✴️ Tắc ruột ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân và cách điều trị

1. Tổng quan về tắc ruột

Tắc ruột đã được biết và điều trị từ thời Hippocrate. Trường hợp phẫu thuật tắc ruột sớm nhất được thực hiện do Praxagora vào khoảng năm 350 trước công nguyên bằng cách tạo một lỗ rò ruột non qua da để giải thoát chỗ tắc. Tuy vậy, phương pháp điều trị tắc ruột thời điểm đó chủ yếu vẫn là nội khoa, không mổ, bằng giảm đau (opium), uống thủy ngân, rửa dạ dày.

Ở thế kỷ XIX, điều trị tắc ruột bằng phẫu thuật trở nên phổ biến hơn. Song việc điều trị chưa có tiến bộ nhiều vì hiểu biết về tắc ruột vẫn còn nhiều hạn chế.

Thập niên thứ hai của thế kỷ XX, việc phát minh và ứng dụng tia X Quang trong y học đã giúp chẩn đoán sớm được tắc ruột. Từ những năm 30 tới nay, tỷ lệ tử vong do tắc ruột đã giảm đáng kể nhờ sự ra đời của ống thông dạ dày, ống thông ruột non (1930); kháng sinh (1940 – 1950) cùng với phác đồ điều trị bồi phụ nước và điện giải, những tiến bộ trong gây mê hồi sức và kỹ thuật mổ xẻ.

Tuy nhiên, việc chẩn đoán và xử trí sớm xoắn ruột vẫn là vấn đề cần tiếp tục trong nghiên cứu tắc ruột hiện nay.

Tắc ruột ở trẻ sơ sinh

Hệ thống ruột non và ruột già ở trẻ sơ sinh

 

2. Tắc ruột ở trẻ sơ sinh là gì?

Tắc ruột được định nghĩa là một hội chứng ngừng lưu thông của hơi, dịch và các chất có trong lòng ruột. Tắc ruột do sự cản trở cơ học nằm từ góc Treitz đến hậu môn gọi là tắc ruột cơ học. Tắc ruột do ngừng nhu động ruột gọi là tắc ruột cơ năng hay tắc ruột do liệt ruột.

Tắc ruột ở trẻ sơ sinh thường gặp ở trẻ đẻ non và người mẹ bị cúm khi mang thai, không phân biệt giới tính, tùy theo nguyên nhân gây tắc.

 

3. Nguyên nhân gây tắc ruột ở trẻ sơ sinh

3.1. Tắc tá tràng

Hiện tượng tắc tá tràng có thể do nguyên nhân bên trong như: teo tá tràng, hẹp tá tràng. Bên cạnh đó, các nguyên nhân bên ngoài gồm: tụy hình nhẫn, dây chằng Ladd, kìm động mạch, tĩnh mạch cửa trước tá tràng.

 

3.2. Teo ruột

Tình trạng này thường gặp ở ruột non, đoạn teo có thể ngắn hay dài, một hay nhiều đoạn. Có 3 hình thái teo ruột chính:

– Thể màng ngăn: giữa 2 đoạn ruột ngăn cách bởi một màng ngăn niêm mạc.

– Thể dây xơ: một dây xơ nối đoạn trên và dưới.

– Thể gián đoạn: 2 đầu ruột không dính với nhau, mạc treo hình khuyết chữ V.

 

3.3. Viêm phúc mạc bào thai gây tắc ruột ở trẻ sơ sinh

Trẻ bị thủng ruột thời kỳ bào thai dẫn đến phân su tràn vào ổ bụng. Các thể viêm phúc mạc thường gặp là: viêm phúc mạc dính, viêm phúc mạc tự do, viêm phúc mạc kết bọc, viêm phúc mạc thể nang giả,…

 

3.4. Tắc ruột phân su

Phân su đặc quánh lấp đầu lòng ruột gây tắc, thường tắc ở đoạn cuối hồi tràng. Đây là biểu hiện sớm của bệnh xơ nang tụy.

Bụng chướng và tuần hoàn bàng hệ trong tắc ruột ở trẻ sơ sinh

Bụng chướng và tuần hoàn bàng hệ trong tắc ruột ở trẻ sơ sinh

 

3.5. Dị tật hậu môn trực tràng

– Không có lỗ hậu môn: có lỗ rò hoặc không có lỗ rò.

– Có lỗ hậu môn: tắc ruột do teo trực tràng, hẹp hậu môn trực tràng.

 

3.6. Tắc ruột cơ năng

Nguyên nhân là do giãn đại tràng bẩm sinh hoặc các nhiễm khuẩn sơ sinh nặng gây liệt ruột.

 

4. Chẩn đoán tắc ruột ở trẻ sơ sinh

4.1. Chẩn đoán lâm sàng

– Trẻ không đi ngoài phân su trong 24h đầu.

Đặc điểm phân su: màu xanh đen, đặc quánh, thành phần gồm dịch tiêu hóa và lớp biểu bì. Sử dụng nghiệm pháp Faber để tìm tế bào sừng trong phân su, ở trẻ bình thường sẽ có kết quả dương tính.

– Nôn: thường xuất hiện sớm, trẻ nôn ra sữa hoặc nước mật.

– Bụng chướng dần: bụng căng như quả bóng, có thể nổi tuần hoàn bàng hệ.

– Thăm khám hậu môn – trực tràng của trẻ:

Qua thăm khám có thể phát hiện trẻ không có lỗ hậu môn, do trẻ bị dị tật hậu môn – trực tràng dẫn đến tắc ruột.

Với trẻ có lỗ hậu môn, bác sĩ tiến hành thăm khám bằng ống thông Nelaton. Có 3 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Ống thông chỉ vào được 2 – 3cm, không có phân su ra do trẻ bị teo trực tràng.

Trường hợp 2: Ống thông vào được sâu, có phân su ra do trẻ bị giãn đại tràng bẩm sinh.

Trường hợp 3: Ống thông vào được sâu nhưng không có phân su ra do trẻ bị tắc ruột ở cao (teo ruột non).

– Tình trạng toàn thân: trẻ đẻ non (dưới 37 tuần), mất nước, hội chứng nhiễm trùng, dị tật phối hợp,…

 

4.2. Chẩn đoán cận lâm sàng tắc ruột ở trẻ sơ sinh

– Chụp bụng không chuẩn bị: Hình mức nước – mức hơi; ổ bụng mờ; hình ảnh vôi hóa.

– Chụp đại tràng có cản quang: Hình ảnh đại tràng nhỏ (tắc ruột non); có thể thấy vị trí tắc ở đại tràng.

– Chụp lưu thông ruột: Chỉ định trong trường hợp hẹp ruột (tắc ruột không hoàn toàn); thấy được vị trí hẹp ruột.

– Siêu âm trước và sau khi sinh: Hình ảnh quai ruột giãn, xẹp (teo ruột non); có dịch ổ bụng (viêm phúc mạc bào thai); dạ dày và tá tràng giãn (tắc tá tràng).

Hình ảnh X Quang trong tắc ruột ở trẻ sơ sinh

Hình ảnh X Quang trong tắc ruột ở trẻ

 

5. Điều trị tắc ruột ở trẻ sơ sinh

Các trường hợp tắc ruột sơ sinh hoàn toàn do nguyên nhân cơ giới được chỉ định mổ cấp cứu. Lý tưởng là điều trị tắc ruột và xử trí nguyên nhân tắc trong cùng một lần mổ.

Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng thực hiện được nguyên tắc trên vì còn phụ thuộc vào tình trạng tại chỗ và tình trạng toàn thân của bệnh nhân.

 

5.1. Chuẩn bị trước khi mổ

– Không cho trẻ bú.

– Ủ ấm cho trẻ.

– Đặt ống thông dạ dày.

– Trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.

– Chuyển tới điều trị phẫu thuật.

 

5.2. Phương pháp mổ

– Giải quyết nguyên nhân gây tắc ruột: cắt dây chằng Ladd, cắt đoạn ruột teo,…

– Lập lại lưu thông ruột ngay: nối ruột tận – tận, tận – chéo, tận – bên,…

– Dẫn lưu ruột tạm thời trong trường hợp không đủ điều kiện nối ruột ngay.

Điều trị tắc ruột ở trẻ sơ sinh

Cắt đoạn ruột bị tắc và nối ruột

 

5.3. Chăm sóc sau mổ cho trẻ

– Ủ ấm cho trẻ.

– Đặt ống thông dạ dày.

– Kháng sinh điều trị.

– Trẻ được nuôi dưỡng đường tĩnh mạch.

– Theo dõi các biến chứng có thể có sau mổ.

Trên đây là các thông tin về chứng tắc ruột ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị. Khi bị tắc ruột, trẻ cần được cấp cứu khẩn trương để giảm thiểu rủi ro cho trẻ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top