✴️ Covid-19 nguy hiểm như thế nào với người mắc bệnh mạn tính?

Nội dung

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona COVID-19 với nhiều triệu chứng nghiêm trọng và khả năng lây lan nhanh chóng khiến nhiều người dân vô cùng lo lắng cho sức khỏe của bản thân, gia đình, nhất là những người bị bệnh mạn tính. Vậy virus corona nguy hiểm như thế nào với người mắc bệnh mạn tính? Mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Vì sao virus corona nguy hiểm với người mắc bệnh mạn tính?

Về cơ bản người nhiễm COVID-19 sẽ có triệu chứng giống như các bệnh về đường hô hấp khác. Triệu chứng nhẹ bao gồm sổ mũi, đau họng, ho và sốt. Nhiều trường hợp nặng bị viêm phổi, suy hô hấp khiến người bệnh khó thở. Thậm chí dẫn đến tử vong. Người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp, khớp… biểu hiện thường nghiêm trọng hơn. 

Nguyên nhân được lý giải là người lớn tuổi thì hay có bệnh nền mạn tính. Ngoài việc phải uống rất nhiều loại thuốc điều trị, cơ thể họ cũng suy giảm miễn dịch. Dẫn đến sức đề kháng kém, dễ mắc thêm các bệnh khác chứ không riêng COVID-19. Các triệu chứng nặng nề hơn do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của nhiều loại thuốc. Khi bị nhiễm virus, cơ thể không đủ sức chống lại. Đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính sẵn có khiến việc điều trị phức tạp, khó khăn hơn. Đây là chia sẻ từ PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Có một điều cần lưu ý, COVID-19 là chủng virus corona mới chưa được xác định trước đó. Chúng ta cần thêm thời gian nghiên cứu, tìm hiểu xem nó ảnh hưởng đến con người như thế nào. 

Vì sao virus corona nguy hiểm với người mắc bệnh mạn tính

2. Chủng mới virus corona nguy hiểm như thế nào?

Theo thông tin từ Tạp chí National Geographic, không giống các chủng virus corona gây bệnh cảm lạnh thông thường, những chủng virus corona gây ra bệnh SARS, MERS hay COVID-19 có thể lây từ động vật sang người, sau đó lây lan khắp cơ thể. Vì thế, chúng cũng nghiêm trọng hơn hẳn. Từ thực tế có thể thấy, dịch dịch COVID-19 đến nay đã khiến hơn 2.000 người tử vong, con số này lớn hơn rất nhiều lần số người chết vì SARS. Xét về tỷ lệ tử vong thì COVID-19 chỉ bằng 1/10 SARS. Thế nhưng, tốc độ lây lan của căn bệnh này lại nhanh hơn.

2.1 Ảnh hưởng tới phổi

Trong hầu hết các trường hợp nhiễm COVID-19 đều bắt đầu và kết thúc ở phổi. Theo dữ liệu ban đầu về COVID-19 thì có khoảng 82% các trường hợp có triệu chứng nhẹ, còn lại là nặng và nguy kịch. Với 3 giai đoạn chính: 

Giai đoạn 1: là giai đoạn đầu mới mắc bệnh. COVID-19 nhanh chóng xâm chiếm các tế bào cả hai lá phổi. Bao gồm những tế bào tạo ra chất nhầy và những tế bào lông mao. Chúng sẽ tiêu diệt các tế bào lông mao, khiến đường hô hấp sẽ tràn ngập chất bẩn, dịch lỏng và virus. Từ đó, bệnh nhân bị viêm phổi  kèm theo các triệu chứng như khó thở.

Giai đoạn 2: Khi bị virus tấn công, cơ thể sẽ chiến đấu bằng cách tăng cường các tế bào miễn dịch. Mục đích nhằm loại bỏ virus và sửa chữa mô phổi. Nếu thực hiện đúng thì quá trình này sẽ giới hạn được khu vực bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, thỉnh thoảng hệ thống miễn dịch gặp trục trặc và các tế bào miễn dịch có thể “diệt” mọi thứ bao gồm cả những mô khỏe mạnh. Dẫn tới, tình trạng viêm phổi có thể sẽ tồi tệ hơn ở giai đoạn này. 

Giai đoạn 3: Có thể người bệnh sẽ bị suy hô hấp. Ngay cả khi giữ được tính mạng thì một số bệnh nhân phải sống với tổn thương phổi vĩnh viễn. Hình ảnh phim chụp x-quang phổi sẽ cho thấy nhiều lỗ thủng như “tổ ong”. Khi đó, bệnh nhân có thể cần đặt máy trợ thở. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, khi phổi bị lấp đầy bởi những chất lỏng sẽ khiến người bệnh không thở được và cuối cùng dẫn tới cái chết.

2.2 Ảnh hưởng tới dạ dày, gan và thận

Trong hai nghiên cứu đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine và trang medRxiv (tạp chí y khoa nổi tiếng thế giới) đã phát hiện virus COVID-19 tồn tại trong phân người, dấu hiệu cho thấy đây cũng có thể là nguồn lây lan. Tuy nhiên, thông tin này vẫn cần được kiểm chứng thêm.

COVID-19 là một chủng corona gốc động vật nên khi nó tấn công hệ hô hấp, lá gan cũng bị ảnh hưởng. Đa số các trường hợp bị nhẹ nhưng nếu nặng có thể dẫn tới suy gan. Khi gan, phổi đã suy thì nguy cơ cao thận của bệnh nhân cũng sẽ gặp vấn đề. Thực tế, khoảng 6% bệnh nhân SARS và 25% bệnh nhân MERS bị tổn thương thận cấp. COVID-19 cũng có biểu hiện tương tự theo các nghiên cứu ban đầu. 

3. Biện pháp phòng tránh bệnh cho người lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính  

Các nhà khoa học khuyến cáo, người lớn tuổi, người mắc bệnh lý mạn tính không nên đến nơi đông người. Thực tế, người mắc chứng tăng huyết áp và đái tháo đường có nguy cơ biến chứng viêm nhiễm như nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn tiết niệu…

Bên cạnh duy trì điều trị thường quy, các đối tượng này cũng nên tránh xa các nguồn lây nhiễm, luôn giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Đặc biệt, giữ đường mũi họng sạch, giữ ấm, đeo khẩu trang khi bắt buộc phải tiếp xúc ở chỗ đông người. Duy trì thói quen rửa tay thường xuyên, ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Cần uống nước thường xuyên ngay khi không có cảm giác khát. Có thể uống nước lọc, nước trà, nước hoa quả để tăng sức đề kháng. 

 

Xem thêm: Những câu hỏi hay gặp liên quan dịch Covid

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top