✅Điều trị vảy nến lòng bàn tay, lòng bàn chân

Vảy nến là gì?

Vảy nến là một bệnh da viêm mạn tính, được đặc trưng bởi mảng da đỏ, tróc vảy, giới hạn rõ. Vảy nến có nhiều dạng lâm sàng. Vảy nến liên quan đến một số tình trạng như viêm khớp, bệnh viêm ruột (đặc biệt bệnh Crohn), và viêm màng bồ đào.

Vảy nến ảnh hưởng lòng bàn tay - lòng bàn chân như thế nào?

Vảy nến lòng bàn tay-lòng bàn chân có thể khu trú ở lòng bàn tay - lòng bàn chân hoặc là một biểu hiện của vảy nến mảng mạn tính lan rộng. Có hai dạng thường gặp:

  • Mảng đỏ, tróc vảy, giới hạn rõ tương tự vảy nến ở những vị trí khác;
  • Dày từng mảng hoặc lan tỏa, tróc vảy toàn bộ bề mặt lòng bàn tay, lòng bàn chân mà không đỏ da (dày sừng mắc phải).

Nguyên nhân gây vảy nến lòng bàn tay-lòng bàn chân là gì?

Vảy nến lòng bàn tay-lòng bàn chân có thể được khởi phát bởi chấn thương da, nhiễm trùng hoặc rối loạn da khác như viêm da bàn tay, căng thẳng tâm lý, thuốc như lithium. Vảy nến thường gặp và thường nặng hơn, khó điều trị ở bệnh nhân béo phì, có hội chứng chuyển hóa, nghiện rượu hay hút thuốc lá.

Biểu hiện lâm sàng của vảy nến lòng bàn tay-lòng bàn chân là gì?

Vảy nến lòng bàn tay và lòng bàn chân có khuynh hướng dày, khô, đỏ một phần hoặc toàn bộ, thường kèm nứt sâu, đau. Thay đổi da có khuynh hướng giới hạn rõ và thường đối xứng, như phân bố ở cả hai lòng bàn tay và/ hoặc lòng bàn chân. Vảy nến lòng bàn tay khó chẩn đoán phân biệt với viêm da bàn tay và dạng khác của dày sừng mắc phải. Vảy nến lòng bàn chân đôi khi có biểu hiện giống với nấm bàn chân.

Dạng này thường tiến triển mạn tính và dai dẳng, thường kèm với loạn dưỡng móng vảy nến, viêm khớp vảy nến.

Điều trị của vảy nến lòng bàn tay-lòng bàn chân như thế nào?

Một số phương pháp giúp cải thiện vảy nến lòng bàn tay-lòng bàn chân:

  • Giảm cân, nếu thừa cân;
  • Tập luyện thể thao, thư giãn, tránh căng thẳng;
  • Ngưng hút thuốc lá, uống rượu.

tập thể dục giúp hỗ trợ điều trị vảy nến

Vảy nến lòng bàn tay và lòng bàn chân nhẹ có thể điều trị tại chỗ gồm:

  • Chất làm mềm giúp giữ ẩm vùng da khô, tróc vảy, và giảm vết nứt đau;
  • Chất tiêu sừng như urea hoặc salicylic acid giúp giảm da tróc vảy dày;
  • Hắc ín giúp cải thiện tình trạng bong vảy và viêm;
  • Thoa corticosteroid: thoa dạng mỡ, độ mạnh cao mỗi ngày trong 2 – 4 tuần, giúp giảm viêm, ngứa và tróc vảy;
  • Mỡ calcipotriol thường không hiệu quả cho vảy nến lòng bàn tay-lòng bàn chân. Ngoài ra, hoạt chất này có thể gây viêm da tiếp xúc kích ứng ở mặt.

Trường hợp vảy nến lòng bàn tay-lòng bàn chân nặng thường cần liệu pháp ánh sáng hoặc điều trị hệ thống gồm:

  • Liệu pháp PUVA; 
  • Acitretin;
  • Methotrexate;
  • Ciclosporin;
  • Dapsone;
  • Colchicine;
  • Thuốc sinh học.

Ths.Bs Phạm Quốc Thảo Trang

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

 Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.  
  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương
return to top