✴️ Viêm nha chu là gì?

Nội dung

Viêm nha chu, hay bệnh nha chu, là một tình trạng nhiễm trùng thường gặp gây tổn thương mô mềm và xương quanh răng. Nếu không điều trị, xương ổ răng (phần xương quanh chân răng) sẽ bị tiêu từ từ và tiến triển nặng dần.

Tên “viêm nha chu” nghĩa là “nhiễm trùng quanh răng”. Các vi sinh vật, như vi khuẩn, bám dính trên bề mặt của răng và trong các túi xung quanh răng, và cứ thế phát triển nhân lên. Bệnh nha chu xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng và độc tố từ vi khuẩn được giải phóng.

Viêm nha chu không được điều trị cuối cùng sẽ dẫn đến mất răng cũng như có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim, và các vấn đề sức khỏe khác.

Mảng bám vi khuẩn, một lớp màng dính, không màu, phát triển trên bề mặt của răng, là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh nha chu. Nếu mảng bám không được loại bỏ, nó có thể cứng lại thành cao răng hoặc vôi răng.

Hầu hết các trường hợp viêm nha chu có thể phòng ngừa được bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách.

Thông tin nhanh về bệnh viêm nha chu

  • Viêm nha chu, hay bệnh nha chu, ảnh hưởng đến vùng quanh răng, bao gồm xương và nướu răng;
  • Viêm nha chu xảy ra khi vi khuẩn và mảng bám hình thành quanh răng, và hệ thống miễn dịch bắt đầu phản ứng;
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách là một phần của cả quá trình điều trị và phòng ngừa, nhưng đôi khi cũng cần phải thực hiện phẫu thuật để điều trị bệnh;
  • Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu và khiến cho việc điều trị không hiệu quả;
  • Dường như có mối liên hệ giữa bệnh nha chu và các bệnh lý khác trong cơ thể, chẳng hạn như bệnh tim.

 

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm nha chu gồm:

  • Nướu bị viêm hoặc sưng và sưng nướu tái phát;
  • Nướu đỏ tươi, thỉnh thoảng tím;
  • Đau khi chạm vào nướu;
  • Tụt nướu, làm cho răng trông dài hơn;
  • Khe hở xuất hiện giữa các răng;
  • Mủ giữa răng và nướu;
  • Chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa;
  • Vị kim loại trong miệng;
  • Chứng hôi miệng, hoặc hơi thở có mùi;
  • Răng lung lay.

Bạn có thể cảm giác có sự khác biệt khi cắn lại do răng không còn khớp với nhau như trước.

 

Viêm nha chu và viêm nướu

Viêm nướu xảy ra trước viêm nha chu. Nó thường liên quan đến tình trạng nhiễm trùng nướu, trong khi viêm nha chu liên quan đến bệnh nha chu và có sự phá hủy mô, xương, hoặc cả hai.

Viêm nướu: Mảng bám vi khuẩn tích tụ trên bề mặt của răng, khiến nướu trở nên đỏ và viêm. Răng có thể bị chảy máu khi đánh răng. Nướu bị kích ứng và khó chịu, nhưng răng không bị lung lay. Không có tổn thương không hồi phục ở xương hoặc mô xung quanh.

Viêm nướu không điều trị có thể tiến triển thành viêm nha chu.

Viêm nha chu: Nướu và xương tách rời khỏi răng, hình thành túi nha chu sâu. Các mảnh vụn tích tụ trong khoảng trống giữa nướu và răng và gây nhiễm trùng vùng này.

Hệ thống miễn dịch tấn công vi khuẩn khi mảng bám lan rộng bên dưới đường viền nướu đi vào túi nha chu. Xương và mô liên kết nâng đỡ răng bắt đầu bị phá hủy do các chất độc của vi khuẩn tạo ra, khiến răng lung lay và có thể rụng đi. Những thay đổi này là không thể hoàn nguyên.

 

Nguyên nhân gây viêm nha chu

Mảng bám răng là một màng sinh học màu vàng nhạt tích tụ trên răng như một phần của quá trình tự nhiên. Nó được hình thành bởi những vi khuẩn cố gắng bám vào bề mặt nhẵn của răng. Đánh răng giúp loại bỏ mảng bám, nhưng sau một ngày hoặc lâu hơn, nó sẽ tích tụ trở lại.

Nếu không được loại bỏ, nó sẽ cứng lại thành cao răng, hay còn gọi là vôi răng. Cao răng khó loại bỏ hơn mảng bám và không thể thực hiện tại nhà. Vì vậy cần điều trị chuyên khoa để loại bỏ chúng.

Mảng bám răng có thể tiến triển từ từ làm tổn thương răng và các mô xung quanh. Đầu tiên bạn có thể bị viêm nướu, là tình trạng viêm nướu quanh răng.

Nếu tình trạng viêm nướu kéo dài, các túi nha chu chứa đầy vi khuẩn có thể phát triển giữa chân răng và nướu.

Phản ứng của hệ thống miễn dịch với nhiễm trùng và độc tố của vi khuẩn bắt đầu phá hủy xương và mô liên kết nâng đỡ răng. Kết quả là, răng lung lay và có thể rụng đi.

Nguyên nhân gây viêm nha chu​​​​​​​

Điều trị

Mục đích chính của việc điều trị là loại bỏ vi khuẩn từ các túi nha chu quanh răng và ngăn ngừa sự phá hủy xương và mô nhiều hơn.

Vệ sinh răng miệng

Vệ sinh răng miệng đúng cách nên được thực hiện mỗi ngày, kể cả khi răng và nướu khỏe mạnh, để phòng ngừa nhiễm trùng.

Chăm sóc răng miệng đúng cách bao gồm đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày 1 lần. Nếu có khe hở lớn giữa các răng, nên dùng bàn chải kẽ răng.

Bàn chải lông mềm có thể được sử dụng khi các khe hở giữa các răng nhỏ hơn. Bệnh nhân bị viêm khớp và những bệnh nhân có vấn đề về thực hiện các thao tác cần sự khéo léo có thể sử dụng bàn chải điện để làm sạch toàn diện.

Viêm nha chu là bệnh viêm mạn tính. Nếu không giữ vệ sinh răng miệng đúng cách, bệnh sẽ tái phát.

Cạo vôi và làm sạch

Để phục hồi sức khỏe nha chu, điều quan trọng là phải loại bỏ mảng bám và vôi răng.

Bác sĩ sẽ tiến hành cạo vôi và nạo túi để làm sạch vùng dưới đường viền nướu. Quá trình này có thể được thực hiện bằng dụng cụ cầm tay hoặc thiết bị siêu âm nhằm loại bỏ mảng bám và vôi răng. Xử lý mặt gốc răng được thực hiện để làm sạch những vùng gồ ghề trên chân răng. Vi khuẩn có thể ẩn náu bên trong các mảng gồ ghề này, làm tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu.

Tùy thuộc vào lượng mảng bám và vôi răng, quá trình này có thể cần một đến hai lần điều trị.

Cạo vôi răng thường được khuyến nghị thực hiện hai lần mỗi năm, và có thể thường xuyên hơn, tùy thuộc vào lượng mảng bám tích tụ.

Thuốc

Nước súc miệng kháng khuẩn, như chlorhexidine: Được sử dụng để kiểm soát vi khuẩn khi điều trị bệnh nha chu và sau phẫu thuật. Bệnh nhân sử dụng loại này như nước súc miệng thông thường.

Miếng chip kháng khuẩn: Đây là một miếng gelatin nhỏ chứa chlorhexidine, giúp kiểm soát vi khuẩn và giảm kích thước túi nha chu. Nó được đặt trong túi nha chu sau  khi xử lý mặt gốc răng. Thuốc sẽ từ từ được giải phóng theo thời gian.

Gel kháng khuẩn: Loại gel này chứa doxycycline, một loại kháng sinh giúp kiểm soát vi khuẩn và thu nhỏ túi nha chu. Nó được bơm vào túi nha chu sau khi cạo vôi và xử lý mặt gốc răng. Đây là một loại thuốc phóng thích chậm.

Các vi cầu kháng sinh: Các hạt rất nhỏ chứa minocycline, một chất kháng sinh, được đặt vào túi nha chu sau khi cạo vôi răng và xử lý mặt gốc răng. Thuốc giải phóng chậm này cũng được sử dụng để kiểm soát vi khuẩn và giảm kích thước túi nha chu.

Chất ức chế enzyme: Chất này giữ cho các enzyme phá hủy được kiểm soát với liều doxycycline thấp. Một số enzyme có thể phá hủy mô nướu, nhưng thuốc này có thể làm chậm phản ứng enzyme của cơ thể. Nó được dùng bằng đường uống, dưới dạng thuốc viên và được sử dụng cùng với việc cạo vôi răng và xử lý mặt gốc răng.

Thuốc kháng sinh dạng uống: Có dạng viên nang hoặc viên nén, được dùng bằng đường uống. Chúng được sử dụng ngắn hạn để điều trị viêm nha chu cấp tính hoặc mạn tính khu trú.

Viêm nha chu tiến triển

Nếu vệ sinh răng miệng đúng cách và điều trị không phẫu thuật không hiệu quả, có thể cần phải can thiệp phẫu thuật.

Các lựa chọn bao gồm:

Phẫu thuật tạo vạt: Bác sĩ thực hiện phẫu thuật tạo vạt để loại bỏ vôi răng ở các túi nha chu sâu hoặc để thu nhỏ túi để việc làm sạch dễ dàng hơn. Nướu răng được nâng trở lại và vôi răng được loại bỏ. Sau đó nướu được khâu lại, vì vậy sẽ vừa khít sát với răng. Sau phẫu thuật, nướu sẽ lành lại và ôm khít quanh răng. Trong một số trường họp, răng có thể giữ lại lâu hơn trước.

Ghép xương và mô: Quy trình này giúp tái tạo mô xương hoặc mô nướu đã bị phá hủy. Xương tự nhiên hoặc tổng hợp mới được đặt vào nơi xương đã mất, thúc đẩy sự phát triển của xương.

Tái tạo mô có hướng dẫn (GTR) là một quy trình phẫu thuật sử dụng màng chắn để định hướng sự phát triển của mô xương và mô nướu mới tại vị trí thiếu một hoặc cả hai. Nó nhằm mục đích tái tạo mô và sửa chữa các khiếm khuyết do viêm nha chu.

Trong thủ thuật này, một mảnh nhỏ vật liệu dạng lưới được đưa vào giữa mô nướu và xương. Điều này ngăn không cho nướu phát triển vào không gian xương, tạo cơ hội cho xương và mô liên kết tái tạo lại. Nha sĩ cũng có thể sử dụng các protein đặc biệt, hoặc các yếu tố tăng trưởng, giúp cơ thể tái tạo xương một cách tự nhiên.

Bác sĩ nha khoa có thể đề nghị ghép mô mềm. Điều này liên quan đến việc lấy mô từ phần khác của miệng hoặc sử dụng vật liệu tổng hợp để che các chân răng bị lộ.

Thành công phụ thuộc vào mức độ tiến triển của bệnh, mức độ tuân thủ của bệnh nhân với việc vệ sinh răng miệng đúng cách, và các yếu tố khác, chẳng hạn như hút thuốc lá.

 

Các biện pháp tại nhà

Tác hại của viêm nha chu có thể được ngăn chặn bằng cách khám và điều trị định kỳ cùng với việc duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách.

Các biện pháp cần làm gồm:

  • Đánh răng bằng bàn chải và kem đánh răng phù hợp ít nhất hai lần một ngày, làm sạch cẩn thận mặt nhai và các mặt của răng;
  • Dùng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ mỗi ngày để làm sạch kẽ răng, nơi mà bàn chải không thể chạm tới. Chỉ nha khoa có thể làm sạch những khe hở nhỏ, nhưng bàn chải nha khoa rất hữu ích cho những khe hở lớn hơn;
  • Cẩn thận hơn khi làm sạch xung quanh các bề mặt không bằng phẳng như răng chen chúc, răng khấp khểnh, mão răng, hàm giả, miếng trám, v.v…
  • Sau khi chải răng, hãy sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn giúp ngăn ngừa vi khuẩn phát triển và giảm phản ứng viêm trong miệng.

Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), tốt nhất nên:

  • Đánh răng trong 2 phút, hai lần một ngày với bàn chải cầm tay hoặc bàn chải điện có lông mềm;
  • Sử dụng kem đánh răng chứa fluor;
  • Rửa sạch bàn chải sau khi sử dụng và cất thẳng đứng;
  • Thay mới bàn chải mỗi 3 đến 4 tháng, hoặc nhiều hơn nếu lông bàn chải bị sờn hoặc rối;

Bàn chải không nên dùng chung, vì vi khuẩn có thể truyền từ người sang người theo cách này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top