Bị dị ứng với trứng có được tiêm phòng cúm không?

Nội dung

Trong nhiều năm qua, tiêm phòng cúm không được khuyến cáo cho những người bị dị ứng trứng. Vaccine được nuôi cấy trong trứng gà và điều này được cho là có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng ở những người bị dị ứng trứng. Vì lý do này, vaccine cúm không được khuyến cáo cho những người bị dị ứng trứng. Tuy nhiên, nghiên cứu và dữ liệu hiện tại cho thấy nguy cơ của phản ứng dị ứng ngay cả ở những người bị dị ứng nặng với trứng là cực kỳ thấp.

Khuyến nghị hiện hành

Bắt đầu từ mùa cúm 2016-2017, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo rằng bất kỳ ai có tiền sử dị ứng trứng đều nên được tiêm phòng cúm.

  • Những người bị dị ứng trứng và có tiền sử phát ban hoặc mề đay vẫn được tiêm phòng cúm như những người khác mà không cần phải thực hiện những biện pháp cẩn trọng đặc biệt.

  • Những người có tiền sử dị ứng nặng với trứng như sốc phản vệ, sưng mặt, lưỡi hoặc cổ họng, khó thở, nôn mửa nhiều lần hoặc chóng mặt vẫn nên được tiêm phòng cúm. Vaccine nên được tiêm chủng tại các trung tâm phòng tiêm chủng được cấp phép và các bác sĩ có đủ chuyên môn để phát hiện các dấu hiệu phản ứng dị ứng nghiêm trọng cũng như có thể kiểm soát các triệu chứng đó nếu chúng xảy ra.

  • Bất cứ ai đã có tiền sử dị ứng với vaccine cúm không nên tiếp tục tiêm phòng cúm nữa.

 

Những gì đã thay đổi và tại sao?

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nguy cơ dị ứng sau khi tiêm vaccine là cực kỳ thấp. Theo CDC, đã có 10 trường hợp sốc phản vệ sau hơn 7,4 triệu liều vaccine cúm bất hoạt được tiêm ngừa, tỷ lệ là 1,35 trên một triệu liều. Các trường hợp sốc phản vệ này đều không liên quan đến protein trứng có trong vaccine. CDC và Ủy ban Tư vấn về Thực hành Tiêm Chủng tiếp tục xem xét dữ liệu có sẵn về các trường hợp sốc phản vệ sau vaccine cúm.

Việc tiêm phòng này có nhiều lợi ích hơn là những nguy cơ rủi ro. Nguy cơ gặp phải một phản ứng dị ứng thực sự nghiêm trọng với vaccine cúm là rất nhỏ. Những lợi ích mà vaccine đem lại lớn hơn nhiều. Bạn vẫn có thể bị cúm sau khi đã được tiêm phòng, nhưng sẽ giảm bớt nguy cơ và biến chứng nguy hiểm do cúm một cách đáng kể. Hầu hết những người bị cúm sau khi đã tiêm phòng vaccine đều có các triệu chứng nhẹ hơn cũng như thời gian bị bệnh ngắn hơn.

Những người bị dị ứng trứng nên được tiêm vaccine bởi các bác sĩ có kinh nghiệm chuyên môn trong việc phát hiện và xử lý các phản ứng dị ứng sốc phản vệ và được theo dõi trong 30 phút sau khi tiêm vaccine. Hầu hết các bác sĩ tại các cơ sở tiêm chủng đều được đào tạo chuyên môn trong việc phát hiện và xử lý các trường hợp sốc phản vệ.

Nếu bạn lo lắng về khả năng xảy ra dị ứng, hãy nói với bác sĩ tại phòng tiêm để nhân viên y tế biết phải theo dõi điều gì và phải làm gì nếu xảy ra phản ứng. Phần lớn các phản ứng dị ứng sốc phản vệ đe dọa tính mạng xảy ra ngay sau khi tiêm vaccine, không cần phải đợi 30 phút để quan sát sau khi chủng ngừa cúm. Tuy nhiên, nếu bạn tiêm vaccine và bắt đầu gặp các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, hãy đi khám ngay lập tức.

 

Lời khuyên

Gần như tất cả mọi người kể cả trẻ từ 6 tháng tuổi nên được tiêm phòng cúm mỗi năm. Mặc dù điều này hơi phiền toái khi phải đi tiêm phòng cúm vào mỗi mùa thu, nhưng tiêm phòng có thể cứu sống được tính mạng. Mặc dù bạn không có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm, nhưng nếu bạn tự bảo vệ mình, bạn cũng có thể bảo vệ người khác bằng cách ngăn ngừa bệnh cúm trong chính ngôi nhà của bạn, tránh lây sang người có nguy cơ cao và có các bệnh lý nền hoặc nguy cơ tử vong vì cúm.

Nếu bạn bị dị ứng với trứng và bạn không biết phải làm gì khi tiêm vaccine cúm, hãy nói chuyện với các bác sĩ. Có rất nhiều lựa chọn cho bạn và không có lý do gì  mà bỏ qua loại vaccine quan trọng này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top