Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị phổ biến thường dùng cho các trường hợp bệnh nhân mắc thoái hóa cột sống cổ và đau cổ nói chung. Hầu hết các bài tập luyện đều bao gồm các phương pháp giảm đau, kéo giãn cột sống nhằm cải thiện và ngăn ngừa các triệu chứng bệnh.
Các phương pháp vật lý trị liệu mang lại nhiều tác dụng cho người bệnh, cụ thể đó là:
– Hạn chế việc sử dụng và lạm dụng các loại thuốc giảm đau, đồng thời tránh được các nguy cơ rủi ro từ tác dụng phụ không mong muốn.
– Một số bài tập và phương pháp trị liệu có thể được thực hiện ngay tại nhà, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho người bệnh.
– Đem lại hiệu quả lâu dài và hạn chế nguy cơ tái phát bệnh.
– Hỗ trợ và thúc đẩy sự linh hoạt của vai, gáy, cổ, hạn chế nguy cơ tái phát tình trạng thoái hóa khớp và các bệnh về xương khớp tác động đến vùng vai, gáy.
– Hạn chế nguy cơ can thiệp phẫu thuật cho người bệnh.
Phương pháp vật lý trị liệu thường được sử dụng trong điều trị nội khoa, bao gồm các phương pháp chủ động luyện tập và trị liệu bị động thông qua nhiều tác nhân khác nhau. Các phương pháp vật lý trị liệu điều trị thoái hóa cột sống cổ phổ biến hiện nay bao gồm:
Mục tiêu chính của phương pháp vật lý trị liệu bị động đó là giảm đau, sưng, viêm và hạn chế các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Có nhiều phương pháp vật lý trị liệu bị động được áp dụng để điều trị thoái hóa cột sống cổ như:
Người bệnh có thể sử dụng một túi đá chườm vào cổ trong khoảng 10 – 15 phút để cải thiện tình trạng viêm. Bên cạnh đó, việc chườm nước nóng cũng giúp tăng lưu lượng máu lưu thông và cải thiện đáng kể các cơn đau.
Massage, xoa bóp nhẹ nhàng tại vùng cổ, vai, gáy là phương pháp thực hiện ngay tại nhà giúp cải thiện nhanh chóng các cơn đau. Trong một số trường hợp, người bệnh cũng có thể sử dụng dầu thảo dược thoa trực tiếp lên khu vực đau để tăng cường hiệu quả điều trị bệnh.
Các thiết bị hỗ trợ chuyên khoa có thể là máy trị liệu vận động, quang trị liệu bằng tia Laser, máy tạo sóng xung kích, châm cứu, điện chẩn…có tác dụng làm giảm áp lực lên các đốt sống cổ và cải thiện tình trạng hệ thống thần kinh bị chèn ép. Bên cạnh đó còn giúp hạn chế tình trạng dính khớp, làm đốt sống cổ trở nên linh hoạt hơn và cải thiện đường cong sinh lý ở cổ, vai, gáy.
Vật lý trị liệu chủ động là phương pháp điều trị thông qua các bài tập, vận động cơ thể để cải thiện sự linh hoạt và sức mạnh ở vùng cổ. Các bài tập này cũng hỗ trợ kéo giãn cơ và đốt sống cổ, giúp giảm đau, giảm căng thẳng lên cột sống. Một số phương pháp vật lý trị liệu chủ động điều trị thoái hóa cột sống cổ bao gồm:
– Tư thế ngã đầu trước
Người bệnh thực hiện ngồi, giữ cột sống và cổ thẳng, đưa vị trí cằm song song với sàn nhà. Từ từ ngả đầu ra phía sau và giữ yên trong khoảng 15 giây, thực hiện lại động tác 3 lần.
– Bài tập vận động cổ
Chuẩn bị tư thế ngồi, giữ lưng và cổ thẳng, đầu hơi nghiêng sang bên phải và cúi cằm về phía ngực. Người bệnh giữ yên vị trí này trong khoảng 15 giây, sau đó từ từ trở về vị trí ban đầu. Lặp lại các động tác sang phía bên trái và thực hiện đủ 3 lần mỗi bên.
– Bài tập điều chỉnh tư thế
Người bệnh đứng thẳng người, hai tay thả lỏng dọc theo thân người. Sau đó rút vai lại, đồng thời siết chặt bả vai về phía sau kết hợp nén vai xuống sàn và giữ yên trong khoảng 10 giây, thực hiện trong 3 lần.
– Bài tập nhún vai
Người bệnh giữ tư thế ngồi trên sàn nhà, từ từ nâng vai lên và xoay theo đường tròn hướng xuống sàn nhà. Tiếp tục quay về vị trí ban đầu, thực hiện 10 lần tại mỗi bên.
Trong quá trình thực hiện vật lý trị liệu, để tăng cường hiệu quả điều trị và hạn chế những rủi ro không mong muốn, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Điều trị đúng theo phác đồ của bác sĩ.
– Thực hiện bài tập theo chỉ dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu hoặc người có chuyên môn.
– Tuyệt đối không tự ý sử dụng hay ngưng thuốc điều trị nếu không nhận được chỉ định của bác sĩ.
– Xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt và luyện tập hợp lý, lành mạnh.
– Hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,… có hại cho sức khỏe
– Tái khám định kỳ.
– Ngoài ra, các trường hợp bệnh nhân gặp tổn thương ở đốt sống cổ, người bị nhiễm trùng hoặc xuất hiện các khối u ở cổ thì thường không được chỉ định áp dụng các bài tập vật lý trị liệu mà cần có sự tư vấn của bác sĩ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh