Thoát vị rốn hay gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non hoặc thiếu cân. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn và gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là cách phát hiện chứng thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh mà các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý
Tại sao trẻ sơ sinh bị thoát vị rốn?
Dây rốn được gắn ở bụng trẻ có nhiệm vụ đưa chất dinh dưỡng tới nuôi bé trong thời gian ở trong bụng mẹ. Dây rốn được cắt khi trẻ sinh ra. Trong 1-2 tuần đầu sau sinh, cuống rốn teo và rụng, vết thương lành, tạo thành rốn của trẻ.
Thoát vị rốn xảy ra khi các cơ bụng đóng không kín, dẫn tới tình trạng một phần nội tạng trong ổ bụng lồi ra ngoài tạo thành một khối lồi tại vùng rốn. Khối thoát vị có thể chứa dịch. Tình trạng bệnh này thường gặp ở bé gái nhiều hơn bé trai.
Cách phát hiện chứng thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh
Thông thường khi bị thoát vị rốn trẻ sẽ có các biểu hiện sau:
Xuất hiện một khối tròn trồi lên ngay tại vị trí lỗ rốn, chứa ruột hay màng nối bên trong.
Phần rốn lồi mềm, không đau, khi nằm nghiêng hoặc ấn vào sẽ xẹp xuống.
Lỗ thoát vị càng trở nên nặng hơn khi trẻ ho, khóc và sau đó nó sẽ trở lại như cũ khi trẻ nghỉ ngơi, thư giãn.
Phương pháp điều trị thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh
Khi phát hiện chứng thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần đưa bé đi khám để xác định tình trạng sức khỏe.
Trường hợp thoát vị rốn nhẹ thì có thể tự liền lại khi trẻ 1-2 tuổi.
Đối với trường hợp thoát vị lớn, các cơ quan trong khoang bụng có thể thoát ra nhiều gây nguy hiểm thì cần phải được tiến hành phẫu thuật càng sớm càng tốt để khâu kín chỗ hở. Phẫu thuật thường được chỉ định trong các trường hợp: Khối thoát vị to lên khi bé được 1 hoặc 2 tuổi, không mất đi khi bé 4 tuổi và có dấu hiệu bị nghẹt.
Trong khi trẻ bị bệnh, cha mẹ cần vệ sinh vùng rốn cho bé sạch sẽ hàng ngày và thay băng mỗi ngày sau khi tắm hoặc khi bị ướt để tránh hăm da.
Cho trẻ bú sữa mẹ và đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ trong chế độ ăn uống hàng ngày để tăng cường sức đề kháng.
Cha mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ và tái khám bệnh định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ nhằm kiểm tra mức độ lành bệnh và hiệu quả sau điều trị.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh