✴️ Cách chăm sóc và chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị nhiệt miệng lưỡi

Nội dung

Bệnh nhiệt miệng thực chất là bệnh viêm loét niêm mạc miệng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Biểu hiện là xuất hiện một vài đốm trắng 1 – 2 mm, to dần, hơi mọng nước tại niên mạc miệng. Vết loét sẽ to dần gây khó khăn cho việc ăn uống nếu không được chữa trị.

Nguyên nhân

  •  Chức năng miễn dịch bị suy giảm.
  •  Cọ sát làm tổn thương niêm mạc (đánh răng hay bé ngậm phải vật sắc nhọn).
  •  Bị cắn và bị kích thích từ bên ngoài.
  •  Rối loạn bài tiết bên trong, do dị ứng với thuốc và thực phẩm.
  • Nhiễm khuẩn hay virus.

Dấu hiệu khi bị nhiệt miệng

  •  Trẻ quấy khóc, bỏ ăn.
  •  Miệng chảy nhiều nước dãi.
  •  Trong niêm mạc miệng xuất hiện một hoặc nhiều đốm trắng to 1 – 2 mm màu trắng hoặc ngà.
  •  Đốm trắng to dần từ 8 – 10 mm, hơi mọng nước, vài ngày sau đồng loạt vỡ ra tạo thành vết loét.
  •  Nếu không có biến chứng vết loét tự lành sau 10 – 15 ngày rồi lại tái diễn đợt khác tương tự.
  •  Nếu bị nặng có thể gây sốt, nổi hạch.

Cách chữa nhiệt miệng cho trẻ đúng phương pháp

Cách chăm sóc trẻ bị nhiệt miệng tại nhà

  •  Để điều trị, mẹ cần cho trẻ uống vitamin C liều cao, B2. Vitamin A cũng rất tốt vì giúp cơ thể tái tạo niêm mạc nên chóng khỏi bệnh.
  •  Ăn nhiều rau cải xanh hoặc cải bắp, uống nước cam, chanh.
  •  Kiêng dùng nước đá lạnh.
  •  Khi ăn xong súc miệng ngậm nước muối ấm pha loãng.
  •  Uống nhiều nước hơn bình thường một chút.
  •  Hạn chế ăn các loại gia vị cay nóng như ớt, tỏi, gừng, tiêu… và nên ăn nhạt.
  •  Đặc biệt, trà xanh là một trong những dạng tinh chất được khuyến khích dùng để phòng ngừa bệnh nhiệt miệng vì hoạt chất kháng oxy hóa trong trà xanh có tác dụng thu ngắn thời gian phát tán của siêu vi.

Lưu ý: Bố, mẹ không tự ý cho trẻ dùng thuốc (uống hoặc bôi) để chữa nhiệt miệng. Khi dùng thuốc phải có sự tư vấn của bác sỹ. Có thể cho trẻ bổ sung vitamin B2 theo liều hướng dẫn.

Chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị nhiệt miệng

  •  Đảm bảo chế độ ăn, uống đủ dinh dưỡng cho trẻ .
  •  Cho bé ăn thức ăn mát nhưng không quá lạnh vì đồ mát có thể giúp bé bớt đau.
  •  Tuyệt đối không nên cho bé ăn thức ăn nóng, mặn hay các thực phẩm gây nóng vì cảm giác nóng sẽ càng khiến vết loét xót hơn và nặng hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top