✴️ Bí quyết chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng

Lưu ý về trẻ sinh thiếu tháng

Những em bé bị sinh non thường có chiều dài cơ thể ngắn hơn và trọng lượng cân cũng nhẹ hơn so với những em bé sinh đủ tháng.

Bình thường, bé sinh đủ tháng là khoảng 37 tuần tuổi. Những em bé sinh non thường nặng không quá 2,5 kg và có chu vi vòng đầu nhỏ hơn 33 cm.

Em bé bị sinh non nếu thường có hệ hô hấp kém, nếu không có kỹ năng chăm sóc, bé sẽ dễ bị ngạt thở, nôn mửa, tiêu chảy và bị đầy bụng. 

 

4 Nguyên tắc vàng trong chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng

Hoàn thiện chức năng hệ hô hấp

Trẻ sinh non thường dễ bị suy hô hấp vì lồng ngực dễ biến dạng, do các xương sườn còn mềm, các cơ gian sườn còn yếu, phổi chưa giãn nở tốt, các phế nang chưa trưởng thành, cấu tạo của trung tâm hô hấp chưa hoàn chỉnh, nhu mô phổi giãn nở không đầy đủ để trao đổi khí.

Trong thời gian này, trẻ thường thở bằng miệng, phình bụng lên khi hít vào, thở theo chu kỳ, có thể ngưng thở dưới 15 giây. Nếu thời gian ngưng thở kéo dài hơn 15 giây kèm theo tím tái, nhịp tim chậm thì cần được theo dõi và xử trí kịp thời, vì suy hô hấp là nguyên nhân dễ gây tử vong cho trẻ sơ sinh thiếu tháng.

Hoàn thiện chức năng điều hòa thân nhiệt 

Trẻ sinh thiếu tháng dễ bị nhiễm lạnh vì trung tâm điều hòa thân nhiệt ở não còn yếu, kém vận động do trương lực cơ yếu, kết hợp với lớp mỡ dưới da chưa phát triển nên dễ bị mất nhiệt. 

Khi lạnh, trẻ không run được để sinh ra nhiệt chống lại môi trường lạnh. Vì vậy, việc theo dõi ủ ấm lau khô cho trẻ sinh thiếu tháng là hết sức cần thiết. Nếu để thân nhiệt trẻ hạ xuống dưới 35°C sẽ có thể dẫn đến hàng loạt các biến chứng suy hệ hô hấp, tổn thương thần kinh và có khi gây xuất huyết ở não.  

Hoàn thiện chức năng tuần hoàn 

Đối với trẻ sinh non, các mao mạch dễ vỡ, những yếu tố đông máu chưa hoàn chỉnh nên nguy cơ bị xuất huyết cao, vì vậy thường phải được bổ sung vitamin K để phòng xuất huyết.

Đối với trẻ sinh non thường phải được bổ sung vitamin K để phòng xuất huyết

Hoàn thiện chức năng tiêu hóa và dinh dưỡng 

Trẻ thiếu hụt enzym chuyển hóa bilirubin gián tiếp thành bilirubin trực tiếp nên thường bị vàng da nặng và kéo dài, cần được theo dõi thường xuyên. Dạ dày của trẻ thời kỳ này có thể tích nhỏ, nằm ngang, thiếu hụt các men tiêu hóa nên hấp thu không hết thức ăn, cho dù chỉ là sữa mẹ, do đó dễ bị đầy bụng, ói. Với đặc điểm như vậy, nên cho bé bú từ 40 – 60ml sữa trong khoảng thời gian từ 2 – 4 giờ, tùy vào sức bú của bé, có thể tăng dần lượng sữa. Bé bú sữa mẹ thường bú lâu hơn và mau đói hơn bú bình.

Có thể bạn quan tâm: 

  • Phòng bệnh cho trẻ sinh non

  • Sàng lọc nguy cơ sinh non sớm bằng xét nghiệm Fibronectin

  • Nguyên nhân, dấu hiệu và biến chứng khi sinh non

Chăm trẻ sinh thiếu tháng như thế nào? 

Sự đóng góp của vấn đề dinh dưỡng trong việc chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng đóng một vai trò rất quan trọng. Thông thường, trẻ bị sinh non có sức đề kháng rất yếu nên các bác sĩ khuyên rằng tốt nhất là nên để cho trẻ bú sữa mẹ. Trong trường hợp sữa mẹ không đủ thì cũng có thể xem xét việc bổ sung thêm nguồn sữa non bên ngoài cho trẻ. Trẻ sơ sinh có thể hấp thụ đường và protein tương đối tốt, tuy nhiên việc hấp thụ chất béo thì lại khó khăn hơn nhiều. Vì thế, người lớn tốt nhất là nên chọn loại sữa có tách kem. 

Thời gian cho ăn 

Đối với trẻ bị sinh non thì việc cho ăn là quan trọng và cần chú ý nhiều hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Sau 2 – 4 giờ trẻ ra đời, người lớn đã có thể cho trẻ ăn. Nếu trẻ ăn và bị nôn hoặc trớ thì sau 6 đến 8 giờ, người lớn nên thay đổi cách cho bé ăn. Trẻ sinh ra, nếu khi cho ăn có dấu hiệu bị trớ nhiều, da bầm tím và thở khó khăn thì người lớn cần bổ sung cho trẻ truyền dung dịch glucose. 

Nếu bé sinh trên 32 tuần, cân nặng trên 2.300g đã có phản xạ bú thì tập cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt, bú theo nhu cầu của trẻ, bú cạn một bên vú rồi hãy chuyển sang bên kia. Nếu sữa mẹ quá nhiều mà bú không hết thì nên nặn lấy sữa đầu ra ly, rồi sau đó dùng muỗng đút sữa cho bé uống dần thay nước lọc, không nên cho bé uống thêm các loại nước khác, vì sử dụng bú sữa mẹ là đủ. Nếu trẻ sinh dưới 32 tuần chưa có khả năng bú, phải nặn sữa mẹ rồi cho ăn qua ống thông dạ dày 8 – 10 lần trong ngày.

Khoảng thời gian cho ăn 

Lượng thức ăn cần phải được căn cứ trên trọng lượng cơ thể của trẻ. Trẻ nặng dưới 1 kg thì 1 giờ cho ăn 1 lần. Trẻ nặng từ 1 – 1,5 kg thì cách 1,5 tiếng cho ăn 1 lần. Trẻ nặng từ 1,5 – 2 kg thì cách khoảng 2h cho ăn 1 lần. Đối với trẻ nặng từ 2 kg – 2,5 kg thì cách 3 tiếng cho ăn 1 lần. Thời gian cho ăn này tính cả ban đêm.

Trong trường hợp sữa mẹ không đủ nên xem xét việc bổ sung thêm nguồn sữa non bên ngoài cho trẻ

Phương pháp cho ăn 

Trẻ sinh non nên được bú sữa mẹ là tốt nhất. Nếu sữa của người mẹ chưa về thì có thể cho trẻ bú bình. Đối với bình sữa, các tia cần phải được thông để trẻ bú được dễ dàng.

Nếu kích cỡ tia sữa to quá, trẻ không bú kịp sẽ dễ bị sặc, còn nếu tia quá nhỏ lại khiến trẻ bú rất khó khăn. Vì vậy, người lớn nên chú ý chọn loại bình có tia sữa phù hợp với trẻ.

Với một số trường hợp trẻ bị nhẹ cân do sinh quá sớm, không thể ăn bằng cách bú mẹ thì có thể dùng ống để cho ăn. Tuy nhiên, cách làm này phải được sự hướng dẫn của các bác sĩ, tuyệt đối không tự ý cho trẻ ăn vì như vậy có thể khiến trẻ bị tổn thương thực quản gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Đối với trẻ sinh non ở 32 tuần tuổi và có trọng lượng là 1,5 kg, nguồn sữa mẹ có chứa nhiều loại axit amin và chất béo, trong đó có 10% đường, vitamin và các chất điện giải, hàng ngày chỉ nên cho trẻ bí từ 65 – 100 ml/ngày mà thôi.

Những trẻ có đường tiêu hóa không tốt hoặc trẻ bị bệnh đường hô hấp, nhẹ cân có thể dùng cách truyền dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Mặc dù trẻ sinh non cần đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng người lớn cũng cần chú ý là không nên cho bé ăn quá nhiều, cần nhờ đến sự tư vấn khoa học của các bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Những chăm sóc khác cho trẻ sinh thiếu tháng

Việc chăm sóc và giữ cuống rốn cho bé cũng không kém phần quan trọng vì rất dễ nhiễm trùng, giữ cuống rốn càng khô và sạch thì càng mau rụng. Cần đảm bảo vô trùng cho bé, hạn chế người thân đến thăm, tiếp xúc hoặc sờ vào người bé do trẻ sinh non dễ nhạy cảm với kích ứng và nhiễm trùng, bé cần được tiêm phòng như các bé sinh đủ tháng.

Khi chăm sóc ở nhà không nên tắm hàng ngày vì da bé dễ bị khô. Giữ sạch, hấp hoặc ủi, khử trùng đối với tã lót trước khi sử dụng, có thể tắm cho bé 1 – 2 lần trong tuần, đặc biệt là khi trời lạnh cần lưu ý giữ ấm.

Tắm nắng cho bé để tận hưởng nguồn vitamin D từ ánh sáng mặt trời, thời gian tốt nhất để tắm nắng là trước 9 giờ sáng (khoảng 10 – 15 phút mỗi lần). Cũng không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho bé khi chưa có chỉ định của bác sĩ, cho dù là thuốc bổ.

tre-sinh-thieu-thang

Tắm nắng cho bé để tận hưởng nguồn vitamin D từ ánh sáng mặt trời,

Tốt nhất mẹ nên giữ nhiệt độ trong phòng trẻ nằm thích hợp, tối thiểu là 24°C -26°C, trẻ được ủ ấm bằng lò sưởi, lý tưởng là trẻ được sưởi trong lồng ấp chuyên biệt, bé được mang bao tay, tất và đắp chăn ngang bụng.

Trẻ sơ sinh thiếu tháng thường chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị bệnh tật. Chính vì vậy việc theo dõi những thay đổi của bé là cực kỳ quan trọng, bố mẹ hãy nắm rõ những nguyên tắc vàng và bí quyết đáng giá kể trên để con yêu mặc dù sinh thiếu tháng nhưng chẳng hề thiếu thốn sự chăm sóc nhé!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top