✴️ Hậu Covid ở trẻ em

Vấn đề về hô hấp: hiếm gặp, trẻ sau nhiễm Covid 19 có thể có đau ngực, ho, khó thở khi gắng sức. Triệu chứng này có thể kéo dài trên 3 tháng hoặc hơn. Trẻ trên 6 tuổi có triệu chứng hô hấp kéo dài nên được đánh giá chức năng hô hấp.

Vấn đề về tim mạch: hiếm gặp, viêm cơ tim có thể xảy ra. Các triệu chứng có thể có là đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều và mệt mỏi.

Khứu giác và vị giác: cứ 4 bé từ 10 -19 tuổi bị Covid 19 thì có 1 bé có ảnh hưởng đến mùi vị ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và tâm trạng của bé, cũng có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm khi không ngửi thấy mùi nguy hiểm như xăng, khói của đám cháy. Các triệu chứng cũng thường biến mất sau vài tuần.

Vấn đề phát triển: hiếm gặp, trẻ em đã từng bị Covid-19 có thể trải qua những thay đổi nhỏ về sự tập trung, chú ý, tâm trạng… khiến trẻ thay đổi tính cách, suy giảm việc học tập.

Mệt mỏi tinh thần: sau mắc Covid-19, trẻ có thể đãng trí hơn hoặc khó chú ý hơn. Trẻ có thể đọc chậm hơn và cần lặp lại nhiều hơn và ngắt quãng trong khi học. Để giảm bớt sự xuất hiện của tình trạng này, cha mẹ cần đảm bảo cho con ngủ đủ giấc và giúp chúng kiểm soát căng thẳng - điều có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng này. Nếu tình trạng mệt mỏi về tinh thần sau Covid-19 không cải thiện hoặc cản trở các hoạt động hàng ngày, cha mẹ cần cho con đi khám chuyên khoa tâm thần để chẩn đoán và có kế hoạch can thiệp, hỗ trợ trẻ sớm.

Mệt mỏi thể chất: Sau mắc Covid 19, trẻ em và thiếu niên có thể dễ mệt mỏi hơn và sức chịu đựng kém hơn, ngay cả khi trẻ không có các triệu chứng về tim hoặc phổi do vi rút gây ra. Điều này thường cải thiện theo thời gian. Để cải thiện tình trạng này, cha mẹ cần cho con tập thể dục tăng dần phù hợp với tình trạng của trẻ. Nếu không cải thiện nên cho con đi gặp Bác sĩ để đánh giá chuyên sâu hơn.

Nhức đầu: Nhức đầu là một triệu chứng phổ biến trong và sau khi mắc Covid 19. Ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, ăn các bữa đều đặn và kiểm soát căng thẳng có thể giúp trẻ cải thiện tình trạng này. Nếu cơn đau đầu kéo dài, nên cho con đi khám để điều trị thuốc. Trẻ lớn bị nhiều hơn trẻ nhỏ.

Sức khỏe tâm thần và hành vi: đối với trẻ em có các vấn đề tâm lý sẵn có thì các sự kiện xung quanh Covid-19 (như nhập viện, cách ly, nghỉ học) cũng có thể làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn. Khi đó, cha mẹ cần cho con đi khám để bác sĩ tìm các dấu hiệu trầm cảm, lo âu và các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác.

Hội chứng viêm hệ thống ở trẻ em (MIS-C): Một biến chứng hiếm gặp, thường xảy ra từ 2 đến 6 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Việc tiêm ngừa hai liều Pfizer-BioNTech được báo cáo là có thể ngăn ngừa MIS-C ở trẻ em từ 12 đến 18 tuổi. Mis-C cũng có nhẹ và nặng nhưng theo một nghiên cứu ở Mỹ, tất cả các bệnh nhân MIS-C nặng cần được hồi sức tích cực đều không được tiêm chủng. Sau khi mắc Covid-19 từ 2-6 tuần, nếu con bạn có các triệu chứng như sốt, đau bụng, tiêu chảy, phát ban… mà không rõ nguyên nhân thì nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt để xác định bệnh và điều trị bởi MIS-C có thể diễn biến rất nhanh. Trẻ em bị Mis-C thì cần nhập viện để điều trị.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường: Bao gồm đi tiểu thường xuyên, tăng khát, tăng đói, giảm cân, mệt mỏi hoặc mệt mỏi, đau dạ dày và buồn nôn hoặc nôn, đã được báo cáo ở một số trẻ em và thanh thiếu niên bị Covid-19.

1️⃣ Hậu Covid ở trẻ em là một thuật ngữ chung bao hàm các triệu chứng sức khoẻ tinh thần và thể chất mà bệnh nhi gặp phải sau 4 tuần hoặc nhiều hơn sau khi nhiễm SARS – CoV -2.

2️⃣ Hậu Covid ở trẻ em là vấn đề có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào mắc Covid 19, dù là không có triệu chứng. Tuy nhiên đa phần hiếm gặp, ít nặng nề và tự hồi phục theo thời gian. Trẻ càng lớn càng dễ có những vấn đề hậu Covid hơn so với trẻ nhỏ.

3️⃣ Nên cho bé đi thăm khám Bác sĩ nhi nếu có những triệu chứng kể trên, và nếu triệu chứng kéo dài trên 3 tháng thì cần làm thêm những xét nghiệm chuyên sâu phù hợp. Điều này có nghĩa nếu bé không có triệu chứng gì thì bố mẹ cứ yên tâm theo dõi con tại nhà đừng quá lo lắng. Chưa cần đi khám cũng chưa cần làm bất kỳ xét nghiệm nào nếu con không có triệu chứng gì.

return to top
Close menu