✴️ Lý giải vì sao nhiều người trẻ bị tai biến mạch máu não

Nội dung

1. Số lượng người trẻ bị tai biến mạch máu não ngày càng cao

Nhiều trường hợp người trẻ tuổi, thậm chí là những thanh niên khỏe mạnh đang đi thể dục, ở nhà, đang làm việc,… đột nhiên bị đột quỵ. Điều này báo động về độ tuổi mắc đột quỵ ngày càng trẻ hóa.

Theo thống kê, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, hơn một nửa (hơn 50% tương đương hơn 100.000 người tử vong do đột quỵ). Ước tính trung bình cứ 6 người Việt Nam thì có 1 người bị có nguy cơ đột quỵ. Khoảng 90% số người sống sót sau đột quỵ phải đối mặt với các di chứng nặng nề sau này.

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não chủ yếu xảy ra ở lứa tuổi từ 55 trở lên, nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Gần đây, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ gia tăng, chiếm khoảng 10-15%.

Đáng buồn là nhiều trường hợp đột quỵ xảy ra ở trẻ em độ tuổi 5 tuổi, 13 tuổi,…

Số lượng người trẻ bị tai biến mạch máu não ngày càng cao

Tỷ lệ đột quỵ não ở giới trẻ ngày càng cao.

 

2. Nguyên nhân đột quỵ ở giới trẻ

Phần lớn đột quỵ ở trẻ em lứa tuổi nhỏ 5 tuổi,13 tuổi,…này là do dị dạng mạch máu não bẩm sinh (phình mạch máu não).

Còn nguyên nhân gây đột quỵ ở giới trẻ độ tuổi trưởng thành chủ yếu do:

– Lối sống thiếu khoa học: thức khuya, uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, ăn nhiều đồ dầu mỡ đồ ăn nhanh thiếu chất, ăn mặn, ăn nhiều đồ ngọt, dư cân béo phì, ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh,…

– Phụ nữ trẻ tuổi sử dụng nhiều thuốc tránh thai.

– Ít vận động

– Stress, lo lắng, căng thẳng do áp lực công việc, học hành, cuộc sống,…

Nguyên nhân tai biến mạch máu não ở giới trẻ

Làm việc quá sức không có thời gian nghỉ ngơi thư giãn dễ khiến não bộ căng thẳng gây thiếu máu lên não dẫn tới đột quỵ.

 

3. Cách xử trí và phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ

3.1 Người trẻ bị tai biến mạch máu não nên xử trí như thế nào?

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là một cấp cứu y khoa. Khi thấy người bị đột quỵ hoặc nghi ngờ bị đột quỵ dù cao tuổi hay còn trẻ bạn tuyệt đối không được chủ quan bỏ qua, cần phải hết sức bình tĩnh để xử trí theo một số gợi ý sau:

– Cho người bệnh ra vị trí rộng rãi, thoáng mát, bằng phẳng.

– Đặt người bệnh nằm xuống mặt phẳng, hai chân duỗi thẳng thoải mái, mặt nghiêng sang một bên (bên trái hoặc bên phải) để giúp tống xuất đờm rãi, thức ăn ra khỏi cổ họng tránh bị sặc vào phổi.

– Gọi cấp cứu ngay hoặc sử dụng phương tiện cá nhân (xe ô tô) đưa người bệnh đến ngay cơ sở cấp cứu gần nhất. “Giờ vàng” cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là trong khoảng 3-4h đầu khi cơn đột quỵ bắt đầu xuất hiện.

 

Cần lưu ý:

– Khi tự vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế cần lưu ý đặt người bệnh nằm yên trên một mặt phẳng, tránh rung lắc va đập. Không bế xốc người bệnh lên xe máy để vận chuyển vì có thể gây nguy hiểm.

– Không cho người đang bị đột quỵ ăn, uống bất cứ thứ gì kể cả thuốc huyết áp (với người mắc bệnh nền huyết áp) vì có thể gây sặc vào phổi dẫn tới tử vong.

– Không chích nặn máu 10 đầu ngón tay, cạo gió hay bất cứ tác động gì lên cơ thể người bệnh vì điều này không giúp ích gì cho bệnh nhân đột quỵ, mà còn khiến người bệnh bị tổn thương thêm, làm kéo dài thời gian người bệnh được xử trí.

 

3.2 Phòng ngừa tai biến mạch máu não ở người trẻ bằng các cách sau

Người trẻ muốn phòng ngừa đột quỵ cần lưu ý các nguyên nhân nêu trên. Ngày này nhiều người trẻ đã ý thức hơn về tầm quan trọng của sức khỏe. Nhiều người trẻ đã chủ động phòng tránh đột quỵ bằng cách đi thăm khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát kịp thời và ngăn ngừa các yếu tố có thể gây đột quỵ như: đường huyết, mỡ máu, huyết áp, nhịp tim, …

Bạn cần xây dựng cho mình một chế độ ăn uống hợp lý để duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) trong giới hạn bình thường.

Tăng cường vận động thể lực và trí não.

Từ bỏ các thói quen không tốt cho sức khỏe như uống rượu bia, thuốc lá, thức khuya, tắm khuya, …

Hạn chế tối đa lo lắng, căng thẳng, stress.

Giảm ăn mặn, giảm tinh bột, đường; tăng cường ăn nhiều rau xanh

Người đang mắc các bệnh lý nền như: tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, bệnh lý mạch máu não,… cần kiểm soát tốt bằng cách thăm khám với bác sĩ và dùng thuốc đúng theo chỉ định. Cần điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý nền này để ngăn chặn nguy cơ biến chứng đột quỵ.

Với một số người hay có hiện tượng đau đầu nên đi chụp cộng hưởng từ MRI sọ não – mạch não để kiểm tra tình trạng bên trong não bộ, xem có các dị tật như u máu thể hang (u máu vỡ ra gây đột quỵ) hay dị dạng mạch máu não (phình mạch não khi vỡ túi phình gây đột quỵ),…

Cục máu đông tồn tài ở tĩnh mạch nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể di chuyển lên  não gây tắc mạch não dẫn tới đột quỵ.

Ngoài các bệnh lý về tim mạch thì bệnh lý về thần kinh (não) là hai bệnh lý có thể dẫn tới nguy cơ đột quỵ não, thì cơ thể gặp phải vấn đề bệnh lý nào cũng nên đi thăm khám sớm với bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top