✴️ Bé bị thủy đậu uống thuốc gì – 5 gợi ý cho mẹ

Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ bị thủy đậu. Bệnh lý này không chỉ khiến con ngứa ngáy, khó chịu mà còn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng. Bé bị thủy đậu uống thuốc gì là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm để nhanh chóng điều trị dứt điểm bệnh cho trẻ.

 

Dấu hiệu nhận biết bé bị thủy đậu

Thủy đậu là bệnh ngoài da, do virus Varicella Zoster gây nên. Bệnh có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào nhưng trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. 

Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, 90% người dân chưa được tiêm phòng vắc xin sởi có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Bệnh lý này thường xuất hiện vào mùa xuân, khi khí hậu ẩm ướt.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh, có thể truyền trực tiếp từ người này sang người khác. Con đường lây lan qua không khí, qua hệ hô hấp nếu người khỏe mạnh tiếp xúc với nước bọt của người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với dịch tiếp trong các nốt thủy đậu.

Triệu chứng của bệnh thủy đậu sẽ tiến triển khác nhau, ngày càng rõ ràng theo các giai đoạn phát triển bệnh.

Triệu chứng giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn này, bé chưa xuất hiện biểu hiện gì đặc trưng của bệnh nên rất khó phát hiện liệu trẻ có bị thủy đậu hay không.

Giai đoạn khởi phát

Lúc này, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh, tương tự như những những trường hợp khác nhiễm virus: sốt, đau mỏi cơ, nhức đầu…

Giai đoạn toàn phát

Đây là giai đoạn bùng phát mạnh mẽ nhất của bệnh. Trên người bé xuất hiện nhiều mụn nước, có kích thước nhỏ, tròn. Những nốt rạ này thường xuất hiện trong khoảng 12 – 24 tiếng. Sau đó, chúng lan rộng khắp cơ thể hoặc chỉ mọc ở một vài vị trí nhất định. Một đứa trẻ bị thủy đậu có trung bình khoảng 100 – 150 nốt mụn nước.

bé bị thủy đậu uống thuốc gì

Các nốt thủy đậu có thể mọc khắp người bé

 

Giai đoạn hồi phục

Sau giai đoạn bùng phát, các nốt thủy đậu sẽ khô dần, bong vảy và dần dần hồi phục. Thông thường, các nốt mụn sẽ không để lại sẹo, chỉ những mụn nước bị nhiễm khuẩn có nguy cơ để lại sẹo sau này.

Nguyên nhân khiến bé bị thủy đậu

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan rất nhanh chóng. Bệnh lý này có thể lây truyền qua 3 con đường sau:

Lây qua đường hô hấp

Virus gây thủy đậu có thể phát tán vào không khí qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi… Có đến 90% trường hợp bị lây bệnh nếu virus xâm nhập.

Lây qua dịch tiết

Nếu tiếp xúc với dịch tiết trong các nốt mụn thủy đậu cũng khiến trẻ lành bị mắc thủy đậu.

Lây qua vật trung gian

Sử dụng đồ dùng cá nhân, đồ chơi chung với người bị thủy đậu cũng là con đường lây nhiễm bệnh rất dễ dàng.

 

Bé bị thủy đậu uống thuốc gì?

Bị thủy đậu khiến bé ngứa ngáy, khó chịu, con bị cách ly với người khác để tránh lây nhiễm. Những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và giấc ngủ của bé. Vì thế, cần điều trị thủy đậu càng sớm càng tốt nếu con chẳng may nhiễm bệnh.

Bé bị thủy đậu uống thuốc gì? Dưới đây là một số gợi ý các loại thuốc có thể sử dụng cho trẻ khi bị thủy đậu.

Thuốc bôi ngoài da

Một số loại thuốc bôi ngoài da được sử dụng với mục đích sát trùng, chống bội nhiễm, kháng viêm và ngăn ngừa sẹo. 

Thuốc sắt trùng hay được sử dụng là thuốc tím KMnO4 và Xanh methylen. Riêng thuốc Xanh methylen thì chỉ bôi lên da khi mụn nước đã bị vỡ. Ngoài ra, có thể bôi gel su bạc.

thủy đậu

Ba mẹ có thể dùng Xanh methylen để bôi ngoài da cho trẻ khi bị thủy đậu

 

Ba mẹ nên lưu ý, tuyệt đối không sử dụng thuốc bôi mỡ tetracyclin, mỡ penicillin hay thuốc đỏ, thuốc bột rắc vì có thể gây bít tắc vết phỏng nước, khiến dịch không chảy ra được, gây nhiễm trùng sâu dưới da.

Thuốc hạ sốt

Một số trường hợp trẻ bị thủy đậu có biểu hiện sốt. Nếu trẻ sốt cao, trên 38,5 độ, ba mẹ nên cho bé uống thuốc hạ sốt như paracetamol với liều lượng phù hợp với cân nặng, độ tuổi của trẻ. Bên cạnh đó, hãy cho bé nằm nghỉ ngơi khi bị sốt, hạn chế gãi vào nốt thủy đậu vì có thể gây sẹo vĩnh viễn hoặc gây bội nhiễm.

Thuốc kháng histamin

Với những trường hợp bị thủy đậu gây ngứa nhiều, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc kháng Histamin để giúp bé giảm ngứa và cảm thấy dễ chịu hơn. Các triệu chứng ngứa ở trẻ có thể được khắc phục bằng thuốc kháng histamin tổng hợp hoặc các loại kem bôi kháng histamin.

Với trẻ nhỏ, nên dùng histamin dạng siro giúp trẻ dễ uống hơn. Khi sử dụng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh dùng quá liều… Nếu dùng thuốc quá liều, trẻ sẽ có các dấu hiệu như mất điều hòa, ảo giác, múa vờn, co giật…

Thuốc kháng virus

Các loại thuốc kháng virus có hiệu quả rất nhanh, được sử dụng bằng đường uống, có thể sử dụng trong vòng 24 giờ phát ban, giúp giảm triệu chứng nhanh chóng và giảm nguy cơ diễn biến nặng.

Tuy nhiên, bệnh thủy đậu là lành tính nên không nhất thiết phải sử dụng thuốc kháng virus cho trẻ. Ba mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn sử dụng thuốc này cho con.

Kháng sinh

Thủy đậu là do nhiễm virus gây nên. Vì vậy, sử dụng thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng. Thế nhưng, những trường hợp trẻ bị thủy đậu bội nhiễm: nhiễm trùng huyết, viêm mủ da… thì nên sử dụng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa bội nhiễm nguy hiểm.

Ba mẹ tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh cho trẻ khi bé bị thủy đậu vì sử dụng kháng sinh không những không có tác dụng chữa bệnh mà còn gây tác dụng phụ ảnh hưởng xấu tới bé.

trẻ rối loạn tiêu hóa

Chỉ sử dụng kháng sinh khi trẻ bị thủy đậu bội nhiễm và cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ

 

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà

Ngoài việc sử dụng thuốc, việc chăm sóc tại nhà góp phần không nhỏ giúp hỗ trợ điều trị bệnh và ngăn ngừa biến chứng hiệu quả. Nếu trẻ được chăm sóc tốt, thủy đậu có thể tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc.

Khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu, ba mẹ cần chú ý những vấn đề sau:

Tắm rửa cho bé hằng ngày để loại bỏ vi khuẩn, nấm tránh nhiễm trùng. Không được kiêng tắm theo quan niệm của nhiều người. Khi tắm cho bé thì nên tắm nhẹ nhàng, không chà xát mạnh làm vỡ mụn nước.

Hạn chế tối đa việc trẻ gãi. Thủy đậu khiến bé ngứa ngáy, khó chịu nên trẻ có xu hướng gãi để cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, ba mẹ hãy cố gắng hạn chế việc trẻ gãi lên các nốt thủy đậu vì có thể gây nhiễm trùng da, để lại sẹo sau này. Hãy cắt móng tay cho bé để tránh việc trẻ gãi làm tổn thương sâu bên trong da.

Cho bé mặc quần áo mỏng nhẹ, thoáng mát để tránh cọ xát vào nốt mụn. Không mặc quần áo dày, bó vì khiến con nóng bức, ra nhiều mồ hôi làm tăng mức độ ngứa.

Cho trẻ uống đủ nước để ngăn ngừa mất nước. Có thể cho bé uống nước lọc hoặc nước ép trái cây, vừa cung cấp nước vừa cung cấp hàm lượng vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể.

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé để nâng cao sức đề kháng. Cho trẻ ăn những đồ ăn lỏng, mát, dễ hấp thu như cháo, súp, canh… nhất là với những bé nổi mụn thủy đậu trong miệng.

Như vậy qua bài viết này ba mẹ đã biết được bé bị thủy đậu uống thuốc gì. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào để đảm bảo an toàn nhất cho trẻ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top