Vì sao bạn bị đau thắt ngực không ổn định?

Đau thắt ngực là tình trạng được đặc trưng bởi cảm giác đau tức, đè nén ở ngực. Bạn cũng có thể cảm thấy đau ở:

  • Vai
  • Cổ
  • Lưng
  • Cánh tay

Đau xảy ra khi không cung cấp đủ máu cho cơ tim.

Có một số loại đau thắt ngực. Đau thắt ngực ổn định xảy ra khi bạn hoạt động thể lực gắng sức hoặc cảm thấy căng thẳng, thường không tăng về tần suất và không xấu dần theo thời gian.

Đau thắt ngực không ổn định là loại đau ngực xuất hiện đột ngột và xấu dần theo thời gian. Nó dường như không rõ nguyên nhân, có thể là khi bạn đang nghỉ ngơi hoặc thậm chí là đang ngủ. Cơn đau thắt ngực không ổn định có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Do đó, cơn đau thắt ngực không ổn định là một cấp cứu và bạn nên đến trung tâm y tế ngay lập tức.

Đau thắt ngực không ổn định là một dấu hiệu cho thấy động mạch trở nên rất hẹp và bạn có thể bị nhồi máu cơ tim. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim, loạn nhịp tim và đe dọa tính mạng.

Nguyên nhân

Bệnh mạch vành gây lắng đọng các mảng bám ở thành động mạch là nguyên nhân chính dẫn đến đau thắt ngực không ổn định. Mảng bám làm lòng mạch bị hẹp dần và trở nên cứng lại. Tình trạng này cản trở lưu thông máu đến cơ tim. Khi cơ tim không có đủ máu và oxy, bạn sẽ cảm thấy đau ngực.

 

Yếu tố nguy cơ

Những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành bao gồm:

  • Tiểu đường
  • Béo phì
  • Tiền sử gia đình có bệnh tim
  • Cao huyết áp
  • Nồng độ LDL (cholesterol “xấu”) cao
  • Nồng độ HDL (cholesterol “tốt”) thấp
  • Là nam giới
  • Sử dụng bất kì dạng bào chế nào của thuốc lá
  • Lối sống tĩnh tại

Nam giới từ 45 tuổi trở lên và phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có nhiều khả năng bị đau thắt ngực không ổn định hơn.

 

Triệu chứng

Triệu chứng chính của đau thắt ngực là cảm giác khó chịu hoặc đau ngực, nhưng cảm giác này có thể thay đổi ở mỗi cá nhân. Đôi khi đau thắt ngực không ổn định chỉ gây ra những cảm giác này khi bạn đang bị nhồi máu cơ tim.

Những triệu chứng cảu đau thắt ngực bao gồm:

  • Đau chói hoặc cảm giác nén ép ở ngực
  • Đau lan ra xung quanh hoặc lan ra sau lưng
  • Buồn nôn
  • Lo lắng
  • Vã mồ hôi
  • Khó thở
  • Chóng mặt
  • Mệt mỏi không rõ nguyên nhân

Nếu bạn bị đau thắt ngực ổn định thì nó vẫn có thể tiến triển thành đau thắt ngực không ổn định. Vì vậy, cần chú ý bất kì cơn đau ngực nào mà bạn cảm thấy cả khi nghỉ ngơi, kéo dài hơn bình thường, hoặc chỉ đơn giản là đau ngực khiến bạn cảm thấy khác bình thường.

Nếu bạn uống nitroglycerin (một loại thuốc làm tăng tưới máu cơ tim) trong cơn đau thắt ngực ổn định, bạn có thể thấy thuốc không có hiệu quả khi xảy ra cơn đau thắt ngực không ổn định.

 

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng cho bạn, trong đó bao gồm việc đo huyết áp. Họ cũng có thể làm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán xác định đau thắt ngực không ổn định:

  • Xét nghiệm máu để tìm các dấu ấn sinh học của tim (troponin) và enzym creatine kinase (CK) rò rỉ từ cơ tim bị tổn thương.
  • Điện tâm đồ để đánh giá hoạt động điện của tim, tìm dấu hiệu của sự giảm tưới máu
  • Siêu âm tim
  • Test gắng sức để khiến tim hoạt động mạnh hơn và tìm ra cơn đau thắt ngực một cách dễ dàng
  • Chụp cắt lớp vi tính mạch
  • Chụp mạch vành và thông tim

Bởi vì chụp mạch vành giúp cho bác sĩ nhìn thấy bất kì sự hẹp hay tắc nghẽn lòng mạch nào nên nó là một trong những xét nghiệm phổ biến nhất để chẩn đoán đau thắt ngực không ổn định.

 

Điều trị

Điều trị đau thắt ngực không ổn định tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một trong những bước đầu tiên là bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng thuốc chống đông, ví dụ như heparin hoặc clopidogrel. Khi đó, máu của bạn sẽ chảy qua lòng mạch dễ dàng hơn.

Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng các thuốc khác để giảm triệu chứng của đau thắt ngực, đó là thuốc làm giảm:

  • Huyết áp
  • Cholesterol máu
  • Lo âu
  • Loạn nhịp tim

Nếu bạn bị tắc nghẽn hoặc bị hẹp lòng mạch nhiều, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng các thủ thuật xâm lấn hơn như nong mạch vành hoặc đặt stent để mở rộng lòng mạch.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể cần làm phẫu thuật bắc cầu chủ - vành (chuyển hướng dòng máu để tránh tắc nghẽn và cải thiện lưu thông máu tới tim).

Về mặt lâu dài, bạn có thể cần thay đổi lối sống, bao gồm có một chế độ ăn lành mạnh, giảm căng thẳng, tăng cường luyện tập, giảm cân nếu bạn đang thừa cân, bỏ thuốc lá để giảm nguy cơ bị cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để có những thay đổi phù hợp, đặc biệt là chế độ ăn lành mạnh và tập luyện.

 

Phòng bệnh

Một số giải pháp tự chăm sóc không liên quan đến y tế thường được khuyến cáo, đó là giảm cân, bỏ thuốc và tập luyện thường xuyên. Nó sẽ giúp bạn có lối sống lành mạnh hơn, cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ có cơn đau thắt ngực trong tương lai.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top