CHƯƠNG I: MỤC ĐÍCH VÀ NGUYÊN TẮC TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM CẤP THUỐC METHADONE NHIỀU NGÀY
Mục đích
Hướng dẫn các cơ sở điều trị Methadone quy trình triển khai thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại các cơ sở điều trị hoặc cơ sở cấp phát thuốc Methadone.
Nguyên tắc
Việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện cần tuân theo các nguyên tắc sau:
Tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện: Các quy định về quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần của Bộ Y tế và các hướng dẫn chuyên môn trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.
Tự nguyện: Người bệnh tự nguyện và cam kết chỉ sử dụng thuốc Methadone được cấp nhiều ngày cho duy nhất chính người bệnh, sử dụng đúng liều qui định và tuân thủ các hướng dẫn liên quan đến điều trị Methadone.
Người bệnh cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu bán, chia sẻ thuốc Methadone hoặc sử dụng thuốc sai mục đích, để người khác uống nhầm thuốc Methadone hoặc để xảy ra ảnh hưởng xấu khác liên quan đến việc bảo quản và sử dụng thuốc Methadone được cấp nhiều ngày.
Đủ điều kiện được cấp thuốc nhiều ngày: Có đủ tất cả các tiêu chuẩn lựa chọn người bệnh được cấp thuốc Methadone nhiều ngày, không có bất kỳ tiêu chuẩn loại trừ.
Nguyên tắc kê đơn cấp thuốc Methadone nhiều ngày: Việc kê đơn thuốc Methadone thực hiện theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 13 Thông tư số 14/2015/TT-BYT. Chỉ định thuốc Methadone không vượt quá một (01) tháng, phải ghi rõ ngày bắt đầu, ngày kết thúc và ghi rõ tần suất cấp thuốc Methadone mang về.
Đánh giá lại người bệnh hàng tháng: Cơ sở điều trị Methadone đánh giá lại người bệnh định kỳ tối thiểu mỗi tháng 1 lần để làm cơ sở cho việc duy trì, thay đổi số liều thuốc Methadone mang về mỗi lần hoặc chấm dứt việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày.
Giám sát tuân thủ điều trị: Tất cả người bệnh được cấp thuốc Methadone nhiều ngày phải chấp nhận các hình thức giám sát tuân thủ điều trị của những người được giao nhiệm vụ giám sát điều trị Methadone.
CHƯƠNG II: TIÊU CHÍ LỰA CHỌN NGƯỜI BỆNH ĐƯỢC CẤP THUỐC METHADONE NHIỀU NGÀY
Tiêu chí lựa chọn người bệnh được cấp thuốc Methadone nhiều ngày
Người bệnh đạt tất cả các tiêu chí dưới đây sẽ được cân nhắc cấp thuốc Methadone nhiều ngày:
Đã đạt liều điều trị duy trì từ 2 tháng trở lên.
Không phát hiện sử dụng thêm chất dạng thuốc phiện hoặc các loại ma túy khác bằng xét nghiệm nước tiểu trong 2 tháng gần đây.
Không bỏ liều điều trị Methadone trong 2 tháng gần đây mà không xin phép hoặc không báo cáo với cơ sở điều trị.
Trong năm qua không vi phạm các quy định của cơ sở điều trị Methadone.
Tiêu chí loại trừ
Người bệnh có 1 trong các tiêu chí sau sẽ không được cấp phát thuốc nhiều ngày:
Đã từng bị ngộ độc do sử dụng ma túy quá liều trong thời gian đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
Đang có các rối loạn tâm thần chưa điều trị hoặc đang điều trị mà chưa ổn định.
Không có nơi bảo quản thuốc an toàn (như hòm/tủ có khóa...).
Tiêu chí giảm số ngày cấp thuốc
Người bệnh đã được cấp thuốc Methadone nhiều ngày sẽ bị giảm số ngày cấp thuốc Methadone mang về khi:
Không tuân thủ điều trị, bỏ bất cứ liều nào mà không báo cáo với cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc.
Không nộp đủ vỏ lọ đựng thuốc đã qua sử dụng (trừ trường hợp đặc biệt, có lý do chính đáng).
Bác sĩ điều trị cân nhắc và quyết định giảm số ngày cấp thuốc cho mỗi hành vi vi phạm của người bệnh.
Tiêu chí chấm dứt cấp thuốc Methadone nhiều ngày
Người bệnh đã được cấp thuốc Methadone nhiều ngày sẽ bị chấm dứt tạm thời hoặc vĩnh viễn việc cấp thuốc nhiều ngày nếu vi phạm các quy định sau:
Chấm dứt tạm thời
Người bệnh chủ động xin dừng cấp thuốc nhiều ngày hoặc xin chấm dứt điều trị.
Người bệnh để mất thuốc Methadone đã được cấp.
Người bệnh 03 ngày không đến uống thuốc và nhận thuốc theo lịch hẹn.
Bỏ liều Methadone 03 ngày liên tiếp.
Đã 02 lần bị giảm số ngày cấp thuốc Methadone.
Người bệnh không tuân thủ đúng lịch hẹn đến khám, tư vấn của cơ sở điều trị mà không có lý do chính đáng.
Có kết quả xét nghiệm dương tính bằng xét nghiệm nước tiểu với chất dạng thuốc phiện hoặc ma túy khác.
Từ chối xét nghiệm ma túy qua nước tiểu khi có yêu cầu của cơ sở điều trị Methadone.
Có vấn đề về sức khỏe tâm thần (bao gồm cả say rượu), có thể gây nguy hiểm cho người bệnh hoặc cho người khác nếu nhận thuốc Methadone về.
Người bệnh bảo quản thuốc được cấp nhiều ngày không đảm bảo an toàn (do cán bộ y tế giám sát tại nhà người bệnh phát hiện).
Với người bệnh khi đã bị chấm dứt tạm thời việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày, chỉ được xem xét cấp lại thuốc mang về sau ít nhất 02 tháng kể từ ngày bị chấm dứt tạm thời.
Chấm dứt vĩnh viễn
Người bệnh sẽ bị chấm dứt vĩnh viễn việc cấp thuốc nhiều ngày nếu vi phạm một trong các hành vi sau:
Có hành vi bán hoặc chia sẻ Methadone cho người khác.
Có hành vi đe dọa hoặc uy hiếp nhân viên cơ sở điều trị Methadone.
Để xảy ra tình trạng người khác uống nhầm thuốc Methadone của mình được cấp về.
Phát hiện có các dấu hiệu ngộ độc chất dạng thuốc phiện hoặc các loại ma túy khác trong thời gian được cấp thuốc Methadone nhiều ngày.
Đã 02 lần bị chấm dứt tạm thời việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày.
CHƯƠNG III: QUY TRÌNH CẤP THUỐC METHADONE NHIỀU NGÀY
Quy trình cấp thuốc Methadone nhiều ngày
Quy trình này áp dụng cho người bệnh được cấp thuốc Methadone nhiều ngày.
Xét chọn người bệnh được cấp thuốc Methadone nhiều ngày
Rà soát danh sách người bệnh được cấp thuốc Methadone nhiều ngày
Hàng tháng, nhân viên hành chính tại cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc rà soát danh sách bệnh nhân theo tiêu chí lựa chọn người bệnh được cấp thuốc nhiều ngày, tiêu chí loại trừ và lập danh sách những người bệnh đủ điều kiện được cấp thuốc Methadone nhiều ngày theo Mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Hướng dẫn này.
Tư vấn cho người bệnh và cam kết của người bệnh
Nhân viên hành chính thông báo cho người bệnh về việc đủ điều kiện được cấp thuốc Methadone nhiều ngày và chuyển người bệnh sang tư vấn về cấp thuốc Methadone nhiều ngày.
Tư vấn cho người bệnh:
Hình thức tư vấn: Tùy theo số lượng người bệnh cần tư vấn mà cân nhắc lựa chọn hình thức tư vấn cho phù hợp với người bệnh (tư vấn nhóm hoặc tư vấn cá nhân).
Nội dung tư vấn: Lợi ích của việc cấp thuốc nhiều ngày; Điều kiện để được cấp thuốc nhiều ngày; Giảm số ngày cấp thuốc; chấm dứt tạm thời, chấm dứt vĩnh viễn việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày; Tần suất quay trở lại và số ngày, số liều thuốc được cấp mang về mỗi lần; Đảm bảo an toàn khi mang thuốc trên đường đi; Bảo quản và sử dụng thuốc khi được cấp nhiều ngày; Tuân thủ điều trị và việc giám sát sử dụng thuốc trong quá trình điều trị; Sự nguy hiểm khi dùng nhầm thuốc Methadone hoặc dùng không đúng quy định và các nội dung khác theo nhu cầu của người bệnh.
Sau khi được tư vấn, nếu người bệnh có nhu cầu được cấp thuốc Methadone nhiều ngày sẽ chuẩn bị nộp bản cam kết cho nhân viên hành chính của cơ sở điều trị theo Mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Hướng dẫn này.
Trong trường hợp người bệnh không biết đọc, không biết viết, nhân viên hành chính có thể đọc và giải thích để cho người bệnh hiểu nội dung cam kết trước khi người bệnh ký hoặc điểm chỉ vào bản cam kết và nộp cho nhân viên hành chính của cơ sở.
Bản cam kết của người bệnh sẽ lưu vào hồ sơ bệnh án tại cơ sở điều trị.
Khám, đánh giá cho người bệnh
Với người bệnh lần đầu được cấp thuốc mang về:
Thăm khám cho những người bệnh theo đúng quy định tại Mục V, Chương III Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được ban hành kèm theo Quyết định số 3140/QĐ-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Bác sĩ điều trị có thể chỉ định xét nghiệm nước tiểu tìm ma túy hoặc các xét nghiệm khác cho người bệnh (nếu cần).
Đánh giá người bệnh theo Bảng kiểm điều kiện cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện theo Mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Hướng dẫn này.
Duyệt danh sách người bệnh được cấp thuốc Methadone nhiều ngày
Cơ sở điều trị tổ chức họp nhóm điều trị bao gồm: Bác sĩ điều trị, dược sĩ cấp phát thuốc, tư vấn viên và cán bộ hành chính để rà soát lại toàn bộ hồ sơ của người bệnh có nhu cầu được cấp thuốc Methadone nhiều ngày.
Nhân viên hành chính của cơ sở điều trị lập danh sách người bệnh chính thức được cấp thuốc Methadone nhiều ngày theo Mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Hướng dẫn này và trình Lãnh đạo cơ sở phê duyệt.
Khám, đánh giá và kê đơn cho người bệnh được cấp thuốc Methadone
Với người bệnh lần đầu được cấp thuốc mang về
Việc thăm khám và đánh giá người bệnh được thực hiện trước khi Cơ sở điều trị tổ chức họp nhóm điều trị để quyết định người bệnh được cấp thuốc Methadone nhiều ngày (theo mục 1.1.3. Khám, đánh giá cho người bệnh).
Kê đơn cho người bệnh trong tháng đầu tiên: Bác sĩ kê đơn cho người bệnh trong tháng đầu tiên theo nguyên tắc người bệnh uống thuốc tại cơ sở điều trị cách ngày, mỗi lần chỉ được cấp mang về 01 ngày thuốc Methadone.
Với người bệnh quay trở lại khám định kỳ hàng tháng
Đánh giá định kỳ hàng tháng cho người bệnh: Định kỳ hàng tháng, cơ sở điều trị tổ chức họp nhóm điều trị bao gồm bác sĩ điều trị, nhân viên cấp phát thuốc, tư vấn viên và cán bộ hành chính để đánh giá mức độ tuân thủ của người bệnh đã được cấp thuốc Methadone nhiều ngày.Tiêu chí đánh giá tuân thủ điều trị bao gồm:
Người bệnh đến cơ sở điều trị uống và nhận thuốc theo đúng lịch hẹn.
Mức độ tuân thủ điều trị của người bệnh.
Người bệnh mang thuốc chưa sử dụng và vỏ chai đã sử dụng đến cơ sở kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu của cơ sở điều trị Methadone (thực hiện đúng quy định về giám sát trong quá trình điều trị).
Nộp đầy đủ số vỏ chai thuốc đã qua sử dụng.
Người bệnh thực hiện đầy đủ các lịch hẹn của cơ sở điều trị (tư vấn, khám định kỳ, xét nghiệm đột xuất...) và chấp hành tốt nội quy của cơ sở điều trị Methadone.
Không có các rối loạn tâm thần hoặc các vấn đề khác ảnh hưởng đến an toàn của người bệnh và người khác.
Kết quả xét nghiệm ngẫu nghiện heroin và ma túy khác trong tháng qua âm tính (nếu có).
Các kết quả giám sát cho thấy việc sử dụng và bảo quản thuốc của người bệnh thực hiện tốt (nếu có).
Bác sĩ điều trị khám, tư vấn và đánh giá người bệnh theo đúng quy định chuyên môn tại Mục V, Chương III Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
Kê đơn cho người bệnh: Căn cứ mức độ tuân thủ điều trị của người bệnh và kết quả khám định kỳ hàng tháng của người bệnh, bác sĩ điều trị quyết định việc kê đơn cho tháng tiếp theo.
Kê đơn cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt:
Thực hiện theo nguyên tắc tăng dần số lượng ngày thuốc được cấp về, mỗi tháng tăng thêm 01 ngày thuốc và tối đa là tăng 02 ngày thuốc cho 01 lần cấp thuốc mang về so với tháng trước đó.
Số ngày thuốc Methadone cấp cho người bệnh mang về tối đa là 06 ngày cho 01 lần cấp thuốc mang về, cụ thể như sau:
Đối với người bệnh không tuân thủ điều trị tốt: Bác sĩ điều trị quyết định giảm số ngày thuốc Methadone được cấp mang về hoặc chấm dứt việc cấp thuốc nhiều ngày theo hướng dẫn tại Mục 3 và Mục 4, Chương II Hướng dẫn này.
Việc theo dõi lâm sàng và xét nghiệm nước tiểu của người bệnh trong thời gian điều trị được thực hiện theo quy định về điều trị Methadone tại Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
Cấp thuốc Methadone cho người bệnh
Với người bệnh lần đầu được cấp thuốc mang về
Căn cứ đơn thuốc Methadone của bác sĩ, nhân viên cấp phát thuốc sẽ:
Cấp 01 liều thuốc Methadone của ngày hôm đó để người bệnh uống trước mặt nhân viên y tế.
Cấp 01 ngày thuốc Methadone của ngày kế tiếp để người bệnh mang về: Việc cấp thuốc mang về thực hiện theo Quy trình ra lẻ thuốc Methadone tại Mục III, Chương IV của Hướng dẫn này.
Dặn dò người bệnh về các nội dung sau:
Các giấy tờ bắt buộc phải mang theo để đảm bảo tính hợp pháp khi mang thuốc ra khỏi cơ sở y tế bao gồm: (1) Sổ theo dõi cấp thuốc Methadone; (2) Thẻ điều trị Methadone; (3) Đơn thuốc và (4) 01 loại giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân.
Bảo quản và sử dụng thuốc đúng cách: bảo quản trong túi có khóa, để xa tầm với của trẻ nhỏ và chỉ sử dụng thuốc đường uống, dùng đúng liều chỉ định. Nghiêm cấm việc tiêm chích Methadone.
Sự nguy hiểm và nguy cơ tử vong nếu người bệnh dùng không đúng liều theo chỉ định, ngộ độc thuốc hoặc người khác uống nhầm thuốc. Thảo luận với người bệnh về phương án xử lý ban đầu trong tình huống nguy hiểm xảy ra do ngộ độc thuốc Methadone.
Cách trả lại cho cơ sở y tế đầy đủ số vỏ chai đựng thuốc đã qua sử dụng.
Cách liên hệ với cơ sở điều trị Methadone khi cần thiết.
Với người bệnh quay trở lại theo lịch hẹn
Người bệnh xuất trình (1) Sổ theo dõi cấp thuốc Methadone và (2) Thẻ điều trị Methadone cho nhân viên hành chính để nhân viên cơ sở cấp phát thuốc tiến hành đăng ký cho người bệnh đến uống thuốc như thường lệ.
Thu hồi vỏ chai thuốc đã qua sử dụng:
Nhân viên cấp phát thuốc tại cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc Methadone tiến hành thu hồi vỏ chai thuốc của người bệnh đã qua sử dụng và kiểm tra số lượng, tính phù hợp, tính chính xác các thông tin trên nhãn phụ vỏ chai thuốc.
Lưu giữ và tiêu hủy vỏ chai đựng thuốc Methadone đã qua sử dụng theo quy định hiện hành về việc tiêu hủy vỏ chai đựng thuốc Methadone.
Hằng ngày nhân viên cấp phát thuốc thống kê tổng số chai thuốc đã qua sử dụng được thu hồi vào Sổ theo dõi quy định tại Phụ lục số 9 kèm theo Hướng dẫn này.
Cấp phát thuốc: Căn cứ đơn thuốc Methadone của bác sĩ, nhân viên cấp phát thuốc sẽ:
Cấp 01 liều thuốc Methadone của ngày hôm đó để người bệnh uống trước mặt nhân viên y tế.
Cấp đủ số ngày thuốc Methadone để người bệnh mang về theo y lệnh của bác sĩ: Việc cấp thuốc mang về thực hiện theo Quy trình ra lẻ thuốc Methadone tại Mục III, Chương IV của Hướng dẫn này.
Dặn dò người bệnh khi mang thuốc về: Tương tư như người bệnh được cấp thuốc lần đầu.
Ghi chép hồ sơ, sổ sách
Nhân viên cấp phát thuốc ghi chép hồ sơ sổ sách:
Sổ theo dõi cấp phát thuốc Methadone hàng ngày.
Phiếu theo dõi điều trị của người bệnh. Ghi đúng tổng số lượng thuốc cấp phát theo ngày thực nhận của người bệnh (bao gồm cả số lượng thuốc uống tại cơ sở và thuốc mang về).
Quy trình ra lẻ thuốc Methadone
Chuẩn bị
Cơ sở vật chất, trang thiết bị
Khu vực ra lẻ thuốc Methadone được bố trí tại phòng cấp phát thuốc Methadone của cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc, đảm bảo thông thoáng, thuận tiện và sạch sẽ.
Có đầy đủ trang thiết bị phục vụ việc ra lẻ thuốc Methadone, bao gồm:
Bơm chia liều Methadone.
Chai sạch đựng thuốc Methadone cấp phát cho người bệnh mang về: Phải đáp ứng tiêu chuẩn đồ đựng thuốc uống theo yêu cầu của Dược điển Việt Nam. Chai đựng thuốc chỉ sử dụng một lần, cơ sở điều trị sẽ thu lại vỏ chai đã qua sử dụng và tiến hành tiêu hủy theo qui định về hủy chai đựng thuốc Methadone.
Túi đựng thuốc cho người bệnh để bảo quản thuốc khi mang ra khỏi cơ sở y tế.
Nhân sự ra lẻ thuốc Methadone
Nhân viên ra lẻ thuốc Methadone là cán bộ được giao nhiệm vụ cấp phát thuốc Methadone cho người bệnh của cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc Methadone.
Cán bộ cấp phát thuốc được giao nhiệm vụ ra lẻ thuốc Methadone phải mặc áo blu, rửa tay sạch, đeo găng tay và đeo khẩu trang y tế khi tiến hành ra lẻ thuốc.
Chuẩn bị chai đựng thuốc, ghi và dán nhãn phụ
Kiểm tra cảm quan chai đựng thuốc: chai nguyên vẹn, sạch.
Nhân viên cấp phát thuốc căn cứ theo đơn thuốc của bác sỹ điều trị để chuẩn bị:
Số lượng chai đựng thuốc.
Điền thông tin và dán nhãn phụ lên chai đựng thuốc. Mẫu nhãn phụ dán trên chai thuốc Methadone cấp cho người bệnh được cấp thuốc Methadone nhiều ngày theo quy định tại Phụ lục số 6 kèm theo Hướng dẫn này.
Ra lẻ thuốc Methadone cấp phát cho người bệnh mang về
Đong đúng liều thuốc Methadone theo chỉ định của bác sĩ vào từng chai đựng thuốc đã chuẩn bị.
Đóng nắp chai thuốc Methadone để cấp phát cho người bệnh mang về.
Dốc ngược chai thuốc để kiểm tra độ kín, kiểm tra để đảm bảo thuốc không bị đổ khi dốc ngược chai.
Cấp phát thuốc cho người bệnh mang về
Kiểm tra trước khi cấp phát để đảm bảo đúng tên người bệnh, đúng liều lượng và số lượng thuốc được cấp.
Cấp phát thuốc và dặn dò người bệnh về việc bảo quản và sử dụng thuốc theo đúng quy định.
CHƯƠNG IV: GIÁM SÁT VIỆC SỬ DỤNG THUỐC METHADONE CẤP NHIỀU NGÀY
Mục tiêu
Đảm bảo an toàn cho người bệnh và người nhà người bệnh khi được cấp thuốc Methadone nhiều ngày.
Tăng cường việc tuân thủ của người bệnh trong việc sử dụng và bảo quản thuốc Methadone cấp nhiều ngày.
Phương thức giám sát
Giám sát bắt buộc
Việc giám sát việc người bệnh sử dụng thuốc Methadone mang về thực hiện bắt buộc theo các phương thức sau:
Cán bộ y tế giám sát
Người giám sát: Cán bộ y tế (Y tế xã, Y tế thôn bản hoặc cán bộ y tế cơ sở điều trị/cấp phát thuốc Methadone) được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất việc sử dụng thuốc mang về của người bệnh.
Tần suất giám sát:
Trong 2 tháng đầu tiên: tối thiểu 01 tháng/1 lần.
Từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6: tối thiểu 02 tháng/1 lần.
Từ trên 6 tháng trở lên: 03 tháng/1 lần.
Nội dung giám sát:
Điều kiện bảo quản thuốc của người bệnh.
Kiểm tra số lượng thuốc tồn và vỏ chai đựng thuốc thực tế so với Sổ theo dõi uống thuốc Methadone. Mẫu Phiếu giám sát tại nhà của người bệnh được cấp thuốc Methadone nhiều ngày quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Hướng dẫn này.
Gửi Phiếu giám sát về cơ sở điều trị:
Phiếu giám sát phải được gửi về cơ sở điều trị Methadone trong vòng 1 tuần sau giám sát và lưu trong hồ sơ bệnh án của người bệnh.
Ngoài việc gửi Phiếu giám sát, cán bộ giám sát phải điện báo NGAY trong vòng 24 giờ cho cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc khi phát hiện các trường hợp sau:
Người bệnh sử dụng thuốc sai mục đích.
Người bệnh bảo quản thuốc trong điều kiện không an toàn.
Số lượng thuốc tồn và vỏ hộp không khớp với số lượng thuốc được cấp.
Người bệnh không hợp tác khi cán bộ y tế kiểm tra, giám sát.
Người bệnh có biểu hiện sử dụng rượu bia quá liều (say rượu).
Giám sát qua việc yêu cầu người bệnh mang thuốc chưa sử dụng và vỏ chai thuốc đã qua sử dụng về cơ sở điều trị để kiểm tra đột xuất
Hình thức thực hiện: Cơ sở điều trị Methadone yêu cầu người bệnh mang thuốc Methadone và vỏ chai thuốc đã qua sử dụng lên cơ sở điều trị để kiểm tra đột xuất, ngẫu nhiên.
Tần suất kiểm tra, giám sát:
Tháng đầu tiên: Căn cứ việc đánh giá, nếu thấy cần thiết cơ sở điều trị Methadone có thể yêu cầu người bệnh mang thuốc đến kiểm tra đột xuất.
Tháng thứ 2 và tháng 3: Kiểm tra ngẫu nhiên tối thiểu 01 lần mỗi tháng;
Tháng thứ 4 trở đi: Kiểm tra ngẫu nhiên tối thiểu 01 lần mỗi quý.
Nội dung kiểm tra giám sát: Sự tuân thủ điều trị; sự phù hợp giữa số liều thuốc đã uống, số liều thuốc tồn, sự nguyên vẹn của chai thuốc chưa uống; các thông tin trên nhãn phụ v.v...
Có thể kết hợp xét nghiệm nước tiểu tìm ma túy trong các lần giám sát ngẫu nhiên, nhất là trong trường hợp có nghi ngờ người bệnh sử dụng ma túy hoặc phát hiện có sự bất thường trong quá trình người bệnh mang thuốc về sử dụng.
Giám sát hỗ trợ
Ngoài giám sát bắt buộc đã đề cập trên, tùy theo thực tế cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc có thể tổ chức giám sát hỗ trợ người bệnh tuân thủ điều trị theo các phương thức sau:
Người bệnh và người nhà của người bệnh tự giám sát
Người bệnh và gia đình người bệnh có trách nhiệm tự bảo quản, kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc:
Ngay sau khi sử dụng, người bệnh cần khóa hộp/hòm/tủ đựng thuốc để đảm bảo an toàn, tránh để người khác hoặc trẻ em lấy thuốc sử dụng.
Tự kiểm tra số lượng thuốc tồn sau mỗi ngày uống thuốc để đảm bảo số lượng thuốc đã uống và số lượng thuốc tồn khớp với tổng số lượng thuốc được phát.
Đặt lịch uống thuốc cố định trong ngày hoặc nhờ người thân nhắc để tránh quên không uống thuốc.
Tuyệt đối không trao đổi, mua bán hoặc sử dụng thuốc sai mục đích.
Sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, giám sát
Tùy theo điều kiện cụ thể, có thể sử dụng tích hợp với phần mềm quản lý người bệnh sử dụng Methadone:
Người bệnh nhận tin nhắn từ hệ thống nhắc nhở việc uống thuốc và có trách nhiệm phản hồi việc đã uống thuốc bằng tin nhắn trả lời.
Gửi thông báo bằng tin nhắn và phản hồi về lịch hẹn khám, tư vấn và xét nghiệm của người bệnh.
Sử dụng các phần mềm công nghệ như Zalo, Viber, mạng xã hội với người bệnh có sử dụng điện thoại thông minh và có cài đặt các phần mềm như Zalo, Viber hay Facebook để:
Kiểm tra đột xuất về số lượng thuốc tồn và nơi bảo quản thuốc bằng cách thực hiện các cuộc gọi có hình ảnh.
Nhắc nhở người bệnh uống thuốc và phản hồi uống thuốc bằng tin nhắn miễn phí.
Đặt lịch hẹn khám, tư vấn và xét nghiệm qua hệ thống tin nhắn miễn phí hoặc cuộc gọi miễn phí.
Nếu cơ sở điều trị Methadone có thể kiểm tra, giám sát người bệnh qua các cuộc gọi hình ảnh và người bệnh tuân thủ tốt, bác sĩ điều trị có thể quyết định giảm tần suất giám sát trực tiếp của cán bộ y tế hoặc giảm số lần yêu cầu người bệnh mang thuốc trở lại cơ sở y tế.
Giám sát bởi hệ thống tuyên truyền viên đồng đẳng
Tùy theo tình hình thực tế, các địa phương có thể sử dụng đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng, mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng để tham gia giám sát hỗ trợ tuân thủ điều trị của người bệnh trong quá trình người bệnh được cấp thuốc nhiều ngày.
CHƯƠNG V: XỬ TRÍ MỘT SỐ TÌNH HUỐNG ĐẶC BIỆT KHI CẤP THUỐC METHADONE NHIỀU NGÀY
Người bệnh không trả đủ vỏ chai thuốc đã qua sử dụng
Lập biên bản theo Mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Hướng dẫn này.
Nếu người bệnh thiếu vỏ chai thuốc lần đầu và có lý do chính đáng, nhắc nhở người bệnh về bảo quản và trả vỏ chai đầy đủ và sẽ bị giảm số ngày mang thuốc về hoặc chấm dứt cấp thuốc nhiều ngày nếu vi phạm tiếp.
Trường hợp người bệnh không trả đủ vỏ chai thuốc đã qua sử dụng từ lần thứ 2, ngoài việc lập biên bản, bác sĩ điều trị cân nhắc quyết định ngay việc giảm số ngày thuốc cấp mang về hoặc có thể chấm dứt tạm thời việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày.
Mất thuốc khi mang về
Người bệnh phải báo công an nơi gần nhất ngay khi phát hiện mất thuốc.
Yêu cầu người bệnh quay trở lại cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc để tường trình.
Lập biên bản xác định người bệnh vi phạm sử dụng thuốc Methadone theo Mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Hướng dẫn này.
Chấm dứt tạm thời việc cấp thuốc nhiều ngày cho người bệnh.
Tiếp tục cho người bệnh uống thuốc hàng ngày tại cơ sở y tế.
Đổ vỡ thuốc Methadone trong quá trình vận chuyển, bảo quản và sử dụng
Yêu cầu người bệnh quay trở lại cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc để tường trình.
Lập biên bản vi phạm sử dụng thuốc Methadone theo Mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Hướng dẫn này.
Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc quyết định việc cấp lại liều Methadone mang về, giảm số liều mang về hoặc chấm dứt tạm thời việc cấp thuốc nhiều ngày cho người bệnh.
Người bệnh không đến uống thuốc hoặc không sử dụng thuốc
Lập biên bản thu hồi số chai thuốc chưa sử dụng của người bệnh theo Mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Hướng dẫn này.
Trường hợp người bệnh quên hoặc bỏ liều từ 1 đến 2 ngày không uống thuốc, bác sĩ cơ sở điều trị đánh giá tình trạng người bệnh, nếu không có dấu hiệu ngộ độc các các chất dạng thuốc phiện hoặc các dấu hiệu bất thường thì tiếp tục cho người bệnh uống liều thuốc của ngày hôm đó. Bác sĩ điều trị tùy theo tình huống cụ thể có thể giảm số ngày cấp thuốc hoặc chấm dứt tạm thời việc cấp thuốc nhiều ngày.
Nếu người bệnh bỏ liều 3 ngày liên tiếp hoặc quá 03 ngày không đến nhận thuốc trong lần nhận thuốc tiếp theo: Bác sĩ điều trị quyết định chấm dứt tạm thời việc cấp thuốc nhiều ngày cho người bệnh.
Xử trí người bệnh bỏ liều trên 3 ngày liên tiếp theo hướng dẫn tại Quyết định 3140/QĐ-BYT (Chương III, mục VII, khoản 4).
Xử trí khi người khác uống nhầm thuốc Methadone
Người khác uống nhầm thuốc Methadone là tình huống nguy hiểm, có thể gây ngộ độc và tử vong. Do vậy khi người bệnh phát hiện người nhà hoặc ai đó uống nhầm thuốc Methadone cần thực hiện ngay các nội dung sau:
Báo ngay cho cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc về tình trạng uống nhầm thuốc của người đó.
Hướng dẫn người đã uống nhầm tự gây nôn (nếu có thể).
Chuyển ngay người uống nhầm thuốc Methadone đến cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc Methadone hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử trí giải độc kịp thời.
Để dự phòng người khác uống nhầm thuốc Methadone, các cơ sở điều trị cần tư vấn cẩn thận cho người bệnh, chỉ rõ các cảnh báo đã được in trên nhãn phụ của chai thuốc, trong sổ cấp phát thuốc và trong quá trình xác minh trước kê đơn, giám sát quá trình bảo quản và sử dụng thuốc của người bệnh khi mang về.
Các cơ sở điều trị Methadone phải lập phương án cụ thể, chuẩn bị thuốc điều trị để xử lý các trường hợp ngộ độc Methadone và phải thông báo địa chỉ, số điện thoại hotline cho bệnh nhân, gia đình và các cán bộ liên quan biết để liên hệ khi cần thiết.
Bác sĩ điều trị chấm dứt vĩnh viễn việc cấp thuốc nhiều ngày khi người bệnh để người khác uống nhầm thuốc Methadone.
Xử trí người bệnh trong các tình huống đặc biệt khác
Đối với người bệnh có biểu hiện say rượu khi đến uống thuốc Methadone, người bệnh có dấu hiệu ngộ độc chất dạng thuốc phiện hoặc các loại ma túy khác, người bệnh có tình trạng bệnh lý khác kèm theo hoặc khi người bệnh cần điều chỉnh liều thuốc thực hiện theo hướng dẫn cụ thể như sau:
Người bệnh say rượu khi đến uống thuốc Methadone: Tư vấn cho người bệnh sự nguy hiểm của sử dụng rượu, bia trong thời gian điều trị Methadone. Chấm dứt tạm thời việc mang thuốc về của người bệnh và người bệnh đến uống thuốc hàng ngày tại cơ sở y tế.
Khi người bệnh có các dấu hiệu ngộ độc chất dạng thuốc phiện hoặc các loại ma túy khác: Đề nghị gia đình chuyển người bệnh lên cơ sở điều trị. Chấm dứt vĩnh viễn việc cấp phát thuốc nhiều ngày cho người bệnh.
Khi người bệnh có các tình trạng bệnh lý khác kèm theo: Chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để theo dõi và có hướng xử trí thích hợp. Việc có tiếp tục cho người bệnh mang thuốc Methadone về hay không do bác sĩ điều trị quyết định tùy từng trường hợp cụ thể.
Khi người bệnh cần điều chỉnh liều thuốc Methadone trong quá trình điều trị: Chấm dứt tạm thời việc mang thuốc về của người bệnh và người bệnh đến uống thuốc hàng ngày tại cơ sở y tế để thuận tiện cho việc điều chỉnh liều.
Nếu người bệnh có bất kỳ vấn đề gì bất thường trong quá trình điều trị, đề nghị báo ngay cho cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc để dược hướng dẫn và xử trí kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh