✴️ Đau trên rốn – có thể bạn mắc bệnh dạ dày

Có nhiều vị trí đau bụng cảnh báo tình trạng sức khỏe như đau trên rốn, đau dưới rốn, đau quanh rốn…

 

Đau vùng trên rốn bệnh gì?

Vùng ổ bụng được phân chia thành vùng trên rốn (thượng vị), vùng dưới rốn (hạ vị), hố chậu phải và hố chậu trái.

Bất cứ triệu chứng đau nào trong cơ thể đều có thể báo hiệu tình trạng không ổn về sức khỏe

 

Trên rốn có gan, mật (đường dẫn mật và túi mật), dạ dày – hành tá tràng, tụy, lách, phía trên hệ tiết niệu (thận, phía trên niệu quản), bao quanh các cơ quan trên rốn còn có màng bụng.

Vùng dưới rốn có ruột (ruột non, ruột già, trực tràng, phần dưới niệu quản, bàng quang, phần phụ (nữ giới)…

Đau vùng trên rốn còn gọi là đau thượng vị. Đau vùng trên rốn gặp ở mọi lứa tuổi và gây không ít phiền muộn cho người bệnh. Chứng đau vùng trên rốn còn  có thể xảy ra nguy hiểm (thủng dạ dày, thủng túi mật, thấm mật phúc mạc, ứ nước, ứ ủ thận…). Có rất nhiều bệnh biểu hiện đau trên rốn, với tuổi còn nhỏ rất dễ xảy ra con đau bụng do giun.

Ở nước ta, đau vùng trên rốn do bệnh của dạ dày – tá tràng gặp khá phổ biến. Nguyên nhân của viêm, loét dạ dày – tá tràng có thể do dùng một số thuốc (corticoid, không steroid, aspirin, thuốc tanganin, betaserc…), uống quá nhiều rượu, bia hoặc do vi khuẩn Helicobacter pylori (viết tắt HP) gây ra. Viêm, loét dạ dày hành tá tràng do vi khuẩn HP chiếm tỉ lệ rất cao (khoảng trên 90%). Bệnh thường đau bụng vùng trên rốn, kèm theo ợ hơi, ợ chua, và rối loạn tiêu hóa. Bệnh thường xuất hiện ban đêm gây đau đớn, mất ngủ triền miên làm cho sức khỏe giảm sút.

Đau vùng trên rốn có thể mắc bệnh dạ dày

 

Khi mới bị viêm dạ dày – tá tràng thì ăn vào đau, khi đã bị loét thì no, đói đều đau. Viêm, loét dạ dày – hành tá tràng có thể đưa đến một số biến chứng như: sa dạ dày, hẹp môn vị, hành tá tràng biến dạng do loét, thậm chí thủng dạ dày. Hẹp môn vị là một biến chứng của viêm loét dạ dày – tá tràng làm cho môn vị sưng nề, hẹp lại do đó thức ăn khó đi qua, đọng lại ở dạ dày gây nên triệu chứng bụng luôn ầm ạch, khó chịu.

Thủng dạ dày không chỉ gặp ở người trưởng thành, người cao tuổi mà có thể gặp ngay cả trẻ nhỏ, thậm chí là trẻ sơ sinh. Thủng dạ dày là một cấp cứu ngoại khoa, nếu không phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời sẽ gây viêm phúc mạc, sốc và tử vong.

 

Làm thế nào để xác định bệnh đau vùng trên rốn?

Để chẩn đoán đau vùng trên rốn có thể siêu âm ổ bụng để biết tình trạng về gan, mật, hệ tiết niệu (thận, niệu quản), tụy, lách. Khi nghi ngờ bệnh của dạ dày có thể chụp dạ dày có thuốc cản quang và chụp lúc đói.

Hiện nay, nội soi dạ dày được sử dụng là phương pháp hiệu quả giúp chẩn đoán bệnh dạ dày. Qua nội soi có thể xác định bệnh dạ dày có phải do vi khuẩn HP gây ra hay không. Khi chẩn đoán được chính xác nguyên nhân gây bệnh, sẽ có phương pháp chữa trị phù hợp, hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top