Tìm hiểu nguyên nhân gây đau đầu gối giúp xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất để người bệnh nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khó chịu này. Đau đầu gối không chỉ gây khó khăn trong việc đi lại mà thậm chí còn thể dẫn khiến bệnh nhân bị mất khả năng di chuyển và vận động nếu không được điều trị kịp thời.
Triệu chứng đau đầu gối
Vị trí và mức độ nghiêm trọng của đau đầu gối có thể khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân. Các dấu hiệu và triệu chứng thường xuất hiện kèm với đau đầu gối bao gồm:
- Gối sưng và cứng
- Vùng gối bị đau nóng đỏ
- Không thể duỗi thẳng đầu gối
- Gối yếu, mất vững
- Có tiếng lạo xạo, lục cục ở đầu gối khi cử động
Các chấn thương gây đau đầu gối
- Chấn thương ở đầu gối có thể ảnh hưởng đến các dây chằng, túi hoạt dịch bao quanh khớp gối cũng như xương, sụn và dây chằng tạo thành khớp.
Một số nguyên nhân gây đau đầu gối phổ biến bao gồm:
- Chấn thương dây chằng chéo: chấn thương dây chằng chéo chủ yếu là rách dây chằng chéo trước khớp gối. Đây là dây chằng cố định chủ yếu của đầu gối. Chấn thương này đặc biệt phổ biến ở những người chơi bóng rổ, bóng đá.
- Gãy, nứt: các xương của đầu gối, bao gồm cả xương bánh chè có thể bị vỡ, nứt trong va chạm cơ giới hoặc ngã. Những người có xương suy yếu do loãng xương đôi khi có thể bị gãy xương đồi đơn giản chỉ vì bước sai tư thế.
- Rách sụn chêm: sụn chêm là hình thái của sụn khớp, nằm giữa xương đùi và xương chày, chen vào giữa hoàn toàn của hai xương có tác dụng bảo vệ cho sụn khớp của xương đùi và xương chày. Tổn thương rách sụn chêm khá thường gặp, có thể đơn thuần hoặc phối hợp với tổn thương dây chằng của khớp gối.
- Viêm bao hoạt dịch khớp gối: một số chấn thương ở đầu gối có thể gây ra viêm ở túi hoạt dịch.
- Viêm gân bánh chè: đây là một tổn thương có ảnh hưởng đến dây chằng nối xương bánh chè đến xương ống quyển. Người chạy bộ, trượt tuyết, người đi xe đạp…có nguy cơ cao bị viêm gân bánh chè, gây đau đầu gối.
Các bệnh viêm khớp gây đau đầu gối
- Viêm xương khớp: đây là loại viêm khớp phổ biến nhất, đôi khi còn được gọi là thoái hóa khớp.
- Viêm khớp dạng thấp: viêm khớp dạng thấp là một dạng tự miễn, có thể ảnh hưởng đến hầu hết các khớp trong cơ thể, bao gồm cả đầu gối.
- Bệnh gút: loại viêm khớp này xảy ra khi tinh thể acid uric hình thành trong khớp. Mặc dù gút thường ảnh hưởng đến ngón chân cái nhưng cũng có thể xảy ra ở đầu gối.
- Bệnh giả gút: thường bị nhầm lẫn với bệnh gút do có các triệu chứng giống hệt. Bệnh giả gút xảy ra khi các tinh thể canxi phát triển trong dịch khớp. Đầu gối là khớp bị ảnh hưởng nhất bởi bệnh giả gút.
- Viêm khớp nhiễm khuẩn: là tình trạng nhiễm trùng bên trong khớp, nghĩa là vi khuẩn xâm nhập vào khớp khiến khớp sưng tấy, đau, nóng, đỏ.
Các yếu tố nguy cơ
- Thừa cân: thừa cân hoặc béo phì làm gia tăng áp lực lên đầu gối, ngay cả trong các hoạt động bình thường như đi bộ hoặc đi lên và xuống cầu thang. Tình trạng béo phì, thừa cân cũng làm tăng nguy cơ viêm xương khớp bằng cách tăng tốc độ phân hủy sụn khớp.
- Một số môn thể thao: một số môn thể thao tạo ra nhiều áp lực cho đầu gối như trượt tuyết, chơi bóng rổ…Các môn thể thao này đòi hỏi rất nhiều động tác nhảy và giữ trụ thường xuyên, lặp đi lặp lại việc đập đầu gối vào nền khi chạy sẽ làm tăng nguy cơ thương tích ở đầu gối.
- Chấn thương trước đây: đã từng bị chấn thương ở khớp gối trước đây cũng làm tăng nguy cơ người bệnh sẽ bị chấn thương thêm một lần nữa.
Đau đầu gối có nguy hiểm không?
Không phải tất cả các cơn đau đầu gối là nghiêm trọng. Nhưng một số chấn thương đầu gối và bệnh lý, chẳng hạn như chứng viêm xương khớp, có thể dẫn tới tổn thương khớp và tàn tật nếu không điều trị. Vì thế tốt nhất khi bị đau đầu gối nên tới bệnh viện để kiểm tra, xác định nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp