Nếu như các triệu chứng của bệnh Alzheimer giai đoạn đầu khá mờ nhạt khiến nhiều người thường lầm tưởng với hội chứng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi, thì biểu hiện bệnh Alzheimer ở giai đoạn cuối đã trở nên rõ rệt.
Ở giai đoạn nặng, người bệnh mất dần khả năng ngôn ngữ, lượng từ vựng cũng giảm thiểu đáng kể và chỉ còn nhớ các cụm từ đơn giản hoặc các từ đơn lẻ, sau cùng là mất hoàn toàn tiếng nói, suốt ngày chỉ “ú ú, ớ ớ”.
Tuy mất khả năng ngôn ngữ bằng lời nói, nhưng người bệnh Alzheimer vẫn có thể hiểu và đáp lại các tín hiệu cảm xúc.
Ở giai đoạn cuối, các biểu hiện mất kiểm soát hành vi ở người bệnh Alzheimer càng được biểu hiện rõ rệt. Người bệnh không thể tự chủ trước các hành động của mình. Ở giai đoạn này, các biểu hiện hung hăng, bất ổn, khó chịu, bùng nổ hoặc phản kháng lại sự chăm sóc của người thân vẫn còn, bên cạnh đó ở giai đoạn cuối, nhiều người bệnh Alzheimer còn biểu hiện sự thờ ơ, kiệt sức hoàn toàn, chán nản.
Bệnh nhân Alzheimer giai đoạn cuối phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc. Các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như tắm, rửa, đánh răng, ăn, uống,…. người bệnh không thể tự mình thực hiện được nếu như không có sự trợ giúp từ người khác.
Vào giai đoạn cuối, các khối cơ bị thoái hóa, việc cử động đối với người bệnh lúc này là rất khó khăn, do đó hầu hết thời gian họ phải nằm liệt giường và mất dần khả năng tự ăn, uống.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người bệnh Alzheimer thường tử vong do các tác nhân bên ngoài như: nhiễm trùng các vết loét do nằm lâu ngày, viêm phổi,… chứ không phải do bản thân bệnh. Rất nhiều trường hợp người bệnh Alzheimer tử vong do rối loạn chức năng nuốt, khiến khả năng ăn uống bị suy giảm, dẫn tới sặc trong quá trình ăn uống gây viêm phổi và tử vong.
Ngoài ra, nhiều người khác tử vong do bị té ngã, gây chấn thương đầu, chứ không phải bệnh Alzheimer.
Bệnh Alzheimer hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa. Các biện pháp điều trị bệnh Alzheimer gồm uống thuốc theo chỉ định, can thiệp tâm lý xã hội và chăm sóc, mang lại lợi ích cải thiện triệu chứng để giúp người bệnh sống chung với bệnh tật một cách nhẹ nhàng hơn.
Chăm sóc là một việc làm vô cùng cần thiết đối với người bệnh Alzheimer, đặc biệt là người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối. Bởi ở giai đoạn này người bệnh hầu như đã mất hoàn toàn khả năng tự đáp ứng nhu cầu bản thân, mọi việc từ đơn giản đến phức tạp đều phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Việc chăm sóc người bệnh cần thực hiện một cách cẩn trọng trong suốt quá trình phát triển của bệnh, bao gồm:
– Động viên, an ủi người bệnh
– Tạo môi trường sống an toàn cho người bệnh, tránh để các đồ vật mang tính nguy hiểm gần người bệnh.
– Khi ăn cần chia nhỏ thành nhiều bữa, có thể cắt nhỏ thức ăn hoặc thậm chí là nghiền thức ăn ra. Nếu người bệnh có biểu hiện không nuốt được thức ăn, có thể phải sử dụng dây cho ăn (ăn qua uống thông) tại nhà.
– Không nên bỏ đói người bệnh, không nên trói bệnh nhân. Tuy nhiên việc trói bệnh nhân có thể được xem xét nếu trong một số trường hợp thực sự cần thiết để đảm bảo việc ăn uống hoặc nhằm tránh tổn thương cho bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân.
Ở giai đoạn cuối, nhiều vấn đề bệnh lý khác có thể xuất hiện kèm theo như bệnh răng miệng, loét điểm tỳ, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng,… Lúc này người bệnh cần phải được điều trị và chăm sóc một cách chuyên nghiệp. Nhiều người lựa chọn đưa người bệnh Alzheimer giai đoạn nặng đến các cơ sở y tế như viện dưỡng lão, có người chăm sóc chuyên nghiệp để người bệnh được điều trị và chăm sóc một cách bài bản , giúp giảm nhẹ đau đớn cho người bệnh cho đến khi họ qua đời. Đồng thời cũng giảm bớt gánh nặng về tâm lý cho người thân khi chăm sóc bệnh nhân.
Chăm sóc bệnh nhân Alzheimer là việc làm không hề đơn giản, không chỉ cần sức khỏe mà người chăm sóc phải có một tâm lý vững vàng. Việc chăm sóc tuy không thể làm khỏi bệnh, nhưng sẽ giúp người bệnh vượt qua các giai đoạn của bệnh Alzheimer một cách nhẹ nhàng hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh