✴️ Viêm tuyến mồ hôi mủ (P2)

Nội dung

Điều trị viêm tuyến mồ hôi mủ

Viêm tuyến mồ hôi mủ là một bệnh da tái phát mãn tính gây ra tụ áp-xe và sẹo, thường do cọ xát hoặc ngứa. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến khoảng 1-4 % dân số thế giới và thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới.

 

Điều trị viêm tuyến mồ hôi mủ

Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm thì có thể diễn tiến nặng và tạo sẹo lớn.

Có nhiều biện pháp điều trị khác nhau, tất cả đều tập trung chủ yếu vào:

  • Dập tắt đợt bùng
  • Xóa sẹo và các lỗ dò
  • Làm giảm tần suất của đợt cấp và độ nặng của bệnh

Có nhiều loại thuốc được dùng để điều trị bệnh ở mức độ nhẹ đến vừa, bao gồm:

  • Kháng sinh: Kháng sinh đường uống thường được dùng để tiêu diệt vi khuẩn, thuốc doxycycline đường uống là thuốc thường gặp nhất. Một số thuốc loại này còn có cả đặc tính kháng viêm. Bệnh nhân có thể cần hoàn thành lộ trình 3 tháng sử dụng thuốc kháng sinh để có thể chắc chắn được thuốc có hiệu quả hay không.
  • Corticosteroid: Thuốc này được dùng để giảm viêm. Thuốc có thể tiêm vào tại vị trí tổn thương hoặc dùng đường uống để kiểm soát triệu chứng viêm.
  • Thuốc tiểu đường: Thuốc metformin (một loại thuốc dành cho bệnh đái tháo đường type 2) có thể được sử dụng để cải thiện tổn thương ở một vài bệnh nhân.
  • Liệu pháp Hormone: Các loại thuốc điều hòa hormone, ví dụ như spironolactone có thể được dùng để giảm phù do tích tụ nước, và có thể kết hợp với thuốc tránh thai để cho tác dụng tốt hơn.
  • Các loại nước rửa có chứa chất kháng khuẩn: Các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng các loại nước rửa có chứa chlorrhexidine, benzoyl peroxide (10%), và kẽm pyrithione để điều trị viêm tuyến mồ hôi mủ.

Trong các trường hợp nặng, các bác sĩ sẽ dùng các biện pháp điều trị mạnh hơn để cho hiệu quả tốt hơn nhưng lại có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn.

Nên luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ trước về các điểm lợi, tác dụng phụ và nguy cơ của các biện pháp điều trị.

Các biện pháp điều trị dành cho bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ bao gồm liệu pháp sinh học, gồm những thuốc có tác dụng lên hệ miễn dịch, ví dụ như ustekinumab (Sterala).

Thuốc retinoid đường uống cũng có thể được dùng. Các loại thuốc này là dẫn xuất của vitamin A, thường đôi khi chỉ có tác dụng đối với một số bệnh nhân.

Trong một vài trường hợp nặng hoặc các trường hợp không đáp ứng với những điều trị khác thì các bác sĩ sẽ thực hiện các thủ thuật hoặc phẫu thuật như:

  • Rạch và dẫn lưu: Thủ thuật này sử dụng dao phẫu thuật để rạch các nốt mụn ra và dẫn lưu dịch để giảm đau. Thông thường thì các bác sĩ sẽ không khuyến cáo thực hiện do thủ thuật này sẽ tạo ra vết thương, và các nốt mụn thường sẽ tự biến mất.
  • Cắt chóp: Đây là biện pháp tốt nhất dành cho các vết thường đau, sâu và tái diễn. Các mô ở vùng trên đỉnh của tổn thương sẽ được loại bỏ bằng tia laser hoặc kéo phẫu thuật. Biện pháp này để lại sẹo tối thiểu.
  • Cắt bỏ: Vùng da có nguy cơ bị tổn thương nặng sẽ được cắt bỏ. Vùng tổn thương còn lại sẽ được che phủ lại bằng cách kéo và nối các vùng da xung quanh lại hoặc sử dụng da từ vị trí khác trên cơ thể. Các triệu chứng thường sẽ không tái diễn lại tại vùng da đó.

Chế độ ăn

Chế độ ăn đóng một vai trò quan trọng trong mức độ nặng của bệnh. Một chế độ ăn không sử dụng sản phẩm từ sữa có thể giúp làm giảm độ nặng lâm sàng của bệnh. Chế độ ăn không có men bia có thể làm giảm triệu chứng nặng. Các chế độ ăn giảm tinh bột và đường có thể đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân viêm tuyến mồ hôi mủ.

Phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị viêm tuyến mồ hôi mủ không đảm bảo chắc chắn thành công.

Một nghiên cứu năm 2020 với 70 người, có độ tuổi trung vị là 31.4, cho thấy tỉ lệ viêm tuyến mồ hôi mủ tái phát sau khi phẫu thuật loại bỏ là 35%. Tuy nhiên, hai phần ba số người tham gia nghiên cứu nói rằng họ hài lòng với kết quả phẫu thuật và sẽ khuyến khích thực hiện nó.

Có thể điều trị hoàn toàn không?

Hiện vẫn chưa có biện pháp nào điều trị hoàn toàn viêm tuyến mồ hôi mủ. Đây là một bệnh mãn tính suốt đời và cần được kiểm soát. Không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng với điều trị như nhau.

Điều trị tại nhà

Có một số biện pháp, thủ thuật có thể thực hiện tại nhà để làm giảm triệu chứng khi dùng kèm với các biện pháp điều trị chính thức, như:

  • Nước rửa kháng khuẩn: Các nước rửa có chứa chlorhexindine, benzoyl peroxide (10%), hoặc kẽm pyritione có thể có hiệu quả.
  • Chăm sóc vết thương: Các tổn thương cần được chăm sóc cẩn thận, ví dụ như thường xuyên rửa cùng với dung dịch tẩy rửa không xà phòng hoặc thuốc kháng khuẩn và thay băng sạch thường xuyên.
  • Chườm ấm: Nhiệt độ ấm làm giảm đau và có thể hút các chất mủ từ vết thương ra. Để chườm ấm, dùng một tấm vải sạch cho vào nước ấm sau đó đặt lên vết thương trong vòng 10 phút.
  • Đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh: Viêm tuyến mồ hôi mủ thường gặp nhiều hơn ở người béo phì, nhưng giảm cân không làm giảm triệu chứng khi đã mắc. Cho dù giảm được 10% trọng lượng cũng không giúp ích được.
  • Ngưng hút thuốc lá: Bỏ hút thuốc lá có thể làm giảm triệu chứng.
  • Hạn chế cạo lông: Cạo lông làm kích ứng da và có thể làm cho vi khuẩn xâm nhập vào vùng da bị tổn thương. Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về cách tẩy lông vùng da bị tổn thương.
  • Giữ cho da mát: Quá nóng có thể làm cho bùng phát triệu chứng, do đó giữ mát và khô có thể cho hiệu quả tốt.
  • Hạn chế cọ xát: Cọ xát và sự tiếp xúc với quần áo có thể kích ứng gây triệu chứng, do đó nên mặc quần áo, đồ lót rộng rãi thoải mái.

Thay đổi lối sống

Bệnh nhân mắc viêm tuyến mồ hôi mủ có thể sẽ phải thay đổi lối sống của mình. Các biến chứng từ bệnh có thể sẽ khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc làm, trường học, tham gia các hoạt động thể chất, và các mối quan hệ.

Sự kì thị trong xã hội đối với bệnh có thể khiến cho bệnh nhân xấu hổ và trầm cảm. Bệnh nhân nên tìm đến sự trợ giúp từ các nhóm xã hội và nên có một việc làm linh động.

Nếu như có hút thuốc lá thì nên cai. Nếu như bệnh nhân bị béo phì thì nên giảm cân. Do cả hai tình trạng trên đều là yếu tố nguy cơ của bệnh.

Tóm tắt

Bệnh nhân bị viêm tuyến mồ hôi mủ thường có xu hướng cải thiện sớm khi được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, đây là một bệnh mạn tính và cần được kiểm soát thường xuyên.

Các triệu chứng có thể gây đau, khó chịu, giảm sự tự tin, và gây ra các vấn đề trong việc cử động.

Các bác sĩ có thể giúp cho bệnh nhân tìm được phương pháp điều trị, các liệu pháp tại nhà và các biện pháp tốt nhất khác để kiểm soát triệu chứng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top