✴️ Gãy xương đã liền, khi nào tháo đinh, nẹp xương?

Nội dung

1. Gãy xương khi nào điều trị bảo tồn, khi nào cần phẫu thuật?

Có hai phương án để điều trị gãy xương, biện pháp thứ nhất là điều trị bảo tồn (không phẫu thuật) và cách thứ hai là điều trị phẫu thuật.

Về nguyên tắc, khi gãy xương không di lệch hay là di lệch ít, những di lệch có thể chấp nhận được sẽ điều trị bằng biện pháp bảo tồn. Biện pháp bảo tồn là bó bột hoặc dùng một số nẹp để thay thế bột nhằm cố định lại xương gãy và duy trì sự lành xương.

Những trường hợp gãy xương buộc phải phẫu thuật là khi xương bị di lệch hay có biến chứng. Một số trường hợp gãy xương ở người lớn như gãy xương đùi thì bắt buộc phải phẫu thuật vì nếu điều trị bảo tồn sẽ không duy trì được sự cố định của xương, cần phải phẫu thuật để nắn chỉnh lại sự di lệch của ổ gãy và cố định bất động để giúp xương lành.

 

2. Đinh, nẹp kết hợp xương được làm bằng chất liệu gì, có bao nhiêu loại?

Đinh và nẹp thường có 2 chất liệu, một số loại đinh nẹp được làm bằng kim loại, có loại đinh là đinh sinh học.

Kim loại dùng làm đinh nẹp là thép không rỉ, người ta sẽ phủ lên một lớp để tránh ảnh hưởng về mặt y tế chẳng hạn như một lớp coban hay là titan. Một số trường hợp toàn bộ nẹp vít làm bằng titan luôn, giá thành sẽ rất là cao.

Một số độc giả cũng hỏi về nẹp vít tự tiêu. Trên thế giới có một số nẹp vít cũng tự tiêu hủy sau khi gắn vào cơ thể một thời gian, giá thành loại này cũng rất là cao, không được sử dụng đại trà trong việc kết hợp xương. Bởi vì điều này khiến bệnh nhân phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn. Theo tôi được biết là một cái nẹp cùng với 6 con vít thì giá là 60 triệu, do đó không phổ biến ở Việt Nam.

Ở Việt Nam chỉ sử dụng một số vít tự tiêu sinh học, tức là sử dụng một số vít dùng để cố định dây chằng trong một số trường hợp mổ nội soi.

 

3. Trường hợp nào dùng đinh nội tủy, trường hợp nào dùng nẹp vít?

Việc dùng đinh hay nẹp thì có 2 trường phái, việc lựa chọn phụ thuộc vào cơ sở y tế và thói quen của bác sĩ.

Một số trường hợp bắt buộc phải dùng nẹp chẳng hạn như gãy xương ở vùng gần khớp thì buộc phải dùng nẹp vít thì mới cố định được. Hoặc một số xương nhỏ có độ cong, cũng sử dụng nẹp vít.

Xương thẳng và xương dài thì bác sĩ mới đóng đinh được, chẳng hạn như gãy xương cẳng tay. Tuy nhiên, trước đây người ta dùng đinh nhưng sau này người ta dùng nẹp.

Dùng nẹp có một lợi thế là bác sĩ nắn xương nó sẽ tuyệt đối, xương sẽ chắc hơn giúp bệnh nhân hoạt động sớm.

Trong trường hợp sử dụng đinh, nó có một độ xoay và một số xương lớn, đinh đóng chặt vào tủy nên nó không xoay với điều kiện xương phải thẳng ví dụ như xương chày hay xương đùi thì thường bác sĩ sẽ chọn đinh.

Một số trường hợp có thể kết hợp đinh và nẹp như xương đòn, hay xương cẳng tay.

 

4. Phẫu thuật kết hợp xương có giúp xương lành nhanh hơn không?

Phẫu thuật kết hợp xương giúp xương cố định và nắn chỉnh được di lệch và bệnh nhân có thể tập vận động sớm hơn so với điều trị bảo tồn bó bột.

Tuy nhiên, quá trình lành xương là một quá trình sinh lý đòi hỏi có thời gian và phẫu thuật kết hợp xương chứ không giúp lành xương nhanh hơn, thậm chí còn lành xương chậm hơn so với điều trị bảo tồn bởi vì trong quá trình mổ sẽ làm tổn thương những mạch máu nuôi xương và màng xương, cho nên quá trình tái tuần hoàn sẽ chậm hơn dẫn đến xương nó lành chậm hơn.

Chẳng hạn như những xương nhỏ yêu cầu phải có 2-3 tháng thì các can xương sẽ chắc, còn đối với xương lớn hơn thì sự lành của xương nó sẽ kéo dài hơn, khoảng là 4 tháng, có trường hợp kéo dài tới 6 tháng.

Sau mổ, bệnh nhân cần chụp ngay X-quang để kiểm tra kết quả nắn chỉnh để xem nó có đạt yêu cầu hay không, có cần chỉnh sửa không. Nếu đã đạt yêu cầu thì sau mỗi tháng thì bác sĩ sẽ cho bệnh nhân chụp Xquang một lần để theo dõi quá trình lành xương.

 

5. Sau phẫu thuật kết hợp xương bao lâu nên lấy đinh, nẹp ra?

Về nguyên tắc, sau khi lành xương và đảm bảo xương đã vững chắc rồi (can xương chắc chắn rồi), lúc đó có thể lấy đinh nẹp ra. Trong trường hợp đóng đinh nội tủy, có thể bác sĩ sẽ lấy ra trong 1 năm. Đối với đặt nẹp, đây là trường hợp lành xương trực tiếp, bác sĩ sẽ lấy nẹp ra chậm hơn thường là 1.5-2 năm.

Lành xương trực tiếp là sự lành xương được hình thành do sự cốt hoá của hai mặt gãy xương với nhau. Hay còn gọi là sự lành xương với xương cùng nhau, thường không có sự phình to tại ổ gãy. Lành xương gián tiếp là sự lành xương diễn ra qua nhiều giai đoạn, tạo ổ máu tụ -> mô xơ -> mô sợi-> mô xương, thường can to phì đại ngay vị trí gãy nên can sẽ chắc chắn hơn.

 

6. Có trường hợp nào không cần lấy đinh nẹp xương ra hay không?

Đối với những bệnh nhân lớn tuổi, những bệnh nhân có những bệnh lý đi kèm ảnh hưởng đến sinh mệnh trong lúc phẫu thuật thì bác sĩ khuyên không nên lấy ra bởi vì việc lấy dụng cụ kết hợp xương không cần thiết nữa.

Những bệnh nhân sau 60-70 tuổi bác sĩ mổ kết hợp xương thường có những bệnh nội khoa kèm theo nhiều, vì vậy nẹp xương sẽ để luôn bởi vì khoảng thời gian còn lại của bệnh nhân không còn lâu như người trẻ và nó cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân.

 

7. Có phải đinh, nẹp để càng lâu trong người càng khó lấy ra?

Đinh hay nẹp để càng lâu sẽ càng khó lấy ra ví dụ như mình để đinh ở trong lâu thì xương sẽ bám chặt vào đinh, bác sĩ không lấy ra được. Có  trường hợp nẹp, xương để càng lâu bám vào càng chặt hoặc những can xương bò phủ qua dụng cụ khiến việc lấy ra gặp nhiều khó khăn thì không nên lấy ra nữa.

 

8. Tiếp tục để đinh, nẹp trong cơ thể có gây bất lợi gì không?

Có hai bất lợi, thứ nhất khi thay đổi thời tiết bệnh nhân sẽ cảm thấy bị buốt, vì các dụng cụ đó làm bằng kim loại, sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Chẳng hạn như thời tiết trở nên lạnh hơn thì bệnh nhân sẽ cảm thấy đau, hơi buốt bởi vì khi lạnh kim loại nó sẽ giảm nhiệt nhanh hơn cơ thể người, cho nên bệnh nhân sẽ hơi khó chịu.

Đối với những bệnh nhân còn trẻ, các bệnh nhân có nhu cầu đi lại khi đi qua cửa an ninh, máy kiểm soát báo động vì họ có kim loại trong người, gây phiền toái đôi chút.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho biết nếu bệnh nhân để quá lâu trong cơ thể, họ có khả năng nhiễm kim loại nặng. Tuy nhiên, nguy cơ rất thấp nên không vì sự tiêu đi kim loại mà bệnh nhân phải đi lấy ra, những dụng cụ đó có thể để luôn trong cơ thể.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top