✴️ Rối loạn nhịp tim ở trẻ sơ sinh

Nội dung

Rối loạn nhịp tim là một bệnh lý nghiêm trọng đối với tất cả mọi người. Nhưng rối loạn nhịp tim ở trẻ sơ sinh có thể là một mối lo ngại lớn hơn đối với cha mẹ và người chăm sóc trẻ.

Một số loại rối loạn nhịp không gây nguy hiểm gì cho trẻ và thường sẽ tự biến mất. Một số loại khác thì cần phải được phẫu thuật và đôi khi phải gắn máy tạo nhịp để đảm bảo được một nhịp tim khỏe mạnh.

Vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao lại xảy ra rối loạn nhịp tim ở trẻ nhỏ. Có một số yếu tố nguy cơ có thể góp phần gây ra rối loạn nhịp tim ở trẻ sơ sinh như: các khác biệt trong cấu trúc cơ thể, mất nước và đột biến gen.

Bệnh lý này được ước tính xuất hiện trong 1 trên 5 trẻ sơ sinh.

Nếu như trẻ được chẩn đoán rối loạn nhịp tim thì gia đình nên hợp tác làm việc kỹ càng cùng với các bác sĩ để có thể có được một tiên lượng tốt cho trẻ.

 

NGUYÊN NHÂN

Trong nhiều trường hợp thì nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim sơ sinh vẫn chưa rõ.

Có một vài yếu tố có liên quan đến nguy cơ gặp phải rối loạn nhịp tim sơ sinh cao hơn. Một số yếu tố mang tính tạm thời và có thể chữa khỏi dễ dàng. Một số khác có thể cần phải được chăm sóc lâu dài.

Các yếu tố nguy cơ thường gặp:

  • Khác biệt cấu trúc bẩm sinh
  • Mất nước
  • Mất cân bằng điện giải
  • Viêm
  • Đột biến gen
  • Tác dụng phụ của thuốc

 

CÁC DẠNG RỐI LOẠN NHỊP TIM SƠ SINH THƯỜNG GẶP

Rối loạn nhịp tim sơ sinh có thể lành tính hoặc không.

Rối loạn nhịp lành tính không gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì nguyên nhân này nên chúng không cần phải điều trị gì đáng kể. Chúng cũng có thể biến mất khi trẻ lớn lên.

Rối loạn nhịp tim không lành tính thì nghiêm trọng hơn và cần được điều trị sớm lúc trẻ còn nhỏ và có thể tiếp tục nhiều năm sau đó.

Rối loạn nhịp có thể được phân loại như:

  • Quá nhanh
  • Quá chậm
  • Quá hỗn loạn

Nếu nhịp tim quá nhanh

Có một vài loại rối loạn nhịp nhanh khác nhau, một số thì có nguy cơ cao hơn các loại còn lại.

Các loại rối loạn nhịp nhanh:

  • Nhịp nhanh trên thất (SVT). Rối loạn ở ngay phía trên hai buồng tim ở dưới. Đây là loại rối loạn nhịp thường gặp thứ hai ở trẻ sơ sinh. Một nghiên cứu năm 2019 gợi ý rằng, hầu hết các trường hợp rối loạn nhịp nhanh trên thất có thể tự biến mất và chỉ dùng thuốc đã có thể đủ để kiểm soát bệnh lý này.
  • Rung nhĩ. Đây là rối loạn nhịp ở hai buồng tim phía trên và nhịp tim dao động từ 280 đến 500 nhịp mỗi phút. Một nghiên cứu năm 2020 gợi ý rằng dù rung nhĩ có thể gây đe dọa tính mạnh nhưng chẩn đoán sớm trong thai kì và điều trị sớm có thể giúp giữ được mạnh sống của trẻ. Máy chuyển nhịp bằng điện sử dụng các miếng chuyển nhịp đặt lên ngực của trẻ để truyền các xung điện làm cho nhịp tim trở lại bình thường.
  • Hội chứng Wolff-Parkinson-White. Đây là một rối loạn nhịp tim sơ sinh hiếm gặp, xảy ra do có thêm một đường dẫn xung điện ở trong tim, gây ra một dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Một vài trẻ có hội chứng này có thể có thêm một dị dạng cấu trúc bẩm sinh. Một thủ thuật cắt bỏ đôi khi có thể loại bỏ được đường dẫn truyền dư thừa đó.
  • Nhịp nhanh thất. Nhịp tim nhanh này bắt nguồn từ tâm thất. Rối loạn này ít gặp hơn nhịp nhanh trên thất. Một đợt rối loạn nhịp nhanh thất nếu chỉ kéo dài khoảng vài giây thì thường vô hại, nhưng nếu kéo dài lâu hơn thì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu nhịp tim quá chậm

Loại rối loạn nhịp này thường ít gặp hơn rối loạn nhịp nhanh ở trẻ sơ sinh. Có các loại:

  • Nhịp chậm xoang. Đây là loại nhịp tim chậm gây ra bởi một tín hiệu bất thường bắt nguồn từ nút xoang- “ máy tạo nhịp” của tim và là nguồn gốc của các xung điện làm cho tim co bóp được. Nhịp chậm xoang ở trẻ sơ sinh là bất thường. Khi xảy ra, chúng thường là kết quả của trào ngược dạ dày thực quản hoặc do sự kiểm soát của hệ hô hấp chưa trưởng thành, thường trường hợp này sẽ tự biến mất.
  • Block tim. Đây là tình trạng tắc nghẽn xung điện ở bên trong tim. Thường được biết đến với cách gọi Block nhĩ thất và có thể là một tình trạng tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Rối loạn nhịp tim di truyền

Một vài rối loạn nhịp là do đột biến di truyền, ví dụ như:

  • Hội chứng QT kéo dài. Gây ra nhịp tim nhanh, rối loạn. Hội chứng QT kéo dài xảy ra khi các cơ ở thành tim mất quá nhiều thời gian để giãn ra.
  • Hội chứng QT ngắn. Xảy ra khi cơ tim dùng ít thời gian hơn bình thường để giãn ra giữa các nhịp tim.
  • Nhịp nhanh thất đa hình có liên quan Catecholamin. Đây là một tình trạng hiếm có thể gây ngất, đặc biệt khi trẻ bị kích động hay hoạt động thể chất.

Rối loạn nhịp lành tính

Mặc dù vấn đề tim mạch nào cũng có thể gây lo lắng, nhưng một số loại rối loạn nhịp tim sơ sinh có thể chỉ có một vài vấn đề hoặc không có vấn đề nào đáng lo ngại và thường sẽ tự biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng. Ví dụ như:

  • Nhịp nhanh xoang. Đây là loại rối loạn nhịp tim sơ sinh thường gặp nhất. Xảy ra bắt nguồn từ nút xoang và nhịp tim có thể lên đến 170 lần một phút. Nhịp nhanh xoang thường không cần điều trị vì đây thường là phản ứng của cơ thể khi đau, nhiễm trùng hoặc kích động.
  • Co bóp nhĩ sớm (PAC). Đây là một tình trạng thường gặp và bắt nguồn từ tâm nhĩ. PAC gây ra thêm một vài nhịp tim thừa. Thường thì không cần phải điều trị.
  • Co bóp thất sớm (PVC). Đây là một tình trạng rối loạn nhịp tim sơ sinh hiếm gặp, xảy ra do các nhịp tim thừa bắt nguồn từ tâm thất. PVC thường tự biến mất trong vòng vài tháng. Nếu như cần điều trị thì thuốc rối loạn nhịp ngắn hạn thường đã đủ hiệu quả.

CÁC DẠNG RỐI LOẠN NHỊP TIM SƠ SINH THƯỜNG GẶP

 

TRIỆU CHỨNG CỦA RỐI LOẠN NHỊP TIM SƠ SINH

Các triệu chứng của rối loạn nhịp tim sơ sinh có thể khác nhau tùy thuộc vào loại rối loạn nhịp. Nhưng nhìn chung thì các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh hoặc chậm bất thường
  • Khó thở
  • Khó chịu
  • Bú khó
  • Thiếu năng lượng
  • Chảy mồ hôi bất thường

 

CHẨN ĐOÁN

Các bác sĩ sẽ lắng nghe nhịp tim của trẻ để có thể phát hiện ra rối loạn nhịp. Việc này có thể thực hiện trong thai kỳ, thông qua siêu âm.

Để có được chẩn đoán chính xác hơn, các bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm sau.

  • Điện tâm đồ để đo lường các hoạt động điện ở trong tim
  • Siêu âm đường thực quản, sử dụng một đầu dò thon nhỏ đặt xuyên qua mũi của trẻ đi đến thực quản để có được các hình ảnh siêu âm của tim đang đập
  • Máy theo dõi Holter, một thiết bị có thể mang theo được để theo dõi nhịp tim của người đeo trong suốt 24 giờ
  • Cấy ghép máy theo dõi tim, thường được thực hiện trên những trẻ có những triệu chứng rời rạc, không liên tục.

 

ĐIỀU TRỊ

Biện pháp điều trị thích hợp thì phụ thuộc vào loại rối loạn nhịp, tuổi của trẻ và tổng trạng của trẻ.

Thuốc chống rối loạn nhịp thường là điều trị đầu tay của một số loại rối loạn nhịp nhất định. Một nghiên cứu năm 2022 gợi ý rằng thuốc chống rối loạn nhịp thường an toàn và có hiệu quả trong điều trị nhịp nhanh trên thất ở trẻ sơ sinh. Trong một số trường hợp, thuốc cũng có thể đủ hiệu quả để chữa khỏi hoàn toàn tình trạng rối loạn nhịp tim.

Một thủ thuật cắt bỏ đôi khi có thể loại bỏ được nguyên nhân của rối loạn nhịp.

Đối với các loại loạn nhịp có nguyên nhân liên quan đến cấu trúc như hội chứng Wolff-Parkinson-White thì cắt bỏ qua ống catheter có thể có hiệu quả. Thủ thuật sử dụng một ống catheter nhỏ để luồng vào tim. Đầu tận của catheter được gắn với một thiết bị có thể phá hủy các mô bất thường bằng sóng radio hoặc bằng cách đóng băng chúng.

Đối với block tim thì bác sĩ có thể sẽ phải cấy một máy tạo nhịp vào để làm ổn định nhịp tim. Khi trẻ lớn lên thì máy sẽ cần được thay thế.

Khi trẻ có bệnh tim bẩm sinh thì các bác sĩ có thể sẽ cần thực hiện mổ hở để sửa lại tim hoặc ít nhất là có thể làm giảm bớt một số nguy cơ. Một số trẻ có sẽ cần được phẫu thuật tim nhiều lần trong vài năm để có thể theo kịp được tốc độ phát triển của tim.

 

TIÊN LƯỢNG

Tiên lượng của trẻ có rối loạn nhịp tim phụ thuộc vào loại rối loạn nhịp mà trẻ mắc phải. Tiên lượng cũng phụ thuộc vào việc phát hiện và điều trị sớm hay muộn.

Một nghiên cứu năm 2022 gợi ý rằng, so với những trẻ có rối loạn nhịp lành tính, các trẻ mắc phải rối loạn nhịp không lành tính có tỷ lệ tái phát và tử vong cao hơn.

Tuy nhiên, một báo cáo của hiệp hội chăm sóc tích cực tim mạch nhi cho rằng nếu như được chẩn đoán, điều trị sớm và chuẩn xác thì trẻ có thể tránh được nhiều sự kiện nguy hiểm đến tính mạng và có thể có được chất lượng cuộc sống tốt.

Báo cáo này cũng ghi nhận rằng việc chăm sóc ngắn hạn hoặc dài hạn cho trẻ rối loạn nhịp tim có thể sẽ cần vài biện pháp điều trị khác nhau, bao gồm thuốc, dụng cụ cấy ghép và phẫu thuật hoặc catheter tim mạch.

 

KẾT LUẬN

Một vài trẻ sơ sinh bị mắc rối loạn nhịp tim bẩm sinh nhưng không có triệu chứng rõ ràng. Một số triệu chứng, ví dụ như bú khó hay quấy khóc có thể không làm nghĩ ngay được đến vấn đề tim mạch. Nên cho bé đi khám nếu như có nghi ngờ.

Để đảm bảo sức khỏe của trẻ và xác định được các vấn đề sớm thì nên đi khám định kỳ đúng hẹn.

Không nên do dự gì khi cần thảo luận về các triệu chứng và hành động khác thường của trẻ hay bất cứ vấn đề, thắc mắc cần giải đáp cho dù chỉ là một cảm giác nghi ngờ không rõ ràng.

Các bác sĩ thường có thể chẩn đoán được bệnh rối loạn nhịp tim khi trẻ vừa sinh ra, nhưng cũng có thể trễ hơn. Nên chú ý đến nhịp thở của trẻ, mức độ hoạt động, thói quen bú, và hành vi của trẻ để có thể phát hiện được các dấu hiệu đáng nghi ngờ sớm hơn.

Phát hiện sớm có thể giúp trẻ được điều trị sớm và có được tiên lượng tốt nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top