✴️ Chẩn đoán hình ảnh: bụng nhi khoa

Đại cương

Đau bụng nhi khoa là một cấp cứu thương gặp, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh biến chứng. Tùy theo độ tuổi và nguyên nhân gây nôn ói, đau bụng ở trẻ em mà triệu chứng nôn ói đau bụng ở trẻ em sẽ khác nhau. Nếu chưa biết nói, trẻ thường quấy khóc thét từng cơn hay liên tục, bủ bú, nôn ói, đi cầu ra máu, mặt nhăn nhó đau đớn. Trẻ lớn hơn có thể sẽ than phiền với cha mẹ về tình trạng đau bụng của mình. Đôi khi trẻ có thể chỉ ra được vị trí hoặc vùng bụng bị đau, mô tả được tính chất của cơn đau dù không phải lúc nào cũng chính xác. Trong siêu âm cấp cứu bụng nhi khoa, chúng ta thường gặp một số bệnh sau:
  • Tắc tá tràng bẩm sinh
  • Hẹp phì đại môn vị
  • Lồng ruột cấp tính
  • Viêm ruột thừa cấp
  • Xoắn tinh hoàn
  • Xoắn u nang buồng trứng
  • Thoát vị bẹn
  • Bệnh lý do giun đũa
  • Tắc ruột
Việc chẩn đoán đúng sớm vô cùng quan trọng trong việc điều trị và tiên lượng, nếu muộn sẽ rất nguy hiểm, đôi khi phải phẫu thuật cắt bỏ vĩnh viễn một cơ quan.

Siêu âm chẩn đoán.

Tắc tá tàng bẩm sinh.

Tắc tá tràng bẩm sinh là một căn bệnh hiếm gặp, tỉ lệ tắc tá tràng từ 1/5000 đến 1/10000 trẻ sinh ra. Có một tỉ lệ cao mắc các dị tật kết hợp hội chứng Down, tim bẩm sinh, teo thực quản, dị tật đường tiết niệu…
Nguyên nhân tắc tá tràng bẩm sinh thường gặp teo tá tràng , màng ngăn niêm mạc tá tràng, bệnh lý tuỵ nhẫn do dây chằng Ladd.
Tắc tá tràng bẩm sinh có thể được chẩn đoán nhờ siêu âm trước sinh vào 3 tháng cuối thai kỳ, với các dấu hiệu: dạ dày giãn to hình chữ C hai túi, hình ảnh “ bóng đôi ”, đa ối và em bé nôn trong bụng mẹ.
Lâm sàng bé thường nôn sớm khoảng 4 giờ sau sinh, nôn ra dịch sữa lẫn dịch mật màu vàng đậm, bé nôn nhiều và nôn liên tục. Thăm khám thấy bụng trên trướng, đôi khi thấy dạ dày tăng nhu động từng đợt nổi lên, bụng dưới xẹp.
  • Siêu âm dạ dày giãn to ứ đọng dịch, tăng nhu động dạ dày. Đôi khi thấy được hình bóng đôi trên siêu âm (double bubble sign), bóng thứ nhất do dạ dày giãn to, bóng thứ hai do ứ dịch trong hành tá tràng. Quan sát trong quá trình siêu âm thấy dịch không qua được tá tràng xuống ruột non, dịch trong hành tá tràng phản hồi ngược.
  • Chụp X quang bụng đứng với dấu hiệu kinh điển dạ dày hai túi hơi (double bubble image), đôi khi thấy dấu hiệu sâu róm (Caterpillars sign) nếu dạ dày tăng nhu động.
  • Chụp CT Scanner có giá trị cao chẩn nguyên nhân.

Hẹp phì đại môn vị.

Môn vị nối giữa dạ dày và hành tá tràng. Khi lớp cơ vòng ống môn vị tăng sinh dày lên làm lòng môn vị bị hẹp lại (lớp cơ dọc không bị), khiến cho thức ăn từ dạ dày không qua được để xuống ruột sẽ gây nên bệnh lý hẹp môn vị phì đại hay còn gọi là u cơ môn vị. Tần suất bệnh ở Mỹ thống kê được là khoảng 2 - 4/1000 trẻ sẽ mắc bệnh khi sinh ra. Bệnh có ưu thế phái tính nổi bật ở bé nam so với bé nữ với tỷ lệ 4/1 và tỷ lệ này tăng cao ở con so.

Triệu chứng lâm sàng: nôn sữa có khoảng trống sóng nhu động dạ dày u cơ môn vị.
Hình ảnh siêu âm:

  • Bình thường ống môn vị dài < 10 mm, lớp cơ môn vị mỏng < 3 mm, có hình ảnh đóng mở môn vị cho dịch lưu thông.
  • Chẩn đoán hẹp phì đại môn vị trên siêu âm khi chiều dài ống môn vị trên 16 mm, lớp cơ môn vị dày > 3 mm, đường kính ống môn vị > 6 mm. Không thấy ống môn vị đóng mở cho dịch lưu thông từ dạ dày xuống tá tràng.

Chụp X quang.

  • Thể sau sinh bị ngay trên phim KUB không có hơi ở bụng dưới. Dạ dày giãn to chưa đầy khí ( > 7 cm).
  • Dấu hiệu con sâu róm ( Caterpillar sign ): Do dạ dày giãn lớn và tăng nhu động.
  • Chụp cản quang: Cho hình ảnh gián tiếp của dạ dày giãn to và ứ đọng thuốc.Thuốc qua tá tràng chậm hoặc rất ít.Trường hợp điền hình có thể thấy hình mỏ chim của môn vị hoặc hình ống môn vị kéo dài và thu nhỏ như hình sợi chỉ.

Chụp cản quang dạ dày ngoài việc giúp chẩn đoán hẹp môn vị còn giúp xác định vị trí tâm vị; chẩn đoán được các trường hợp lạc chỗ tâm vị, phình vị lớn dạ dày hoặc thoát vị kẽ kèm theo.

 siêu âm bụng nhi khoa

Lồng ruột cấp tính.

Định nghĩa: Là bệnh lý được đặc trưng bởi sự lồng của một đoạn ruột vào bên trong của đoạn ruột phía dưới gây ra sự ứ trệ lưu thông. Lồng hồi tràng đại tràng là dạng thường gặp nhất (75%-95%) ngoài ra có thể lồng đại tràng-đại tràng, hồi tràng-hồi tràng, hồi tràng-đại tràng.
Nguyên nhânthường gặp nhất là do viêm hồi tràng và hạch mạc treo do nhiễm khuẩn (adenolymphite mésentérique) ngoài ra có thể gặp các nguyên nhân khác như: túi thừa Meckel, u, ống tiêu hoá đôi, u tuyến hay polyp
Lồng ruột ở người lớn thường có nguyên nhân do u.
Lồng ruột trẻ em thường là bệnh lý cấp tính cần chẩn đoán và xử lý cấp do chèn ép mạch máu đặc biệt khi cổ búi lồng hẹp.

Chẩn đoán siêu âm

Siêu âm có vai trò xác định chẩn đoán. Với siêu âm Doppler xác định tình trạng mạch máu có thể tiên lượng cho việc điều trị, những trường hợp lồng gây thắt ngạt không còn thấy mạch nuôi dưỡng thường có chỉ định mổ cấp cứu. Ngoài ra có thể dùng siêu âm như là phương tiện theo dõi tháo lồng.
Vị trí khối lồng thường vị trí dưới gan.

Viêm ruột thừa cấp

Viêm ruột thừa là một trong những bệnh lý cấp cứu thường gặp. Lâm sàng thường có đau hố chậu phải và có sốt, có phản ứng thành bụng. Với những thể điển hình chẩn đoán dễ dàng trên lâm sàng và với hỗ trợ xét nghiệm. Tuy nhiên trên thực tế các trường hợp không điển hình khá thường gặp, đặc biệt ở trẻ em khi đó chẩn đoán lâm sàng khó khăn. Trên thực tế đã gặp không ít trường hợp “mổ trắng” (mổ không điều trị) hoặc xử lý quá muộn khi ruột thừa đã vỡ. Trường hợp không điển hình, câu hỏi lớn nhất đặt ra đối với chấn đoán hình ảnh nói chung và siêu âm nói riêng là có viêm ruột thừa hay không, điều này cực kỳ có ý nghĩa do diễn biến tự nhiên của viêm ruột thừa trong đa số trường hợp là vỡ và gây viêm phúc mạc trong vòng 24-36 giờ.
Thăm khám siêu âm cũng rất có giá trị trong các trường hợp viêm ruột thừa ở vị trí bất thường.
Ruột thừa bình thường có cấu trúc hình ống, có một đầu tịt, một đầu cắm vào đáy manh tràng ở vị trí dưới van hồi manh tràng khoảng 3 cm, có cấu trúc đặc trưng của ống tiêu hóa với các lớp phân cách nhau rõ ràng, không có nhu động, chiều dài có thể 8-10 cm, đường kính ngang thường không quá 6 mm, thành dày không quá 3 mm, ấn xẹp khi ép đầu dò (ấn xẹp là đặc điểm rất quan trọng trong chẩn đoán ruột thừa).
Lòng ruột thừa thường xẹp, có thể chứa hơi, có ít phân nhưng hiếm khi chứa dịch. Trên siêu âm Doppler màu không có tăng sinh mạch. Vị trí thường gặp nhất là sau trong manh tràng nhưng có thể sau manh tràng, trước manh tràng, trong tiểu khung, đôi khi ở hạ sườn phải hoặc thậm chí ruột thừa ở bên trái (tuỳ thuộc vị trí bất thường của manh tràng).
Siêu âm chẩn đoán: Đường kính ruột thừa > 6 mm, thành ruột thừa > 3 mm, ấn không xẹp, Sonography (+). Ngoài ra chúng ta con thấy thâm nhiễm mỡ xung quanh ruột thừa, hạch góc hồi manh tràng, dày thành đáy manh tràng, có dấu hiệu mạc nối và quai ruột tập trung hố chậu phải. Lòng ruột thừa có thể có sỏi phân, giun đũa, chứa mủ, khí trong ruột thừa ( viêm ruột thừa sinh hơi).

Xoắn tinh hoàn.

Bé trai có hai tinh hoàn phải và trái nằm trong bìu. Khi trưởng thành Tinh hoàn trung bình có kích thước dài 4,5 cm, rộng 2,5 cm, dày 1,5 cm, cân nặng khoảng 20g. Tinh hoàn được bao bọc bởi một lớp vỏ xơ dày, trắng và không đàn hồi gọi là lớp áo trắng. Bên trong, tinh hoàn được chia thành 300-400 tiểu thùy ngăn cách nhau bởi các vách xuất phát từ mặt trong của lớp áo trắng. Mỗi tiểu thùy có từ 2-4 ống sinh tinh xoắn. Tinh trùng do các ống này sinh ra được đổ vào các ống sinh tinh thẳng, rồi vào lưới tinh hoàn ở phần sau trên của mỗi tinh hoàn. Từ lưới tinh hoàn có 12-15 ống xuất dẫn tinh trùng vào các ống mào tinh.Tinh hoàn có vừa là tuyến nội tiết, ở giữa các ống sinh tinh có những nhóm tế bào kẽ tiết ra hormon testosterone; Đồng thời vừa là tuyến ngoại tiết khi giao hợp phóng thích tinh trùng để duy trì nòi giống.
Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa, nếu sau 6 giờ mới được chẩn đoán nguy cơ cứu tinh hoàn hầu như không còn, thường phẫu thuật cắt bỏ.
Xoắn tinh hoàn là gì ? Xoắn tinh hoàn là bệnh lý do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột mạch máu thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, gây đau và sưng.
Tần suất: Tỷ lệ xoắn tinh hoàn 1/4000 nam giới ở độ tuổi dưới 25. Bệnh thường gặp ở sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ có tinh hoàn ẩn, trẻ tuổi dậy thì.
Hoàn cảnh xuất hiện:Theo các nhà nam học tuyệt đại đa số bệnh xảy ra vào ban đêm.
Nguyên nhân: Cho đến hôm nay nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng nhưng nghĩ nhiều đến:Dây thừng tinh quá dài, tinh hoàn di động, mạc tinh và tinh hoàn gắn lỏng lẻo, tinh hoàn ẩn.
Triệu chứng của xoắn tinh hoàn
Trẻ đau đột ngột vùng bìu là triệu chứng thường gặp nhất. Đau thường khởi phát vào ban đêm và thường đau một bên, có thể lan lên bẹn và hông lưng. Một vài trường hợp trẻ có thể buồn nôn, nôn và tiểu khó. Đau có thể tăng lên khi vận động nên trẻ thường nằm yên trên giường. Đau không giảm khi nghỉ ngơi và khi ngủ.
Dễ nhầm xoắn tinh hoàn với thoát vị bẹn vì bệnh lý này cũng khiến tinh hoàn sưng to. Vì vậy, khi thấy tinh hoàn của trẻ có những biểu hiện bất thường như hơi tấy đỏ, sờ vào thấy hơi đau đau thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay.
Siêu âm chẩn đoán: Thường trục tinh hoàn bị xoắn thường nằm chếch chứ trục không còn thẳng như bên lành. Nếu xoắn tinh hoàn hoàn phải sẽ xoắn ngược chiều kim đồng hồ; Nếu xoắn tinh hoàn trái sẽ xoắn cùng chiều kim đồng hồ. Khi tinh hoàn bị xoắn động mạch thừng tinh bị xoắn theo trục dọc nên khi siêu âm ta có hình ảnh xoáy nước (Whirlpool sign). Bệnh nhân đến càng muộn triệu chứng càng rõ. Hình ảnh tăng kích thước tinh hoàn, cấu trúc tinh hoàn giảm âm, giảm tưới máu, tăng chỉ số sức cản thành mạch và vô mạch hoàn toàn khi đã hoại tử “ tinh hoàn đã chết”.
 

U nang buồng trứng xoắn.

Bệnh xoắn buồng trứng là khi buồng trứng bị rơi xuống và xoắn lại, kéo theo động mạch cấp máu cho buồng trứng cũng xoắn, buồng trứng không còn được nuôi dưỡng và dẫn tới hoại tử buồng trứng nếu không được điều trị kịp thời. Đây là một bệnh cảnh cấp cứu trong sản phụ khoa, đặc biệt khi bệnh nhân đang trong độ tuổi sinh sản. Xoắn buồng trứng là bệnh có thể gặp ở tất cả phụ nữ, từ bé sơ sinh đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và trên các buồng trứng có u. Tình trạng xoắn buồng trứng thường xảy ra khi buồng trứng có các nang với kích thước khoảng từ 5-10 cm, phổ biến nhất là dạng u nang bì.
Vì là một tình huống cấp cứu nên người bệnh cần lưu ý những dấu hiệu xoắn buồng trứng để kịp thời đến khám tại các cơ sở y tế:
Triệu chứng xoắn buồng trứng điển hình là đau bụng đột ngột, đau liên tục, thường khu trú rõ ở bên trái hoặc bên phải của vùng bụng dưới. Cơn đau thường không giảm khi uống các thuốc giảm đau thông thường và diễn tiến xấu đi khá nhanh, chỉ trong vài giờ. Nếu xoắn buồng trứng diễn ra chậm hoặc các trường hợp buồng trứng tự tháo xoắn, cơn đau có thể dịu đi.
  • Buồn nôn và nôn gặp trong 70% trường hợp, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý có nguồn gốc từ đường tiêu hóa.
  • Tiểu rắt, tiểu khó, táo bón, phù 2 chi dưới là các triệu chứng biểu hiện tình trạng chèn ép của các cơ quan lân cận của u nang buồng trứng lớn.
  • Sốt có thể gặp khi xoắn buồng trứng đến muộn và có biến chứng hoại tử buồng trứng.
Xoắn buồng trứng không chỉ gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Ở những người mãn kinh, u buồng trứng bao gồm cả u lành tính và u ác tính có thể gây ra bệnh cảnh xoắn buồng trứng với những biểu hiện không đặc trưng và diễn tiến nhanh hơn. Đối với các bé gái thì ít gặp nhưng chỉ cần u nang nhỏ ở buồng trứng cũng có thể gây xoắn. Một số trường hợp không bị u buồng trứng nhưng vẫn có thể bị xoắn (gọi là xoắn phần phụ).
Siêu âm: Siêu âm có vai trò quan trọng trong chẩn đoán trong chẩn đoán xoắn u nang buồng trứng. Đối với bé gái siêu âm qua đường bụng, phụ nữ siêu âm qua ngã âm đạo. Dấu hiệu quan trọng là hình xoáy nước ( Whirl pool sign) quanh trục của cuống hay buồng trứng; với những trường hợp đến muộn không còn thấy mạch máu nuôi dưỡng cho nang, không có tín hiệu màu phổ Doppler; có dịch ổ bụng.
  siêu âm bụng trẻ em
 

Thoát vị bẹn.

Thoát vị bẹn là tình trạng các thành phần ruột và mạc nối chui qua các lỗ tự nhiên ở vùng bẹn, khi các lỗ tự nhiên này yếu hoặc đóng không kín, thường là một phần của màng tế bào lót các khoang bụng (mạc nối) hoặc một phần của ruột bị trồi ra và chui vào túi thoát vị. Bệnh có thể gây đau, đặc biệt là khi bạn ho, cúi xuống hoặc nhấc một vật nặng.
Có nhiều cách phân loại, mỗi loại có ý nghĩa riêng.Trên lâm sàng thường phân loại như sau:
Theo mức độ
  • Thoát vị chỏm: Khối thoát vị năm ở lỗ bẹn sâu
  • Thoát vị kẽ: Khối thoát vị nằm ở trong ống bẹn
  • Thoát vị mu : Khối thoát vị ở mức lỗ bẹn lông
  • Thoát vị thừng tinh: Khối thoát vị ở gốc bìu
  • Thoát vị bẹn bìu: Khối thoát vị xuống tới bìu
Theo cơ chế
  • Thoát vị bẹn trực tiếp: Xảy ra khi khối thoát vị chui qua nơi yếu nhất của thành bụng là hố bẹn trong, thường gặp ở người trưởng thành. Tình trạng này xảy ra do thoái hóa mô liên kết của các cơ bụng. Có thể liên quan đến chất béo hoặc ruột non thông qua các lớp cơ bắp đã yếu xuống bẹn. Loại thoát vị này chỉ xảy ra ở nam giới. Thoát vị trực tiếp xảy ra dần dần khi liên tục có áp lực đè nặng lên khối cơ. Các yếu tố sau đây có thể gây áp lực lên các cơ bụng và gây ra thoát vị:
  • Thoát vị bẹn gián tiếp: Xảy ra khi khối thoát vị chui qua hố bẹn ngoài, thường là thoát vị bẹn bẩm sinh. Thường phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Trong một thai nhi nam, thừng tinh và hai tinh hoàn bắt đầu từ trong vị trí bình thường của bụng, xuống ống bẹn và vào bìu, là một túi chứa tinh hoàn. Đôi khi lối vào ống bẹn ở vòng bẹn không đóng kín sau khi sinh, để lại một điểm yếu trong thành bụng. Chất béo hoặc một phần của ruột non sẽ trượt vào điểm yếu này, gây ra thoát vị. Ở phụ nữ, thoát vị bẹn gián tiếp gây ra bởi các phần phụ hoặc ruột non. Đây là loại thoát vị phổ biến nhất. Đặc biệt trẻ sinh non có nguy cơ cao bị thoát vị bẹn bẩm sinh do thời gian để ống bẹn đóng lại ngắn hơn bình thường.
Thoát vị bẹn nghẹt là một biến chứng nặng và thường gặp của tất cả các loại thoát vị. Bao gồm thoát vị bẹn, thoát vị rốn, thoát vị đùi, thoát vị bịt, thoát vị đường trắng trong đó chủ yếu là thoát vị bẹn và thoát vị đùi. Thoát vị bẹn nghẹt cần chẩn đoán thật sớm và xử trí ngay vì nếu chỉ sau 6 – 12 giờ tạng sẽ bị hoại tử dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc, tắc ruột, nhiễm trùng nhiễm độc do hoại tử các tạng (ruột, mạc nối, buồng trứng, vòi trứng). và những rối loạn toàn thân.
Thoát vị buồng trứng trẻ nhỏ: Bé gái sơ sinh còn nội tiết tố của mẹ nên buồng trứng khá to, nên một số trường hợp gặp thoát vị buồng trứng qua ống Nuck xuống vùng môi lớn.
Hình ảnh siêu âm: Tùy thuộc vào từng loại thoát vị và mức độ mà chúng ta có hình ảnh thoát vị khác nhau. Nếu thoát vị bẹn bìu có hình ảnh quai ruột và mạc nối trong bẹn bùi, thấy có nhu động ruột, thay đổi vị trí di động khi bệnh nhân hít thở. Nếu thoát vị nghẹt đến muộn chúng ta sẽ không còn thấy hình ảnh sự di chuyển theo nhịp thở. Nếu thoát vị buồng trứng qua ống Nuck sẽ thấy hình ảnh buồng trứng trong ống Nuck chạy xuống vùng môi lớn.Khi khảo sát siêu âm, cần siêu âm Doppler màu để đánh giá mạch máu nuôi dưỡng của thành phần thoát vị, nếu thoát vị nghẹt đến muộn các quai ruột sẽ bị hoại tử và vô mạch. Trong những trường hợp khác nên siêu âm ở tư thế đứng và làm nghiệm pháp Valsalva, chúng ta sẽ thấy túi thoát vị lên xuống. Trong những thể nghẹt chụp X quang có hình ảnh tắc ruột. Sự phối hợp giữa siêu âm và CT Scanner mang lại sự chẩn đoán chính xác, tránh bỏ sót tổn thương.
Bệnh lý do giun đũa.
Ở trẻ em có nhiều bệnh lý liên quan đến đến giun đũa như: tắc ruột do giun, giun chui ống mật (GCOM), giun chui ống tụy (GCOT), giun chui ngược lên dạ dày, có khi giun chui cả ra đường miệng. Bệnh khá phổ biến trước đây, nhưng ngày nay bệnh có xu hướng giảm do kết quả của chương trình sổ giun học đường.
GCOM là tình trạng giun từ ruột chui lên tá tràng, chui qua cơ Oddi để vào trong ống mật chủ, các đường mật trong gan và túi mật. GCOM có thể sống và tồn tại ở đó một thời gian, khi chết sẽ để lại xác giun không tiêu và là cơ sở của sự hình thành sỏi mật, gây nhiễm trùng đường mật, khởi đầu của áp xe gan do giun và các biến chứng của nó.
GCOT cũng như GCOM giun chui vào ống tụy, gây đau và gây viêm tụy cấp.
Giun trong ống tiêu hóa gây đau bụng giun, nếu nhiều giun có thể cuộn lại từng búi gây tắc ruột do giun.
Bệnh lý giun đũa có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, tuy nhiên bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhất là những trẻ dinh dưỡng kém, thiếu đạm, gầy yếu, nhiễm trùng (sau cúm, sởi, viêm phổi), độ toan dịch vị ít.
Triệu chứng bệnh lý giun đũa rất phong phú, tùy theo bệnh cảnh.
GCOM cấp gây cơn đau quặn gan, gây nhiễm trùng và áp xe đường mật, lâu dài tạo sỏi đường mật, gây vàng da tắc mật. GCOT gây viêm tụy cấp giống như triệu chứng của viêm tụy, điển hình điểm đau Tôn Thất Tùng ( điểm đau sườn lưng – cột sống), xét nghiệm Amylase máu tăng. Giun chui lên dạ dày gây viêm dạ dày, nhiều giun cuộn thành búi trong ống tiêu hóa gây tắc ruột.
Hình ảnh siêu âm: Giun đũa có 3 đặc điểm liên quan đến hình ảnh siêu âm:
  • Thành có rất nhiều Collagen.
  • Cấu trúc hình ống
  • Thuôn nhỏ 2 đầu.
Nếu giun lớn, thân giun có đường kính lớn từ 4mm trở lên, thành giun nhiều Collagen nên tăng âm dữ dội, vì thế mà có cấu trúc hình ống; trên siêu âm nếu cắt dọc có hình ảnh đường ray, nếu cắt ngang có hình ống tăng âm ngoại vi. Trong chẩn đoán hình ảnh người ta dùng hình ảnh mỳ ống của nước Italia để mô tả về giun giun đũa, gọi là dấu hiệu mỳ ống Italia ( Spaghetti sign ). Đầu giun thuôn nhỏ, đến khi đường kính từ 3mm trở lại, thì không còn nhìn thấy cấu trúc hình ống nữa, mà là hình tăng âm đồng nhất. Ống Wirsung cả phủ bì thường dưới 3mm, nên chỉ có giun nhỏ hoặc đầu giun chui vào, vì thế mà hầu hết là hình tăng âm dữ dội trong ống Wirsung khi giun chui lên. Hình ảnh giun đũa ở cơ quan nào kết luận bệnh lý ở cơ quan đó.
  • Giun chui lên dạ dày
  • Giun chui lên ống mật
  • Giun chui lên ống tụy
  • Giun trong ống tiêu hóa
  • Búi giun trong ống tiêu hóa

Tắc ruột.

Tắc ruột là sự ngừng trệ các chất chứa trong lòng ruột, là cấp cứu ngoại khoa hay gặp, chiếm tỷ lệ 9 - 19% cấp cứu bụng và 0,8 - 1,2% các bệnh ngoại khoa. Tỷ lệ tử vong là 3 - 5 %. Ngày nay nhờ những tiến bộ của gây mờ, hồi sức và phẫu thuật nên tỷ lệ này giảm thấp chỉ còn 1 - 2%.
Những hiểu biết về tắc ruột cho đến thế kỷ 18 - 19 còn rất ít. Người ta điều trị bằng cách treo ngược 2 chân bệnh nhân lên và rửa dạ dày, cho uống thuốc phiện, thủy ngân, thụt tháo với áp lực cao, chọc hút ruột qua thành bụng hoặc mở thông ruột ra ngoài. Frederik Treves (Anh) là người đầu tiên chia tắc ruột làm 2 loại: Tắc ruột cơ năng và tắc ruột cơ học. Von Wahl (Đức) mô tả dấu hiệu quai ruột bị xoắn gọi là dấu hiệu Von Wahl. Phẫu thuật viên người Mỹ là Fitz nêu lên việc chẩn đoán và điều trị nội khoa tắc ruột cấp. Năm 1839 Amussat một phẫu thuật viên người Pháp cho rằng bệnh tắc ruột tử vong nhiễm các chất độc sinh ra trong lòng ruột ở phía trên chỗ tắc, tác giả đa đưa ra các biện pháp tống chất độc và điều trị giải độc, đa số các tác giả cho nguyên nhân tử vong chủ yếu của tắc ruột là mất nước và điện giải. Đến năm 1923, Haden và Orr (Anh) chứng minh có nhiều biến đổi ở máu khi tắc ruột cao, kéo dài, điều trị chủ yếu là bù NaCl và nước, song cũng không giảm đáng kể tỷ lệ tử vong. Khi nghiên cứu tắc ruột thấp các tác giả thấy yếu tố quan trọng nhất là chướng ruột gây sốc, cho nên việc điều trị chống chướng ruột bằng hút liện tục dạ dày ruột đó đem lại kết quả rõ rệt.
Nguyên nhân tắc ruột có rất nhiều, mỗi nhóm tuổi có những nguyên nhân khác nhau, nhưng cũng có nguyên nhân gặp ở mọi nhóm tuổi.
Các dấu hiệu siêu âm trong tắc ruột cơ học.
Vai trò của siêu âm ngày càng được ddề cập đến nhiều trong việc chẩn đoán cũng như trong giúp định hướng thái độ xử trí đối với bệnh nhân tắc ruột, tuy nhiên về mặt kỹ thuật khám đòi hỏi người khám phải chú ý nhiều vì quá trình tắc ruột thường đưa đến ứ trễ hơi và dịch, mà hơi là một trở ngại lớn cho siêu âm. Trong những trường hợp mà hơi ổ bụng nhiều, người khám cần biết tận dụng các cửa sổ thuận lợi để khảo sát ổ bụng thuận lợi hơn; thường các cửa sổ đó ở vùng hông 2 bên, có thể cho bệnh nhân thay đỏi tư thế nghiêng, chếch, kể cả tư thế khum người để đầu dò bên dưới bụng để thăm khám thuận tiên hơn.
  • Đường kính lòng ruột lớn hơn bình thường ( bình thường tiểu tràng 3cm, đại tàng 5cm ).
  • Độ dày thành ruột thay đổi ( bình thường thành ruột dày 3mm - 5mm ) ở giai đoạn đầu độ dày thành ruột giảm đi ( dưới 3mm ), ở giai đoạn sau khi có phù nề độ dày thành ruột tăng ( trên 5mm ) dày cả chu vi đồng đều và cân xứng.
  • Trong lòng ruột chứa nhiều dịch, hơi và các chất khác tăng âm.
  • Tăng nhu động ruột từng lúc trên vị trí tắc đặc biệt là sự chuyển động tiến, lui và chuyển động xoáy của chất dịch trong lòng ruột ( dấu hiệu để phân biệt với liệt ruột ).
  • Một quai ruột mất hoàn toàn nhu động trong khi các quai ruột khác vẫn còn và tăng nhu động ( dấu hiệu phân biệt với liệt ruột ).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top