Nêm gia vị không đơn thuần cứ cho vào là được mà phải canh thời gian đun nấu hợp lý. Bởi vì gia vị phải nêm đúng thời điểm mới ngon và đảm bảo sức khỏe.
Dưới đây là vài lưu ý khi sử dụng một số loại gia vị phổ biến.
Muối là gia vị cơ bản của hầu hết các món ăn Việt Nam. Tuy nhiên, ở mỗi món ăn, cách nêm muối lại khác nhau để đảm bảo độ ngon. Nên muối sai cách có thể khiến món ăn bị mặn và cứng hơn.
Tùy món mà cho muối vào thức ăn trước hay trong khi nấu. Với món kho, chiên thì bạn nên ướp muối và những gia vị khác khoảng 30 phút rồi mới kho để gia vị ngấm đều cũng như không làm giảm độ ngọt của thịt, cá.
Với món canh, bạn không nên cho muối ngay từ đầu mà khi canh gần được hãy cho muối vào rồi bắc bếp. Với món luộc, bạn nên căn khi nước vừa sôi thì cho muối vào sau đó hãy cho rau vào sau. Như vậy sẽ đảm bảo rau xanh mướt và không bị thâm đen.
Nước mắm có hương vị thơm đặc trưng nhưng lại dễ biến đổi mùi khi đun nấu. Vì vậy, khi sử dụng nước mắm trong nấu nướng, bạn cần lưu ý thời điểm nêm nước mắm phù hợp với từng món ăn.
Với món canh, súp, bạn không nên cho mắm vào sớm quá. Hãy nêm nước mắm khi món ăn đã chín và tắt bếp sau khi nêm vì nếu đun lâu axit amin tốt trong nước mắm đều bị phân hủy và biến đổi mùi vị không ngon.
Với món kho, chiên, bạn chỉ nên ướp mắm với thực phẩm khoảng 30 trước khi chế biến, không nên ướp quá lâu sẽ làm món ăn mất ngon.
Đường có tác dụng làm món ăn mềm, thêm vị ngọt và dễ ăn hơn. Tuy nhiên, với những món chiên, nướng, nếu cho nhiều đường dễ bị cháy khét. Nếu muốn thức ăn ngon ngọt hơn, bạn có thể pha riêng nước sốt để chấm.
Với món kho, nên ướp đường trước khi nấu để đường ngấm đều vào thực phẩm. Với món xào, đường nên được cho vào khi thức ăn gần chín để giữ được vị ngọt của thực phẩm. Không nên đợi khi thực phẩm chín mới cho vào đường lâu tan sẽ ảnh hưởng đến hương vị món ăn.
Bột ngọt cũng như hạt nêm, là loại gia vị giúp thức ăn mềm hơn và ngon ngọt hơn. Tuy nhiên, nó lại là gia vị cần được lưu ý nhất vì nếu chế biến sai cách có thể biến thành thuốc độc đối với sức khỏe.
Nếu nấu ở nhiệt độ cao, bột ngọt có thể biến đổi chất và gây hại. Vì thế, không nên tẩm ướp mì chính với thực phẩm trước khi nấu mà hãy đợi khi thức ăn gần chín mới cho vào rồi tắt bếp. Với món canh, có thể bắc nồi ra rồi cho mì chính vào cũng được. Đặc biệt, không nên đun lửa quá to khi cho mì chính vào, nhất là những món chiên nướng tốt nhất không cần nêm mì chính.
Hạt tiêu nếu cho vào thức ăn trước khi nấu có thể biến thành chất độc gây ung thư. Do đó, tốt nhất hãy rắc tiêu khi thức ăn đã chín.
Một số món ăn, người ta hay cho rượu để khử mùi tanh và tạo hương thơm đặc biệt. Khi đun nấu bạn không nên cho hết rượu trong một lần vào món ăn mà chỉ nên cho một nửa, phần còn lại cho tiếp khi thức ăn gần chín tới.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh