✴️ Phẫu thuật điều trị bệnh võng mạc trẻ đẻ non bằng Laser

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Phẫu thuật điều trị bệnh võng mạc trẻ đẻ non là phương pháp dùng năng lượng laser gây bỏng vùng võng mạc vô mạch để tránh tăng sinh tân mạch võng mạc.

 

CHỈ ĐỊNH

Mọi tổn thương bong võng mạc trẻ đẻ non ở vùng I, kèm theo bệnh cộng (dãn và ngoằn ngoèo mạch máu quanh gai thị ít nhất trên 2 góc phần tư võng mạc).

Bệnh vùng I, giai đoạn 3 nhưng không có bệnh cộng.

Bệnh vùng II, giai đoạn 2, hoặc 3, kèm theo bệnh cộng.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Các bệnh toàn thân và tại mắt không cho phép phẫu thuật.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa Mắt.

Phương tiện

Máy laser diode có bước sóng 810nm hoặc 532nm.

Kính Volk 20, 28D.

Bộ vành mi sơ sinh và ấn củng mạc.

Thuốc: thuốc dãn đồng tử, thuốc gây tê bề mặt.

Người bệnh

Tư vấn cho gia đình người bệnh trước phẫu thuật.

Tra thuốc dãn đồng tử trước khi điều trị laser.

Hồ sơ bệnh án

Hồ sơ bệnh án điều trị nội trú theo quy định của Bộ Y tế.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra người bệnh

Tình trạng toàn thân.

Thời gian nhịn ăn trước khi điều trị: > 4 giờ.

Thời gian tra thuốc dãn đồng tử trước khi điều trị: Mydrin- P, 3 - 4 lần, trước khi điều trị 30 - 45 phút.

Thực hiện kỹ thuật

Điều trị có thể tiến hành tại phòng phẫu thuật hoặc tại khoa sơ sinh.

Phương pháp vô cảm: gây mê nội khí quản hoặc tiền mê gây ngủ.

Laser toàn bộ võng mạc vô mạch trước gờ xơ. Nếu gờ xơ cao có thể laser 2 - 3 hàng võng mạc ngay sau gờ xơ.

Thông số laser:

+ Cường độ laser: thông thường đặt từ 80-100mw (máy laser 532), 200-300mw (máy laser 810). Cường độ laser có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm phụ thuộc vào màu sắc của vết đốt. Điều chỉnh để vết đốt laser ở võng mạc có màu trắng đục là đạt yêu cầu. Nếu khi bắn vết đốt chỉ có màu trắng nhạt hoặc chưa tạo hiệu ứng laser trên võng mạc, cần phải tăng dần cường độ laser lên. Ngược lại, khi vết đốt có màu trắng sứ cần phải giảm cường độ laser xuống.

+ Thời gian mỗi xung laser: thay đổi từ 100 - 200ms. Tăng hoặc giảm thời gian xung laser sẽ làm thay đổi hiệu ứng laser lên vết đốt ở võng mạc.

+ Thời gian giữa các xung laser: Nếu để máy hoạt động ở chế độ liên tục, thời gian giữa các xung laser có thể cài đặt từ 100 - 200ms.

+ Số lượng vết đốt: phụ thuộc vào phạm vi võng mạc cần điều trị laser.

Ghi chép kết quả vào phiếu điều trị hoặc sổ theo dõi.

 

THEO DÕI

Theo dõi chặt tình trạng người bệnh sau điều trị nhất là tình trạng suy hô hấp.

Khám lại mắt sau điều trị 1- 2 tuần một lần cho tới khi bệnh thoái triển hoàn toàn.

Chỉ định điều trị bổ sung nếu còn vùng võng mạc vô mạch chưa laser hết, bệnh tiến triển nặng lên, mạch máu còn dãn, xơ tiếp tục tăng sinh.

 

XỬ LÝ TAI BIẾN

Trong khi điều trị

Chậm nhịp tim: thường do ấn mạnh vào thành nhãn cầu khi điều trị laser vùng võng mạc chu biên. Khi đó phải bỏ ấn củng mạc ra, đợi đến khi nhịp tim trở lại bình thường mới tiếp tục điều trị.

Hạ nhiệt độ: cần ủ ấm, hoặc dùng máy thổi hơi ấm để nâng thân nhiệt lên.

Phù giác mạc: không để giác mạc bị khô trong suốt thời gian điều trị. Dùng dung dịch đường hoặc muối ưu trương để tưới ướt giác mạc, tránh không ấn củng mạc quá mạnh, quá lâu.

Sau khi điều trị

Suy hô hấp: tiếp tục cho thở oxy sau khi thoát mê, hút sạch đờm dãi, làm thông thoáng đường thở.

Nôn trớ sau gây mê: đặt người bệnh nằm nghiêng đầu về một bên để tránh hít phải dịch nôn ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top