✴️ Bé bị viêm da dị ứng cần làm gì để cải thiện?

Viêm da dị ứng ở trẻ là bệnh gì?

Viêm da dị ứng còn được gọi là bệnh chàm. Đây là bệnh viêm da mãn tính với biểu hiện đặc trưng là da bị khô, nổi sần, ngứa… Các triệu chứng của bệnh thường tái đi tái lại nhiều lần khi tiếp xúc phải tác nhân gây dị ứng.

Theo thống kê, có khoảng ⅓ trẻ nhỏ mắc viêm da dị ứng. Tuy nhiên, đây là bệnh lành tính và có thể tự khỏi sau khi trưởng thành (khoảng 70% trường hợp mắc bệnh).

Thế nhưng, dù lành tính như da của trẻ rất mỏng manh, hệ miễn dịch lại non yếu nên nếu không cẩn thận có thể phát sinh biến chứng nhiễm trùng, gây nguy hại cho bé. Vì vậy, ba mẹ không được chủ quan khi bé bị viêm da dị ứng dù nhẹ hay nặng.

Các loại viêm da dị ứng ở trẻ

Viêm da dị ứng ở trẻ có nhiều loại, ở những vị trí và tính chất khác nhau.

Viêm da cơ địa

Còn được gọi là bệnh chàm thể tạng với các biểu hiện như xuất hiện mẩn đỏ, ngứa ngáy vùng da nổi mẩn, nhất là ở những vùng da hay co duỗi như sau đầu gối, phía trước cổ, bên trong khuỷu tay…

bé bị viêm da dị ứng

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị viêm da dị ứng

Viêm da tiếp xúc

Loại viêm da này thường xuất hiện khi các vùng da trên cơ thể tiếp xúc với một số tác nhân gây dị ứng như xà phòng, tinh dầu, chất độc hại… Biểu hiện là nổi phát ban trên da, phát ban đỏ, nóng, có nọc, ngứa ngáy hoặc phồng to lên.

Viêm da tiết bã

Loại viêm da này có biểu hiện là những mảng vảy cứng, nổi đỏ, thường gặp ở các vùng da dầu trên cơ thể như vùng lưng, ngực.

Viêm da dị ứng ở mặt

Loại viêm da này bùng phát khi trẻ tiếp xúc với các dị nguyên xung quanh môi trường, khiến da bé nổi nhiều mụn nước, phát ban thành các mảng đỏ. Vị trí thường nổi mụn nhiều nhất là hai bên má, trán, cằm, vùng tai… 

Viêm da dị ứng dạng này gây ngứa, thường kéo dài khoảng 2 – 3 tuần, có thể khiến da bị nứt nẻ, khô ráp, tróc vảy. Nếu chạm vào mụn nước sẽ gây đau rát.

Viêm da dị ứng thời tiết

Loại viêm da dị ứng này xuất hiện khi có sự thay đổi thời tiết đột ngột, nhất là những khi giao mùa, trời quá lạnh hoặc quá nóng, độ ẩm cao hoặc ô nhiễm không khí…

Biểu hiện của loại viêm da này do nổi ban đỏ, ngứa ngáy, có từng đám vảy khô. Vùng da bị viêm có thể sưng đỏ, phù nề…

trẻ bị viêm da

Trẻ nổi mẩn đỏ khi thời tiết thay đổi hoặc dị ứng thức ăn

Nguyên nhân bệnh viêm da dị ứng ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân gây viêm da dị ứng ở trẻ. Trong đó, nguyên nhân chính là do da của trẻ non nớt, mỏng manh, rất nhạy cảm nên dễ bị kích thích bởi các tác nhân gây dị ứng. Cụ thể, có một vài nguyên nhân chính sau khiến bé bị viêm da dị ứng:

Di truyền

Có tới 50% trẻ nhỏ bị viêm da dị ứng có bố mẹ hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh này. Ngoài ra, nếu gia đình có tiền sử mắc các bệnh như hen suyễn, viêm mũi dị ứng thì trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Tác động từ môi trường

Đây là nguyên nhân chính khiến bé bị viêm da dị ứng. Những tác nhân gây dị ứng bao gồm: bụi bẩn, lông thú cưng, phấn hoa, thay đổi thời tiết, trời quá lạnh, quá nóng, xà phòng, các loại hóa chất… cũng khiến các triệu chứng của bệnh thêm nặng nề.

Dị ứng thức ăn

Một số trẻ bị dị ứng thức ăn. Khi ăn phải thức ăn gây dị ứng, da của chúng sẽ nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy… Ngoài ra, ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể bị dị ứng do nguồn thức ăn mẹ dung nạp được truyền vào sữa mẹ và bé bú mẹ. Những loại thức ăn dễ gây dị ứng như trứng, hải sản, đồ hộp, thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản…

Triệu chứng khi bé bị viêm da dị ứng

Tùy vào các loại dị ứng khác nhau, trẻ sẽ có những biểu hiện bệnh khác nhau. Thông thường bé sẽ có những dấu hiệu phổ biến sau:

  • Nổi mẩn, ngứa nhiều vào buổi tối.

  • Da dày, khô và dễ tróc vảy.

  • Da sần sùi, nhạy cảm hơn, sưng lên khi gãi.

  • Các mảng da ở vùng mí mắt, cổ, ngực, cổ tay… có màu đỏ hoặc xám nâu.

viêm da

Viêm da khiến trẻ ngứa ngáy, cào gãi da gầy trầy xước

Với trẻ sơ sinh, triệu chứng của bệnh thường xuất hiện khi bé được 2 – 3 tháng tuổi. Trẻ cảm thấy ngứa và có thể chà xát vào giường, thảm hay những đồ vật xung quanh.

Nếu bệnh khởi phát khi trẻ được 2 tuổi thì sẽ có dấu hiệu là trẻ thường xuyên bị phát ban trên các vùng da có nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối… Những vùng da này bỗng trở nên dày hơn do bị cào gãi nhiều.

Ngoài ra, dấu hiệu bệnh ở mỗi trẻ cũng khác nhau, tùy vào nguyên nhân gây dị ứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

  • Thể bệnh cấp tính: Một số vùng da của bé xuất hiện mụn nước, chúng mọc thành từng mảng. Những nốt mụn này gây phù nề, chảy nước kèm theo cảm giác ngứa ngáy khó chịu.

  • Giai đoạn bán cấp tính: Những vùng da mọc mụn bị tổn thương nặng hơn. Bề mặt da thường khô và dễ bong tróc. Lâu dần, cảm giác ngứa ngáy cũng thuyên giảm.

  • Thể bệnh mãn tính: Ở mức độ này, thượng bì da của trẻ khô và sần sùi hơn, bề mặt da dễ bong vảy và xuất hiện lichen hóa.

Khi nào cần đưa bé đi khám?

Biểu hiện thường gặp của viêm da dị ứng ở trẻ là nổi mụn và ngứa ngáy. Chúng không quá đáng lo. Tuy nhiên, nếu con có những biểu hiện dưới đây thì ba mẹ nên đưa bé đi khám:

  • Trẻ bị mất ngủ.

  • Đau nhiều vùng da bị viêm.

  • Ảnh hưởng đến khả năng nhìn.

  • Da bị nhiễm trùng nặng, chảy mủ, xuất hiện các vệt đỏ.

Phương pháp điều trị viêm da dị ứng ở trẻ

Viêm da dị ứng khó chữa khỏi dứt điểm. Các biện pháp chỉ giúp điều trị từng đợt phát bệnh của bé. Bạn có thể cải thiện tình trạng bệnh bằng các cách làm dưới đây:

Sử dụng thuốc

Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm da dị ứng cho bé là thuốc bôi da giúp dưỡng ẩm, giảm ngứa, chống nhiễm trùng… Tốt nhất, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Không được tự ý mua thuốc về bôi hay cho con uống mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

viêm da bé

Sử dụng thuốc trị viêm da cho bé cần được chỉ định bởi bác sĩ

Các biện pháp không can thiệp thuốc

Ngoài việc dùng thuốc, có một số cách giúp cải thiện rõ ràng các triệu chứng của viêm da dị ứng ở trẻ. Đó là:

Tắm rửa hằng ngày

Tắm rửa hằng ngày không chỉ giúp làm sạch bụi bẩn và các tác nhân gây dị ứng từ môi trường bên ngoài mà còn là cách để làm ẩm da, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn, giảm sự khô ráp thường gặp ở trẻ bị viêm da dị ứng.

Khi tắm cho bé, nên dùng loại sữa tắm phù hợp, hạn chế sử dụng sữa tắm có tính sát khuẩn cao vì có thể làm tổn thương làn da mỏng manh của trẻ. Tốt nhất nên dùng loại sữa tắm có độ pH thấp, không mùi, không bọt.

Tránh xa tác nhân gây dị ứng

Để khắc phục tình trạng viêm da dị ứng thì việc cần làm đầu tiên là cho trẻ tránh xa các tác nhân gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa, lông động vật… Khi trời quá nóng hoặc quá lạnh thì không nên cho bé ra ngoài, nếu phải ra ngoài thì mặc kín và giữ ấm cho bé vào mùa đông, mặc áo chống nắng, đội mũ cho bé vào mùa hè.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top