Bệnh sởi Đức hay còn có tên gọi khác là Rubella có triệu chứng bệnh ban đầu rất giống với bệnh sởi thông thường nên dễ bị nhầm lẫn, dẫn tới điều trị không đúng cách, tăng nguy cơ biến chứng. Vậy bệnh sởi Đức có gì khác so với bệnh sởi thông thường? Phân biệt hai bệnh như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây!
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh sởi thông thường
Đây là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra, thuộc họ paramyxovirus. Bệnh có khả năng lây lan rất nhanh qua đường hô hấp đặc biệt là khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
Bệnh sởi thường xảy ra ở trẻ trên 1 tuổi. Tuy nhiên, một số đợt dịch gần đây có thấy trẻ dưới 1 tuổi vẫn có nguy cơ mắc bệnh để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh sởi Đức
Là bệnh truyền nhiễm do virus rubella thuộc họ togavirus gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nước bọt của người mang bệnh hoặc lây từ mẹ sang con qua nhau thai.
Bệnh sởi Đức thường xảy ra vào mùa đông xuân, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng ít gặp ở trẻ sơ sinh trừ trường hợp trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh.
Triệu chứng lâm sàng phân biệt bệnh sởi Đức và sởi thông thường
Bệnh sởi thông thường
– Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 10 – 12 ngày. Trong giai đoạn này trẻ hầu như không biểu hiện gì, nhưng vẫn có nguy cơ lây bệnh cho mọi người xung quanh.
– Giai đoạn khởi phát: Triệu chứng đặc trưng là sốt ở mức độ nhẹ đến vừa, kèm ho khan, chảy mũi nước, viêm kết mạc mắt, tiêu chảy… Sau khi xuất hiện các triệu chứng trên, trẻ bắt đầu nổi ban là các hạt Koplik – màu trắng ngà, xung quanh có viền đỏ, mọc ở vòm họng, niêm mạc má. Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh.
– Giai đoạn toàn phát: Sốt cao khoảng 39 độ, phát ban dát sẩn màu hồng theo thứ tự bắt đầu ở sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ rồi dần dần xuất hiện khắp người. Ban có đặc điểm khi căng da thì mất, kèm ngứa, khó chịu.
– Giai đoạn phục hồi: Ban nhạt màu và lặn dần theo thứ tự mọc. Các triệu chứng lâm sàng giảm dần.
Bệnh sởi Đức
– Thời kỳ ủ bệnh kéo dài khoảng 12 – 23 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, giai đoạn này bệnh nhân cũng không có triệu chứng giống như bệnh sởi thông thường.
– Khởi phát: Khác với sởi thông thường – có các triệu chứng như sốt nhẹ, ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc, tiêu chảy… ở sởi Đức các triệu chứng này ít khi xuất hiện.
– Toàn phát: Bệnh nhân sốt nhẹ khoảng 38 độ C, nhức đầu, mệt mỏi, đau họng, chảy mũi trong, đỏ mắt, thường xuất hiện 1- 4 ngày. Nổi hạch, phát ban, ban mọc ở đầu, mặt, rồi mọc toàn thân, không tuần tự như sởi thường.
– Thời kỳ lui bệnh: Bệnh nhân hết sốt, ban bay không theo quy luật và không để lại dấu vết trên da.
Biến chứng của bệnh sởi Đức và sởi thông thường
Bệnh sởi thông thường
Sởi thông thường có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề như:
– Viêm tai giữa cấp, viêm phế quản: Đây là biến chứng thường gặp nhất.
– Viêm phổi nặng: Gồm triệu chứng sốt cao, nhiễm trùng, khi nghe phổi thấy ran nổ, công thức máu thấy bạch cầu tăng cao, trên phim X- quang thấy hình ảnh nốt mờ rải rác ở hai trường phổi.
– Viêm não – màng não: Là biến chứng lên hệ thống thần kinh trung ương, có thể gây tử vong và để lại nhiều di chứng nặng nề. Các biểu hiện gồm: sốt cao, co giật, bí đái, đái dầm, rối loạn ý thức dẫn đế đi vào hôn mê.
– Biến chứng tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng, cam tẩu mã – gây hoại tử niêm mạc miệng, hơi thở có mùi hôi. Viêm ruột với biểu hiện tiêu chảy thường nặng nề hơn so với các loại tiêu chảy do virus khác.
– Biến chứng mắt – loét giác mạc, có thể để lại di chứng mù vĩnh viễn.
– Suy dinh dưỡng hậu sởi.
– Sảy thai, sinh non khi mắc sởi ở phụ nữ đang mang thai.
Bệnh sởi Đức
Bệnh sởi Đức tuy lành tính, tỷ lệ biến chứng thấp, nhưng phụ nữ mang thai mắc bệnh lại rất nguy hiểm. Các biến chứng bao gồm:
– Viêm khớp, viêm não, viêm tai hiếm gặp.
– Phụ nữ có thai mắc sởi Đức trong 3 tháng đầu làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, sinh non, trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, mắc hội chứng rubella bẩm sinh.
Phòng bệnh sởi Đức và sởi thông thường
– Biện pháp không đặc hiệu: Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, vệ sinh nhà ở, phòng học, nơi làm việc gọn gàng, thoáng mát…
– Biện pháp đặc hiệu: Tiêm vắc-xin phòng bệnh nhằm tạo hệ miễn dịch chủ động cho cơ thể, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế biến chứng.
+ Đối với sởi thông thường: Cho trẻ tiêm phòng vắc-xin mũi 1 từ trên 9 tháng tuổi, sau 12 tháng tuổi tiêm vắc-xin kết hợp MMR phòng 3 bệnh sởi, quai bị, rubella.
+ Đối với bệnh sởi Đức: Được khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hay có ý định mang thai.
Bệnh sởi thông thường có nguy cơ biến chứng cao, có thể gây tử vong nhất là đối tượng trẻ em, còn bệnh sởi Đức lại rất nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai nên việc tiêm phòng vắc-xin là vô cùng quan trọng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh