để đáp ứng lại với bệnh tật, yếu tố gây dị ứng hoặc chất kích ứng. Tuy nhiên thì cơ thể vẫn luôn sản xuất dịch nhầy, vốn là một chất rất quan trọng đối với chức năng của một số cơ quan và hệ thống miễn dịch.

Gần như chúng ta đều không biết rằng mình vẫn đang tiết ra dịch nhầy và sử dụng chúng. Chỉ khi có những vấn đề về sức khỏe thì bạn mới nhận ra được điều này.

Vậy thì hãy tìm hiểu dịch nhầy là gì, nó hình thành như thế nào và nguyên nhân nào gây ra tích tụ dịch nhầy. Chúng ta cũng sẽ khám phá các mẹo để làm giảm dịch nhầy này và khi nào cần phải khám bác sĩ.

Dịch nhầy được tạo thành từ đâu?

Dịch nhầy là chất dịch cơ thể sản xuất ra để lót các vùng ẩm ướt như:

  • Mắt;
  • Miệng;
  • Mũi;
  • Các xoang;
  • Phổi;
  • Họng;
  • Dạ dày;
  • Ruột;
  • Cơ quan sinh dục.

Hầu hết mọi người chỉ để ý tới dịch nhầy khi bị đau hay tiếp xúc với yếu tố gây dị ứng hoặc chất gây kích ứng trong không khí. Nhưng các tuyến ở những vùng được liệt kê trên đều tiết dịch nhờn liên tục, khoảng 1-2 lít mỗi ngày.

Dịch nhầy giúp cơ thể thực hiện các chức năng quan trọng, như:

  • Bổ sung độ ẩm cho không khí hít vào;
  • Ngăn không cho các cơ quan có tính ẩm bị khô;
  • Lọc, giữ lại và loại bỏ các vi hạt hoặc vi sinh vật hít phải, như chất gây dị ứng, bụi, khói, ô nhiễm, vi rút, vi khuẩn và nấm;
  • Chống nhiễm trùng.

Dịch nhầy giúp giữ các vi sinh vật và vi hạt trên bề mặt đường hô hấp. Các tế bào dạng lông lót bên trong phổi, còn gọi là lông mao, tạo ra những đợt sóng để đẩy các thành phần lạ lên trên và ra khỏi đường hô hấp.

Khi dịch nhầy có chứa các phần tử lạ sẽ được đưa đến phía sau họng và thường được đẩy xuống dưới cổ họng.

Sau khi đi xuống vùng cổ họng, hoặc là dịch nhầy sẽ đến dạ dày nơi nó được tiêu hóa và loại bỏ khỏi cơ thể theo phân hay nước tiểu hoặc có thể được ho lên và khạc ra ngoài.

Dịch nhầy được tạo thành từ gì?

Dịch nhầy chủ yếu được tạo thành từ nước, nhưng nó cũng chứa các protein quan trọng và đường. Các tế bào tiết dịch nhầy cũng tạo ra các phân tử hỗ trợ hệ miễn dịch và các phân tử này hòa trộn vào trong dịch nhầy.

Các phân tử trong dịch nhầy bao gồm:

  • Phân tử kháng khuẩn;
  • Các phân tử điều hòa miễn dịch;
  • Phân tử bảo vệ.

Cơ thể tạo dịch nhầy như thế nào?

Các mô lót đường hô hấp, mũi, xoang và miệng chứa hai loại tế bào chính: tế bào tiết nhầy và tế bào lông chuyển.

Dịch nhầy chủ yếu là nước và một phân tử tạo gel gọi là mucin.

Các tế bào tiết đặc biệt được gọi là tế bào hình đài là nơi sản xuất chính và giải phóng mucin. Một tế bào hình đài có hình dạng giống như một chiếc cốc thời trung cổ và không được bao phủ bởi lông mao.

Tế bào hình đài và các tế bào bài tiết khác cũng giải phóng protein, muối, chất béo và các phân tử miễn dịch kết hợp với mucin để tạo nên dịch nhầy.

Các tuyến dưới niêm mạc, thường thấy ở đường hô hấp, miệng và đường tiêu hóa, cũng sản xuất, giải phóng mucin và dịch nhầy.

Các tế bào lông mao sử dụng các vi nhung mao để đưa chất nhờn đi khắp cơ thể. Các lông mao di chuyển bằng cách tạo ra 1 đợt sóng đều đặn để đẩy chất nhầy đi theo từng đợt.

Nhiễm trùng và chất gây kích ứng

Khi đường hô hấp tiếp xúc với chất gây kích ứng, các tế bào hình đài và các tuyến dưới niêm mạc sản xuất thêm chất nhầy để làm sạch đường thở.

Ngoài ra, nhiễm trùng có thể gây viêm đường hô hấp, do đó có thể kích thích các tuyến dưới niêm mạc sản xuất nhiều dịch nhầy hơn. Trong thời gian bị nhiễm trùng, chất nhầy thường bị đặc lại vì chứa nhiều các tế bào miễn dịch và các phân tử ngoại lai.

Phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với một chất vô hại. Phản ứng này kích hoạt giải phóng histamine – một hợp chất có thể khiến đường hô hấp phù nề và kích thích các tuyến dưới niêm tiết ra nhiều dịch nhầy hơn.

Nhiễm trùng và chất gây kích ứng

Các tình trạng làm tăng tích tụ dịch nhầy

Hầu hết những người khỏe mạnh không biết rằng cơ thể của họ liên tục sản xuất và sử dụng dịch nhầy.

Một số vấn đề sức khỏe có thể làm tích tụ dịch nhầy (kích thích sản xuất quá mức), ngăn chặn và giảm đào thải dịch nhầy hoặc do dịch nhầy đặc lại.

Các yếu tố có thể làm tăng tiết dịch nhầy bao gồm:

  • Dị ứng, đặc biệt với các sản phẩm từ sữa;
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn, vi rút hoặc nấm;
  • Hít thở không khí rất lạnh hoặc khô;
  • Hít phải các hạt gây kích ứng như ô nhiễm, khói, bụi và các bào tử nấm mốc;
  • Thay đổi nội tiết tố do quá trình lão hóa;
  • Một số loại thuốc có thể làm đặc dịch nhầy như thuốc tránh thai và thuốc cao huyết áp;
  • Trào ngược dạ dày thực quản;
  • Thai kỳ;
  • Hen suyễn;
  • Viêm mũi xoang, mũi quá mẫn cảm;
  • Polyps mũi;
  • Cấu trúc sụn mũi không đều;
  • Bệnh xơ hóa nang;
  • Giãn phế quản không xơ hóa và viêm tiểu phế quản;
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, COPD;
  • Rối loạn vận động lông mao nguyên phát;
  • Suy giảm miễn dịch;
  • HIV;
  • Cấy ghép nội tạng;
  • Bệnh ung thư máu;
  • Các vấn đề làm cản trở vận động của hệ hô hấp, như yếu liệt, đặt nội khí quản, phẫu thuật hoặc nằm bất động.

Mẹo làm sạch dịch nhầy

Cách tốt nhất để giải quyết sự tích tụ dịch nhầy phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản bên dưới và các yếu tố góp phần nên.

Các mẹo nhỏ chăm sóc tại nhà bao gồm:

  • Sử dụng thuốc xịt mũi nước muối;
  • Dùng thuốc giảm nghẹt mũi không gây buồn ngủ và thuốc kháng histamine;
  • Thoa lên ngực và cổ họng hoặc hít sản phẩm có chứa dầu khuynh diệp;
  • Tránh tất cả các chất gây dị ứng, bao gồm cả thực phẩm;
  • Vỗ nhẹ vào vùng lưng và ngực để làm lỏng dịch nhầy;
  • Tăng độ ẩm không khí bằng cách sử dụng máy tạo ẩm hoặc tắm nước ấm;
  • Đắp một chiến khăn ấm và ẩm lên mặt;
  • Che mũi bằng khăn choàng trong thời tiết lạnh;
  • Không hút thuốc cũng như tránh hút thuốc thụ động.

Nhiều sản phẩm tự nhiên có thể làm giảm sự tích tụ dịch nhầy hoặc điều trị các bệnh lí đường hô hấp gây tăng tiết nhầy. Các thảo dược có bằng chứng thông qua các nghiên cứu khoa học gồm:

  • Rễ cây cam thảo;
  • Các loại quả mọng họ dâu;
  • Hoa cúc tím Echinacea;
  • Nhân sâm;
  • Dầu khuynh diệp.

Các biến chứng có thể xảy ra

Nếu dịch nhầy tích tụ nhiều hoặc kéo dài, nó có thể dẫn đến:

  • Mất nước;
  • Chảy mũi họng;
  • Đau họng;
  • Đau mũi hoặc đau do áp lực xoang;
  • Đau hàm;
  • Khô miệng;
  • Ho;
  • Nhiễm trùng phổi, mũi, xoang hoặc cổ họng;
  • Vấn đề về tiêu hóa;
  • Sụt cân;
  • Khó thở;
  • Giảm nồng độ oxy và tăng nồng độ CO2 trong máu;
  • Xẹp phổi, phổi không thể phồng hoặc xẹp 1 cách hoàn toàn;
  • Suy hô hấp;
  • Suy tim.

Khi nào cần phải khám bác sĩ?

Hãy đi khám bác sĩ khi thấy tiết dịch nhầy quá nhiều mà không có nguyên nhân rõ ràng, hoặc nếu thấy dịch nhầy có những tính chất sau:

  • Dịch rất đặc;
  • Đổi màu ( chất nhầy bình thường sẽ trong suốt);
  • Thấy khó thở;
  • Không dễ chịu khi áp dụng các phương pháp tự điều trị nêu trên;
  • Kéo dài hơn một hoặc hai tuần.

Bạn cũng nên đi khám khi tăng tiết dịch nhầy kèm theo một trong những dấu hiệu sau đây:

  • Sốt hoặc ớn lạnh;
  • Kiệt sức không rõ nguyên nhân;
  • Khó ngủ;
  • Thở khò khè hoặc âm thở bất thường;
  • Thay đổi nhịp thở như thở nhanh, nông hoặc khó thở;
  • Chán ăn hoặc sụt cân;
  • Đau ngực hoặc đau khi thở;
  • Dịch nhầy có mủ hoặc máu;
  • Ho;
  • Buồn nôn và nôn ói;
  • Trào ngược axit dạ dày;
  • Đau họng dữ dội;
  • Phát ban trên ngực, trong họng hoặc cổ;
  • Da xanh xao hoặc nhợt nhạt, đặc biệt là vùng da xung quanh ngón tay, ngón chân hoặc môi;
  • Sưng phù ở họng, cổ, đầu, bàn chân hoặc mắt cá chân;
  • Cảm thấy những thay đổi về tâm thần, mất định hướng,....

Tóm tắt

Dịch nhầy là chìa khóa trong hoạt động bình thường của các hệ cơ quan và hệ thống miễn dịch trong cơ thể, chính vì vậy việc tiết dịch nhầy vẫn diễn ra liên tục và đều đặn.

Một số vấn đề sức khỏe có thể gây tăng tiết nhầy hoặc làm cơ thể sản xuất quá mức và gây ra các biến chứng.

Thông thường các loại thuốc và một số biện pháp chăm sóc tại nhà có thể làm giảm lượng dịch nhầy tăng tiết ra này. Hãy đi khám bác sĩ nếu việc tiết dịch nhầy nhiều không có nguyên nhân rõ ràng, không giải quyết được bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà hoặc có kèm theo các triệu chứng khó chịu khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top