✴️ Tác dụng không mong muốn của thuốc chữa viêm mũi dị ứng

1. Thuốc chữa viêm mũi dị ứng

Như đã nói ở trên, các thuốc chữa viêm mũi dị ứng hiện nay chỉ có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng. Các nhóm thuốc dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng và tác dụng:

  • Nhóm Corticoid: Tác dụng chống viêm nhanh chóng làm giảm sưng nề, nghẹt, ngứa mũi, chảy nước mũi…
  • Nhóm kháng histamine: Những thuốc này giúp làm giảm các triệu chứng chảy nước mũi, tắc mũi hay khó thở.
  • Nhóm thuốc co mạch: Tác dụng chính của nhóm này giúp giảm sưng, viêm niêm mạc mũi. Nhờ đó cũng giúp ức chế tình trạng nhiễm trùng và giảm các biểu hiện gây khó chịu
  • Nhóm thuốc nhỏ rửa mũi: thường là nước muối sinh lý có thành phần Nacl 0,9% giúp làm sạch, thông thoáng đường thở.
  • Kháng sinh: Điều trị các nhiễm khuẩn kèm theo hoặc bội nhiễm

2. Tác dụng không mong muốn của thuốc chữa viêm mũi dị ứng

Bên cạnh tác dụng chữa bệnh, hầu hết các thuốc đều có những tác dụng không mong muốn. Đặc biệt, các thuốc chữa viêm mũi dị ứng càng có nhiều tác dụng phụ và tác dụng ngoại ý.

2.1. Tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc Corticoid

Những thuốc corticoid thường gặp là fluticason, beclomethason, budesonide. Chúng đa phần được bào chế ở dạng thuốc hít. Thuốc vào cơ thể dưới dạng hạt nhỏ li ti, bám vào niêm mạc mũi, tạo ra các tác dụng tại chỗ. Những thuốc dạng này có ưu thế do với dạng uống là chỉ cần một liều nhỏ và tác dụng nhanh chóng. Điều này giúp giảm các nguy cơ gây hại gan, thận so với việc sử dụng thuốc đường uống.

Tuy nhiên, hạn chế là trong nhiều trường hợp nghẹt mũi, thuốc bị ngăn cản tới vị trí cần tác dụng. Những thuốc corticoid nói chung có rất nhiều tác dụng không mong muốn:

  • Corticoid làm chậm lành vết thương. Những trường hợp có tổn thương đường hô hấp (xây xước, rách, mới phẫu thuật) không nên sử dụng thuốc.
  • Corticoid gây ức chế miễn dịch, do đó cần thận trọng khi chỉ định đối với bệnh nhân lao, suy giảm miễn dịch…Cũng vì lý do này, người bệnh sử dụng các thuốc corticoid dạng hít lâu dài có thể có nguy cơ nhiễm nấm Candida.
  • Corticoid cũng có thể làm giảm hiệu lực của kháng sinh. Bởi vậy, cần cân nhắc và tính toán kĩ đối với liều sử dụng nếu kết hợp cả 2 loại thuốc này.
  • Corticoid có thể gây các triệu chứng như đau đầu, viêm họng, hắt hơi, buồn nôn, nôn, chảy máu cam, phát ban da, ngứa, sưng mặt,…
  • Sử dụng các thuốc corticoid dạng hít kéo dài hoặc kết hợp với dạng uống không theo đúng chỉ định có thể gây ra tình trạng ngộ độc toàn thân
  • Các thuốc corticoid điều trị viêm mũi dị ứng đường uống có thể có gây hại cho thai.

Tác dụng không mong muốn của thuốc chữa viêm mũi dị ứng

2.2. Tác dụng không mong muốn của nhóm  thuốc kháng histamine:

Những thuốc kháng histamine thường dùng chữa viêm mũi dị ứng là chlopheniramin, alimemaxin, promethazin, diphenylhydramin, dimenhydrinat hay cinarizin… Những thuốc này đều có đặc điểm dễ gây buồn ngủ, do đó có ảnh hướng tới học tập, lao động và sinh hoạt. Cần cân nhắc khi sử dụng vào ban ngày. Các thuốc thế hệ mới hơn thuộc nhóm này có thể kể để như loratidin, acrivastin hay fexofenadine. Những loại thuốc này cải thiện được nhược điểm của thế hệ cũ. Mặc dù ít gây buồn ngủ hơn, nhưng vẫn có thể khiến người dùng thiếu tỉnh táo.

2.3. Tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc co mạch:

Những thuốc co mạch điều trị viêm mũi dị ứng khá phổ biến về hình thức cũng như đường dùng.

  • Nhóm các thuốc co mạch dạng uống gồm những thuốc cường giao cảm được dùng riêng lẻ như ephedrine hoặc thuốc được sử dụng trong thành phần của thuốc cảm như pseudoepherein, phenylephrin, phenylpropanolamine… Những thuốc này có tác dụng giảm sung huyết, giảm nghẹt mũi nhanh chóng và rõ rệt. Tuy nhiên, cũng chính tác dụng cường giao cảm mang tới nhiều  những tác dụng không mong muốn. Những tác dụng ngoại ý phổ biến nhất như tăng huyết áp, mạch nhanh, trống ngực, đau thắt ngực, đau đầu, choáng váng, khó ngủ, chán ăn, run chân tay hay buồn nôn… Những tác dụng kể trên đặc biệt nguy hiểm, nhất là với người mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường và cường giáp.
  • Nhóm các thuốc co mạch dạng nhỏ, xịt, được dùng phổ biến hơn cả. Các thuốc nhóm này gặp nhiều trên thị trường là naphazolin, xylomethazolin,… Tương tự các thuốc bên trên, tác dụng cường giao cảm mang lại hiệu quả co mạch tại chỗ nhanh chóng. Bệnh nhân rất nhanh hết cảm giác phù nề, nghẹt mũi. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc kéo dài, hiệu quả thuốc giảm dần đến không còn tác dụng.. Thậm chí, nếu sử dụng thuốc trong một thời gian dài có thể gây “phản ứng dội ngược”. Người bệnh có thể bị nghẹt mũi trở lại do dùng thuốc. Nếu sử dụng thuốc liều cao hoặc lâu dài, lượng thuốc tích lũy trong cơ thể có thể gây các tác dụng không mong muốn như nhóm thuốc co mạch dạng uống kể trên.

2.4.Tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc kháng sinh:

Đối với những trường hợp viêm mũi dị ứng có nhiễm khuẩn thường được sử dụng thêm kháng sinh bên cạnh các thuốc chữa triệu chứng. Việc sử dụng kháng sinh trong bệnh này cũng có nguy cơ gặp các tác dụng không mong muốn như: sốc phản vệ, phản ứng dị ứng, bội nhiễm kháng thuốc… Ngoài ra, một số kháng sinh có tác dụng phụ tới những cơ quan cụ thể. Ví dụ tác dụng gây rối loạn tiêu hóa (erythromycin), thính giác (aminoglycoside), gây độc hệ tạo máu (cloramphnicol), ảnh hưởng tới xương, răng (tetracyclin)…

2.5. Nhóm thuốc nhỏ rửa mũi:

Nước muối sinh lý được dùng để nhỏ, rửa mũi rất phổ biến. Loại thuốc này khá lành tính và có thể sử dụng cho gần như tất cả đối tượng mà không gây phản ứng phụ.

3. Kết luận

Tóm lại, khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào đều cần có sự lựa chọn và cân nhắc thật kỹ, nhất là các thuốc chữa viêm mũi dị ứng. Một số lưu ý khi điều trị viêm mũi dị ứng:

  • Cần sử dụng theo chỉ định của bác sỹ
  • Dùng thuốc sớm khi bệnh còn nhẹ
  • Không dùng thuốc kéo dài.
  • Sử dụng với liều cho phép, trong thời gian vừa đủ
  • Những bệnh nhân mắc bệnh mạch vành, huyết áp, đái tháo đường… không nên sử dụng thuốc co mạch
  • Bệnh nhân mắc các bệnh virus, suy giảm miễn dịch cần cân nhắc khi dùng các thuốc corticoid

Ngoài ra, đối với các bệnh nhân viêm mũi dị ứng, điều quan trọng là hạn chế tiếp xúc các tác nhân gây bệnh, giữ môi trường sống sạch sẽ, khô ráo… để phòng phát bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top