✴️ Bệnh nhiễm khuẩn huyết ở trẻ

Nội dung

Nhiễm khuẩn huyết ở trẻ em là một trong những bệnh lý nguy hiểm. Đa số các nhiễm khuẩn huyết là hậu quả của đáp ứng của cơ thể đối với sự xâm nhập các vi sinh vật hoặc thành phần của chúng.

Cùng với sự phát triển của y học, một lượng lớn bệnh nhân có cơ địa suy giảm miễn dịch được cứu chữa như trẻ sinh non và cực non, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, bệnh nhân đặt các dụng cụ hỗ trợ xâm nhập cũng tăng lên.

Chính vì vậy, tỉ lệ nhiễm khuẩn huyết tăng đều vào khoảng 1,5%/năm. Thêm vào đó, tình hình kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn cũng làm khó khăn hơn công tác điều trị. Nhiễm khuẩn huyết có thể do vi khuẩn, virus, nấm…

 

Nhiễm khuẩn huyết là gì?

Đây là một rối loạn cực kỳ phức tạp liên quan đến sự hoạt hóa của rất nhiều cơ chế khác nhau, nhưng chồng chéo và tương tác với nhau trong cơ thể khi nhiễm bệnh, như các hệ thống gây viêm, chống viêm, đông máu và hệ thống khác.

Vì vậy, các định nghĩa nhiễm khuẩn huyết và các hội chứng liên quan ở trẻ em đều dựa trên những tiêu chí sau đây và có thay đổi theo lứa tuổi.

  • Nhiễm trùng huyết (sepsis): Hội chứng đáp ứng viêm hệ thống do nhiễm trùng.

  • Nhiễm trùng huyết nặng (severe sepsis): nhiễm khuẩn huyết có biểu hiện rối loạn chức năng cơ quan, giảm tưới máu hoặc hạ huyết áp. Giảm tưới máu và hạ huyết áp có thể bao gồm nhưng không chỉ giới hạn ở nhiễm toan lactic, thiểu niệu hoặc một biến đổi tình trạng tâm thần kinh cấp tính.

  • Sốc nhiễm trùng (septic shock): nhiễm khuẩn huyết có hạ huyết áp không đáp ứng với liệu trình bù dịch thỏa đáng, đi kèm với các bất thường tưới máu như nhiễm toan lactic, thiểu niệu hoặc một biến đổi tình trạng tâm thần kinh cấp tính.

  • Hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan (Multiple Organ Dysfunction Syndrome-MODS): Có biểu hiện của những thay đổi chức năng cơ quan ở một bệnh nhân mắc bệnh cấp tính và cân bằng nội môi, không thể được duy trì nếu không có sự can thiệp thỏa đáng

Nguyên nhân của căn bệnh này thường do các loại vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae, Heamophilus influenzae, E.coli, Klebsiella, Pseudomonas…

 

Triệu chứng lâm sàng khi nhiễm khuẩn huyết

Biểu hiện lâm sàng của bệnh với các mức độ nặng nhẹ khác nhau được đặc trưng bởi sự hiện diện của ít nhất 2 trong các triệu chứng sau:

  • Nhiệt độ cơ thể > 38°C hoặc < 36°C.

  • Tần số tim > 90 lần/phút (với trẻ < 3 tháng tuổi nhịp tim >140 lần/phút).

  • Tần số thở > 20 lần/phút (với trẻ <3 tháng tuổi nhịp thở > 60 lần/phút hoặc PaCO2 < 32 mmHg).

  • Số lượng bạch cầu máu ngoại biên > 12 000 BC/mm3 hoặc < 4000 BC/mm3.

Dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết thường là:

  • Sốt cao hoặc nhiệt độ hạ;

  • Nhịp tim nhanh, thở nhanh;

  • Bạch cầu tăng;

  • Trẻ đi tiểu buốt, són tiểu, tiểu nhiều lần (nhiễm khuẩn đường tiết niệu);

  • Cũng có thể tiêu chảy ra máu (nhiễm khuẩn đường ruột).

nhiễm khuẩn huyết ở trẻ

Dấu hiệu đầu tiên khi trẻ bị nhiễm khuẩn huyết là sốt cao không giảm

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm khuẩn huyết

Nhiễm khuẩn huyết có thể gặp ở mọi trẻ em, nhất là trên thể trạng của trẻ có tổn thương ngoài da như viêm da, mụn nhọt, viêm răng lợi, các ổ áp-xe, viêm phổi, tiêu chảy do vi khuẩn đường ruột, viêm màng não mủ…

Nguy cơ bệnh thường gặp nhiều ở trẻ chưa được tiêm chủng ngừa, suy dinh dưỡng, trẻ sinh thiếu tháng, trẻ bị suy giảm miễn dịch, đang điều trị corticoid, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh…

 

Xử trí nhiễm huyết ở trẻ

Mặc dù, tỉ lệ tử vong do nhiễm khuẩn huyết, nhất là bệnh nhân có biểu hiện suy đa tạng còn rất cao, các nghiên cứu thực nghiệm cũng như các thử nghiệm lâm sàng trong nhiều năm qua đã mở ra niềm hi vọng mới về những phác đồ điều trị hiệu quả hơn.

Xử trí thành công nhiễm khuẩn huyết còn phụ thuộc phần lớn vào chẩn đoán sớm, cũng như điều trị kịp thời ngay khi có nghi ngờ. Khuyến cáo xử trí nhiễm trùng huyết hiện nay dựa trên những nguyên tắc sau:

Kiểm soát nhiễm trùng

Loại bỏ sớm tác nhân gây bệnh khỏi cơ thể là ưu tiên đầu tiên trong xử trí nhiễm khuẩn huyết. Chẳng hạn, cần bắt đầu điều trị kháng sinh tĩnh mạch ngay trong những giờ đầu tiên sau khi nghi ngờ chẩn đoán bệnh và sau khi lấy máu cấy.

Can thiệp thủ thuật nhằm loại bỏ tiêu điểm nhiễm trùng, bỏ các nguồn gốc nhiễm trùng bao gồm dẫn lưu ổ mủ, cắt lọc tổ chức hoại tử… cho từng bệnh nhân cụ thể.

Ngay sau khi có được thông tin chính xác về vi khuẩn gây bệnh, cần điều chỉnh kháng sinh theo hướng sử dụng kháng sinh đặc hiệu để diệt chủng vi khuẩn gây bệnh và giảm độc tính do thuốc.

Điều trị hồi sức tích cực

Tăng cường chức năng tim mạch, tuần hoàn ngay trong giai đoạn sớm của của nhiễm khuẩn huyết sẽ giảm đáng kể tỉ lệ tử vong.

Sử dụng thông khí nhân tạo sớm nếu bệnh nhân có hội chứng suy hô hấp cấp, chú ý đến tình trạng dinh dưỡng, phòng ngừa thuyên tắc tĩnh mạch sâu…

Các phương pháp điều trị bổ sung:

Sử dụng phù hợp các loại thuốc chống viêm, chống chảy máu, chống đông máu, nâng huyết áp… Cần chú ý tới giai đoạn sau của bệnh này, xử trí một cách thích hợp đòi hỏi phải nâng đỡ cơ quan và phòng ngừa nhiễm trùng bệnh viện.

Các hướng nghiên cứu mới nhắm vào các đích tác động mới, cơ chế tác động mới và sự phối hợp các trị liệu có thể cải thiện tiên lượng bệnh nhân.

Trẻ bị nhiễm khuẩn huyết cần được phát hiện và xử lý ngay lập tức

 

Phòng và điều trị bệnh nhiễm khuẩn huyết ở trẻ

Nhiễm khuẩn huyết là một tình trạng bệnh lý rất nặng, nhiều bệnh nhi phải đặt trong tình trạng điều trị tích cực. Do vậy, cùng với những kháng sinh đặc hiệu đối với các loại vi khuẩn gây bệnh, cần phải dùng các thuốc vận mạch, nhanh chóng khôi phục thể tích tuần hoàn cho những bệnh nhi có sốc, nhiều trường hợp phải lọc máu.

Nhiễm khuẩn huyết thường bắt đầu từ một ổ viêm nhiễm cụ thể trên cơ thể bệnh nhân. Vì thế để phòng bệnh, cần phải điều trị dứt điểm các ổ viêm nhiễm này. Chỉ cần một ổ viêm trên da cũng có thể dẫn đến hậu quả lớn.

Những trẻ đang bị viêm phổi, tiêu chảy do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa càng đặc biệt theo dõi sát những diễn biến của bệnh, cho trẻ ăn thức ăn mềm, đầy đủ dinh dưỡng. Các trường hợp này cần có sự theo dõi của các bác sĩ chuyên khoa để phát hiện kịp thời những biến chứng.

Để phòng bệnh nhiễm khuẩn huyết tốt hơn, các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các bệnh đã có văcxin phòng ngừa để nâng cao miễn dịch cho trẻ./.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top