✴️ Nhận biết 7 triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ và cách khắc phục hiệu quả

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là bệnh gì?

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng cơ vòng trong hệ tiêu hóa của trẻ co thắt bất thường, gây đau bụng, kèm theo những thay đổi trong vấn đề tiêu hóa thức ăn.

Rối loạn tiêu hóa không chỉ tác động đến hệ tiêu hóa của trẻ mà có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bé sau này. Giai đoạn đầu đời bé cần nguồn dinh dưỡng đầy đủ và ổn định để lớn lên. Nếu hệ tiêu hóa gặp vấn để, con sẽ không nhận đủ lượng dinh dưỡng cơ thể cần, dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm phát triển, suy giảm hệ miễn dịch…

Nếu trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa thì giai đoạn sau bé cũng rất dễ tái phát các triệu chứng này.

7 triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Dưới đây là 7 triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ thường gặp nhất.

Nôn trớ

Nôn trớ là hiện tượng các chất trong dạ dày bị đẩy ngược qua miệng dưới sự gắng sức của cơ thể. Trẻ nhỏ bị nôn trớ có thể do rối loạn tiêu hóa, bú quá no, nằm bú không đúng tư thế, cữ bú quá gần nhau…

Rất nhiều trẻ sơ sinh gặp phải tình trạng nôn trớ sinh lý. Khoảng 75% trong số đó sẽ hết nôn trớ sau khi được 1 tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ lớn hơn nhưng vẫn thường xuyên bị nôn trớ thì có thể trẻ đang bị rối loạn tiêu hóa hoặc vấn đề sức khỏe khác.

triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Nôn trớ là một biểu hiện trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Một số dị dạng đường tiêu hóa như teo thực quản, teo tắc ruột, phình đại tràng bẩm sinh… có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị nôn trớ. Ba mẹ cần phát hiện sớm nguyên nhân để điều trị kịp thời vì nếu để lâu có thể đe dọa đến tình trạng của bé. 

Nôn trớ sinh lý không đáng lo ngại nhưng nôn trớ do bệnh lý, kèm theo một số trạng thái như mệt mỏi, sốt, nôn ói, ngủ li bì, co giật… thì hãy đưa bé đi khám ngay. Nôn trớ kéo dài có thể dẫn đến mất nước, mất điện giải rất nguy hiểm. 

Tiêu chảy

Tiêu chảy là một triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ rất điển hình. Biểu hiện là trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần/ngày và kéo dài không quá 14 ngày. Trẻ bị tiêu chảy sẽ kèm theo các biểu hiện khác như mệt mỏi, chán ăn, nôn trớ. Một số khác có thể bị trướng bụng, phân có nhầy, lẫn máu…

Nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy có thể do bé ăn phải thực phẩm nhiễm chất độc hại, bị ngộ độc thức ăn hoặc do mẹ uống thuốc nhuận tràng rồi cho con bú… Tiêu chảy ở trẻ cần được khắc phục sớm để ngăn ngừa mất nước, mất điện giải.

Đau bụng

Đau bụng là một biểu hiện của rối loạn tiêu hóa. Nhiều trẻ nhỏ chưa biết nói nên không thể biểu đạt cho ba mẹ biết tình trạng sức khỏe của mình. Có thể quan sát trẻ bị đau bụng qua các biểu hiện như: trướng bụng, khóc nhiều, mặt trẻ đỏ hoặc tái, chân thường co lên bụng, hai tay nắm chặt… 

Đau bụng có thể do trẻ quá đói hoặc quá no, trẻ bị thoát vị bẹn hay bị lồng ruột cũng gây nên tình trạng này.

Đầy hơi, ợ hơi

Trẻ bị rối loạn tiêu hóa sẽ có các triệu chứng như đầy bụng, trướng hơi. Bé thường ợ hơi liên tục, bụng căng to, đánh hơi nhiều lần. Ngoài ra, nhiều trẻ còn bị hôi miệng.

Khi bị đầy hơi, chướng bụng, trẻ thường kém ăn, lười ăn hơn bình thường do khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn giảm.

Táo bón

Táo bón là hiện tượng trẻ 2 – 3 ngày mới đi đại tiện một lần. Tính chất phân khô rắn, cứng hoặc to, đóng khuôn. Khi bị táo bón, trẻ có thể bị cứng bụng, đau bụng, mót đi cầu nhưng lại không đi được… Táo bón kéo dài khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn, hay nôn trớ và quấy khóc.

rối loạn tieu hoa

Rối loạn tiêu hóa có thể khiến trẻ bị táo bón

Nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón có thể là do bé uống ít nước, bú ít sữa, không ăn chất xơ, rau xanh, trái cây. Ngoài ra, nếu thường xuyên căng thẳng cũng có thể khiến bé bị táo bón hoặc do bé nhịn đại tiện lâu cũng gây ra tình trạng này.

Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh bị táo bón có thể do sinh non, suy giáp, bị nứt hậu môn, trẻ bị phình đại tràng bẩm sinh, còi xương, suy dinh dưỡng…

Trẻ chậm lớn

Khi bị rối loạn tiêu hóa, hệ tiêu hóa của trẻ làm việc không hiệu quả. Khả năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng giảm sút khiến cơ thể bé không nhận đủ hàm lượng dinh dưỡng cần thiết. Điều này khiến trẻ chậm lớn, chậm phát triển, trường hợp rối loạn tiêu hóa nặng có thể khiến bé còi xương, suy dinh dưỡng.

Đi ngoài phân sống

Hệ tiêu hóa của bé mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột là nguyên nhân gây nên hiện tượng đi ngoài phân sống. Thông thường, trong đường ruột sẽ chứa 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn để giúp quá trình tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng và thải trừ độc tố diễn ra bình thường.

Khi bị rối loạn tiêu hóa do mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cụ thể là hại khuẩn tăng nhiều sẽ gây ra loạn khuẩn đường ruột với các triệu chứng như: đi ngoài phân sống, phân lỏng, phân lẫn chất nhầy, đầy bụng.

Cần làm gì để khắc phục?

Rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng. Rối loạn tiêu hóa lâu ngày có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bé nên cần được điều trị ngay từ sớm. Để khắc phục tình trạng này, ba mẹ cần:

Cân bằng dinh dưỡng

Trong chế độ ăn của trẻ, ba mẹ cần đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân bằng 4 nhóm chất gồm: chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua…), nhóm đường bột (cơm, ngũ cốc, ngô, khoai…), chất béo (mỡ, dầu thực vật, các loại cá béo…), vitamin khoáng chất và chất xơ có trong rau xanh, trái cây.

trieu chứng rối loạn tieu hoa

Cần đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân bằng các loại dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ

Bữa ăn cần cân bằng các nhóm chất này, không ăn quá nhiều một nhóm cố định. Ví dụ như ăn quá nhiều đạm gây khó tiêu, ăn quá nhiều chất xơ có thể gây tiêu chảy…

Đảm bảo vệ sinh ăn uống

Thức ăn của trẻ cần đảm bảo sạch sẽ, không chứa hóa chất bảo vệ thực vật. Ba mẹ nên chọn những thực phẩm tươi ngon, không ăn đồ ôi thiu. Bên cạnh đó, cần sử dụng nguồn nước sạch để chế biến thức ăn cho trẻ và cho bé ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh.

Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

Với trẻ sơ sinh, mẹ nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời vì sữa mẹ là thức ăn tốt nhất với trẻ. Được bú mẹ hoàn toàn trong giai đoạn đầu đời giúp bé có được một hệ tiêu hóa khỏe mạnh và tăng cường sức đề kháng chống lại các tác nhân gây hại.

Rèn luyện thể dục nâng cao sức đề kháng

Ngoài việc chú ý chế độ ăn uống, ba mẹ nên cho bé tập thể dục và vận động thường xuyên. Việc tập luyện thể dục giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ hệ tiêu hóa làm việc trơn tru, hiệu quả hơn.

Khám sức khỏe định kỳ

Các bậc phụ huynh nên tẩy giun định kỳ cho bé 6 tháng/lần và cho con đi khám sức khỏe thường xuyên để nắm bắt tình trạng sức khỏe cũng như dự phòng sớm những bất thường có thể xảy ra. 

Như vậy, nếu thấy xuất hiện những triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ như đã kể trên, ba mẹ nên tìm biện pháp chữa trị sớm cho bé để tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top