✴️ Xét nghiệm tế bào nước tiểu (Phương pháp thủ công)

Nội dung

NGUYÊN LÝ

Bình thường nước tiểu chỉ có một số tế bào biểu mô và cặn theo biểu hiện sinh lý của cơ thể. Khi có dấu hiệu bệnh lý ở hệ tiết niệu sẽ có biểu hiện có nhiều tế bào hoặc tinh thể trong nước tiểu. Xét nghiệm tế bào trong nước tiểu theo phương pháp thủ công là xác định định tính các tế bào hoặc cặn, tinh thể có trong nước tiểu. Xét nghiệm này góp phần quan trọng trong công tác chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh.

 

CHỈ ĐỊNH

Xét nghiệm cơ bản.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có chống chỉ định.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

01 Kỹ thuật viên hoặc Cử nhân kỹ thuật y có kiến thức chuyên khoa.

Phương tiện - Hóa chất

Dụng cụ

Kính hiển vi quang học;

Khay hạt đậu;

Lam kính khô sạch;

Pipette Pasteur;

Gạc hút;

Giá cắm ống nước tiểu.

Hóa chất

Không có.

Bệnh phẩm

Là mẫu nước tiểu được gửi đến phòng xét nghiệm từ bệnh phòng hoặc lấy trực tiếp tại nơi khám bệnh.

Bệnh phẩm phải đạt yêu cầu:

Phù hợp thông tin của giấy xét nghiệm và ống nghiệm.

Không có dị vật khác trong ống nghiệm.

Bệnh phẩm nước tiểu mới bài tiết thường trong và có mầu vàng nhạt do có sắc tố urobilin, để lắng một thời gian sẽ có mầu vẩn đục do tế bào thượng bì và chất nhầy muxin tạo nên, ngoài ra còn do một số cặn uric, urat, phosphat.,. hoặc do protein, do mủ, hoặc mầu đỏ do lẫn máu, mầu nâu do đái nhiều urobilin, mầu vàng xẫm khi có nhiều bilirubil.

Phiếu xét nghiệm

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Để lắng 1−2 giờ kể từ khi nhận bệnh phẩm từ bệnh phòng. Trường hợp bệnh phẩm mới lấy, cần làm xét nghiệm ngay → đảo đều bệnh phẩm bằng Pipette paster →hút 5ml vào ống nghiệm sạch → ly tâm 2000 vòng/phút x 10 phút.

Đổ phần trên (thao tác đổ dứt khoát), hút một giọt cặn, nhỏ lên phiến kính (hoặc lắc kỹ phần cặn → đổ trực tiếp từ ống nghiệm vào lam kính và kéo dài miệng ống nghiệm tạo thành tiêu bản nước dịch) và di đều lên lam kính → chờ 1−2 phút cho bệnh phẩm ổn định → đặt lên kính hiển vi đọc bằng vật kính x10.

Kiểm tra tối thiểu 10 vi trường theo đường rích rắc để đánh giá trung cho cả cặn và tế bào.

 

NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ

1.Tế bào

Hồng cầu:

Ít: dưới 5 hc / vi trường

(+): 5 - 10 hc/ vi trường

(++): 10 - 20 hc /vi trường

(+++): trên 20 hc /vi trường

Bạch cầu:

Ít: dưới 10 bc / vi trường (+): 10 - 20 bc/ vi trường

(++): trên 20 bc/ vi trường

(+++): trên 50 bc/ vi trường

Tinh trùng: đánh giá định tính dựa trên mật độ tinh trùng có trong nước tiểu từ mức độ rải rác, (+) → (++++) và dày đặc.

Tế bào biểu mô niệu đạo: Tế bào to hình đa diện, nhân rõ.

Tế bào biểu mô bàng quang: Tế bào to hình vợt, nhân rõ.

Tế bào biểu mô thận: Tế bào to trung bình, hình bầu dục, nhân tròn rõ.

Trụ niệu:

Cấu tạo bởi chất nhày, tế bào của máu khi qua ống thận, đọng lại và mang khuôn của ống thận. Dựa vào thành phần cấu tạo người ta chia 2 loại trụ:

Trụ không có tế bào gồm

Trụ trong: Còn gọi là trụ thấu quang, hình dài, bờ nhẵn, trong suốt. nước tiểu bình thường thải ra 3000 trụ trong vòng 12 giờ, trụ này tăng khi lao động nặng, sốt, sau gây mê bằng ether; gặp nhiều có thể nghĩ do viêm thận.

Trụ sáp (trụ keo): Ngắn và to hơn trụ trong, óng ánh do chiết quang nhiều, màu xám, thường có vết nứt; người ta cho rằng do nằm lâu trong ống thận nên bị khô và tạo thành trụ sáp.

Trụ xơ: Màu vàng nhạt, trông như có nhiều sợi ghép lại và kéo dài, thường gặp trong viêm thận cấp.

Trụ mỡ: Do bào tương tế bào thoái hóa, hoặc do mỡ trong máu bài tiết ra tạo thành; các hạt mỡ hiện rõ trên thân trụ, thường gặp trong thận nhiễm mỡ.

Trụ có tế bào

Thường gặp trong viêm cầu thận.

Trụ hạt: Giống như trụ trong nhưng trên mặt có những hạt to nhỏ bám lên, do các tế bào hoặc các hạt cholesterol của các tế bào thoái hóa tạo thành, thường gặp trong viêm thận cấp.

Trụ biểu mô: Còn gọi là trụ liên bào gồm những tế bào ở ống thận tạo thành.

Trụ mủ hay trụ bạch cầu: Do bạch cầu hạt thoái hóa tạo thành, thường đứt thành đoạn ngắn.

Trụ hồng cầu còn gọi là trụ máu: Do hồng cầu kết tụ, bờ trụ thường lởm chởm không đều.

Trụ vi khuẩn (ít gặp): Do vi khuẩn tạo nên.

khi đọc bằng vật kính x 10, trụ được đánh giá như sau:

(−): không có trụ

(+): 1 trụ / 100 vi trường

(++): 1 trụ / 1 vi trường

(+++): 10 trụ / 1 vi trường

(++++): 100 trụ / 1 vi trường

Cặn tinh thể

Đánh giá định tính dựa trên sự có mặt các loại cặn, tinh thể có trong bệnh phẩm, từ rải rác, (+) → (++++) và dày đặc, thường gặp các loại sau:

Sulfatcalci: hình kim dài, hoa thị, không màu.

Oxalatcalci: hình phong bì , bánh qui, kích thước 10 - 20 µm, hình củ lạc khoảng 50 µm, rất chiết quang.

Cacbonatcalci: hình cầu, tan trong acid.

Cặn phosphat: hình chữ nhật, lá dương xỉ, hình sao. kích thước 30 - 150 µm, không màu, chiết quang.

Aciduric: hình thoi, mũi giáo, hoa thị cánh nhọn, hình ngôi sao, màu vàng hay nâu đỏ.

Amoniurat: hình cầu gai, xương rồng, hình bó kim, kích thước 20 µm, màu vàng, chiết quang.

Phosphattricalci: hạt nhỏ, không có hình thù nhất định, tan trong acid.

Sunfadiazin: hình bó mạ, hình chổi.

Sunfathiazon: hình lục lăng.

Sunfa pyridin: hình lá đu đủ.

Cholesterol: là những bản mỏng, không màu trong suốt, chồng lên nhau.

Phosphatdicalci: hình tam giác, góc nhọn, chụm thành hình hoa thị. Có thể tham khảo, đối chiếu với các hình ảnh dưới đây để kết luận khi thực hiện xét nghiệm:

 

NHỮNG SAI SÓT VÀ XỬ TRÍ

Trong xét nghiệm này, ngoài các tiêu chí nhận định kết quả của các loại tế bào thì việc nhận định kết quả các loại cặn, tinh thể có mặt trên các vi trường quan sát cũng rất quan trọng. Vì vậy, kinh nghiệm của người làm kỹ thuật góp phần tích cực đến kết quả xét nghiệm. Các ảnh hưởng không tốt tới kết quả xét nghiệm được ghi nhận thường gặp ở các trường hợp:

Bệnh phẩm để quá lâu mới mang tới phòng xét nghiệm (>3 giờ) và khi đó thường có biểu hiện nhiễm khuẩn.

Sự trung thực của người lấy mẫu (có thể lẫn nước hoặc nguyên nước khi không muốn đi tiểu).

Kỹ năng, kinh nghiệm của nhân viên thực hiện xét nghiệm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp 

return to top