✴️ Cách điều trị sỏi mật hiệu quả

Sỏi mật là bệnh thường gặp, đây là nguyên nhân chính gây nhiễm khuẩn gan mật, khi có biến chứng bệnh rất dễ gây tử vong. Chính vì thế, áp dụng đúng cách điều trị sỏi mật sẽ giúp kiểm soát và loại bỏ sớm bệnh ra khỏi cơ thể.

 

Các yếu tố thuận lợi hình thành sỏi mật

Bệnh sỏi mật phát triển ở tuổi 20-50, càng nhiều tuổi càng dễ bị sỏi mật. Bệnh thường gặp ở nữ giới, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn từ 4-6 lần so với nam giới.

Các yếu tố thuận lợi tạo sỏi mật là chế độ ăn nhiều chất béo và cholesterol; dùng thuốc: estrogen, thuốc clofibrate để tăng đào thải cholesterol; bệnh ở đoạn cuối của ruột non; xơ gan, cắt dạ dày; giảm co bóp của túi mật: như dùng thuốc octretide kéo dài, nuôi dưỡng  lâu dài bằng đường tĩnh mạch…

Bệnh sỏi mật phát triển ở tuổi 20-50, càng nhiều tuổi càng dễ bị sỏi mật

 

Khi bị sỏi mật, người bệnh thường thấy những cơn đau đột ngột thành cơn dữ dội, đau vùng hạ sườn phải lan lên vai phải hoặc sau lưng. Cũng có nhiều trường hợp không điển hình, đau chỉ âm ỉ hoặc tức nặng ở hạ sườn phải, đau đôi khi ở vùng thượng vị và lan lên ngực.

Ngoài ra, người bệnh còn thấy xuất hiện các triệu chứng khác như sốt có thể sốt cao, rét run nhưng cũng có khi sốt nhẹ, sốt thường đi kèm với đau, có khi sốt kéo dài.

Vàng da: Da và củng mạc mắt vàng là do tắc mật, xuất hiện khi sỏi ở ống mật chủ, ống gan hoặc trong gan tùy theo mức độ tắc mật mà vàng nhẹ hay vàng đậm. Trong trường hợp chỉ có sỏi túi mật đơn thuần thì không gây vàng da.

Bệnh sỏi mật nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nặng và có thể dẫn tới tử vong như: áp-xe gan đường mật, viêm đường mật, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn đường mật, viêm phúc mạc do mật, viêm tụy cấp, chảy máu đường mật… Nếu ứ mật kéo dài sẽ dẫn tới xơ gan mật thứ phát.

 

Cách điều trị sỏi mật

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị sỏi mật

Đối với sỏi túi mật:

– Dùng thuốc giúp tan sỏi, áp dụng đối với sỏi cholesterol dưới 1,5cm, tốt nhất với sỏi dưới 5mm

– Cắt túi mật qua nội soi: dùng với sỏi to, gây đau nhiều hoặc gây viêm túi mật, đây là phương pháp  hiện nay thường dùng phổ biến, rút ngắn thời gian nằm viện và hồi phục sức khỏe nhanh.

– Cắt túi mật bằng mổ phanh: áp dụng trong trường hợp mổ nội soi thất bại hoặc viêm mủ túi mật.

Đối với sỏi trong gan và ống mật chủ:

– Lấy sỏi qua nội soi ngược dòng, áp dụng với sỏi ở ống mật chủ, sỏi nhỏ dưới 1,5cm

– Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng, áp dụng với sỏi to.

– Phẫu thuật để lấy sỏi.

 

Cách phòng ngừa bệnh sỏi mật

Đối với nước ta, nhiễm khuẩn đường mật vẫn còn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hình thành sỏi mật, đặc biệt là nhiễm ký sinh trùng đường mật. Chính vì vậy cần  ăn uống vệ sinh như ăn uống thức ăn đã nấu chín, tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không nên ăn thức ăn đường phố.

Đối với người có tiền sử giun chui ống mật cần tẩy giun định kỳ 2 lần trong  một năm.

Đối với người đã có sỏi mật cần được theo dõi và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm do sỏi mật gây ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top