Canh trứng gà cà chua: cà chua 250 g, trứng gà 2 quả, nấu dạng canh hoặc xào nước. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, ăn uống kém.
Cháo nếp dừa: cùi dừa non nửa trái, thái lát; gạo nếp 50-80 g. Đem nấu cháo. Mỗi ngày cho ăn hai lần. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, mất sức dài ngày, ăn kém, táo bón.
Chè bột hạt sen trứng gà: hạt sen 30 g, trứng gà 1-2 quả, đường 30-50 g. Hạt sen nấu chín nhừ, khuấy với đường cho tan, đập trứng vào, khuấy vừa chín, cho ăn trước khi đi ngủ. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh.
Cháo sắn dây gạo tẻ: bột sắn dây 30 g, gạo tẻ 50 g. Gạo ngâm nước 1 đêm đem nấu cháo cùng với bột sắn, thêm chút muối hoặc đường để ăn. Dùng làm món ăn giải nhiệt, giải khát khi nắng nóng mùa hè, tốt cho người tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường typ 2, tiêu chảy mạn do tỳ hư.
Cháo củ mài: sơn dược 30 g, gạo nếp 50 g. Nấu cháo thêm đường trắng hoặc muối ăn tuỳ ý. Ăn phụ sáng và tối, ăn nóng. Dùng cho các trường hợp tỳ vị hư, tiêu chảy, khí huyết hư, chán ăn, khô miệng khát nước, táo bón.
Cháo thịt bò: thịt bò 100 g, gạo tẻ 80-100 g. Thịt bò thái lát mỏng, nấu với gạo thành cháo. Khi cháo được, cho gừng tươi đập nhỏ, hành sống thái lát, mắm, muối, hạt tiêu đảo đều, ăn nóng. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, đau lưng mỏi gối.
Cháo vừng: vừng đen (hắc chi ma) 30 g, gạo tẻ 100 g. Vừng rang chín tán mịn, gạo tẻ thêm nước nấu cháo; cháo chín cho vừng đen khuấy đều vừa sôi là được, cho ăn một vài lần trong ngày. Dùng cho các trường hợp cơ thể suy nhược, tóc râu bạc sớm, đau đầu hoa mắt chóng mặt, táo bón, thiếu máu.
Cháo lòng: dạ dày lợn nửa cái (hoặc ruột lợn 100-150 g), gạo tẻ 100 g. Dạ dày lợn rửa sạch, luộc chín, thái lát. Gạo nấu cháo. Cháo chín, cho dạ dày hoặc ruột lợn đã luộc vào, hầm nhỏ lửa cho nhừ, thêm gia vị. Dùng cho các trường hợp mệt mỏi suy kiệt do làm việc quá sức, đặc biệt là sau thời gian bị bệnh dài ngày.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh