Thế nào là hẹp niệu đạo?

Niệu đạo là một ống dấn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Thông thường niệu đạo sẽ đủ rộng để nước tiểu có thể chảy tự do qua đó. Khi niệu đạo bị hẹp sẽ gây cản trở dòng nước tiểu. Hẹp niệu đạo là một vấn đề ảnh hưởng chủ yếu đến nam giới.

Nguyên nhân

Hẹp niệu đạo thường do các vấn đề liên quan đến viêm hoặc sự xuất hiện của mô sẹo. Mô sẹo có thể là hậu quả của nhiều yếu tố. Những cậu bé đã từng phải phẫu thuật dị tật lỗ đái lệch thấp và những nam giới cấy ghép dương vật có khả năng cao bị hẹp niệu đạo.

Chấn thương niệu đạo là loại chấn thương thường gặp nhất gây ra hẹp niệu đạo. Ví dụ chấn thương niệu đạo khi đạp xe hoặc va đập vào khu vực gần bìu.

Những nguyên nhân khác có thể gây hẹp niệu đạo bao gồm:

  • Gãy xương chậu
  • Đặt ống thông tiểu
  • Xạ trị
  • Phẫu thuật tiền liệt tuyến

Những nguyên nhân hiếm gặp hơn bao gồm:

  • Khối u ở gần niệu đạo
  • Viêm đường tiết niệu tái phát nhiều lần hoặc không được điều trị
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục do lậu hoặc chlamydia

 

Yếu tố nguy cơ

Một số nam giới có nguy cơ bị hẹp niệu đạo cao hơn, đặc biệt là những người:

  • Nhiễm một hoặc nhiều bệnh lây qua đường tình dục
  • Đặt ống thông tiểu gần đây
  • Bị viêm niệu đạo (sưng và kích thích niệu đạo), có thể do nhiễm trùng
  • Phì đại tiền liệt tuyến

 

Triệu chứng

Hẹp niệu đạo có thể gây ra nhiều triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Một số dấu hiệu của hẹp niệu đạo bao gồm:

  • Tia nước tiểu yếu hoặc giảm số lượng nước tiểu
  • Tiểu gấp
  • Đau hoặc cảm giác bỏng rát khi đi tiểu
  • Tiểu không tự chủ
  • Đau vùng chậu hoặc vùng bụng dưới
  • Tiết dịch niệu đạo
  • Sưng và đau dương vật
  • Xuất tinh hoặc tiểu ra máu
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Không thể đi tiểu, bí đái (rất nặng – cần điều trị ngay lập tức)

 

Chẩn đoán

Bác sỹ có thể sử dụng một số phương pháp tiếp cận để chẩn đoán hẹp niệu đạo:

Xem xét lại các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn

Bác sỹ sẽ hỏi bạn các triệu chứng và tiền sử bệnh, thủ thuật y tế mà bạn từng được can thiệp để xác định các yếu tố nguy cơ.

Thăm khám lâm sàng

Thăm khám khu vực quanh dương vật có thể giúp bác sỹ xác định những vấn đề gây ra hẹp niệu đạo, ví dụ như những vùng sưng, đỏ, cứng hoặc dịch niệu đạo.

Chỉ định xét nghiệm

Để đưa ra chẩn đoán xác định hẹp niệu đạo, bác sĩ cũng có thể cần tiến hành một số xét nghiệm như:

  • Đo tốc độ dòng tiểu
  • Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu để xác định sự có mặt của vi khuẩn hoặc máu trong nước tiểu
  • Soi bàng quang: đưa một ống nhỏ có gắn camera vào niệu đạo và bàng quang (là cách trực tiếp nhất để kiểm tra hẹp)
  • Đo kích thước của lỗ niệu đạo
  • Xét nghiệm lậu, chlamydia

 

Điều trị

Điều trị tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh.

Không phẫu thuật

Cách điều trị căn bản là mở rộng niệu đạo bằng nong niệu đạo. Đây là một thủ thuật ngoại trú, có nghĩa là bạn sẽ không phải nhập viện. Bác sĩ sẽ bắt đầu đưa một ống nong nhỏ vào trong niệu đạo của bạn. Theo thời gian, ống nong lớn dần sẽ từ từ làm tăng kích thước của niệu đạo.

Một giải pháp không phẫu thuật khác đó là đặt ống thông niệu đạo lâu dài. Đây là một thủ thuật thường được lựa chọn cho những trường hợp nặng, có thể gây ra những nguy cơ như kích ứng bàng quang hoặc viêm đường tiết niệu.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là một lựa chọn điều trị khác. Phẫu thuật tạo hình niệu đạo là giải pháp lâu dài cho những trường hợp hẹp niệu đạo nặng hơn. Tuy nhiên, kết quả phụ thuộc nhiều vào mức độ hẹp.

Chuyển hướng dòng tiểu

Một ống thông ở bụng có thể cần thiết để chuyển hướng và dẫn lưu nước tiểu ra ngoài nhưng phương pháp này rất hiếm khi được thực hiện và được cân nhắc là lựa chọn cuối cùng.

 

Phòng bệnh

Không phải luôn luôn phòng ngừa được hẹp niệu đạo. Bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng là một nguyên nhân nên sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ có thể phòng ngừa trong một số trường hợp. Tuy nhiên, chấn thương và các bệnh lí khác có liên quan đến hẹp niệu đạo không phải lúc nào cũng phòng tránh được.

Điều quan trọng là bạn cần đi khám bác sỹ ngay khi có các triệu chứng của hẹp niệu đạo. Điều trị vấn đề nhanh chóng là cách tốt nhất để tránh các biến chứng nghiêm trọng.

 

Tiên lượng

Nhiều người có tiên lượng tốt sau khi điều trị hẹp niệu đạo. Bạn có thể cần điều trị tiếp tục nếu hẹp là do các mô sẹo.

Trong một số trường hợp, hẹp có thể gây bí đái do tắc nghẽn niệu đạo, gây biến chứng nguy hiểm. Bạn nên đi khám bác sỹ ngay lập tức nếu bạn có các triệu chứng của hẹp niệu đạo và bị bí đái, không thể đi tiểu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top