✴️ Viêm gan C là gì: tìm hiểu cách phòng và điều trị

Theo WHO, trên thế giới hiện nay có khoảng 170 triệu người mắc bệnh viêm gan C. Căn bệnh này thường được coi là ” thầm lặng” vì nhiều bệnh nhân mang virus nhưng không có triệu chứng và không cảm thấy bệnh. Vậy bệnh viêm gan C là gì?

 

1. Bệnh viêm gan C là gì?

Bệnh do virus viêm gan C (HCV – Hepatitis C Virus) gây ra. HCV được các nhà khoa học tìm thấy năm 1989. Virus này lây truyền qua đường máu nhưng hiếm khi lây qua đường tình dục. Virus có 6 loại kiểu gen chính. Kiểu gen của HCV được xác định qua cách xét nghiệm máu của người bệnh. Các kiểu gen khác nhau không ảnh hưởng đến tình trạng của bệnh nhưng sẽ ảnh hưởng đến phác đồ điều trị.

 

2. Con đường lây nhiễm viêm gan C

Viêm gan siêu vi C có thể bị lây nhiễm qua nhiều con đường như:

– Lây nhiễm qua đường máu khi truyền máu bị nhiễm bệnh hoặc các chế phẩm của máu được sản xuất trước năm 1991.

– Dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu… với người bị nhiễm bệnh.

– Dùng chung kim tiêm (thường gặp ở các đồi tượng nghiện hút) với người bị nhiễm bệnh.

– Chữa răng.

– Xăm, châm cứu, xỏ lỗ tai không được tiệt trùng dụng cụ.

– Truyền bệnh qua những hành vi tình dục không an toàn có nguy cơ chảy máu hoặc khi có kinh nguyệt.

– Truyền bệnh từ mẹ sang con (hiếm gặp)

– Ở nhiều người không biết được nguồn lây nhiễm.

Truyền máu có virus viêm gan C làm lây nhiễm bệnh

 

3. Cách phòng ngừa bệnh viêm gan C

Hiện nay không có vắc xin phòng ngừa căn bệnh này, do đó có thể phòng ngừa bệnh bằng các cách sau:

– Không dùng chung kim tiêm và các vật dụng cá nhân với người bị nhiễm bệnh.

– Chỉ nên xỏ lỗ, xỏ khuyên, xăm hình hay châm cứu tại những cơ sở uy tín và được vô trùng.

– Tránh thu gom và xử lý rác thải y tế sắc nhọn không an toàn.

– Tránh sử dụng ma túy và dùng chung kim tiêm.

– Tránh quan hệ tình dục khi đang trong kỳ kinh nguyệt.

 

4. Cơ chế của bệnh viêm gan C

Sau khi xâm nhập, HCV theo máu đến gan và sinh sôi ở đó. Cùng lúc, cơ thể bắt đầu chống lại sự nhiễm trùng. Viêm gan siêu vi C được coi là “căn bệnh thầm lặng ” vì hai phần ba số người mắc bệnh không có biểu hiện triệu chứng. Các triệu chứng gặp phải thường rất nhẹ nên bạn có thể không biết là mình bị mắc bệnh.

 

4.1. Viêm gan C cấp tính

Sau một khoảng thời gian ngắn (khoảng 6 tháng sau) khi nhiễm bệnh thường được gọi giai đoạn cấp của bệnh. Bệnh nhân bị viêm gan cấp thường không có biểu hiện triệu chứng. Trong thời gian này khoảng 15- 30% số bệnh nhân có thể tự vượt qua và khỏi bệnh mà không cần điều trị. Còn lại hầu hết bệnh nhân đều không tự diệt sạch được virus trong giai đoạn cấp và chuyển sang giai đoạn mãn tính.

4.2. Viêm gan C mạn tính

Khi virus vẫn tồn tại trong máu và gan trên 6 tháng sau khi nhiễm bệnh thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn mạn tính. Nếu không điều trị cơ hội khỏi bệnh là rất ít. Ở giai đoạn này gan bị tổn thương nặng hơn và bắt đầu có biểu hiện triệu chứng bệnh. Người bị viêm gan mạn tính thấy mệt mỏi, kém tập trung, đau cơ và khớp. Tuy nhiên các biểu hiện bệnh không rõ ràng và các biểu hiện này có thể kéo dài vài năm.

 

5. Các biến chứng có thể gặp phải

Trong thời gian này virus vẫn không ngừng sinh sôi trong gan. HCV gây viêm gan và làm tăng nồng độ một số men gan (AST và ALT), kết quả là tổn thương gan gây nên xơ hóa. Nó kéo dài lan rộng dẫn đến xơ gan. Khi xơ gan, mô xơ xâm lấn và thay thế mô lành làm ảnh hưởng đến các chức năng của gan như tổng hợp protein, chuyển hóa và giải độc. Khoảng 20% ca bệnh dẫn tới xơ gan, một bệnh lý nghiêm trọng. Ghép gan là biện pháp điều trị duy nhất đối với bệnh nhân bị xơ gan nặng.

Ngoài xơ gan, người bệnh nhiễm virus HCV còn có nguy cơ bị suy gan. Khi  đã biến chứng thành xơ gan, nếu không được điều trị thì bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng. Các mô sẹo do virus gây ra tiếp tục phát triển thay thế các mô lành làm chức năng gan suy giảm, lâu dần dẫn đến suy gan. Suy gan có thể được phát hiện qua các dấu hiệu như: vàng da, vàng mắt, tiểu ít, chân tay bị sưng phù, cổ trướng, thay đổi tính cách.

Ngoài hai biến chứng trên, HCV còn có thể gây nên ung thư gan ở giai đoạn muộn. Đây và là biến chứng nguy hiểm nhất khi mắc phải các bệnh liên quan đến gan mật. Nguy cơ ung thư gan của bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi C cao gấp 12 lần so với những người bình thường. Đặc biệt những người bị xơ gan thường bị ung thư gan.

Những yếu tố sau đây sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn và nặng hơn:

– Tuổi cao.

– Nam giới.

– Nghiện rượu bia.

– Đồng nhiễm HIV hoặc HBV.

– Thừa cân, béo phì.

– Bệnh tiểu đường.

– Hút thuốc.

Biến chứng của viêm gan C mạn tính

 

6. Các phương pháp điều trị hiện tại

Có hai loại thuốc đã được chấp thuận trên thế giới để điều trị viêm gan siêu vi C mạn tính là interferon và ribavirin.

Interferon là một protein tự nhiên của cơ thể thuộc về hệ miễn dịch giúp chống lại virus xâm nhập. Những triệu chứng của bệnh như đau nhức cơ và những triệu chứng như cúm chính là những dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang bảo vệ cơ thể khỏi tác đông của virus. Tuy nhiên, cơ thể không tạo ra đủ interferon để tiêu diệt toàn bộ HCV. Vậy nên việc bổ sung thêm chế phẩm protein này là một cách để tăng cường sức đề kháng tự nhiên. Interferon là một protein có thể bị phá hủy tại đường tiêu hóa khi sử dụng theo đường uống. Nên hoạt chất này chỉ có thể được đưa vào cơ thể bằng cách tiêm dưới da.

Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy chỉ điều trị bằng interferon cũng diệt được virus, nhưng hiệu quả điều trị sẽ được cải thiện nếu phối hợp với ribavirin. Ribavirin có thể tăng cường tác dụng diệt virus của interferon khi sử dụng kết hợp. Chỉ sử dụng ribavirin không diệt được virus.

Lưu ý: Các loại thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh chỉ được sử dụng khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ. Không tự ý mua và sử dụng thuốc tránh hậu quả đáng tiếc.

Người mắc viêm gan C nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến xơ gan. Từ đó chức năng gan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, khi phát hiện thấy các triệu chứng đặc trưng , người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top