✴️ Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ em và cách xử trí

Nội dung

Táo bón, nôn trớ, tiêu chảy,… là những dấu hiệu cảnh báo rối loạn tiêu hóa ở trẻ em. Vậy khi gặp tình trạng này thì xử trí như thế nào, cách phòng ngừa ra sao? 

 

1. Thế nào là rối loạn tiêu hóa ở trẻ em?

Rối loạn tiêu hóa trẻ em có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng xấu tới quá trình phát triển của bé

Rối loạn tiêu hóa trẻ em có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng xấu tới quá trình phát triển của bé.

 

Rối loạn tiêu hóa là hiện tượng cơ vòng của hệ tiêu hóa co thắt bất thường, dẫn đến tình trạng đau bụng và những vấn đề tiêu hóa thức ăn.

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng xấu tới quá trình phát triển của bé. Do đây là giai đoạn cơ thể bé cần được cung cấp nguồn dinh dưỡng ổn định. Khi rối loạn tiêu hóa xuất hiện thường xuyên, lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể bị thiếu hụt và gián đoạn đáng kể. Hậu quả dễ khiến trẻ suy dinh dưỡng, chậm phát triển cả về thể chất và trí não, suy giảm hệ thống miễn dịch. Về sau, trẻ dễ tái phát chứng rối loạn tiêu hóa khi bộ máy tiêu hóa bị các tác nhân từ môi trường tấn công.

 

2. Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa trẻ em

2.1. Ợ hơi, chán ăn – dấu hiệu điển hình rối loạn tiêu hóa ở trẻ em

Khi bị rối loạn tiêu hóa, hệ tiêu hóa hoạt động kém nên trẻ thường kém ăn, lười ăn. Trẻ thường xuất hiện triệu chứng chướng hơi, đầy bụng. Bụng trẻ căng to và ợ hơi liên tục. Do đầy hơi nên trẻ đánh hơi nhiều hơn. Bên cạnh đó, miệng trẻ còn bị hôi.

2.2. Do loạn khuẩn đường ruột 

Đây là một trong những nguyên nhân hay gặp ở trẻ nhất do do hệ vi sinh có lợi đường ruột chưa đủ mạnh để tạo hàng rào bảo vệ cho cơ thể.

Trẻ thường rối loạn tiêu hóa sau khi ăn các thức ăn không đảm bảo vệ sinh, uống sữa hoặc sau khi bị viêm đường hô hấp. Tình trạng loạn khuẩn đường ruột cũng thường xuyên gặp ở trẻ sau khi dùng kháng sinh liều cao và kéo dài để điều trị bệnh viêm họng, viêm phổi, viêm amidan,… Lúc này, kháng sinh làm tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh nhưng lại tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có lợi. Chính vì thế dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột kéo theo rối loạn tiêu hóa.

2.3. Nôn trớ

Nôn trớ, ợ hơi, chán ăn,.... là dấu hiệu điển hình của rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Nôn trớ, ợ hơi, chán ăn,…. là dấu hiệu điển hình của rối loạn tiêu hóa ở trẻ.

 

Nôn là hiện tượng đẩy ngược các chất có trong dạ dày qua miệng do tác động gắng sức của cơ thể. Trớ là hiện tượng sữa trào ra khỏi miệng sau mỗi lần trẻ rướn người hoặc thay đổi tư thế đột ngột, thường xảy ra mỗi khi ăn no. Có khoảng 2/3 trẻ thường xuyên gặp phải tình trạng nôn trớ trong vòng một tuổi, gọi là nôn trớ sinh lý. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ biến mất khi trẻ lớn lên nhờ cấu trúc của đường tiêu hóa hoàn chỉnh dần, chế độ ăn uống cũng đặc hơn. 

Tuy nhiên tình trạng trào ngược sinh lý cũng có thể trở thành bệnh lý. Để nhận biết hiện tượng nôn trớ sinh lý hay bệnh lý, bạn cần căn cứ các dấu hiệu như: Nếu bé nhỏ hơn 6 tháng tuổi, 1 ngày bị trớ sữa vài lần nhưng vẫn lên cân tốt, tâm lý vui vẻ, không bị khò khè tái đi tái lại… thì khả năng cao chỉ là trào ngược sinh lý. Nếu sau 1 tuổi trẻ vẫn thường ọc sữa, gầy gò, chậm lên cân, sợ ăn, khò khè, viêm phổi tái phát nhiều lần… thì có khả năng trào ngược đã trở thành bệnh lý. Lúc này phụ huynh cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

2.4. Tiêu chảy 

Khi trẻ đi ngoài ra phân lỏng trên 3 lần/ngày thì được coi là tiêu chảy. Đây là một bệnh thông thường. Trẻ mắc tiêu chảy có thể do nhiễm virus gây ra bệnh đường ruột, do nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn hoặc do ăn phải thức ăn ôi thiu,… Nếu tiêu chảy kéo dài khiến cơ thể mất nước, mất điện giải nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong. Vì vậy, khi trẻ bị tiêu chảy điều quan trọng nhất là cần bù điện giải, tốt nhất bằng nước oresol theo hướng dẫn của bác sĩ. Còn bệnh diễn tiến nặng hơn hãy đưa trẻ đến bệnh viện.

 

3. Xử trí thế nào khi trẻ rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hoá ở trẻ em cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Các bậc phụ huynh cần lưu ý một số kiến thức sau để áp dụng với trẻ khi mắc căn bệnh này.

3.1. Nguyên tắc điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ em

Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tiêu hoá bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra cụ thể. Từ đó bác sĩ sẽ lên phương án điều trị phù hợp nhất.

Phụ huynh không nên tự ý mua thuốc, không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh hoặc các thuốc tiêu chảy. Tất cả các thuốc cần phải có sự chỉ định của bác sĩ.

3.2. Cách chăm sóc khi trẻ mắc rối loạn tiêu hoá

Trẻ cần được chăm sóc, điều trị khi rối loạn tiêu hóa

Trẻ cần được chăm sóc, điều trị khi rối loạn tiêu hóa.

 

Khắc phục rối loạn tiêu hoá ở trẻ cần tập trung chính vào việc chăm sóc giúp trẻ cải thiện các triệu chứng do bệnh gây ra. Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh bố mẹ nên:

Chú ý chế độ dinh dưỡng:

– Ăn chín, uống sôi: Không cho trẻ ăn đồ tươi sống, đồ ăn cần được nấu chín kỹ.

– Tránh các thức ăn nhiều đạm, chất béo.

– Chia bữa ăn thành các bữa nhỏ, không để khoảng cách các bữa quá gần nhau hoặc ép trẻ ăn quá no khiến bé khó tiêu hoá và hấp thụ.

– Bổ sung nhiều rau củ giàu chất xơ, hỗ trợ hệ tiêu hoá khoẻ mạnh hơn.

– Cho trẻ em uống đủ nước mỗi ngày để tránh táo bón.

– Khuyến khích trẻ đi lại nhiều sẽ tốt cho hệ tiêu hoá.

3.3. Điều trị bằng thuốc

Để điều trị triệu rối loạn tiêu hoá cho trẻ, bạn có thể sử dụng kháng sinh đúng liều. Tuy nhiên cần phải được sự đồng ý của bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho trẻ một số loại thuốc như: thuốc cầm tiêu chảy, thuốc điều trị táo bón,…

3.4. Điều trị tại bệnh viện

Trong trường hợp bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ em diễn biến nghiêm trọng, đặc biệt là rối loạn tiêu hoá ở trẻ sơ sinh, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế đảm bảo để được điều trị đúng cách. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch như khi trẻ mất nước do nôn, tiêu chảy. Trường hợp đi ngoài ra máu, sốt cao, tiêu chảy mất nước,… cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top