Thay đổi hướng điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến chứng bệnh đái tháo đường đã gây ra 12% số ca tử vong trên toàn thế giới trong năm 2010. Dưới đây là những dấu hiệu chỉ ra người bệnh đã không kiểm soát tốt được bệnh lý, cần nhanh chóng đi gặp bác sỹ để điều chỉnh lại phác đồ điều trị, từ đó giúp phòng ngừa biến chứng xuất hiện và trở nên nghiêm trọng hơn.

1. Lượng đường huyết cao

Dấu hiệu rõ ràng nhất của việc không kiểm soát được tốt bệnh đái tháo đường là lượng đường huyết tăng cao. Bệnh nhân đái tháo đường sẽ được coi là đường huyết tăng cao nếu chỉ số đo được trước bữa ăn trên 130mg/dl, sau bữa ăn 1 - 2 giờ trên 180mg/dl hoặc trước lúc đi ngủ trên 150mg/dl.

Thông thường, việc uống thuốc và thay đổi lối sống có thể giúp mức đường huyết của người bệnh trong phạm vi an toàn. Tuy nhiên, nếu lượng đường huyết tăng lên đều đặn, người bệnh cần thông báo cho bác sỹ, họ sẽ có cách thức xử lý và điều chỉnh lại kế hoạch điều trị thích hợp.

 

2. Nhiễm trùng thường xuyên

Đái tháo đường có thể làm suy giảm chức năng miễn dịch, khiến cơ thể người bệnh trở nên nhạy cảm và rất dễ bị nhiễm trùng. Người bệnh cần đến gặp bác sỹ nếu đột ngột bị nhiễm trùng nhiều hơn, hoặc nhận thấy cơ thể mất rất nhiều thời gian để chữa khỏi một tình trạng nhiễm trùng đã bị trước đó.

Một số bệnh nhiễm trùng thông thường nhất liên quan đến bệnh đái tháo đường là: Nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng nấm men...

 

3. Tăng số lần tiểu tiện

Một người khỏe mạnh thường thải ra 1 - 2 lít nước tiểu mỗi ngày, nhưng ở những người mắc bệnh đái tháo đường, lượng nước tiểu thải ra cao gấp đôi, thậm chí gấp ba. Việc đi tiểu nhiều hơn do người bệnh kiểm soát bệnh lý không tốt, khiến cơ thể cố gắng loại bỏ đường glucose dư thừa ra khỏi máu thông qua việc bài tiết nước tiểu.

 

4. Cảm thấy khát

Đái tháo đường không kiểm soát tốt sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy khát và muốn uống nhiều nước hơn. Điều này do do cơ thể bị mất nước, thứ nhất vì nó cố gắng đảo thải đường dư thừa ra khỏi máu, thứ hai vì lượng đường huyết tăng cao cũng làm suy yếu khả năng hấp thu nước của cơ thể.

 

5. Mắc chứng ketoacida

Chứng ketoacida là tình trạng acid ketones bị tích tụ trong máu do đường huyết tăng cao kéo dài. Những dấu hiệu của việc bệnh nhân mắc chứng ketoacida là chóng mặt, buồn nôn, nhầm lẫn, mất ý thức, đau bụng và hơi thở có mùi trái cây. Chứng ketoacida có thể gây tử vong và phải được điều trị ngay tại các cơ sở y tế.

 

6. Cảm thấy đói

Nồng độ đường glucose trong máu tăng cao do hormone insulin không thể tách đường glucose khỏi máu, đưa nó vào trong tế bào để chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể sử dụng.  Vì không có glucose, tình trạng thiếu năng lượng sẽ kích thích cảm giác đói ở người bệnh.

 

7. Sụt cân không rõ nguyên nhân

Lượng đường huyết tăng cao khiến người bệnh bị sụt cân, cho dù là có ăn nhiều như thế nào. Điều này do tế bào trong cơ thể không nhận được glucose để sản sinh năng lượng, cơ thể phải sử dụng nguồn năng lượng dự trữ khác như chất béo để có thể hoạt động.

 

8. Các vấn đề về thận

Kiểm soát đái tháo đường không tốt có thể gây ra vấn đề ở thận. Theo thời gian, lượng đường tăng cao trong máu có thể gây tổn hại các mạch máu, bao gồm các mạch máu ở thận, từ đó ảnh hưởng đến khả năng lọc máu và gây ra bệnh thận. Nước tiểu sẫm màu, đau phần lưng dưới là triệu chứng cho thấy người bệnh có thể gặp phải các vấn đề về thận.

 

9. Triệu chứng tim mạch

Tăng huyết áp, đau ngực, hoặc nhịp tim bất thường là những dấu hiệu cảnh báo quan trọng, cho dù đó là do bệnh đái tháo đường hoặc một tình trạng nào đó khác mà người bệnh không nên bỏ qua việc đi khám bác sỹ.

 

10. Mất cảm giác ở chân tay

Đái tháo đường kiểm soát không tốt có thể làm hư hại tới dây thần kinh khắp cơ thể, đặc biệt là ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận cảm giác ở bàn tay hoặc bàn chân.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top