Chúng ta đang ở trong thời đại 4.0, một thời đại với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ và viễn thông. Nhờ vào đó chúng ta có thể học tập và kết nối với mọi người mọi lúc mọi nơi nhờ vào những nền tảng số. Chúng ta có thể luôn cảm nhận được rằng dường như thành phố nơi chúng ta đang sống không-bao-giờ-ngủ. Cũng chính vì vậy, gần như chúng ta không có đủ thời gian nghỉ ngơi trong thinh lặng để tái tạo sức lao động sau những ngày làm việc mệt mỏi. Cộng với văn hóa chú trọng thành tích, chú trọng kết quả càng khiến chúng ta có tâm lý không dám nghỉ ngơi và rơi vào tình trạng kiệt sức.
Liệu bạn có bao giờ vẫn cảm thấy kiệt sức ngay cả khi bạn đã cố gắng tái tạo năng lượng bằng việc ngủ nhiều hơn vào dịp cuối tuần? Bạn nên biết rằng ngủ và nghỉ ngơi là 2 hành động hoàn toàn khác nhau. Chúng ta vẫn thường nhầm lẫn rằng chúng ta đã nghỉ ngơi đủ khi chúng ta ngủ đủ giấc – nhưng thực tế vẫn còn nhiều kiểu nghỉ ngơi khác mà chúng ta cần phải thực hiện để tạo ra đủ năng lượng cho bản thân. Chúng ta luôn cảm thấy chúng ta chưa được nghỉ ngơi đủ vì chúng ta vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của nghỉ ngơi và thế nào là nghỉ ngơi đúng cách. Để giải quyết được tình trạng mệt mỏi, chúng ta nên trải nghiệm đầy đủ 7 kiểu nghỉ ngơi.
Nghỉ ngơi vật lý
Nghỉ ngơi vật lý có thể là nghỉ ngơi chủ động hoặc thụ động. Nghỉ ngơi thụ động bao gồm ngủ và nghỉ, nghỉ ngơi chủ động bao gồm các hoạt động phục hồi như yoga, giãn cơ và massage trị liệu để cải thiện tuần hoàn và tính linh hoạt của cơ thể.
Nghỉ ngơi tâm thần
Đồng nghiệp của bạn thường khởi đầu ngày mới bằng một tách café lớn nhưng anh ấy thường dễ cáu giận, đãng trí và khó tập trung trong công việc? Về đêm trước khi bước vào giấc ngủ anh ấy thường bị ám ảnh với những cuộc hội thoại trên văn phòng? Và rồi 7-8 tiếng sau, khi thức giấc anh ấy vẫn cảm thấy mệt mỏi như thể anh ấy đã thức trắng đêm? Bạn có gặp trường hợp tương tự, nếu có thì có thể bạn cần được nghỉ ngơi tâm thần.
Nghỉ ngơi tâm thần không có nghĩa là bạn phải nghỉ việc để nghỉ ngơi, mà bạn cần phải lên thời gian biểu cho những giờ nghỉ giải lao ngắn mỗi 2 giờ làm việc trong ngày.
Nghỉ ngơi giác quan
Ánh sáng, màn hình máy tính, tiếng ồn và các cuộc hội thoại có thể khiến giác quan của chúng ta bị quá tải. Để giải quyết vấn đề quá tải giác quan, bạn có thể nhắm mắt trong vài phút trong giờ làm việc cũng như tránh xa các thiết bị điện tử sau giờ làm việc.
Nghỉ ngơi sáng tạo
Kiểu nghỉ ngơi này rất quan trọng với những người luôn cần phải giải quyết vấn đề hoặc cần phải động não để tìm kiếm những ý tưởng mới. Bạn có nhớ những khoảnh khắc lần đầu tiên bạn đứng trước những hẻm núi lớn, đứng trước đại dương hay thác nước, hoặc chỉ đơn giản là khi bạn thưởng thức và tán dương vẻ đẹp của tự nhiên, những khoảnh khắc như vậy cho phép bạn được nghỉ ngơi sáng tạo.
Tuy nhiên, nghỉ ngơi sáng tạo không đơn thuần chỉ là thưởng thức và tán dương vẻ đẹp của tự nhiên, mà còn là sự hứng thú và tận hưởng vẻ đẹp của nghệ thuật. Bạn có thể khiến nơi làm việc trở thành nơi truyền cảm hứng cho bạn bằng cách hiển thị những bức ảnh chụp địa điểm mà bạn thích hoặc những tác phẩm nghệ thuật mà bạn luôn tán dương.
Nghỉ ngơi cảm xúc
Nghỉ ngơi cảm xúc có nghĩa là dành thời gian và không gian để tự do bộc lộ cảm xúc và không cần phải làm hài lòng người khác. Điều kiện để có thể nghỉ ngơi cảm xúc là cần phải trung thực. Hãy mạnh dạn và trung thực nói ra vấn đề của bản thân với những người sẵn sàng lắng nghe bạn.
Nghỉ ngơi xã hội
Chúng ta cần phải nhận biết và phân biệt những mối quan hệ mang đến những điều tích cực với những mối quan hệ độc hại. Để nghỉ ngơi xã hội, bạn cần phải tiếp xúc với những người có tinh thần hỗ trợ và tích cực.
Nghỉ ngơi tinh thần
Nghỉ ngơi tinh thần không chỉ là kiểu nghỉ ngơi giúp chúng ta kết nối thể chất với tinh thần, mà còn giúp chúng ta cảm nhận được cảm giác thân thuộc, yêu thương, chấp nhận và ý chí. Để có thể nghỉ ngơi tinh thần, bạn có thể tham gia vào các cộng đồng để xây dựng những thói quen tích cực hàng ngày.
Kết luận
Như vậy, bạn có thể thấy ngủ là không đủ để giúp chúng ta phục hồi và cảm thấy được nghỉ ngơi đầy đủ. Vì vậy, hãy xây dựng thói quen nghỉ ngơi hợp lý để luôn dồi dào năng lượng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh